Vladimir Putin giúp NATO đoàn kết

Thứ Ba, 17 Tháng Năm 202211:59 SA(Xem: 2055)
Vladimir Putin giúp NATO đoàn kết

bl_38 

Tổng thống (TT) Nga Vladimir Putin sau thời gian đầu đe dọa dùng biện pháp quân sự can thiệp nếu Phần Lan gia nhập NATO, nhưng giờ xìu xuống, nhắc nhở “mối quan hệ ngoại giao của hai nước sẽ bị ảnh hưởng xấu”. Tuy nhiên nhà độc tài đã “cấm vận” không bán nguồn điện năng cho Phần Lan nữa.

Trong cuộc điện đàm, TT Vladimir Putin còn tha thiết trấn an TT Phần Lan, Sauli Niinistö, là đừng có lo sợ vì: “Từ bỏ chính sách trung lập truyền thống sẽ là một sai lầm, vì hỏng có mối đe dọa nào (của nước Nga) đối với nền an ninh của Phần Lan cả”.

Thiệt hôn? Ông hỏng nhớ Liên Xô đã xâm lăng Phần Lan mấy lần rồi à?

Thủ tục gia nhập NATO đáng lý ra sẽ kéo dài vài tháng, tuy nhiên các giới chức sẽ tiến hành mau chóng trong vòng vài tuần để Phần Lan sớm trở thành một thành viên của khối NATO. Khi đó nếu Liên Bang Nga mà gây hấn với Phần Lan thì có nghĩa là gây sự với toàn thể các quốc gia NATO.

bl_39

Tuần này Quốc Hội Phần Lan sẽ bỏ phiếu quyết định chính thức gia nhập NATO. Người ta tiên đoán số phiếu thuận sẽ áp đảo số phiếu chống. Tuy nhiên Thổ Nhĩ Kỳ một thành viên của NATO có ý định bắt chẹt Phần Lan, muốn có phiếu thuận của Thổ thì phải giải tán tổ chức kháng chiến PKK của người Kurds đang lưu vong ở Phần Lan.

Theo quy luật của NATO thì một quốc gia muốn trở thành thành viên phải có số phiếu tuyệt đối 100% của toàn thể các quốc gia NATO. Vì vậy Thổ Nhĩ Kỳ đã lợi dụng quy chế đó để áp lực Phần Lan phải giải tán nhóm lưu vong PKK. Tuy nhiên chính quyền Thổ cho biết sẽ đàm phán mặc cả với Phần Lan về vấn đề PKK.

Thổ Nhĩ Kỳ là một quốc gia Trung Đông được vào khối NATO vì có công giúp Hoa Kỳ và Liên Hiệp Quốc, tham chiến trong cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950. Chính quyền Thổ đã gây nhức đầu không ít cho Hoa Kỳ và khối NATO, vì chánh sách đi hai hàng trong các cuộc chiến chống khủng bố và độc tài.

bl_40

Sau Phần Lan, Thụy Điển sẽ đẩy mạnh thủ tục xin gia nhập khối NATO. Các lãnh đạo của khối rất phấn khởi vì chưa bao giờ NATO trở nên hùng mạnh và đoàn kết như vậy. Công lớn này phải nói là nhờ nhà độc tài Vladimir Putin, càng hung hăng điên cuồng thì thế giới sẽ liên kết để chống trả. Ukraine cũng có nhiều hứa hẹn sẽ trở thành thành viên của NATO khi cuộc chiến đã chấm dứt. Quy chế của NATO là không nhận quốc gia đang có chiến tranh.

Không phải bi giờ Phần Lan và Thụy Điển mới mon men đến khối NATO vì sự hung hãn của Vladimir Putin. Cuộc chiến ở Ukraine chỉ là giọt nước làm tràn ly mà thôi. Hai quốc gia Bắc Âu này đã xích gần lại NATO, và thường xuyên có những cuộc tập trận quy mô với quân đội NATO từ khoảng năm 2017 trước sự đe dọa của Liên Bang Nga. Đặc biệt hai quốc gia là Anh và Hoa Kỳ đã đóng góp rất nhiều trong các hoạt động liên quân này.

Nhà độc tài Vladimir Putin có thói quen thích hù dọa. Thế giới văn minh không có thói quen hù dọa đó, cũng không thích khoe khoang đồ chơi nguyên tử như nước Nga, nhưng họ sẽ tiếp nhận những hù dọa đó như là mối đe dọa thiệt sự.

Ngày thứ Bảy 14 tháng Năm vừa qua, một phái đoàn của Thượng Viện Hoa Kỳ bất ngờ xuất hiện không thông báo trước ở thủ đô Keiv để gặp TT Volodymyr Zelensky. Phái đoàn gồm có Lãnh đạo phe thiểu số Cộng Hòa - Thượng Nghị Sĩ (TNS) McConnell, TNS Susan Collins, TNS John Barrasso, và TNS John Cornyn. Ghi chú TNS McConnell và TNS John Barrasso thuộc khuynh hướng rất bảo thủ, còn TNS Susan Collins và TNS John Cornyn thì ôn hòa. Nhưng tất cả đồng lòng giúp Ukraine đánh thắng quân xâm lược Nga.

Cuộc viếng thăm Ukraine của phái đoàn Thượng Viện Hoa Kỳ thuộc đảng Cộng Hòa rất quan trọng vì tuần này Thượng Viện phải bầu thông qua gói viện trợ 40 tỉ đô la cho Ukraine. Có cơ hội gặp gỡ trực tiếp với TT Zelensky thì phái đoàn mới thấy rõ nhu cầu viện trợ cho Ukraine và mang thông điệp ấy về lại Washington DC để thuyết phục các đồng nghiệp Cộng Hòa kiếm cho đủ số phiếu trên 2/3 thông qua thành luật cho TT Joe Biden ký ban hành.

bl_41

Tuần rồi ở Hạ Viện cũng có 57 Dân Biểu Cộng Hòa theo khuynh hướng co cụm muốn lo cho nước Mỹ trước hết, đã không bầu chấp thuận. Họ cho rằng chính phủ xài tiền hoang phí cho Ukraine làm nợ nần chồng chất thêm rồi dân phải è lưng đóng, trong khi dân Mỹ đang gặp khó khăn vì kinh tế thì ưu tiên hơn. Cũng hơi mâu thuẫn, vì khi lão Joe Biden nhút nhát hỏng tích cực giúp Ukraine trong thời gian đầu họ cũng chỉ trích.

Ở Thượng Viện Hoa Kỳ thì có TNS Rand Paul của tiểu bang Kentucky. Ông Rand Paul là Cộng Hòa nhưng rất nổi tiếng về khuynh hướng của đảng Tự Do (Libertarian Party), triết lý của họ là trùm mền co cụm không dính líu can thiệp các xung đột của thế giới. Rand Paul đang “đắp mô” xây chướng ngại vật làm chậm thủ tục thông qua gói viện trợ 40 tỉ. TNS Rand Paul muốn có một ủy ban độc lập để kiểm soát 40 tỉ đô la có đến tận tay người Ukraine. Chỉ là cái cớ câu giờ thôi. Nhưng trong Thượng Viên cũng có nhiều cao thủ mưu lược không kém. Họ chế ra luật khác rồi bầu gấp rút thông qua, đi vòng tránh cái “mô” của TNS Paul.

TNS Rand Paul xuất thân là Bác Sĩ Y Khoa và có thành tích “tử chiến” trong các cuộc điều trần ở Thượng Viện với Bác Sĩ Anthony Fauci, cố vấn của Tổng Thống Hoa Kỳ (Biden và Trump). Cựu TT Donald Trump cũng rất ghét ông Bác Sĩ mà hỏng đuổi được vì Bác Sĩ Anthony Fauci là nhân viên chuyên nghiệp liên bang. TNS Rand Paul cũng nổi tiếng vì bị hàng xóm ghét hay sao đó mà quánh cho gãy mấy cái xương sườn phải nhập viện một thời gian.

Nếu 40 tỉ đô la được ký thành luật thì tổng số tiền viện trợ cho Ukraine năm nay sẽ lên đến hơn 50 tỉ đô la. Bao gồm thêm 6 tỉ cho chi phí tình báo cho Ukraine và 4 tỉ cho quân đội Ukraine và NATO.

Cho đến khi quân đội Ukraine nhận được đại pháo, đạn dược, và các loại hỏa tiễn cua rang muối bắn kẻ thù tới tấp để biến Ukraine thành một cái cối xay thịt bằm của lính Nga. Thì phải nhớ các khí tài quân sự đó phải đi qua biết bao nhiêu “mô đất”, hầm chông mìn bẫy, ở Quốc Hội Hoa Kỳ.

BÔNG LAU 16.05.2022

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn