Vì sao lòng thương tiếc đối với lãnh đạo qua đời khác biệt nhau? ( Hồ tặc chết, cha mẹ còn bị lôi ra chửi )

Thứ Ba, 12 Tháng Bảy 20222:00 SA(Xem: 2364)
Vì sao lòng thương tiếc đối với lãnh đạo qua đời khác biệt nhau? ( Hồ tặc chết, cha mẹ còn bị lôi ra chửi )
rfa.org

Vì sao lòng thương tiếc đối với lãnh đạo qua đời khác biệt nhau?

RFA

Cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe từ trần sau khi bị bắn vào lúc đang phát biểu tại một cuộc vận động tranh cử cho Thượng viện ở Nara, miền Tây nước Nhật, hôm 8/7/2022. Từ khi truyền thông trong nước và quốc tế loan tin này, rất nhiều người dân Việt Nam trên mạng xã hội đã bày tỏ tình cảm quý mến sâu sắc cho ông Shinzo Abe. Ít chính khách Việt Nam cũng như quốc tế nào được đông đảo người dân Việt Nam dành tình cảm như vậy.

Bà Bùi Thị Minh Hằng khi trả lời RFA từ Vũng Tàu hôm 7/11 cho rằng, hầu hết những người biết trân trọng nghĩa tình đều tri ân một người như ông Shinzo Abe! Bởi theo bà Hằng, ông Abe là người đã làm nhiều điều được cho tốt đẹp đối với người dân Việt Nam. Ông Shinzo Abe khi lãnh đạo đã thúc đẩy nhiều kế hoạch hợp tác và viện trợ cho người dân Việt Nam. Bên cạnh đó theo bà Hằng, nhìn và so sánh về nhân cách, tư cách cũng có một sự cách biệt quá lớn giữa một con người tài năng -  bình dị - thân thiện như Ông Shinzo Abe với nhiều lãnh đạo Việt Nam. Bà Hằng nói tiếp:

“Việc người Việt Nam tiếc thương ông Shinzo Abe thì ngoài sự mang ơn ông, là sự thất vọng chán ghét, khinh bỉ coi thường nhiều lãnh đạo Việt Nam. Điều này không chỉ đơn thuần ngay lúc này, mà sự thất vọng chán ghét đã chất chứa từ lâu, càng ngày càng ê chề… Bởi hết thế hệ này đến thế hệ kế tiếp đều chẳng nhìn thấy nhân tài hay những người đạo đức, chỉ thấy tràn lan bọn tham ô, tham nhũng, độc tài. Bởi thế làm sao lấy được tình cảm hay niềm tin yêu của người dân Việt Nam. Chẳng những thế, họ luôn muốn trù cho lãnh đạo Việt Nam chết sớm để mong đất nước có một thế hệ lên thay sẽ tốt đẹp hơn. Và tất nhiên gần như tất cả người dân Việt Nam đều khát khao có được cuộc sống như của người Nhật. Mà tất nhiên, một quốc gia muốn có được những thành tựu tốt, thì chắc chắn phải có những người lãnh đạo ‘tốt’ mới hy vọng.”

Khi họ có chức có quyền nói những điều rất hay, nhưng khi họ vừa mất đi thì người dân nhìn vào khu mộ, đất đai nhà cửa của họ, thì người ta không phục.
-Đinh Kim Phúc

Cựu Thủ tướng Shinzo Abe sinh năm 1954, là một cố chính trị gia người Nhật đã giữ chức Thủ tướng Nhật Bản bốn nhiệm kỳ, đồng thời là Chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do LDP từ 2012 đến 2020, và trước đó từ 2006 đến 2007. Ông là Thủ tướng tại nhiệm lâu nhất trong lịch sử Nhật Bản. 

Bà Hằng Huỳnh ở Đà Nẵng nói với RFA hôm 7/11:

“Theo ý kiến riêng chị, ngoài cái nhân cách, tài năng, đạo đức của ông ấy, còn là sự khát khao có được một lãnh đạo y thế của người dân Việt Nam. Ngoài một số người, thì hầu hết người ta không bằng lòng với thái độ làm việc của các quan chức Việt Nam, người dân không dành cho các lãnh đạo của mình tình cảm như thế.”

Với tư cách là Thủ tướng Nhật Bản, ông Shinzo Abe đã bốn lần thăm Việt Nam. Trong thời gian ông Abe tại vị, mối quan hệ Việt Nam - Nhật Bản đã liên tục phát triển. Năm 2014, Việt – Nhật đã nâng quan hệ song phương thành đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở Châu Á.

Theo Tổng cục Thống kê, từ năm 2010 đến 2020, tức trong thời gian ông Shinzo Abe tại vị, 70% vốn đầu tư FDI vào Việt Nam là từ Nhật Bản. Và từ năm 2010 đến năm 2020, vốn ODA của Nhật cam kết cho Việt Nam là hơn 34 tỷ USD.

979e63ed-5212-4b9e-98a6-dc6309fc042d.jpeg
Cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong một bức ảnh chụp hôm 25/4/2019 sau cuộc gặp nhóm các nước V4 ở Bratislava. AFP.

Nhà báo Nguyễn Vũ Bình, từng công tác tại Tạp chí Cộng sản, nhận định với RFA hôm 11/7:

“Việc rất nhiều người dân cộng đồng mạng ở Việt Nam bày tỏ sự thương tiếc ông Shinzo Abe thì tôi nghĩ nó có lý do. Thứ nhất ông này lãnh đạo đất nước Nhật Bản phát triển, ngoài phát triển kinh tế thì cũng giúp xây dựng hình ảnh Nhật Bản tại khu vực Đông Nam Á, Châu Á và Thế giới. Nhật cũng đã viện trợ rất nhiều nước, họ quan tâm đến người dân các nước khi gặp thiên tai… nên người ta cảm thấy thương tiếc một người tài hoa, có tâm với nước Nhật Bản cũng như các nước khác trên thế giới. Đối với Việt Nam thì Nhật cũng đã giúp đỡ rất nhiều. Nếu so sánh thì người có lòng tự trọng rất tủi thân cho lãnh đạo Việt Nam.”

Tại Việt Nam theo Nhà báo Nguyễn Vũ Bình, Đảng Cộng sản và những người lãnh đạo đã làm cho người dân khốn cùng, không còn gì để sống, nên làm sao có thể yêu thương những người lãnh đạo được. Ông Bình cho rằng, lãnh đạo không có cả tư cách, nhân cách, tham nhũng đầy dẫy hết cấp này đến cấp khác… thì làm sao người ta có sự thương tiếc.

Ngoài một số người, thì hầu hết người ta không bằng lòng với thái độ làm việc của các quan chức Việt Nam, người dân không dành cho các lãnh đạo của mình tình cảm như thế.
-Hằng Huỳnh

Trao đổi với RFA hôm 11/7, Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc cho rằng, cũng có một số lãnh đạo Việt Nam trước đây được người dân yêu quý:

“Trong nước nhiều năm trước đây, lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước từ trần thì cũng nhận được sự yêu quý của nhân dân, như đám tang ông Võ Văn Kiệt, đám tang của anh Huỳnh Bá Thành. Tình cảm của người dân thì họ không so đo trong vấn đề ý thức hệ, hay quan điểm chính trị, mà họ nhìn cái gương của người đó đã đóng góp như thế nào cho đất nước, bảo về cuộc sống nhân dân như thế nào, thì người ta ngưỡng mộ. Riêng trường hợp cựu Thủ tướng Shinzo Abe thì tình cảm này xuất phát từ nhiều phía, mà quan trọng nhất là ông Abe cứng rắn với Trung Quốc. Trong khi người Việt đang bị ăn hiếp ngoài Biển Đông, đang mất biển mất đảo, thì người ta gửi tấm lòng cho người đại diện của họ để nói lên tiếng nói bảo vệ chủ quyền đất nước thay họ. Thì ông Abe có đầy đủ phẩm chất đó, bên cạnh đó cuộc sống thanh bạch của ông và gia đình cũng làm cho người ta ngưỡng mộ và học tập theo.”

Liên quan việc vì sao nhiều lãnh đạo khác của Việt Nam khi qua đời không có nhiều người dân không bày tỏ lòng thương tiếc, ông Phúc nói:

“Nói chung thứ nhất là không nêu gương giữa nói và làm, khi họ có chức có quyền nói những điều rất hay, nhưng khi họ vừa mất đi thì người dân nhìn vào khu mộ, đất đai nhà cửa của họ, thì người ta không phục. Không thể bắt lỗi người dân, người ta không phục thì người ta không thấu cảm nổi, thì người ta không chia buồn, người ta không thương tiếc hoặc là người ta không nhắc đến. Coi như số phận của anh coi như xong, xong một con người như bao con người khác mà thôi.”

Trong bài viết đăng ngày 08/07, tờ The Diplomat nhận định, ông Shinzo Abe trong nhiệm kỳ của mình đã có những bước đi địa chính trị quan trọng nhằm định hình vững chắc vị thế của Nhật Bản trong liên minh ngày càng phát triển nhằm đẩy lùi Trung Quốc.

Ý kiến bạn đọc
Thứ Tư, 13 Tháng Bảy 20223:10 SA
Khách
....." COP CHET DE DA , NGUOI TA CHET DE TIENG "
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn