Quyền lực của sợ hãi và những quả táo kỳ diệu

Thứ Ba, 10 Tháng Tư 20181:30 SA(Xem: 6599)
Quyền lực của sợ hãi và những quả táo kỳ diệu

Đỗ Hữu Chí

Lúc Asa 4 tuần tuổi, mấy đêm liền em khó ngủ, thở khò khè và người thì uốn éo trằn trọc không ngừng. Dù đọc thấy rằng đây là hiện tượng phổ biến ở trẻ sơ sinh, nhưng vì không thể làm gì để giảm bớt sự khó chịu của em và quá lo lắng rằng Asa có thể bị thiếu ngủ, thiếu ăn (vì bú ít và ngắt quãng), ba mẹ quyết định đưa Asa đi khám.

Phòng khám tư của một nữ bác sĩ tên M., hình như đang làm việc ở khoa nhi bệnh viện tỉnh và có tiếng “mát tay” trong cộng đồng phụ huynh. Ba mẹ đưa Asa đến, ngồi đợi chung trong phòng đợi khoảng 8m2 cùng với khoảng 3 cặp phụ huynh khác. Thì ra phòng đợi cũng là phòng khám. Bác sĩ M. ùa vào phòng như một cơn lốc, bật quạt ở số rất mạnh, “dẹp loạn” một em bé tầm 3 tuổi đang đứng chơi ở gần cửa bằng cách xoay ngược một cái ghế nhựa rồi cho hai chân em vào hai lỗ hổng ở lưng ghế, tự hào nói với mẹ em rằng đó là cách sẽ khiến em ngồi yên. Rồi bác sĩ quay sang ba Asa, nhìn tư thế bế em của ba bằng một ánh mắt không thể coi thường hơn, rồi bằng một giọng cao và trấn áp, bác sĩ “bày” cho ba phải vòng tay lên như thế này, hướng mặt ra phía này, tay phải đỡ vào chỗ này... Rồi bác sĩ bắt đầu khám cho các bé. Bệnh phổ biến của các em bé đến đây là sổ mũi, nghẹt mũi. Bác sĩ vừa bế một em bé tầm một tuổi rất bụ bẫm vừa mắng sa sả một bà mẹ khác về chuyện cho con ăn dặm từ sáu tháng khiến cho “mặt nó nhìn xanh xao vàng vọt, nhìn là biết”. Ý bác sĩ là cần phải uống sữa ngoài kết hợp với sữa mẹ, còn thức ăn thì bao giờ mọc hết răng hẵng bắt đầu ăn. “Như thế thì mới béo tốt hồng hào được.” Rồi bác sĩ bắt đầu tiến hành chữa nghẹt mũi cho em bé bụ bẫm, bằng cách bế ngửa em ra, phun vào mỗi lỗ mũi của em tầm nửa chai nước muối lớn khoảng gấp 4 lần chai nước muối Natri Clorid mua ở hiệu thuốc, và khi em bắt đầu ho sặc sụa và khóc ré lên thì lật úp em lại, vỗ bồm bộp lên lưng em để toàn bộ nước mắt, nước mũi và đờm dãi của em chảy ồng ộc ra sàn nhà ngay bên cạnh ghế bác sĩ. Em bé khóc ràn rụa, ngặt nghẽo. Mẹ nó mặt tái xanh. Cô gái trẻ có vẻ là dì của bé đứng bật dậy, gương mặt rùng rùng một khối cảm xúc của sợ hãi, tức giận và lo lắng. Bác sĩ có vẻ phật lòng, nạt cô gái: “Làm cái gì vậy, ngồi xuống đi.” Giọng cô gái run run: “Em chỉ đứng xem cháu em thôi.” Bác sĩ mặt mày cau có “Không tin tưởng thì thôi đừng đem đến đây.” rồi tiếp tục một đợt “rửa” mũi nữa cho em bé bụ bẫm. Sau 3 lần rửa như thế, bác sĩ giao lại em bé (lúc này chỉ còn nấc lên từng đợt vì quá mệt để khóc) cho mẹ của em, dùng giấy vệ sinh cuộn dọn nhanh mớ đờm dãi dưới sàn, rồi bắt đầu kê đơn thuốc. Bác sĩ không nói chính xác là thuốc gì, chỉ viết tắt mấy chữ A, B, G vào giấy với vài con số có vẻ như là lượng thuốc ở bên cạnh, rồi mở cửa sau gọi một người đàn ông lên bốc thuốc theo đơn và bỏ vào bì ni lông. Vốc thuốc của em bé bụ bẫm trị giá 400.000 đồng.

Ở thời điểm này, 20p sau khi bước vào phòng khám, ba Asa bảo với mẹ nó là tụi mình nên đi về đi vì ba không nghĩ đây là chỗ phù hợp. Nhưng mẹ Asa có suy nghĩ khác. Mẹ bảo đằng nào cũng đã đến đây rồi, mẹ muốn biết khi bác sĩ khám cho Asa thì bác sĩ nói gì, và đưa ra giải pháp gì.

Thu hết kiên nhẫn mà mình có, ba Asa tiếp tục ngồi xem bác sĩ M. tiếp tục chữa cho các em nhỏ và tư vấn cho các cặp bố mẹ gần 1 tiếng đồng hồ. Bác sĩ M. là một người có khả năng đa nhiệm siêu đẳng: vừa vỗ bồm bộp lên lưng một em, vừa mắng một em khác, vừa đưa ra lời khuyên cho một cặp bố mẹ, vừa tư vấn cho một bệnh nhân quen đột nhiên vào xen ngang vì ông bố của cô ta đang bị tiêu chảy (!). Không gian phòng khám tràn ngập bởi mọi loại tiếng động, tiếng khóc, tiếng ọc, tiếng nói, và mọi loại cảm xúc quện xoắn lại với nhau.

Mỗi em bé sau khi khám xong, dù có “được” rửa mũi hay không, đều được kê một vốc thuốc mang về, với giá từ 300 – 500 ngàn đồng. Và bởi vì bác sĩ không ngừng nói, ba Asa khá chắc rằng trong số thuốc đó phần lớn, nếu không phải tất cả, là kháng sinh. Bác sĩ sử dụng kinh nghiệm của mình, lý lẽ của mình, và thái độ lấn át của mình, để giảng giải cho mọi người trong phòng rằng uống kháng sinh không phải là vấn đề, vấn đề là uống không đủ liều mới gây hại. Cách nói và giọng nói của bác sĩ có khuynh hướng khiến cho người khác cảm thấy rằng lời bác sĩ chỉ có thể chân lý, và mọi thứ khác đi đều là sai cả.

Đến lượt Asa thì phòng khám đã vãn. Vì một lý do nào đó, bác sĩ để Asa lại để khám sau. Khi bác sĩ đỡ Asa từ tay mẹ, nhìn thấy sự ngần ngại của mẹ em, bác sĩ trấn an: “Yên tâm, chỉ khám thôi, nếu ba mẹ đồng ý thì mới làm”. Bác sĩ dùng đèn pin nhìn lướt qua vào mũi em, dùng ống nghe đưa nhanh lên ngực em, không hề hỏi ba mẹ em về triệu chứng, nhanh chóng kết luận: “Em bị viêm hô hấp trên. Bây giờ có thể rửa mũi hoặc không, nhưng phải cho em uống thuốc, không thì không khỏi được.” Ba Asa phải hết sức kiềm chế để đứng dậy từ chối, bế em về từ tay bác sĩ, cám ơn, trả tiền khám, rồi ra về.

Về nhà, ba mẹ Asa đủ sốc để mọi lo lắng từ trước khi đi khám có vẻ như tiêu biến mất – và quyết định tạm thời không làm gì cả. Sau đó, Asa tự giảm dần các dấu hiệu khò khè và quằn quại ban đêm. Từ đó đến vài tuần sau, em bú khỏe, ngủ khỏe và tăng cân đều đặn. Riêng ba của em thì vẫn còn lại nỗi ám ảnh về buổi đi khám ngày hôm đó.

Không hẳn là ám ảnh về bác sĩ M. Đối với ba Asa, bác sĩ M. chỉ đang diễn tròn vai của mình trong một vở đại bi kịch. SỰ QUY THUẬN của các phụ huynh đối với bác sĩ M. mới là nỗi ám ảnh thực sự.

Vì lo lắng, chúng ta đưa con đến bác sĩ. Bằng kỹ năng điêu luyện, và vì lợi ích riêng của mình, bác sĩ thổi phồng nỗi lo lên thành nỗi sợ. Nhưng bi kịch chỉ xảy ra nếu chúng ta nhận về mình nỗi sợ khổng lồ ấy, để rồi chấp nhận QUY THUẬN mọi thứ, chỉ cần nó xử lý giúp ta nỗi sợ hãi trong lòng. Một khi đã chấp nhận quy thuận, thì có lý do chính đáng cho mọi việc ta làm hoặc ta để mặc cho xảy ra, dù đó là cách chữa trị đầy bạo lực, là kháng sinh, là sữa công thức, hay bất cứ lời khuyên nhủ đầy tính chuyên môn nào. Mọi thứ đều có thể được bao biện, vì nó khiến cho ta đỡ sợ. Ít nhất là có một chuyên gia đang chữa cho con ta, mọi người đều nói tốt về chuyên gia này, và chính ta khi cho con uống thuốc cũng thấy nó nhanh khỏi. Một vòng tròn khép kín của những lời tiên tri tự-ứng-nghiệm.

Hãy thử nghĩ xa hơn ra ngoài phạm vi của việc chữa bệnh và thuốc kháng sinh. Bác sĩ M. có thể là giáo viên M., có thể là công chức M., có thể là thủ trưởng M., hoặc anh/chị/ông/bà M. nào mà ta yêu quý/tôn trọng: bất kỳ ai có vẻ như hiểu biết hơn ta, quyền lực hơn ta, có sức ảnh hưởng lên ta. Nhưng thực ra ta không quy thuận họ. Ta đủ khôn khoan để phân biệt đúng sai. Ta chỉ không đủ sức mạnh để chống lại nỗi sợ. Ta quy thuận nỗi sợ hãi trong lòng mình.

Có quá nhiều nỗi sợ. Sợ đói rét. Sợ nghèo hèn. Sợ cô độc. Sợ bị đánh giá. Sợ mệt. Sợ khổ. Sợ đau. Sợ đối diện với chính mình. Không chỉ sợ cho mình, chúng ta gán hết tất cả những nỗi sợ đó lên người thân, bao biện rằng mọi hành động của chúng ta đều “nhân danh tình yêu thương”, trong khi thực ra chúng đều bị thôi thúc bởi sợ hãi. Nỗi sợ như một dạng túi ni-lông vô hình, bóp nghẹt lấy chúng ta từ mọi phía, nhưng chúng ta đã sống trong nó quá lâu để nhận ra. Chúng ta chọn tồn tại trong an toàn, hơn là thực sự sống trong nguy hiểm. Thậm chí chúng ta không chọn bằng ý thức: đó đã là trạng thái vô thức mặc định. Chúng ta không thể hình dung được lại có một hình thái sống khác, tự do hơn, nhiều ô-xi hơn, và giàu sức sống hơn.

Viết đến đây, ba Asa nghĩ đến những quả táo của ông Kimura(*). Tất cả chúng ta đều giống như những nông dân trồng táo. Con chúng ta, và chính chúng ta nữa, đều là những cây táo. Chúng ta sợ mọi thứ tấn công cũng y hệt như nông dân sợ sâu hại. Chúng ta có thể chọn phun thuốc trừ sâu để tự vệ, như tất cả mọi người bao lâu nay vẫn làm. Hoặc chúng ta có thể chọn như Kimura: đánh đổi tất cả để tìm cho được cách trồng táo mà không dùng thuốc. Dù có thể mất chín năm không thu hoạch, cây chết, tài sản cạn dần, gia đình phải chịu nhiều áp lực, và suýt nữa phải tự tử. Nhưng sau khi đủ thời gian để phục hồi từ quá khứ dùng thuốc trừ sâu quá lâu, cuối cùng thì vườn táo của ông cũng được sống với đúng tiềm năng thực sự của chúng, với toàn bộ sự hòa hợp với thiên nhiên, và cho ra những quả táo kỳ diệu mà người dân Nhật Bản nào cũng đều muốn xếp hàng để được nếm thử.

Lựa chọn nằm trong tay mỗi người. Chỉ mong rằng nó không bị quyết định bởi sợ hãi.

_______________

(*) Akinori Kimura’s Miracle Apples, bản tiếng Anh được giới thiệu bởi Yoko Ono: http://imaginepeace.com/miracleapples/ . Bản tiếng Việt (chỉ mới dịch 3 chương đầu) ở đây: http://bit.ly/KimuraTaoKyDieu

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn