Cuộc chiến “hăm he”

Thứ Hai, 13 Tháng Sáu 20224:00 SA(Xem: 2299)
Cuộc chiến “hăm he”

 

(VNTB) – Có lẽ với Putin thì việc tàu USS Kearsarge cập cảng Stockholm hôm 4-6 vừa rồi không đơn giản chỉ là một cuộc ghé thăm…

Nếu phải tìm ra một biểu tượng mạnh mẽ cho thấy cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đã thay đổi châu Âu như thế nào, hình ảnh chiếc tàu chiến khổng lồ USS Kearsarge, với 26 máy bay chiến đấu cùng 2.400 lính thủy đánh bộ và thủy thủ, neo đậu tại cảng Stockholm, chắc chắn là lựa chọn thích hợp nhất.

“Không ai ở Stockholm có thể bỏ lỡ việc một con tàu lớn của Mỹ xuất hiện trong thành phố của chúng tôi”, Tư lệnh tối cao các lực lượng vũ trang Thụy Điển Micael Byden nói với New York Times.

Kearsarge, tàu tấn công đổ bộ lớp Wasp của hải quân Mỹ, đến Thụy Điển để tham gia cuộc tập trận thường niên BALTOPS (Baltic Operations) của NATO tại biển Baltic. Cuộc tập trận có sự tham gia của 14 nước thuộc liên minh bên cạnh Phần Lan và Thụy Điển, dự kiến diễn ra trong gần 2 tuần bắt đầu từ ngày 5-6-2022.

Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển Peter Hultqvist nhận định các nước NATO đang phát đi thông điệp về an ninh khu vực thông qua việc các tàu chiến tề tựu ở Stockholm. Trong số các nước tham gia có Thổ Nhĩ Kỳ, Bỉ, Bulgaria, Đan Mạch, Estonia, Pháp, Đức, Latvia, Lithuania, Hà Lan, Na Uy, Ba Lan, Thụy Điển, Anh, Mỹ.

“Người Nga có hạm đội Baltic của họ. Nhưng NATO sẽ có một loạt quốc gia thành viên bao quanh biển Baltic một khi Thụy Điển và Phần Lan gia nhập”, tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, cho biết. Về bản chất, biển Baltic sẽ trở thành “một chiếc hồ” của NATO, nếu không tính đến hai lãnh thổ St.Petersburg và Kalingrad của Nga. “Nhìn từ góc độ của Moscow, điều đó sẽ rất khó khăn đối với họ về mặt quân sự”, ông nói.

Trong cuộc họp báo trên tàu cùng tướng Milley, Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson đã tìm cách nhấn mạnh bản chất phòng thủ của NATO, cho rằng đây là “tín hiệu mạnh mẽ gửi đến thế giới” về cam kết đảm bảo an ninh của Mỹ đối với Thụy Điển và Phần Lan.

Cuộc tập trận diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa phương Tây và Nga leo thang căng thẳng, đặc biệt sau khi Moscow mở chiến dịch quân sự ở Ukraine từ cuối tháng 2. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cảnh báo, các đồng minh nên sẵn sàng cho kịch bản xung đột Nga – Ukraine kéo dài. Tuy NATO không cử lực lượng tham chiến ở Ukraine, song tuyên bố sẵn sàng viện trợ quân sự giúp Kiev đối phó chiến dịch của Moscow.

Trong ngày 5-6, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố đã phóng tên lửa vào thủ đô Kyiv, trong khi quan chức Ukraine nói rằng một vị tướng Nga được giao nhiệm vụ giành quyền kiểm soát thành phố Severodonetsk hoặc một đường sắt trước ngày 10-6.

Giờ đây, Nga đang đối mặt với viễn cảnh liên minh quân sự NATO không chỉ hiện diện ngay trước “cửa nhà” mà còn bao bọc xung quanh một phần lãnh thổ nước này. Trên thực tế, NATO đã lên kế hoạch thực hiện nhiều cuộc phô diễn quân sự với Thụy Điển và Phần Lan từ trước, Charly Salonius-Pasternak, chuyên gia quân sự của Viện Các vấn đề Quốc tế Phần Lan, cho biết. “Nhưng giờ đây, có thêm rất nhiều cuộc tập trận vốn không có trong lịch trình trước đó”.

Mối quan hệ đối tác đang dần hình thành giữa Thụy Điển, Phần Lan và NATO là một con đường hai chiều. Đối với NATO, sự gia nhập của Thụy Điển và Phần Lan không chỉ giúp liên minh “bao bọc” xung quanh biên giới phía tây của Nga, mà còn giúp các nhà hoạch định quân sự tái định hình tất cả tuyến phòng thủ ở Bắc Âu.

Trong một diễn biến ghi nhận là “lên dây cót” từ phía ông chủ điện Kremlin, “lực lượng phòng không Nga đã bắn hạ hàng chục vũ khí của Ukraine và nghiền nát chúng như nhai hạt”, Tổng thống Vladimir Putin nói trong một cuộc phỏng vấn phát sóng hôm 4-6

Bình luận của ông Putin nhằm trả lời câu hỏi về việc Mỹ gửi vũ khí mới cho Ukraine, trong đó ông nói rằng các lực lượng Nga có thể dễ dàng đối phó và đã phá hủy hàng chục vũ khí do Mỹ cung cấp.

Khi trả lời một câu hỏi khác, ông nói rằng quân đội Nga nhìn chung đã đối phó tốt khi đối mặt với hỏa lực của Ukraine. Dù không nêu rõ chính xác những loại vũ khí nào, Nga cho biết họ đã phá hủy cả máy bay và tên lửa của Ukraine.

Tuy nhiên dường như cục diện chung đang rất bất lợi cho giấc mộng bá vương của Putin, khi có một số nguồn tin từ chính phủ Nhật Bản cho biết Thủ tướng Fumio Kishida có kế hoạch tham dự hội nghị thượng đỉnh của NATO diễn ra tại Madrid vào cuối tháng 6 này.

Theo các nguồn tin, ông Kishida có kế hoạch tới Tây Ban Nha sau khi tham dự hội nghị thượng đỉnh của Nhóm 7 quốc gia có nền công nghiệp phát triển (G7) bắt đầu diễn ra từ ngày 26-6 tại Đức. Bên cạnh đó, Australia, New Zealand và Hàn Quốc cũng được mời tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO lần này với tư cách là các nước đối tác trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Các quan chức chính phủ hy vọng sự tham gia của Thủ tướng Nhật Bản trong hội nghị sẽ làm tăng cường hơn nữa phối hợp của Nhật Bản và các nước thành viên NATO trong việc ứng phó với xung đột Nga – Ukraine, cũng như các tình huống có thể xảy ra ở eo biển Đài Loan.

Thủ tướng Kishida đã lên án mạnh mẽ cuộc tấn công của Nga tại Ukraine. Nhật Bản cũng đã phối hợp với các thành viên khác trong nhóm G7 áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga. Ông Kishida cũng đã kêu gọi ngăn chặn một cuộc khủng hoảng tương tự xảy ra ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương khi các hành động quyết liệt của Trung Quốc có xu hướng làm gia tăng căng thẳng ở khu vực này.

Phía Việt Nam chưa thấy đưa ra các bình luận nào liên quan loạt sự kiện thời sự quốc tế như nêu trên.

______________

Tham khảo: https://www.nytimes.com/2022/06/04/us/politics/uss-kearsarge-stockholm.html

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn