Trung Quốc “như đỉa phải vôi” với Walmart

Thứ Bảy, 01 Tháng Giêng 20226:00 SA(Xem: 2523)
Trung Quốc “như đỉa phải vôi” với Walmart

GettyImages-1358029140-1280x853

Một siêu thị Walmart tại Thượng Hải (ảnh: Wang Gang/VCG/Getty Images)

Mỗi lần “có chuyện” là Trung Quốc huy động toàn bộ “nhân dân, cán bộ và công nhân viên chức” của họ vào cuộc. Lần này, mục tiêu bị đánh tơi bời là Walmart. Phản ứng nhảy dựng như đỉa phải vôi của Trung Quốc đối với Walmart bắt đầu từ nguyên cớ gì?

Hôm nay, 31 Tháng Mười Hai 2021, Cơ quan chống tham nhũng Trung Quốc chính thức lên tiếng chỉ trích Walmart và cảnh báo về sự đồng loạt tẩy chay của người tiêu dùng nước này, sau khi Walmart ngừng dự trữ các sản phẩm từ Tân Cương trong các siêu thị Walmart và Sam’s Club hoạt động tại Trung Quốc. Walmart không có “lý do chính đáng” nào để không bán sản phẩm từ khu vực Tân Cương – Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc “tuyên bố mạnh mẽ”, và rằng động thái này được thúc đẩy bởi những “động cơ thầm kín”, cho thấy một “sự ngu ngốc và thiển cận”.

Tân Cương, khu vực Tây Bắc Trung Quốc, nơi sinh sống của hàng triệu người thiểu số Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ, đã trở thành điểm nóng khuấy động căng thẳng địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc, khi Washington cáo buộc chính quyền Trung Quốc thực hiện các vụ diệt chủng không gớm tay và ép người Duy Ngô Nhĩ vào các trại lao động cưỡng bức man rợ. Ngày 23 Tháng Mười Hai, Tổng thống Joe Biden đã ký Đạo luật ngăn chặn lao động cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ (Uyghur Forced Labor Prevention Act) thành luật, cấm tất cả mặt hàng nhập khẩu vào Hoa Kỳ từ khu vực này, trừ khi các công ty có thể chứng minh rằng sản phẩm đó không do những người bị cưỡng bức lao động làm ra.

Chính quyền Trung Quốc nhắc rằng Walmart đang kiếm khoảng 1 tỷ nhân dân tệ ($157 triệu) chỉ riêng phí thành viên của hơn bốn triệu thành viên mà Walmart có ở Trung Quốc. “Trung Quốc là thị trường nước ngoài lớn thứ hai của Walmart, nếu muốn đứng vững trên thị trường Trung Quốc, Walmart cần thể hiện đủ sự chân thành và thái độ tôn trọng sự thật, phân biệt đúng sai, tôn trọng nguyên tắc của Trung Quốc và tình cảm của công dân Trung Quốc” – Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc nói. “Nếu không, người dân và người tiêu dùng Trung Quốc sẽ hành động để đáp trả một cách kiên quyết”. Hiện tập đoàn Walmart có 434 siêu thị Walmart và Sam’s Club tại Trung Quốc, nơi trở thành thị trường quốc tế lớn thứ hai của Walmart tính theo diện tích bán lẻ (sau thị trường Mexico).

Đây dĩ nhiên không phải lần đầu tiên Trung Quốc “nhảy dựng” như đỉa phải vôi và dọa tẩy chay một công ty nước ngoài. Các cuộc tẩy chay người tiêu dùng nhuốm màu chính trị ở Trung Quốc đã có lịch sử lâu đời. Năm 2008, chuỗi siêu thị Carrefour của Pháp đã phải đối mặt cuộc tẩy chay trước Thế vận hội Mùa hè Bắc Kinh, sau sự kiện những người biểu tình ở Pháp tổ chức chiến dịch lên án sự đàn áp của Trung Quốc ở Tây Tạng. Các nhà sản xuất xe hơi Nhật từng phải chịu một cuộc tẩy chay dữ dội vào năm 2012 sau khi Tokyo quốc hữu hóa quần đảo Senkaku do Nhật Bản kiểm soát (mà Trung Quốc gọi là “Điếu Ngư Đài” và nói nó thuộc về họ).

Gần đây hơn, tập đoàn thời trang bán lẻ H&M và một số thương hiệu quần áo nước ngoài cũng bị áp lực từ cư dân mạng Trung Quốc, với sự hô hoán “tất cả anh em chúng ta cùng xung phong” của Đoàn Thanh niên Cộng sản, sau khi những công ty nước ngoài này ngừng tìm nguồn cung ứng từ Tân Cương. Trước khi xảy ra vụ Walmart, tập đoàn bán dẫn khổng lồ Intel của Mỹ đã muối mặt xin lỗi công chúng Trung Quốc bởi đối mặt làn sóng tẩy chay, sau khi họ yêu cầu những nhà cung cấp ngưng tìm nguồn cung ứng từ Tân Cương. Cay đắng mùi đời hơn cả là siêu thị Lotte Mart của Hàn Quốc. Họ đã buộc phải rời khỏi Trung Quốc năm 2018 sau khi hoạt động tại đây hơn một thập niên, vì bị hứng chịu cuộc tẩy chay rầm rộ của dân Trung Quốc, trước sự kiện Seoul thỏa thuận với Mỹ về việc trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa trên đất Hàn Quốc.

Theo Wall Street Journal (28-12-2021), nhiều công ty Mỹ, nếu không muốn nói là hầu hết, vẫn lên kế hoạch mở rộng quy mô tại Trung Quốc. Một cuộc khảo sát vào Tháng Chín 2021 của Phòng Thương mại Mỹ ở Thượng Hải cho thấy chỉ có khoảng 10 công ty giảm các khoản đầu tư theo kế hoạch do lo lắng về việc tẩy chay. Dù vậy, cây bút Nathaniel Taplin vẫn nhận định rằng, những rắc rối của Walmart là dấu hiệu của một vấn đề lớn hơn. Nếu các mối quan hệ không được cải thiện, và tăng trưởng tiêu dùng của Trung Quốc không sớm phục hồi, thì nhiều doanh nghiệp nước ngoài có thể quyết định tập trung kế hoạch tăng trưởng vào “những đồng cỏ xanh hơn với ít hố sâu chính trị hơn”.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn