Cóp nhặt chuyện sau lũy tre làng: Chia tài sản

Thứ Sáu, 09 Tháng Ba 20184:16 SA(Xem: 7137)
Cóp nhặt chuyện sau lũy tre làng: Chia tài sản
Mấy tháng trước người bạn kể về cái villa ở Hà Nội do một trí thức thời Pháp từng ở. Cụ mất đi và các con cháu dòm ngó mấy năm liền, cuối cùng đã bán với giá vài triệu đô la để chia nhau. Quả thật là món tiền lớn, nhưng vị trí thức đó để lại không phải là cái nhà do nhà nước phân, mà là kiến thức uyên bác về y học cho xứ Đông Dương.

tu-1-12
Hình minh họa
Tôi bảo người bạn, giá anh em nhà ấy, giờ đã rất giầu, có người ra nước ngoài sinh sống, bàn nhau biến cái villa thành cái thư viện mang tên ông bố. Đó là điều tuyệt đẹp mà giới trí thức nước mình cần hướng tới hơn là bán bán chia chia, của cải mất, tình anh em mất và tên tuổi cha ông cũng mất.
Làng quê tôi cũng như bao làng quê khác, giờ đã đổi thay. Bê tông hóa từng ngõ ngach. Nhà bề thế xưa kia nay đã chia năm xẻ bảy do anh chị em lớn lên có nhu cầu về chỗ ở, rủ nhau “làm thịt” đất cha ông.
Rằm tháng Giêng tôi về quê, dường như không khí nghỉ xả hơi vẫn còn. Cỗ bàn có bánh chưng, giò, có măng nấu sườn, xưởng của chú em chỉ có hai người làm vì mấy bạn khác mải du xuân, tranh thủ trả “nợ đời” vì cả năm biền biệt.
Nhà hàng mở lác đác nhưng bên cạnh có một quán miến lươn đông nghịt người. Nghe nói ông bà chủ gần 50 gì đó, từng đi bán hàng rong, hay ngó vào các cửa hàng ăn, nhìn người ta làm rồi bắt chước.
Lúc đầu anh chị mở quán chỉ mong bán 10 bát ngày cho đủ ăn, nhưng do giá cả, chất lượng và cách phục vụ tốt, dân lái xe đường dài hay tạt qua đây, thành ra nổi tiếng.
Chú em đưa tôi ra ăn sáng, bát miến khoảng 30K, đặc biệt nhiều lươn gấp đôi trả 50k, có rượu trắng mềm môi, rau hoa chuối thái nhỏ tăn. Mình thử một bát, từ sáng đến chiều còn đi leo 500 bậc thang lên núi Múa mà không thấy đau bụng.
Nghe kể nơi quán mở có mảnh đất do một bà cụ bị tật ở chân, con cái bỏ bê chả ai nuôi nấng, bà đi ăn xin và mua được miếng đất từ khi chưa có đường cao tốc đi qua, nay thì giá hàng tỷ.
Hai anh chị nuôi cụ bà lúc ốm đau, chăm lo hơn cả các con đẻ chăm mẹ. Cụ bà biết ơn đã di chúc cho hai người mảnh đất và hiện là quán miến lươn nổi tiếng cho dân lao động và lái xe qua lại.
Quán khá chật chội, lợp fibro xi măng, có thể xây đẹp hơn nhưng dường như chủ quán chỉ muốn bán hàng cho khách bình dân hơn là sang trọng, chất lượng thấp và cuối cùng thì chủ nấu chủ tự nuốt chưa chắc đã trôi. Đã bao nhiêu bài học về nhà hàng làm ăn chụp giật cuối cùng phá sản.
Tới thăm nhà người bạn thấy nhà cửa sạch sẽ, khang trang, có trần, nền đá hoa, trông vẻ phong lưu. Hỏi mới biết bà vợ đi làm, chồng ở nhà lo cơm nước và đánh đề, thỉnh thoảng rượu say, như là thời nguyên thủy của nữ quyền.
Một gia đình khác có vẻ không vui vì tranh chấp đất đai giữa anh em trong nhà. Là em út, có trí thông minh, hai vợ chồng chịu khó, khai khẩn đất đai, nhà vườn rộng nhất vẻ phong lưu. Bố mẹ già thì cũng em út lo, anh chị chạy đâu sạch. Khi các cụ trăm tuổi cả nhà bỗng đông đủ để chia…đất.
Các anh chị chiếm hết phía mặt đường du lịch mới mở, vợ chồng chú em ở sâu hơn chỉ có đường hẹp đi ra, mấy anh em ghen ăn tức ở, muốn bịt đường làm ăn của em, liền xây cổng nhà thờ lấn chỉ để đủ xe máy nhưng ô tô không thể vào sân. Con cháu, khách Hà Nội về chơi đành đỗ xe ngoài đường.
Người ở quê làm thế đã vô nhân nhưng có anh đi xa tận miền Nam cũng về chia đất và bán luôn lấy tiền tươi, mặc cho anh em ở nhà cãi nhau. Ăn nên làm ra ở xứ xa mà vẫn về đòi phần thì quả thật khó hiểu.
Nhà 7-8 anh chị em mà mỗi lần giỗ bố, giỗ mẹ, mỗi người một mâm vác đến nhà ông bà hiện là nhà thờ, cúng xong rồi đội về nhà tự xử. Vì đất đai mà anh em tan đàn xẻ nghé, giờ không nhìn mặt nhau.
Gia đình nhà anh Cua mỗi lần có giỗ chạp, anh chị em đều gặp nhau vui vẻ. Ông anh xây được cái nhà thờ làm chỗ đi về cho cả nhà, mình lại hưu nên cũng về nhiều hơn. Mình bảo, có nhà thờ thì cần có những buổi sinh hoạt mang tính văn hóa cội nguồn cho con cháu.
Như mình đã kể, hôm cỗ tất niên mình làm 50 cái phong bì có tờ 20K do các bạn MEC mừng năm mới. Chú em mang cái tivi, chiếu ảnh ông bà, chú bác, rồi hỏi đây là ai, đây là đâu, cháu nào trả lời đúng sẽ được phong bì. Người lớn trẻ con vui như hội. Và mình bảo, từ năm sau trở đi sẽ giữ phong tục này, bác Cua nhất định không mừng tuổi nếu không dự tất niên và tham gia trò chơi “hiểu về cội nguồn”
Hôm tết tôi làm cái album về gia đình, có clip chiếu trên tivi, ai xem cũng cảm động. Sau Tết in tặng các anh chị mỗi người một album có cả ảnh của mọi người cách đây 50 năm khi còn mặc quần rách bươm, đi chân đất, trông vừa buồn cười, vừa thương.
Về quê nghe chuyện đất đai, phân chia giữa anh em của nhà này nhà kia, rất khổ tâm. Lúc xem clip, tôi dặn các cháu trong nhà, lớn lên đừng ở lại lũy tre làng mà chia đất đai của tổ tiên. Nếu làm ăn được nên về giúp xây nhà truyền thống, thư viện của dòng họ, hơn là nhìn mảnh đất mặt đường nếu bán thì sẽ được bao nhiêu.
Chí lớn không thể nằm sau lũy tre chỉ để uống rượu, đánh đề, và đợi vợ về để ăn chiều. Làm ăn được thì hãy quay lại giúp người khác.
Nhiều cháu đồng tình với tôi dù bố mẹ chúng hơi lo, về già ai sẽ chăm sóc. Tôi bảo, các anh chị làm ăn được hãy tự lo cho bản thân lúc về già, đủ tiền ăn, tiền bảo hiểm và tiền trăm tuổi. Giữ đứa con ở lại quê chỉ vì lo cho mình tuổi già là một sự ích kỷ và đứa trẻ cùng thế hệ sau sẽ suốt đời tranh chấp như gia đình nọ.
Viết về làng quê thắm đượm tình người, dù tôi yêu đến cháy lòng, nhưng nhất định tôi không muốn cháu nào ở lại ôm gốc tre đợi bố mẹ chết để chia phần.
Hoặc ít ra cũng làm như bà cụ cho gia đình bán miến lươn, tặng tài sản cho người biết quí trọng tình người hơn là chia của cho đứa con bất hiếu, lười, dốt, tham lam và độc ác.
Hiệu Minh
(Blog Hiệu Minh
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn