“Trại tế bần” ngủ đông

Thứ Sáu, 11 Tháng Năm 20182:28 SA(Xem: 5513)
“Trại tế bần” ngủ đông

Gần nhà tôi có một khu nhà khá kiên cố, tuy đã qua tay mấy chục chủ đầu tư nhưng khu nhà vẫn ngủ đông chẳng hẹn ngày hoàn thành. Nhiều người nói rằng các vị đại gia VN bỏ vài ba tỷ ra xây cái khung, mua tấm giấy phép để tiện nâng giá, sang tay, chủ thật sự nhiều khi còn chưa đến… Việt Nam đầu tư hoặc đang đi chữa bệnh đâu đó ở nước ngoài chưa (thèm) về! Thật ra thì chuyện này cũng bình thường, không quan trọng và chẳng… liên can đến câu chuyện tôi sắp kể! Saigon mà, tấc đất tấc vàng, đất dành cho các dự án thì càng… vàng hơn. Những khu nhà “ngủ đông” nhan nhản khắp nơi cũng góp phần đã tạo nên cái sự “vàng” đó!

trai-te-ban-ngu-dong5
Khu biệt thự hạng sang cũng bị bỏ hoang giữa Saigon đất chật người đông – Hình từ VNexpress

Sau một thời gian bị “bỏ rơi”, ban đầu còn có bảo vệ, rào, khóa 24/24 nhưng dần dà cửa cũng không thèm khóa, bảo vệ cũng biến mất. Công trình xây cất vĩ đại trở thành một “trại tế bần” tập trung nhiều sinh vật vô gia cư hội tụ sau khi bị khuân hết vật liệu xây dựng còn sót lại một cách công khai. Chủ nhân của khu nhà đa phần là mèo, chó, chuột, kiến, giun… Người vô gia cư chả ai dám ở đây, thà ngủ ghế công viên, nằm vỉa hè bờ kè sương lạnh bủa vây còn hơn ngủ trong lo sợ đang đi hoang trong cơn mộng thì bị trần nhà rớt xuống thì mất luôn mạng. Tuy là địa điểm lý tưởng cho các bợm rượu chiều chiều hẹn nhau ra chén tạc chén thù (vì không đủ tiền đi quán còn nhậu ở nhà thì bị vợ rầy, con cái xa lánh, hàng xóm gièm pha) nhưng họ chỉ dọn bàn bên ngoài sân trống chứ không ai dám bén mảng vào trong tòa nhà, ngay cả khi say quên trời quên đất… Nói là “trại tế bần” vì các sinh vật “tạm trú” ở đây không những có chỗ ở “free” mà còn được “hội” yêu động vật quanh vùng tiếp tế đồ ăn hàng ngày. Đa phần là trẻ em và mấy ông nhậu…

trai-te-ban-ngu-dong4
Em Phạm Song Toàn ‘tố’ cô giáo không giảng bài, kêu học sinh ngưng sủa suốt 3 tháng, phải chuyển trường vì bị bạn bè, trường chỉ trích làm giảm thi đua – Từ Zingnews

Nói ra điều này phải khá khen các ông bợm, tuy không chủ trương yêu động vật, giúp đỡ người nghèo nhưng các ông đã làm điều đó bằng một thói quen phổ biến và “trong sáng” của đa số người Việt – Sau mỗi “phiên nhậu” say sưa, các ông cứ thế mà xách… đít đi về hoặc xỉn quá thì nằm lăn ra đó chờ người nhà khiêng về, xe cấp cứu khiêng đi… Thế là các “vị” vô gia cư lại được một phen no nê nhờ các “chiến lợi phẩm” bị bỏ lại. Mấy chị ve chai lâu lâu cũng có phần. Và, dĩ nhiên, cũng nhờ các ông mà cái khu nhà “trùm mền” này cũng ngày càng nhiều rác…

trai-te-ban-ngu-dong3
Sài Gòn, Đà Lạt, Nha Trang, Đà Nẵng… mọi nơi ở VN đều ngập rác sau lễ Tết. Trong hình là người Đà Lạt phàn nàn – hình từ Facebook

Trẻ em thành phố rất đáng thương, muốn có một người bạn nhiều chân cũng không dễ, thậm chí nhiều đứa chẳng có đứa bạn hai chân nào. Nuôi một con vật ở thành phố cũng là một chuyện khó khăn, từ ăn uống, vệ sinh đến canh chừng cho chúng không bị con nghiện bắt, tín đồ thịt cầy dòm ngó và hàng xóm mắng vốn. Đa phần các nhà thường là chó đắt tiền, có lợi ích kinh tế (phối giống, bán chó con). Và những loại chó này thì người canh nó chứ nó không “rảnh” canh nhà. Chó đắt tiền thì không phải ai cũng được nhìn, ngắm, nựng nịu bất kể là hàng xóm nhà chung một vách tường. Thứ nhất vì sợ có chuyện gì bất trắc với bọn trẻ thì phụ huynh chúng mắng vốn, mất lòng hàng xóm và những con chó cũng liên lụy với chính quyền. Thứ nhì, là chó đắt tiền, nên sợ bị bắt mất.  Vì thế mà các nhà nuôi chó thường kín cổng cao tường, miễn tiếp khách không tạo ra lợi tức. Đó cũng là lý do, trong khi xóm rất nhiều nhà nuôi chó đẹp nhưng khi “hay tin” trong khu nhà hoang có chó mèo bọn trẻ vẫn tò mò, tìm kiếm, lén lút tiếp tế thức ăn hàng ngày. Mặc kệ bị cha mẹ cấm đoán, có đứa bị đánh đòn vì dám đi “xa” một mình không “bẩm báo” dù chỉ vài bước chân từ nhà đến “trại”.

trai-te-ban-ngu-dong1
Bắt cóc trẻ em ngay trong nhà, trước cửa hàng, giựt trên tay ba mẹ không còn là chuyện hiếm – Từ google

Bọn trẻ lớn lên ở thành phố bây chừ thường được người lớn cho là có cuộc sống đầy đủ hơn ngày xưa rất nhiều. Thay vì ăn cơm độn mặc áo rách, đi bộ hàng cây số đi học thì chúng có xe đưa rước, có cơm trắng áo thơm đi học, học thì toàn được cha mẹ thức đêm thức hôm, cày ngày cày đêm để lo vào trường chuyên lớp chọn. Chơi thì toàn đồ chơi bạc triệu, điện thoại, máy tính bảng, đồ điện tử chứ không phải lấm lem bùn đất, tự chế như hồi xưa… Hàng ngàn thứ khác, người ta đem ra so với nhau cũng có, dùng để “giáo dục” con cháu cũng có mà ngồi tiếc nuối cho bản thân cũng có… Tuy nhiên, nhiều người không thấy bọn trẻ thành phố bây chừ không có nhiều thứ, nhất là tự do và tuổi thơ. Càng giàu thì càng “tay trắng” trong hai “lãnh vực” căn bản đó. Chúng sẽ không bao giờ có “cơ hội” được lội hàng cây số đi học vì ba mẹ chúng sợ con mình bị bắt cóc. Có nhiều đứa mở cửa ra trước nhà đứng thôi cũng chẳng được. Vì mỗi ngày trên báo không biết bao nhiêu là vụ bắt cóc trắng trợn, bắt trước mặt phụ huynh luôn chứ chưa nói tới lén lút. Thứ hai, tuy không có “bất hạnh” ăn khoai độn, bo bo luộc nhưng bất kể thứ gì chúng cho vào miệng cũng có-thể là một chất độc, đồ giả… Ngay cả khi đó là đồ đắt tiền nhất, được chính phủ, công an, bộ y tế chứng nhận. Vì cũng chính họ cấp phép cho thuốc tây giả, trao giải thưởng cống hiến cho các công ty ma, làm ra những sản phẩm dỏm. Thứ ba, học trường chuyên, lớp chọn, giá đầu vào hàng ngàn đô Mỹ là của các vị phụ huynh chứ đối với bọn trẻ là áp lực. Để thành trường chuyên lớp chọn thì bản thân trường đó phải luôn “thi đua”, bảo đảm không để học sinh nào “rớt” lại sau mỗi năm học. Từ đó các em bị ép học quá nhiều, học ngày học đêm, học trên lớp rồi học nhà cô rồi đem bài tập về nhà học tiếp. “Nhờ” vậy mà số trẻ tự kỷ, trầm cảm, tự tử ở VN ngày càng tăng và phần lớn đều là những học sinh “ưu tú” của các ngôi trường “ưu tú” đó. “Vui chơi” cũng thế, giàu thì có máy tính bảng, điện thoại thông minh ‘chính chủ’, nghèo thì ra tiệm net… ai ai cũng tiếp cận văn minh quá sớm. Trí óc của bọn trẻ từ đó mà  “nở nang” nhiều lần, ngày càng nhiều lứa trẻ con ranh mãnh và lớn trước tuổi. Lại nhờ vậy mà chuyện có bầu sanh con từ 10 tuổi, 13 tuổi cũng được cho là bình thường. Các thành phố lớn rút ngắn khoảng cách văn minh với miền quê xa xôi bằng tục tảo hôn “thần thánh”. Chúng ta có một lớp trẻ mới, biết tất cả nhưng cũng chả biết gì. Trong khi phụ huynh vẫn an tâm kiếm tiền bỏ mặc con, an tâm giao tương lai của con cho bộ giáo dục toàn quyền “xử lý”. Đến khi xảy ra chuyện như con uống nước lau bảng đậm đặc hàng năm trời, cô giáo đến lớp không giảng bài nhiều tháng liền, học sinh bị thầy lạm dụng, cưỡng dâm, em bé 3 tuổi học tầng 3 mà lại té từ tầng 20 xuống tầng 6 tuyệt mạng trong “một trường mầm non đắt nhất thành phố”! Học sinh đâm thầy chết, đánh bạn bể đầu hoặc đạo đức, văn hóa, học vấn có vấn đề thì cứ chửi bộ giáo dục, cho rằng bản thân mình vô can. Trong khi hàng ngày họ ăn chung, ở chung, ngủ chung với con mình mà chẳng hay biết chuyện gì. Nhiều đứa trẻ tự tử, bỏ mạng, túng quẫn khi gặp vấn đề đó mà không biết tỏ cùng ai, nói với trường thì sợ bị bác bỏ vì làm ảnh hưởng thành tích thi đua của trường (như vụ em học sinh tố cáo cô giáo dạy mấy tháng không giảng bài phải chuyển trường vì bị tẩy chay). Nói với gia đình thì thường bị phụ huynh mặc định lỗi đầu tiên thuộc về chính con mình sau khi so sánh với “con nhà người ta”! Dĩ nhiên, hệ thống giáo dục VN quá sơ sài, xấu xí vì thi 9 điểm/3 môn (mỗi môn 3 điểm) có thể đậu sư phạm, muốn được đi dạy phải có từ hai trăm triệu, giáo viên làm “công tác chính trị” trên bàn nhậu, làm “part time” buôn ma túy, hoặc chỉ đi dạy để thỏa “đam mê” dâm loạn/hành hạ học trò… Nhưng các phụ huynh là người có lỗi hàng đầu, họ đồng ý và thỏa hiệp với cái xấu cái ác, không cần tìm hiểu cứ chạy chọt cho con mình học trường điểm rồi quần quật kiếm tiền để “lo cho con” mà không hề để ý con mình có vui không, có khỏe không, có được đối xử tốt không? Ngay cả khi biết chuyện, dẫu đã muộn, xảy ra rất nhiều lần nhưng các phụ huynh vẫn sợ tai tiếng mà không dám tố cáo, như chuyện cả chục học sinh bị một thầy dâm loạn nhiều lần mà chỉ có 7 gia đình làm đơn tố cáo mặc dầu “đã “họp” bàn 2 buổi liên tiếp”! Thế đấy, có chuyện thì họ im lặng hoặc đổ thừa, không đổ thừa bộ giáo dục thì đổ thừa chính con mình. “Như con người ta thì mày đâu có bị vậy!”

trai-te-ban-ngu-dong
Chó hoang, mèo hoang, chuột hoang không ai bắt, nhưng những bạn không hoang thế này thì lại rất dễ mất dẫu bị nhốt trong nhà – hình từ Facebook

Quay lại chuyện xóm tôi, sau thời gian phụ huynh hiệp lực cấm cản, các nhà “hảo tâm” nhí trong xóm “vơi đi ít nhiều”. Dần dà còn mỗi bạn Ly vì mẹ bạn “gan” hơn, không cấm con “tiếp tế” lương thực cho vì nhà bán cơm tấm, thay vì đổ bỏ bị “tội”, “Trời phạt” thì đem cho thú ăn. Nhưng bây chừ, bạn Ly cũng không thèm ra “trại” mà “tế bần” nữa. Lý do, một hôm nhà hết bịch ni lông (ngày thường bạn Ly sẽ lấy bịch ni lông đựng cơm và xương mang ra “trại” và dĩ nhiên, bạn “tế” luôn mấy cái bịch ngoài đó. Tính ra đống rác ngày càng nhiều ở công trình được sự “trợ giúp” của bạn không ít). Thế là bạn “chơi sang” lén mẹ xách luôn nguyên cái nồi đựng thức ăn thừa, xương, cơm ra “trại”. Sau khi mẹ phát hiện mất nồi, đòi bạn Ly, bạn chạy ra công trình đòi nồi. Nhưng mang đến thì dễ, mang đi thì khó. Trong nồi còn thức ăn nên khi bạn Ly đến gần, cả đám thú hoang gầm gừ, lông dựng mắt trợn răng nhe như muốn nói: Đừng hòng ăn ké! Thế là bạn sợ quá, chạy về “huy động” bọn bạn ra lấy nồi phụ chứ không về no đòn với mẹ. Bọn bạn tò mò chạy ra và chạy vô trong một nốt nhạc vì sợ. Ly, vì quá sợ mẹ đánh, liều mình lấy cái nồi nên bị chó táp một miếng, nhờ vậy mà không bị mẹ đánh, chỉ bị chửi mấy câu, được đưa đi chích ngừa, ‘khuyến mãi’ thêm là được nghỉ học mấy ngày. Mẹ bận buôn bán, Ly  hân hoan được cho qua ngoại chơi, ở mấy bữa không biết tâm sự kiểu gì, ngoại Ly hớt hải cho biết: Ly bị thầy trong trường cắn chỗ kín, không bị thương như bị chó cắn nhưng cũng rất đau. Thầy nói nếu méc mẹ thì mẹ sẽ đánh, vì hay bị mẹ đánh, mà theo Ly thì “Mẹ đánh thì đau hơn thầy cắn!” Ngoại, mẹ lên trường tố cáo, đó là một trường điểm, có tiếng ở thành phố, trường năn nỉ. Thầy của Ly cũng là một ông thầy giỏi và “nổi tiếng”,  thầy cũng năn nỉ, vợ thầy đến tận nhà khóc lóc, quỳ gối cầu xin, đòi “bồi thường” một khoản tiền. Không hiểu sao mẹ Ly sau mấy lần không chịu thì lại chịu. Sau đó đi xin giấy chuyển trường về gần nhà bà ngoại Ly, một ngôi trường không “điểm”, Ly cũng về ở chung với bà và không ai hỏi ý kiến của bé! Ly đi cũng đã nửa năm, “trại tế bần” bị mấy ông nhậu “bỏ rơi” vì sợ chó, mèo hoang cắn như Ly. Mọi việc chìm vào im lặng, y như cái nồi đang chìm dần trong đống rác ngoài “trại”! Bọn cướp nồi và bọn cướp tuổi thơ của Ly vẫn sống khỏe, không tên trộm chó nào thèm bắt trong khi chó nuôi trong xóm lâu lâu lại mất một con!

trai-te-ban-ngu-dong2
Các gia đình họp với nhau 2 tối mới đi đến quyết định, tuy nhiên trong nhiều phụ huynh có con bị thầy giở trò, chỉ có 7 người ký vào đơn tố cáo. (trong bài thầy giáo dâm loạn hơn chục học sinh)

DU

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn