Ukraina phản công tái chiếm Kherson, màn dạo đầu cho hồi kết cuộc chiến ?

Thứ Hai, 05 Tháng Chín 20221:33 CH(Xem: 1812)
Ukraina phản công tái chiếm Kherson, màn dạo đầu cho hồi kết cuộc chiến ?

kherson_05

Đăng ngày:

Nước Pháp ngày càng thiên hữu, và đang vận động tiết kiệm nhằm đối phó với lạm phát cũng như thiếu hụt năng lượng, đó là các vấn đề trên trang nhất các báo Paris hôm nay. Riêng Libération chạy tựa trang bìa « Nhà máy điện Zaporijia : Nếu có chuyện gì xảy ra ở đây, toàn bộ châu Âu sẽ bị ảnh hưởng », và ở các trang trong, cuộc chiến tranh ở Ukraina tiếp tục thu hút sự chú ý của báo chí.  

Zaporijia : Thế giới suýt rơi vào thảm họa nguyên tử

Xã luận của Libération lo ngại về « Nguy cơ một tính toán sai lầm tại Zaporijia ở Ukraina ». Thế giới suýt rơi vào thảm họa hôm thứ Năm 25/08 vào lúc 12 giờ 10, khi hệ thống báo động khẩn cấp của lò phản ứng số 5 được kích hoạt, dẫn đến ngưng hoạt động. Gần hai tiếng đồng hồ sau đó, vào 14 giờ 30, lò phản ứng cuối cùng trong số sáu lò cũng ngưng chạy, vẫn do báo động. Những vụ cháy do oanh kích là nguyên nhân sự cố trên đây, vì đường dây cao thế cuối cùng bị đứt, kích hoạt cơ chế khẩn cấp. Trưởng kíp ngày hôm đó mệt mỏi thổ lộ với Libération, từ 35 năm qua chưa hề xảy ra chuyện tương tự. « Tình hình xấu đi rất nhiều từ ba tuần qua, mỗi ngày lại tiến gần khả năng xảy ra tai nạn như Fukushima ».

Ngày nào cũng có những vụ oanh kích gần nhà máy, Ukraina quy trách nhiệm cho Nga, Matxcơva thì nói là đạn bắn đi từ bên kia bờ sông đang trong tay Kiev. Nhưng người quản lý trên cho biết chính mắt nhìn thấy quân chiếm đóng bắn đại bác từ một ngọn đồi gần nhà máy nhiệt điện. Artem, một kỹ sư về nguyên tử nhắc nhở, thảm họa Fukushima xảy ra vì sóng thần làm cho hầu hết các máy phát điện dùng để làm nguội các lò phản ứng không còn hoạt động. Hôm thứ Năm, khi nhà máy Zaporijia bị cắt nguồn điện, các máy phát điện diesel đã được sử dụng, nhưng không biết trụ được bao lâu vì lượng dầu dự trữ chỉ còn đủ cho một tuần lễ.

za_02


Quân Nga có thực sự ý thức được nguy cơ ?

Các khó khăn kỹ thuật tạm thời vượt qua được nhờ đội ngũ nhân viên người Ukraina, nhưng bản thân họ bị áp lực vô cùng nặng nề. Quân chiếm đóng theo dõi « từng cái like trên mạng xã hội », đôi khi còn đánh đập họ. Các ê-kíp có khi phải làm hai ca liên tiếp mỗi ca tám tiếng vì đạn pháo khiến họ không thay phiên được, dễ dẫn đến sai lầm do căng thẳng.

Nhất là nhà máy điện nguyên tử lớn nhất châu Âu, có sáu lò phản ứng có công suất 1.000 megawatt mỗi lò, từ 5 tháng qua đã bị biến thành căn cứ quân sự của Nga. Ảnh vệ tinh của tình báo Anh cho thấy những chiếc xe đầy vũ khí chỉ cách lò phản ứng có 60 mét. Những khẩu đại bác được đặt dưới chiếc cầu nối các lò phản ứng với nhau để né drone của Ukraina…Libération bực tức đặt câu hỏi, người Nga có thực sự biết họ đang làm gì tại đây hay không ?

Trên lãnh vực quân sự, một cuộc phản công đã diễn ra vào lúc một phái đoàn của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (AIEA) bắt đầu lên đường thanh tra nhà máy Zaporijia. Lực lượng Ukraina tung ra đợt tấn công từ tối qua nhằm tái chiếm Kherson. Tuy chưa có nhiều thông tin trên báo giấy, nhưng các nhật báo lớn đều tường thuật trực tiếp trên mạng.

Cuộc tấn công được loan báo từ nhiều tuần qua, rốt cuộc đã khởi động. Natalia Humenyuk, phát ngôn viên bộ chỉ huy miền nam của quân đội tuyên bố Ukraina đã tấn công trên nhiều hướng, vượt qua tuyến phòng vệ đầu tiên. Những trận đánh dữ dội đang diễn ra hầu như trên toàn vùng Kherson. Trên truyền hình, Serhiy Khlan, cố vấn cơ quan quân sự Kherson cho biết : « Có những đợt nã pháo mãnh liệt vào vị trí địch trên toàn bộ vùng Kherson », và đây là « khởi đầu của hồi kết cuộc chiếm đóng ». Trang web Izvestiya của Nga nói rằng chính quyền Kherson đã ra lệnh cho người dân tìm nơi trú ẩn pháo kích, dự trữ thức ăn nước uống và chuẩn bị túi cứu thương.

linh_18


Kiev chỉ muốn « giành lại những gì vốn thuộc về mình », kêu gọi lính Nga bỏ ngũ

Les Echos nhận thấy chính quyền Ukraina rất « hà tiện » về các chi tiết, nhưng tổng thống Volodymyr Zelensky hứa hẹn sẽ « truy quét » quân chiếm đóng « đến tận giới tuyến ». Ông nhấn mạnh, « đường biên giới không thay đổi », hàm ý mục tiêu không chỉ tái chiếm Donbass mà cả Crimée, « Ukraina chỉ giành lại những gì vốn thuộc về mình ». Zelensky nói : « Nếu lính Nga muốn sống sót, bây giờ là lúc nên chạy trốn », đồng thời kêu gọi những ai không muốn quay về Nga nên giao nộp vũ khí. Mykhailo Podoliak, cố vấn tổng thống châm biếm trên Twitter, « một phái đoàn đặc biệt của Ukraina đang thương lượng với Nga ở hướng nam và nhiều hướng khác ».

Quân đội Ukraina yêu cầu dân chúng không đưa thông tin về các sự kiện đang diễn ra. Theo bà Humenyuk, « trong một cuộc chiến tranh đa diện, những phản ứng như vậy có hại cho lực lượng vũ trang ». Tuy nhiên hệ thống Firms (Fire Information for Resource Management System) của NASA cho thấy một số lớn vụ cháy dọc theo tiền tuyến. CNN dẫn những nguồn tin nặc danh Ukraina cho biết ít nhất bốn làng ở Kherson đã được giải phóng, dù Matxcơva nói rằng Kherson « đang dưới sự bảo vệ của quân đội Nga ». Le Monde dẫn tin tức trên mạng xã hội nêu cụ thể lực lượng Ukraina đã tái chiếm ba làng Pravdine, Blahodativka và Stary Stavok.

bien_01


Ba Lan : Nên tịch biên tài sản Nga thay vì chỉ đóng băng

Về phía các đồng minh châu Âu, trả lời phỏng vấn của Le Figaro, thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki nhấn mạnh một khác biệt trong quan điểm so với Pháp. Theo ông, cần tịch biên tài sản của các tài phiệt Nga và Liên bang Nga thay vì chỉ phong tỏa. Số tài sản này lên đến trên 300 tỉ euro, có thể dùng để giảm nhẹ giá năng lượng mà dân Pháp, Đức, Ba Lan... phải trả, khiến Nga không còn có thể bắt bí.

Song song đó, cần ủng hộ Ukraina mạnh mẽ hơn về quân sự và tài chánh, mà hiện nay quá ít và quá trễ. Cách thức nhanh nhất để kết thúc một cuộc chiến là…thua trận, nhưng « chúng ta không thể tự cho phép bại trận trong cuộc chiến tranh này ». Theo thủ tướng Ba Lan, vụ sát hại con gái của Alexandre Douguine, một người thân cận với Vladimir Putin cho thấy nội tình Nga đang lục đục, và « mọi kịch bản đều có thể xảy ra ».

tre_09


Nga bắt cóc thường dân để trao đổi với lính : Tội ác chiến tranh

Về hệ quả từ thời kỳ quân Nga chiếm đóng, Le Monde có bài phóng sự « Tại Ukraina, trên đường tìm kiếm những thường dân mất tích ». Tại ngôi làng Dymer gần Kiev chỉ có 6.000 dân, có đến 58 gia đình vẫn không có tin tức nào về những người thân bị bắt và đưa sang Nga.

Họ là những thường dân bị bắt vô cớ trong thời gian quân Nga đóng ở làng từ 25/02 đến 22/03, và theo Human Rights Watch (HRW) đây là tội ác chiến tranh, tổ chức này tố cáo « hàng trăm dân thường Ukraina đã bị bắt đi mất tích ». Trước hết, do Dymer chỉ cách Belarus, chư hầu của Nga một giờ xe chạy. Nhưng tại sao lại bắt bớ thường dân ? Phó thủ tướng Iryna Verechtchouk phụ trách hồ sơ này giải thích, đó là vì ít nguy hiểm hơn việc bắt lính tráng, và Matxcơva muốn dùng họ để trao đổi tù binh. Điều này bị cấm vì theo các thỏa thuận, chỉ có thể đổi lính lấy lính, người bị thương với những người bị thương khác, nhưng Kremlin bất chấp, dùng thường dân làm con tin.

Nga bắt dân Ukraina một cách vô tội vạ. Một cậu trai chỉ vì đi coi xe tăng Nga như thế nào, đã bị bắt trói vào một gốc cây suốt ba ngày rồi tống lên xe đưa đi. Một người lái chiếc xe hiệu Mercedes với GPS đời chót, lính Nga thích chiếc xe, đã bắt luôn cả chủ. Những ai bị đưa sang Hostomel, thành phố sát với Belarus, coi như không có ngày về. Những vụ tra tấn thường xảy ra, phụ nữ bị cạo trọc đầu. Khoảng 230 phụ nữ Ukraina vẫn còn bị giữ ở Nga trên tổng số 500 nữ giới bị bắt.

08


Khủng hoảng, thất nghiệp, Covid…những bóng mây đen trước Đại hội Đảng Trung Quốc

Nhìn sang châu Á, Les Echos phân tích « Tập Cận Bình trước thách thức một nền kinh tế Trung Quốc rạn vỡ ». Tác động của chính sách zero Covid, khủng hoảng địa ốc, thanh niên thất nghiệp lên đến mức kỷ lục - các khó khăn đầy dẫy trước Đại hội Đảng lần thứ 20.

Mới cách đây một năm, chừng như không có gì ngăn trở được con đường để Tập Cận Bình trị vì thêm nhiệm kỳ thứ ba, trở thành nhà lãnh đạo Trung Quốc quyền lực nhất kể từ thời Mao. Sau khi tưng bừng tổ chức kỷ niệm lần thứ 100 ngày thành lập đảng tháng 7/2021, ông đã làm áp lực để đảng thông qua nghị quyết lịch sử làm tăng vị thế của mình. Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh cũng diễn ra khá suông sẻ.

Nhưng việc « ông bạn » Nga nhiều rắc rối đưa quân xâm lược Ukraina sau đó, rồi đến biến thể Omicron khiến Thượng Hải bị phong tỏa hai tháng, căng thẳng về chuyến thăm Đài Loan của bà Nancy Pelosi, kinh tế sa sút và hạn hán chưa từng thấy, là những bóng mây đen đầy đe dọa.

Tại nền kinh tế thứ nhì thế giới, chính sách chống dịch cực đoan đã làm các thành phố bị khóa chặt, việc hạn chế di chuyển khiến tiêu dùng chậm lại hẳn. Lãnh vực địa ốc vốn chiếm 30 % GDP ngày càng lún sâu vào khủng hoảng, cộng với phong trào tẩy chay của người mua. Về việc làm, một trong những cơ sở tạo nên tính chính danh của đảng, 1/5 thanh niên bị thất nghiệp – con số thực có lẽ cao hơn nhiều. Đây là tỉ lệ cao chưa từng thấy nếu so với Hoa Kỳ và châu Âu.

06


Tập Cận Bình cần chiến thắng Covid bằng mọi giá

Nhờ thế giới vẫn mua hàng « made in China », Bắc Kinh giữ được thể diện với thặng dư thương mại dồi dào. Nhưng còn được bao lâu, trong khi Mỹ và châu Âu có nguy cơ suy thoái ?

Cuối tháng Bảy, trước sự ngạc nhiên của các nhà quan sát, Bộ Chính trị từ bỏ mục tiêu tăng trưởng 5,5 %, không đưa ra biện pháp tái thúc đẩy nào như hồi 2008. Đảng chỉ nhấn mạnh cần phải chống Covid « không mệt mỏi ». Đó là vì Tập Cận Bình đã gắn zero Covid với cá nhân mình, không thể xuất hiện trước đại hội mà không có chiến thắng. Về kinh tế, nhà cầm quyền trông cậy vào các đại công trình, nhưng cũng ý thức rằng mô hình tăng trưởng dựa trên đầu tư công đã đạt đến mức giới hạn. Các tuyến xe lửa cao tốc, xa lộ, phi trường…đều đã được xây dựng đầy đủ trong 20 năm qua.

Theo Natixis, Covid làm nợ công Trung Quốc thêm nặng nề, lên đến 273 % GDP, thu nhập của các địa phương từ bán đất hầu như không còn nữa. Các doanh nghiệp tư nhân đang phải xoay sở trước thiệt hại từ chính sách chống dịch, nhận thấy bàn tay can thiệp của đảng ngày càng sâu. Được khuyến khích thời Đặng Tiểu Bình và đóng góp nhiều cho tăng trưởng, vai trò của họ trong những năm tới sẽ ra sao ? Tập Cận Bình ấn định mục tiêu tăng gấp đôi GDP năm 2035 so với 2020, và đại hội kỳ này sẽ phải có những chọn lựa cụ thể về kinh tế.

https://www.rfi.fr/vi/%
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn