Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Samarkand

Nguồn hình ảnh, Reuters

Chụp lại hình ảnh,

Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Samarkand

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm cho biết ông hiểu rằng ông Tập Cận Bình có câu hỏi và lo ngại về tình hình ở Ukraine nhưng ca ngợi nhà lãnh đạo Trung Quốc vì lập trường "cân bằng" về cuộc xung đột. 

Cách nói của Putin dường như ngầm thừa nhận Trung Quốc không hẳn hoàn toàn đồng ý với lập trường của Nga về cuộc chiến ở Ukraine. 

Ông Putin đã gặp trực tiếp nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình lần đầu tiên kể từ cuộc xâm lược tại hội nghị thượng đỉnh khu vực ở Uzbekistan, vài ngày sau khi Nga hứng chịu một loạt thất bại quân sự lớn ở Ukraine.

Theo Bộ Quốc phòng Nga, hải quân Nga và Trung Quốc đã tiến hành các cuộc tuần tra và tập trận chung ở Thái Bình Dương chỉ vài giờ trước cuộc họp của các nhà lãnh đạo. 

Cho đến nay, Trung Quốc đã từ chối thẳng thừng lên án cuộc tấn công của Nga vào Ukraine trong khi tăng cường hỗ trợ kinh tế cho nước láng giềng. 

“Chúng tôi đánh giá cao lập trường cân bằng của những người bạn Trung Quốc liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine. Chúng tôi hiểu những câu hỏi và mối quan tâm của bạn về vấn đề này”, ông Putin nói trong bài phát biểu trước khi gặp riêng ông Tập.

“Tất nhiên, trong cuộc họp hôm nay, chúng tôi sẽ giải thích chi tiết quan điểm về vấn đề này, mặc dù chúng tôi đã nói về vấn đề này trước đây”. 

Khi bắt đầu cuộc gặp hôm thứ Năm, ông Putin nhấn mạnh mối quan hệ kinh tế ngày càng sâu sắc giữa Trung Quốc và Nga, lưu ý rằng thương mại song phương đã vượt quá 140 tỷ USD vào năm ngoái.

 Ông nói: “Tôi tin rằng vào cuối năm nay, chúng tôi sẽ đạt được mức kỷ lục mới và trong tương lai gần, theo thỏa thuận, sẽ tăng kim ngạch thương mại hàng năm lên 200 tỷ USD hoặc hơn.”

Ông Tập cho biết Trung Quốc sẽ “làm việc với Nga để mở rộng sự ủng hộ lẫn nhau về các vấn đề liên quan đến lợi ích cốt lõi của nhau”.

Ông Tập cũng cho biết ông đánh giá cao việc Nga tuân thủ nguyên tắc một Trung Quốc và nhấn mạnh rằng Đài Loan là một phần của Trung Quốc. 

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov sau đó nói với các phóng viên rằng cuộc họp riêng đã diễn ra rất tuyệt vời. 

"Các đánh giá của chúng tôi về tình hình quốc tế hoàn toàn trùng khớp ... không có sự khác biệt nào cả", ông nói. "Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp các hành động của mình bao gồm cả tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc sắp tới." 

Nguồn hình ảnh, EPA

Chụp lại hình ảnh,

Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mông Cổ Ukhnaa Khurelsukh tại Samarkand

Cùng ngày, đã diễn ra cuộc gặp ba bên giữa Putin, Tập Cận Bình và Tổng thống Mông Cổ Ukhnaagiin Khurelsukh.

Chuyến đi của ông Tập tới Kazakhstan và Uzbekistan là chuyến đi nước ngoài đầu tiên của ông kể từ khi bắt đầu đại dịch COVID-19.

 Chuyến đi cuối cùng của ông ra ngoài Trung Quốc là chuyến thăm Myanmar vào tháng 1 năm 2020.

Ông Putin cũng sẽ gặp các nhà lãnh đạo khác bao gồm Ấn Độ, Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran - nhưng cuộc gặp của ông với nhà lãnh đạo Trung Quốc "có tầm quan trọng đặc biệt", phát ngôn viên chính sách đối ngoại Điện Kremlin Yuri Ushakov cho biết.

Ông nói rằng hội nghị thượng đỉnh đang diễn ra "trên nền tảng của những thay đổi chính trị quy mô lớn".

Trung Quốc và Nga từ lâu đã tìm cách định vị SCO, được thành lập vào năm 2001 với bốn quốc gia Trung Á thuộc Liên Xô cũ, như một giải pháp thay thế cho các nhóm đa phương của phương Tây.

Nguồn hình ảnh, Reuters

Chụp lại hình ảnh,

Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mông Cổ Ukhnaa Khurelsukh tại Samarkand

Đây là cuộc gặp thứ hai của hai nhà lãnh đạo trong năm nay - lần cuối họ gặp nhau tại Thế vận hội Mùa đông ở Bắc Kinh vào tháng Hai.

Sau cuộc gặp hồi tháng Hai, hai nhà lãnh đạo đã ra tuyên bố chung nói rằng tình hữu nghị giữa hai nước là "không có giới hạn".

Nga xâm lược Ukraine vài ngày sau đó - một hành động mà Trung Quốc không lên án cũng như không lên tiếng ủng hộ. Trên thực tế, Bắc Kinh cho rằng cả hai bên đều có lỗi.

Trung Quốc không nằm trong số các quốc gia áp đặt lệnh trừng phạt chống lại Nga và thương mại giữa hai nước vẫn tiếp tục phát triển. Nhập khẩu dầu từ Nga của Ấn Độ và Trung Quốc tăng vọt kể từ cuộc xâm lược vào Ukraine.

Trung Quốc cũng nhận thấy mối quan hệ của mình với phương Tây và đặc biệt là Mỹ trở nên tồi tệ trong những tháng gần đây sau những căng thẳng về vấn đề Đài Loan tự trị. Trung Quốc tuyên bố hòn đảo này là một phần lãnh thổ của mình.

Tháng trước, Bắc Kinh đã tiến hành một cuộc phong tỏa quân sự kéo dài 5 ngày xung quanh hòn đảo để đáp lại chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi.

Các nhà quan sát Trung Quốc cho rằng quyết định rời Bắc Kinh của ông Tập sau hơn hai năm, bất chấp những thách thức lớn trong nước - tình trạng phong tỏa mất ổn định và nền kinh tế đang tụt dốc - cho thấy sự tin tưởng của ông vào khả năng lãnh đạo của mình.

Các nhà phân tích kỳ vọng ông sẽ tái đắc cử nhiệm kỳ thứ ba chưa từng có tại Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng Mười sắp tới.

Nguồn hình ảnh, Bộ Ngoại giao Uzbekistan

Chụp lại hình ảnh,

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Uzbekistan Shavkat Mirziyoyev trồng cây trong buổi lễ bên Hội nghị tại Samarkand, Uzbekistan, ngày 15 tháng 9 năm 2022

Hoạt động của Tập Cận Bình

Trước khi đến Hội nghị Thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) tại Uzbekistan, ông Tập đã đến thăm Kazakhstan.

Trong cuộc gặp với Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev hôm thứ Tư, ông Tập cho biết Trung Quốc muốn hợp tác với Kazakhstan để “tiếp tục là những người tiên phong trong hợp tác Vành đai và Con đường”. 

Ông Tập cũng nói với Tokayev rằng “Trung Quốc sẽ luôn hỗ trợ Kazakhstan trong việc duy trì độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia”. 

Nhà lãnh đạo Trung Quốc đã tới Uzbekistan vào tối thứ Tư và gặp Tổng thống Uzbekistan Shavkat Mirziyoyev.

Ông cũng đã gặp các tổng thống của Kyrgyzstan, Tajikistan và Turkmenistan hôm thứ Năm.

Nguồn hình ảnh, Reuters

Chụp lại hình ảnh,

Lãnh đạo các nước chụp ảnh tại Hội nghị Thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO).

Tổ chức Hợp tác Thượng Hải là gì?

SCO là một tổ chức chính trị, kinh tế và an ninh Á-Âu được thành lập bởi Trung Quốc, Nga, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Uzbekistan vào năm 2001.

Hiện SCO có 8 thành viên chính thức: Ấn Độ, Kazakhstan, Trung Quốc, Kyrgyzstan, Nga, Tajikistan, Pakistan và Uzbekistan.

Iran và Belarus đang trong quá trình gia nhập SCO và đảm nhiệm tư cách quan sát viên, cùng với Afghanistan và Mông Cổ. 

Các thành viên sẽ thảo luận về thương mại tại hội nghị thượng đỉnh, với Trung Quốc là nhà đầu tư lớn trong khu vực thông qua các dự án Vành đai và Con đường.

Bắc Kinh từ lâu đã tìm cách mở các tuyến đường sắt mới để giao thương với châu Âu, trong khi các nước Trung Á đang mong muốn có thêm kết nối với Trung Quốc.

Đầu năm nay, Kyrgyzstan tuyên bố sẽ khởi công xây dựng vào năm 2023 một tuyến mới nối Trung Quốc và Uzbekistan.