Nhà tù Bắc Triều Tiên: Người sống trong đó 'khổ như con vật'

Thứ Ba, 29 Tháng Ba 20224:00 SA(Xem: 1672)
Nhà tù Bắc Triều Tiên: Người sống trong đó 'khổ như con vật'

Điều tra về tình trạng đánh đập, buộc phá thai bên trong nhà tù Bắc Hàn

  • Laura Bicker
  • BBC News, Seoul

3D rendering of prison in North Korea

Nguồn hình ảnh, Korea Future

Chụp lại hình ảnh,

Tổ chức phi lợi nhuận Korea Future dựng mô hình 3D dựa trên lời kể của nhân chứng để mọi người có thể tự mình nhìn được điều kiện sinh hoạt tồi tệ trong hệ thống các trại giam, nhà tù Bắc Hàn

Sau khi bò vào buồng giam, Lee Young-joo bị ra lệnh phải ngồi khoanh chân, đặt tay lên đầu gối.

Bà không được phép di chuyển tới 12 tiếng một ngày.

Chỉ việc dịch chuyển nhẹ hoặc khẽ thì thầm với bạn tù cùng buồng giam cũng sẽ khiến bà bị trừng phạt hà khắc.

Bà bị hạn chế lượng nước dùng và chỉ được cho vài lá bẹ ngô để ăn.

"Tôi cảm giác mình như con vật chứ không phải là con người nữa," bà nói.

Bà nói với BBC rằng bà đã phải trải qua hàng giờ đồng hồ bị thẩm vấn vì dám làm điều mà nhiều người trong chúng ta coi là quyền đương nhiên, đó là rời khỏi đất nước mình.

Bà đã tìm cách trốn chạy khỏi Bắc Hàn vào năm 2007 và bị bắt ở Trung Quốc rồi bị trả về.

Trong thời gian chờ bị kết án, bà phải ở tại Trung tâm Giam giữ Onsong của Bắc Hàn, nằm gần biên giới với Trung Quốc.

Ngồi trong buồng giam, bà nghe thấy những những âm thanh lách cách từ mũi giày sắt của người lính gác tuần tra đi đi lại lại bên ngoài.

Khi âm thanh đó đi xa dần, Young-joo tranh thủ cơ hội thì thầm với một trong những người cùng buồng giam.

Nguồn hình ảnh, Korea Future

"Chúng tôi nói về những kế hoạch để làm một cuộc đào tẩu khác, những kế hoạch gặp gỡ người môi giới, tất cả đều là những cuộc nói chuyện bí mật."

Nhà tù được dùng để làm nhụt chí những người muốn đào thoát khỏi Bắc Hàn, nhưng rõ ràng nó đã không có tác dụng đối với Youg-joo hay với các bạn tù của bà. Hầu hết những người bị giam nơi đó đều đang chờ bị kết án về tội tìm cách rời thoát đất nước.

Nhưng kế hoạch của Young-joo đã bị nghe lén.

"Tay lính canh yêu cầu tôi tiến tới song sắt buồng giam và chìa tay ra ngoài. Sau đó, hắn ta bắt đầu dùng chùm chìa khóa quất vào tay tôi cho tới khi bàn tay sưng phồng, tím tái. Tôi vì lòng tự tôn mà không muốn khóc. Những người lính gác coi chúng tôi, những người tìm cách rời khỏi Bắc Hàn, là những kẻ phản bội."

"Bạn có thể nghe thấy âm thanh những người khác bị đánh đập, bởi các buồng giam có chung hành lang. Tôi bị giam ở buồng giam số 3 nhưng vẫn nghe được âm thanh đánh đập vang lên từ buồng giam số 10."

Hệ thống đàn áp

Young-joo là một trong số hơn 200 người đã cung cấp thông tin cho cuộc điều tra chi tiết do Korea Future thực hiện về tình trạng vi phạm luật quốc tế trong hệ thống nhà tù Bắc Hàn.

Nguồn hình ảnh, Korea Future

Tổ chức phi lợi nhuận này đã xác định được 597 thủ phạm liên quan tới 5.181 vụ vi phạm nhân quyền đối với 785 người bị giam giữ tại 148 cơ sở trừng phạt ở Bắc Hàn.

Các bằng chứng đã được thu thập và đưa vào một cơ sở dữ liệu với hy vọng rằng sẽ tới một ngày những người phải chịu trách nhiệm sẽ bị đưa ra trước công lý.

Bắc Hàn luôn bác bỏ các cáo buộc có tình trạng vi phạm lạm dụng nhân quyền.

BBC đã tìm cách liên hệ với một đại diện của Bắc Hàn nhằm lấy phản hồi về cuộc điều tra nhưng đã không nhận được hồi âm.

Nguồn hình ảnh, Korea Future

Chụp lại hình ảnh,

Nhiều lời kể được thu thập từ những người từng bị giam giữ tại trung tâm giam giữ Onsong

Nhóm Korea Future cũng đã xây dựng một mô hình 3 chiều về Trung tâm Giam giữ Onsong để mọi người tự mình nhìn thấy những điều kiện giam giữ tại nơi này.

Đồng giám đốc của Korea Future tại Seoul, Suyeon Yoo nói với BBC rằng hệ thống nhà tù và tình trạng bạo lực trong đó đã đang được sử dụng nhằm "đàn áp 25 triệu người dân".

Nhiều cáo buộc về tình trạng lạm dụng

Bắc Hàn hiện đang bị thế giới cô lập hơn bao giờ hết.

Nước này đã trải qua ba thế hệ cầm quyền của nhà họ Kim và người dân Bắc Hàn được yêu cầu phải thể hiện lòng trung thành tuyệt đối với nhà họ Kim và vị lãnh đạo hiện thời, ông Kim Jong-un.

Đại dịch Covid đã dẫn tới những biện pháp kiểm soát thậm chí còn nghiêm ngặt hơn, cả ở bên trong Bắc Hàn lẫn tại vùng biên giới.

Các án tù nghiêm khắc hơn được áp dụng đối với những người tìm cách nhìn thoáng qua thế giới bên ngoài, chẳng hạn như dám xem phim, kịch nước ngoài.

Mô hình bạo lực bên trong hệ thống này được nhắc đi nhắc lại trong những lời khai, từ người này tới người khác, từ nhà tù này tới nhà tù khác.

Đã có những cáo buộc về tình trạng hãm hiếp và các hình thức tấn công tình dục khác.

Những người sống sót cũng nói với tổ chức này rằng họ đã bị buộc phải nạo phá thai.

Trong một trường hợp tại Trung tâm Giam giữ Tỉnh Bắc Hamgyong, người được phỏng vấn từng chứng kiến cảnh một người cùng bị giam giữ bị buộc phải phá thai khi bào thai đã được 8 tháng. Bà nói rằng đứa trẻ vẫn sống nhưng đã bị dìm chết trong bồn nước.

Có năm trường hợp các nhân chứng nói về các vụ xử tử.

Young-joo cuối cùng bị án ba năm rưỡi tù giam.

"Tôi đã lo lắng không biết liệu mình có còn sống được cho tới khi thụ án xong hay không," bà nói. "Khi phải tới những chỗ thế này, bạn phải từ bỏ việc mình là con người để chịu đựng mà tồn tại," bà nói.

Saerom cũng ở tại Trung tâm Giam giữ Onsong hồi 2007, nhưng bà nhớ lại rằng mức độ đánh đập tại các nhà tù An ninh Quốc gia còn tồi tệ hơn nhiều.

"Họ dùng gậy gỗ quất vào đùi người bị giam. Lúc vào thì bạn bước đi, nhưng lúc ra thì phải bò. Tôi không thể chịu đựng được cảnh người khác bị đánh, nhưng nếu tôi quay mặt đi thì họ sẽ bắt tôi phải nhìn. Họ bóp chết tinh thần bạn."

"Nếu như có cách nào đó thì tôi muốn họ phải bị trừng phạt," Saerom nói với chúng tôi trong lúc bà nhớ lại cơn ác mộng thường quay về ám ảnh bà về thời gian ở tù.

Bà nói nay bà cảm thấy vui sướng với từng khoảnh khắc hạnh phúc của cuộc đời mới của mình tại Nam Hàn.

Việc đưa các vụ này ra truy tố sẽ là khó khăn.

Tuy nhiên, cuộc điều tra đã nhận được ý kiến từ các chuyên gia của Tòa Hình sự Quốc tế. Các bằng chứng cũng sẽ được tiếp nhận tại tòa và hiện đang được để cho mọi người khi tiếp cận tự do.

Saerom và Young-joo đều nói với chúng tôi rằng họ hy vọng bản phúc trình này sẽ đưa họ một bước tới gần hơn với công lý mà họ khao khát.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn