Ký ức kinh hoàng tại Trung Quốc qua lời kể của gia đình sống tị nạn ở Mỹ

Chủ Nhật, 29 Tháng Tư 20184:00 SA(Xem: 5564)
Ký ức kinh hoàng tại Trung Quốc qua lời kể của gia đình sống tị nạn ở Mỹ

Bà từng bị thẩm vấn trước đó, nhưng lần này thì tình trạng tồi tệ hơn. Bà Uông Huy Quyền, một giáo viên tiểu học, đã trở thành đối tượng của một cuộc săn đuổi phần thưởng, bảo vệ ở nhà ga nhận được một phần thưởng hậu hĩnh cho việc vây bắt bà.

Anh ta hào hứng thông báo qua bộ đàm cho cảnh sát: “Chúng tôi phát hiện thêm một người tập Pháp Luân Công!”, bà Quyền nhớ lại. Trong chớp mắt, vài cảnh sát xuất hiện và nhanh chóng chuyển mọi người ra khỏi khu vực chờ của nhà ga, sau đó đưa bà đến một trại tạm giam ở địa phương.

Xem nhanh:

Bảo vệ lục soát hành lý của bà Quyền và phát hiện những tờ rơi và đĩa DVD giải thích sự thật về cuộc đàn áp mà chính quyền Trung Quốc tiến hành nhằm loại bỏ Pháp Luân Công, một môn khí công theo nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn. Cảnh sát muốn biết người đã đưa cho bà những tài liệu đó và nơi chúng được sản xuất.

Ở trại tạm giam, bà Quyền vùng vẫy rất nhiều khiến cảnh sát không thể trói bà lại. Thế nên họ ấn đầu bà vào tường, rồi bắt đầu quất vào đầu và mặt bà bằng một cây thước kim loại nằm trên bàn làm việc ở gần đó.

Bà Quyền kể lại: “Chảy rất nhiều máu. Mũi và miệng của tôi đều chảy máu, họ làm thủng màng nhĩ của tôi.” Hiện giờ bà sống ở New York và phải đeo máy trợ thính.

Bà kể lại thông qua một người phiên dịch: “Lúc đó tôi chỉ nghĩ một điều: Dù có chết, tôi cũng sẽ không tiết lộ tên của những người khác, và tôi sẽ không từ bỏ đức tin của mình”.

Nhưng mất mát là quá lớn.

Bà Quyền phải sống 7 năm trong tù, bị chia cắt khỏi chồng và cô con gái nhỏ. Bà đã trải qua nhiều cuộc tẩy não, thẩm vấn, tra tấn, đánh đập, bức thực, cấm ngủ và tra tấn tinh thần.

Bà Quyền nói: “Họ dùng mọi thứ để ‘chuyển hóa’ bạn – tức là bạn phải ký vào một bản cam kết rằng bạn sẽ không tu luyện Pháp Luân Công nữa, nếu bạn không chuyển hóa, họ sẽ không cho bạn gặp gia đình, bạn sẽ bị mất việc, đồng nghiệp của bạn sẽ gặp rắc rối, các nhân viên cảnh sát sẽ bị trừng phạt vì họ có chỉ tiêu (về số người chuyển hóa)”.

Còn nếu bạn kí vào bản cam kết, đó cũng không phải là dấu chấm hết cho việc tra tấn tinh thần; bạn sẽ được sử dụng để chuyển hóa các học viên khác.

Pháp Luân Công
(Từ trái qua phải) Ông Lý Chân Quân, cô Lý Phu Yêu, bà Uông Huy Quyền ngồi thiền tại nhà của họ ở quận Queens, thành phố New York (Mỹ) vào ngày 8/1/2017. Có những lúc họ không thể tin rằng mình đã thật sự tự do và được đoàn tụ cùng nhau. (Samira Bouaou/ Đại Kỷ Nguyên)

Cuộc đàn áp bắt đầu

Bà Quyền và ông Quân đã nhiều lần bị bắt vào các trại lao động cưỡng bức, các trung tâm tẩy não và các nhà tù trong suốt 10 năm, chỉ vì họ không từ bỏ tu luyện Pháp Luân Công.

Chính quyền Trung Quốc rất ủng hộ Pháp Luân Công khi hai người bắt đầu tu luyện vào năm 1998. Theo ước tính của chính quyền, có hơn 70 triệu công dân tập Pháp Luân Công vào thời gian đó. Cục thể thao khẳng định Pháp Luân Công giúp cải thiện toàn diện cả sức khỏe lẫn đạo đức. Các công viên ngập tràn người tập các bài công pháp và ngồi thiền vào mỗi buổi sáng.

Tuy nhiên, số người tập Pháp Luân Công quá lớn đã khiến Tổng Bí thư Giang Trạch Dân đố kỵ và lo sợ.

Ngày 20 tháng 7 năm 1999, ông Giang đã phát động một chiến dịch đàn áp toàn quốc với chỉ lệnh “bôi nhọ thanh danh, vắt kiệt tài chính, hủy hoại thân thể” các học viên Pháp Luân Công và nhổ rễ Pháp Luân Công trong vòng 3 tháng”, theo Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp, một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại New York chuyên theo dõi cuộc đàn áp.

Ông Giang thành lập một lực lượng cảnh sát ngoài vòng pháp luật với tên gọi Phòng 610, được ủy quyền đặc biệt để triển khai kế hoạch đàn áp.

Tổ chức Ân Xá Quốc Tế nhận định rằng cuộc bức hại Pháp Luân Công có động cơ chính trị. “Phần lớn các nạn nhân của cuộc đàn áp là những người dân bình thường, họ chỉ thực hiện một cách ôn hòa những quyền lợi cơ bản của họ: quyền tự do tín ngưỡng, hội họp, và bày tỏ quan điểm”, theo một tuyên bố vào tháng 3 năm 2000 của tổ chức này.

Tuổi thơ bị đánh cắp

Phu Yêu mới chỉ 6 tuổi khi cha mẹ cô lần đầu tiên bị bắt vào các trại lao động cưỡng bức ở Trung Quốc.

Năm nay cô 24 tuổi và sống ở New York. Cô kể lại: “Tôi bị rối loạn, tôi không hiểu chuyện gì đã xảy ra, nhưng tôi biết cha mẹ mình đúng đắn, vì họ đứng lên vì đức tin của họ”.

Pháp Luân Công
Cô Lý Phu Yêu ngồi thiền tại nhà ở quận Queens, New York, vào ngày 08/1/2017. Cô và cha mẹ đã thoát khỏi Trung Quốc vào năm 2014 và được cấp tị nạn tại Mỹ sau nhiều năm bị đàn áp vì tập Pháp Luân Công. (Ảnh: Samira Bouaou / Đại Kỷ Nguyên)

Sự kiên định của cô gái nhỏ bé được khảo nghiệm với nhiều cấp độ. Ở trường tiểu học, bạn cùng lớp xa lánh cô và nhổ nước bọt vào sách vở của cô trước sự chứng kiến của thầy cô. Không có cha mẹ ở bên, cô chỉ biết nương tựa vào bà ngoại của mình, bà cũng trở nên ốm yếu vì lo lắng cho con trai và con dâu của bà.

Nhưng cô không bao giờ tỏ thái độ giận dữ hay phẫn uất. Cô biết rằng ngay từ đầu cha mẹ cô không hề phạm tội.

Phu Yêu nói: “Tôi rất kính trọng những gì mà họ đã làm và những gì họ đã phải chịu đựng”.

Bà Quyền cho biết trái tim bà vẫn nhói đau khi nghĩ về sự chia ly với con gái. “Sau khi bị bắt, điều tôi lo lắng nhất là con gái của mình, nó còn quá nhỏ, nó sẽ phải đối mặt với mọi thứ như thế nào?”

Bà nhớ lại rằng một lần khi Phu Yêu tới thăm, bà hỏi: “Con muốn mẹ chuyển hóa rồi về nhà, hay giữ đức tin và không làm trái lương tâm của mình? Nếu mẹ nói sự thật, họ sẽ giữ mẹ ở đây”.

Bà Quyền kể: “Tôi khóc, bé lau nước mắt cho tôi và nói, ‘Mẹ! Mẹ phải ngay chính. Mẹ không thể nói Pháp Luân Đại Pháp là xấu’”.

Pháp Luân Công
Ông Quân, bà Quyền, và con gái Phu Yêu ở thành phố Thiên Tân vào năm 1995, ba năm trước khi trước khi họ bắt đầu tập Pháp Luân Công (Ảnh: Ông Quân cung cấp)

Địa ngục trong tù

Lần đầu tiên rời khỏi thành phố quê nhà Thiên Tân để lên tiếng phản đối cuộc bức hại Pháp Luân Công, ông Lý Chân Quân, cha của Phu Yêu đã khóc. Đó là tháng 10 năm 1999 và Quảng trường Thiên An Môn trở thành địa điểm chính để phản đối vì nó gần với các cơ quan chính phủ. Đây cũng là nơi còn lưu giữ kí ức về vụ thảm sát sinh viên năm 1989.

Ông Quân từng là một phát thanh viên truyền hình thành đạt, ông nói: “Sáng hôm đó tôi ôm con gái mình, khóc và nghĩ có thể đây là lần cuối cùng tôi được nhìn thấy con”.

Ông biết sự nguy hiểm của việc thỉnh nguyện hòa bình – kể từ tháng 7 năm 1999, hàng vạn học viên Pháp Luân Công đã bị bắt giữ, bị ném vào các trại lao động cưỡng bức và các trung tâm tẩy não. Ông đã nghe về những câu chuyện đàn áp và những cái chết khủng khiếp.

Nhưng ông Quân cũng được trải nghiệm những điều kỳ diệu khi tu luyện Pháp Luân Công. Ông bị viêm gan B mãn tính, và đến tháng 7 năm 1998 bệnh đã khỏi. Ông cho biết, ông bắt đầu tập Pháp Luân Công và học các bài giảng trong vài tuần, và cơ thể ông đã trở nên khỏe mạnh. 

Đó là động lực để ông quyết định đến Quảng trường Thiên An Môn. Ông nói: “Pháp Luân Đại Pháp đã cho tôi cuộc đời thứ hai và môn tu luyện này cần được tự do theo tập ở Trung Quốc, nếu tôi không lên tiếng thì ai sẽ lên tiếng? Nhưng tôi đến Quảng trường Thiên An Môn với suy nghĩ rằng mình chắc chắn sẽ bị giết.”

Ông Quân bị bắt ngay khi bước chân vào Quảng trường, vài ngày sau ông bị kết án 3 năm trong trại lao động cưỡng bức. Không có xét xử, không có hội thẩm, chỉ có một nhân viên cảnh sát đọc lời tuyên án trong một mẩu giấy. Ông Quân không làm điều gì sai trái, không được giải thích, và không được kháng án. Ông bị giam giữ bất hợp pháp trong nhiều năm chỉ vì ông tập Pháp Luân Công.

Ông nói: “Tôi là một công dân tốt. Điều đó cũng không có ý nghĩa gì”.

Pháp Luân Công
Ông Quân chia sẻ quãng thời gian bị bức hại tại Trung Quốc, ảnh chụp tại Manhattan, New York, vào ngày 2/1/2017. (Ảnh: Samira Bouaou/ Đại Kỷ Nguyên)

Đầu ông bị cạo trọc, ông được cấp quần áo tù màu xanh hải quân, và được xếp giường trên cùng trong một căn phòng nhỏ với 6 giường ngủ. Không có đệm, tù nhân nằm ngủ trực tiếp trên lát giường gỗ và chỉ có mền nếu gia đình họ gửi tới.

Ông Quân nói: “Vì tối tăm và ẩm thấp nên hầu hết mọi người đều bị ghẻ hoặc nổi mề đay. Buổi tối, bạn có thể lau lát giường bằng tay và giết rất nhiều con rệp.”

Mỗi sáng họ phải dỡ bỏ những cái mền của họ, rồi trang trí cho chiếc giường bằng những miếng khăn trải giường màu tuyết trắng và những tấm mền màu xanh lá cây mà lính canh cấp cho. Họ bị cấm không được ngồi hay nằm lên những thứ đó – chúng chỉ dùng để trưng bày khi các quan chức chính phủ tới thăm.

Thức ăn thì khủng khiếp.

Ông nói: “Rau thì bị thối nát, không được rửa sạch mà ném luôn vào nồi và luộc. Cháo thì được trộn với nước máy và gần như không có gạo”. Tới tận bây giờ, ông Quân vẫn không thể ăn được cà tím và cà rốt.

Họ cấp cho ông 5 cái bánh bao hấp một ngày, thường chứa phân chuột ở trong. Ông nhớ lại: “Cái cho buổi sáng và buổi tối màu đen, cái cho bữa trưa thì trắng hơn.”

Ông Quân phải làm việc 16 tiếng một ngày, 7 ngày một tuần trong suốt hơn 2 năm để khâu những quả bóng kỷ niệm cho FIFA World Cup 2002 – trong suốt thời gian đó ông bị giam cầm trong sự bẩn thỉu, không được trả lương, đói rét và bị tra tấn.

Dù thế nào ông cũng phải hoàn thiện bốn quả bóng một ngày. Mỗi quả cần khoảng 1.800 mũi khâu, với 32 panô bao gồm 20 miếng vá sáu cạnh và 12 miếng vá năm cạnh. Ngón tay của ông thường bị nhiễm trùng, rỉ máu và mủ do độc tố trong tấm da giả, nhất là khi ông vô tình tự đâm kim vào tay.

Ông Quân nói: “Chúng tôi làm việc từ 6 giờ sáng đến 10 giờ tối. Tôi được xem là người làm việc tương đối nhanh; những ai không hoàn thành [công việc] sẽ bị đánh đập.”

Việc đánh đập thường do các tù nhân khác thực hiện. Ông Quân cho biết họ thường là những kẻ đê hèn muốn nịnh bợ các lính canh. Trong trường hợp của ông Quân, ông là một tù nhân bị biến thành nô lệ trên chính mảnh đất quê hương mình trong nhiều năm.

Pháp Luân Công
Lần đầu tiên bị bắt giữ, ông Quân bị tra tấn kiểu “máy bay” trong khi thẩm vấn. Sau khi phải đứng ở tư thế này trong hơn nửa giờ, một viên cảnh sát đã đá ông xuống sàn nhà và tiếp tục đánh ông. (Ảnh: Minghui.org)

Mỗi đêm sau khi làm việc, ông Quân và các học viên Pháp Luân Công khác bị buộc phải ngồi khom lưng trên những chiếc ghế đẩu nhỏ và nhìn xuống sàn. Nếu họ liếc nhìn người khác thì sẽ bị đánh.

Ông Quân cho biết ông sẽ được miễn khỏi những phiên “làm việc” kiểu này nếu ông viết một bản cam kết rằng ông sẽ dừng tu luyện Pháp Luân Công. Trải qua nhiều tháng giam cầm, kiệt quệ và cảm thấy vô vọng, ông đã viết.

Ông Quân nói: “Nhưng tôi cảm thấy thật kinh khủng, trước khi viết tôi bị tra tấn thân thể, sau khi viết tôi bị tra tấn về tinh thần và tự cắn rứt lương tâm.”

Không lâu sau, ông công khai rút lại cam kết của ông và yêu cầu cảnh sát trả lại bản cam kết đó. Cảnh sát đã từ chối và ông bị trừng phạt nặng hơn. Nhưng nỗi dằn vặt lương tâm của ông đã được dỡ bỏ.

Phu Yêu chỉ được gặp cha hai lần một năm. Bị cách biệt bởi kính và nói chuyện qua điện thoại, cô động viên ông tiếp tục kiên định.

Ông Quân nói: “Phu Yêu thường viết thư cho tôi và nói bố phải kiên định với phẩm hạnh của mình”.

Ông Quân được thả ra sau đợt tống giam đầu tiên, nhưng 18 tháng sau đó, ông lại bị bắt giữ và cầm tù trong 4 năm.

Cuộc đàn áp ảnh hưởng toàn quốc

Ông Levi Browde, Phát ngôn viên của Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp cho biết, con số những gia đình chịu ảnh hưởng trực tiếp từ cuộc đàn áp ở Trung Quốc rất khó ước tính.

Năm 1999 khi cuộc đàn áp bắt đầu, ước tính có 70 đến 100 triệu người đang theo tập Pháp Luân Công, tức là cứ 13 người lại có một người bị biến thành “kẻ thù của nhà nước”, ông Browde cho biết qua email.

Ông viết: “Nếu lấy một phần 13 của toàn dân số, phỉ bảng họ và khiến gia đình họ quay lưng lại với họ, thì sự ảnh hưởng sẽ như thế nào? Thật thê thảm”.

Ông Browde cho biết đó là chiêu bài thường thấy của chính quyền Trung Quốc nhằm khiến các thành viên trong gia đình chống lại nhau. Nó đảm bảo cho mục đích tối hậu là kiểm soát tất cả người dân bằng nỗi sợ hãi, chiêu bài này đã được sử dụng thuần thục trong Cuộc cách mạng văn hóa vào những các thập niên 60 và 70.

Ông đưa ra lời giải thích tại sao các bậc cha mẹ lựa chọn tiếp tục tu luyện Pháp Luân Công trong khi họ có thể từ bỏ và đoàn tụ với gia đình.

“Pháp Luân Công là nền tảng tinh thần của những người theo tập, vì vậy bạn đang yêu cầu họ giết chết tinh thần của họ. Ngoài ra, họ không hoàn toàn được yên thân nếu tuyên bố “từ bỏ” (tu luyện). Thông thường, họ phải tham gia cùng Đảng Cộng sản Trung Quốc để chuyển hóa những người khác … vì vậy đó không chỉ là việc từ bỏ con người họ.”

Video: Bộ phim ngắn về số phận của 70 triệu con người gói gọn trong 10 phút

Sau khi tù giam

Cuối cùng gia đình ông bà cũng được đoàn tụ vào năm 2009 sau khi bà Quyền được thả ra, còn ông Quân thì được thả ra từ tháng 11 năm 2006, khi Phu Yêu 14 tuổi.

Bà Quyền không được quay lại làm giáo viên còn ông Quân thì đã mất việc khi bị bắt lần đầu.

Họ bắt đầu kinh doanh dịch vụ tổ chức đám cưới và mở cửa hàng. Công việc đó cũng là nơi để họ nói với mọi người về cuộc bức hại Pháp Luân Công, những điều mà người dân Trung Quốc đều bị lừa dối qua các phương tiện truyền thông.

Bà Quyền nói: “Lý do duy nhất chúng tôi không bị bắt trở lại nhà tù là vì Cục trưởng An ninh Nội địa ở địa phương là một người bạn cũ của gia đình tôi, ông ấy biết rằng vợ chồng tôi là người tốt. Ông ấy bảo vệ chúng tôi, nhưng các lãnh đạo của ông ấy không ngừng gây áp lực rất lớn để ông [buộc phải] ngược đãi chúng tôi.”

Bà Quyền nói rằng họ quyết định rời khỏi Trung Quốc một phần là vì họ lo rằng người bạn của họ sẽ phải thỏa hiệp.

Bà nói: “Trong tâm tôi luôn thường trực một nỗi sợ gia đình tôi lại bị chia ly. Chúng tôi luôn lo cảnh sát sẽ tới gõ cửa, lo các thành viên khác trong nhà đình sẽ bị bắt, lo con gái tôi sẽ bị bắt”.

Tự do trên đất Mỹ

Năm 2014, họ tìm được một cơ hội để thoát khỏi Trung Quốc và xin tị nạn ở Mỹ.

Giây phút hồi hộp nhất là khi họ ở trong phòng xin hộ chiếu để hoàn tất những bước cuối cùng, họ phải lấy dấu vân tay để nhập vào máy tính.

Ông Quân nói: “Các nhân viên nhìn nhau vẻ lạnh nhạt. Sau đó, một nhân viên gọi điện và ai đó ở đầu dây bên kia bảo họ cấp hộ chiếu cho chúng tôi.”

Ngày 15 tháng 7 năm 2014, họ tới Mỹ.

Bà Quyền nói: “Khi đặt chân đến đất Mỹ, tất cả những nỗi sợ hãi đều tan biến, những băn khoăn, lo lắng đã qua đi. Cuối cùng chúng tôi cũng được yên ổn”.

Bà nói: “Nhưng những tổn thương tinh thần thì rất khó phai mờ, khi tôi hít thở bầu không khí tươi mát và tận hưởng quyền tự do tín ngưỡng ở nơi đây, tôi cảm thấy trĩu lòng khi nhớ tới những người đồng hương của mình.”

Ngày 7/12/2016, gia đình bà biết tin 20 học viên Pháp Luân Công bị bắt ở thành phố quê nhà Thiên Tân.

Bà Quyền lập tức gọi điện đến các Trại tạm giam địa phương để đề nghị cảnh sát thả tự do cho các học viên.

Bà nói: “Tôi biết một vài học viên. Tôi muốn làm những gì có thể để giúp giải thoát họ, để họ không phải chịu đựng những điều tôi đã phải trải qua”.

Pháp Luân Công
Ông Quân, bà Quyền và con gái Phu Yêu tại nhà ở quận Queens, thành phố New York (Mỹ), ngày 8/1/2017 (Ảnh: Samira Bouaou/ Đại Kỷ Nguyên)

Ở New York, bà cố gắng giành nhiều thời gian tới các điểm du lịch nổi tiếng để đưa thông tin về cuộc đàn áp cho các khách du lịch đến từ Trung Quốc Đại Lục.

Ông Quân, hiện 45 tuổi, đang làm việc cho Đài truyền hình Tân Đường Nhân (NTD) thuộc Tập đoàn Truyền thông Đại Kỷ Nguyên đa quốc gia (Epoch Media Group). Công việc này rất phù hợp với ông.

Phu Yêu noi theo bố bằng cách học phát thanh và thuyết minh. Cô tham gia cùng bố và hiện là một phát thanh viên.

Phu Yêu nói: “Mỗi lúc tôi làm việc liên quan đến những câu chuyện về cuộc đàn áp Pháp Luân Công tại Trung Quốc, những cảnh tượng đó khiến tôi nhói tim; chúng làm tôi nhớ đến những ký ức đau thương. Nhưng chính vì những điều khủng khiếp đó đang diễn ra nên chúng tôi có trách nhiệm phải phơi bày chúng”.

Cô đã kết hôn năm ngoái và bốn thành viên của gia đình sống trong một căn hộ nhỏ bé ở quận Queens, thành phố New York. Đó là một ngôi nhà hạnh phúc, gần gũi. Bà Quyền vén mái tóc khỏi che tầm mắt của con gái; ông Quân và bà Quyền nắm tay nhau; họ nhìn nhau như không thể tin rằng đó là sự thật.

Nhưng, những ký ức đau thương thì không bao giờ xóa nhòa.

Bà Quyền tâm sự: “Thỉnh thoảng khi một mình suy nghĩ về những trải nghiệm trong tù, tôi hiểu rằng nếu tôi không tu luyện Pháp Luân Công, thì tôi không thể sống nổi. Nỗi đau đó, không chỉ là về thân thể mà còn là một nỗi đau khác.”

“Bạn không phải là một người xấu, bạn muốn trở thành một người thậm chí còn tốt hơn, nhưng chính quyền lại sử dụng những cách thức xấu xa, man rợ nhất – mà những người tốt không thể tưởng tượng được – để bức hại các học viên Pháp Luân Công, nhắm vào tinh thần của họ, để huy hoại bạn đến kiệt quệ, không phải là về thể chất mà là tinh thần, khiến bạn mất hết lý trí vì bạn không còn hi vọng vào cuộc sống.”

Các nhà điều tra quốc tế phát hiện chính quyền Trung Quốc biến các học viên Pháp Luân Công thành kho nội tạng sống để kiếm lời.

Các nhóm nạn nhân khác bị mổ cướp nội tạng bao gồm người theo đạo Cơ Đốc, người Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng.

Charlotte Cuthbertson, Đại Kỷ Nguyên tiếng Anh

Thênh Thang tổng hợp

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn