So sánh Anh và Việt Nam trong các vụ quân nhân chết ở doanh trại

Thứ Sáu, 10 Tháng Mười Hai 202110:00 CH(Xem: 2300)
So sánh Anh và Việt Nam trong các vụ quân nhân chết ở doanh trại
bbc.com

Khi doanh trại thời bình là nơi quân nhân chết trẻ -


So sánh Anh và Việt Nam trong các vụ quân nhân chết ở doanh trại

Pte Anthony Bartlett

Nguồn hình ảnh, Family picture

Chụp lại hình ảnh,

Binh nhì Anthony Bartlett chết năm 2001 nhưng năm nay, 2021 vẫn có thêm điều tra về lý do tử vong

Vụ có thêm một quân nhân trẻ tử vong trong doanh trại ở Gia Lai, Việt Nam, không quá lâu sau cái chết của một bộ đội ở Bắc Ninh đang được dư luận nước này chú ý.

Nửa năm sau vụ anh Trần Đức Đô chết ở Quân khu I thì tại Quân khu 5 vừa có vụ binh nhất Nguyễn Văn Thiên tử vong 'sau khi té ngã', theo lời cấp chỉ huy.

Trong cả hai vụ việc, dù chính quyền và báo chí nhanh chóng kết luận như vội khép lại sự việc, người ta vẫn thấy có nghi vấn, bức xúc, đau đớn của gia đình và câu hỏi của một số người trên mạng xã hội.

Họ hỏi về nguyên nhân thật của hai cái chết, cụ thể là hai quân nhân này có phải bị đồng đội hay chỉ huy hành hung hay không?

Và giả sử chết do 'té ngã' hay 'trèo cây' thì QĐNDVN có làm gì để đảm bảo sinh hoạt trong quân ngũ được an toàn cho các quân nhân đang sống?

Có hay không quan hệ thân thuộc, bè cánh gia đình trong quân ngũ, nạn nhậu nhẹt, sai bảo, biến tướng thành hành vi bạo lực?

Cho đến nay có vẻ như các cấp chỉ huy cao nhất, tướng lĩnh cấp quân khu, bộ trưởng quốc phòng Việt Nam do bận các việc khác, không biết hoặc không muốn nói gì về các vụ việc.

Chưa kể một số trang web liên quan đến quân đội còn nói cần khép lại sự việc thật thần tốc trong tinh thần "chống phản động" để không bị "lợi dụng".

Đây là điều khác biệt giữa Việt Nam, quốc gia tự hào "Kỷ luật là Sức mạnh quân đội", và Anh Quốc, nơi các lực lượng vũ trang bị giám sát bởi nhiều cơ chế khác như tự do báo chí, nhân quyền.

Bài viết này giới thiệu lại hàng loạt trường hợp quân nhân tự tử tại một doanh trại ở Nam London và cách Anh Quốc xử lý, rút ra bài học.

Tự tử ở doanh trại Deepcut Barracks, Surrey

Từ 1995 đến 2002, có năm quân nhân Anh đã chết, hoặc vì tự sát hoặc vì lý do khác, chỉ trong một doanh trại, Deepcut Barracks, hạt Surrey, phía Nam London.

Họ là binh nhì Sean Benton, Cheryl James, Geoff Gray và James Collinson, đều chết vì súng.

Phát hiện mới nhất hồi năm 2021 cho thấy năm 2001, binh nhì Anthony Bartlett chết vì đã dùng quá liều thuốc giảm đau Co-Proxamol sau khi bị chấn thương lúc tập luyện.

Deepcut Barracks là doanh trại huấn luyện cho tân binh thuộc Cục Hậu cần Hoàng gia và có người chết chỉ sau vài tháng nhập ngũ, gây bức bối lớn cho dư luận Anh.

Dù cuộc điều tra về bốn ca tử vong do súng đã xong, hoàn cảnh cái chết của Anthony Barlett đã khiến chương trình quan trọng hàng đầu của đài BBC là Newsnight vào cuộc, tháng 6/2021, sau 20 năm.

Đây là ví dụ truyền thông Anh phục vụ toàn dân nên không né tránh những câu hỏi khó cho Quân đội, kể cả khi quân lực có tổng tư lệnh là Nữ hoàng Elizabeth II.

Họ phỏng vấn các nhà điều tra, các chính khách có liên quan, như dân biểu Quốc hội đại diện hạt Surrey, các tướng lĩnh đã nghỉ hưu, và gia đình của các nạn nhân.

Kết quả của các cuộc điều tra cấp nhà nước về bốn cái chết vì tự sát trước đó cũng được lật lại để xem những Phúc trình, như của Công tố hoàng gia Nicholas Blake (Deepcut Review of 2006 by Nicholas Blake- Queen Counsel -QC) có cần rà lại hay không.

Phúc trình gồm 786 trang, đã được công bố, với các bài học và khuyến nghị thay đổi toàn bộ huấn luyện tân binh tại Deepcut Barracks và các doanh trại khác trên cả nước (xem tại đây).

Ngày 25/11/2021, vì các tình tiết mới trong vụ tử vong của binh nhìn Anthony Barlet năm 2001, Anh Quốc cho cập nhật lại các thông tin về vụ việc, gọi là Deepcut Inquiry (ở địa chỉ này)

Điều đáng nói là các thông tin về quân đội, về các cấp chỉ huy bị điều tra đều được đăng công khai, vì quan niệm quân đội không phải là lãnh địa riêng của tướng tá.

Chết đơn lẻ nhưng vì một văn hóa chung là tàn ác

Các bài trên BBC News ̣(Fifth Army recruit died at Deepcut barracks và các báo tư nhân ở Anh nhưng năm qua gọi đây là "sự ô nhục của Quân đội Anh (The Army's Shame - tên phim BBC2 6/2016).

Quan trọng hơn, các điều tra của chính quyền do công tố độc lập thực hiện và của báo chí làm lộ ra một loạt vấn đề ở doanh trại tai tiếng này: văn hóa độc địa -malevolent culture.

Thứ nhất là không khí sợ hãi của các tân binh, cả nam và nữ khi vào quân đội.

Họ được ra lệnh "cúi đầu nhịn nhục", và đừng phản đối các hành vi thô bạo của hạ sĩ quan, như lời kể của một cựu binh sĩ Dan Griffiths.

Thứ hai, một không khí bí mật, đe dọa hóa ra đã tồn tại trong doanh trại Deepcut từ những năm 1990.

Một cựu nữ quân nhân (chỉ nêu tên không nói họ), là Suzanne, kể cô bị trùm chăn vào đầu trong phòng kín và bị đồng đội nam hãm hiếp.

Người phụ nữ này bị cơn sợ và cảm giác nhục nhã làm tê liệt nên đã không báo về vụ án và chỉ kể với đài BBC sau 20 năm.

Thứ ba là hai yếu tố trên khiến cấp hạ sĩ quan ở doanh trại "tử thần" này trở nên nhờn mặt pháp luật và tự cho mình quyền sinh quyền sát với tân binh.

Ví dụ, hạ sĩ Andrew Gavaghan và trung sĩ Martin Hold bị cho là đã tổ chức ra các vụ đánh lính ban đêm (late night beatings).

Đây là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới việc binh nhì Sean Benton tự tử năm 1995 bằng cách bắn năm phát súng vào ngực mình, khi mới 20 tuổi.

Tháng 11 cùng năm, nữ quân nhân Cheryl James tự sát ở tuổi 19, để lại nỗi đau vô bờ cho cha mẹ cô.

Ngày 17/09/2001, Geoff Gray tự sát tương tự bằng hai phát đạn vào trán khi mới 17 tuổi.

Quân đội Anh bị chỉ trích mạnh vì thời gian đó đã không hợp tác có thiện chí với Cảnh sát Surrey, cơ quan điều tra các vụ án mạng trong doanh trại.

Cũng phải nói cơn choáng của dư luận Anh không đủ để quân đội và chính phủ thừa nhận nạn bạo hành và thói xử tệ với tân binh.

Những thanh niên trẻ sống xa gia đình lần đầu vào quân ngũ với tinh thần phục vụ và tin rằng phải tuân theo kỷ luật thép.

Kỷ luật đó đã bị giới hạ sĩ quan lạm dụng để hành hạ người dưới quyền, và bị các các chỉ huy cao hơn coi là "việc bình thường" để lờ đi, tuy không có chuyện che dấu.

Các cái chết vô cùng vô lý, phí phạm tuổi xanh của tân binh Anh ở trại Deepcut có thể để lại bài học gì cho quân đội?

Trên thực tế, Quân đội Anh bị phê phán là thụ động dù không bao che cho thủ phạm.

Phải nhờ báo chí, gồm đài BBC, các báo Telegraph, Guardian, Times of London...và nhờ khung pháp lý chung khá tốt, cộng với cuộc chiến đấu của các cha mẹ nạn nhân thì quân đội mới nhúc nhích.

Cụ thể, cha mẹ của Cheryl James và Sean Benton đã dùng Luật Nhân quyền (Human Rights Act) để bắt buộc chính phủ Anh và Quân đội phải trả lời các câu hỏi của họ.

Tháng 4/2004, Bộ trưởng Quốc phòng Anh, Geoff Hoon bị yêu cầu phải ra điều trần và trả lời trước hội đồng điều tra công (public inquiry).

Ông Hoon (đảng Lao động) đã công khai xin lỗi cha mẹ những quân nhân tử vong trong trại Deepcut, theo báo Anh hồi đó.

Tuy thế, lời xin lỗi có thể đã không giúp ông tránh bị khởi kiện bởi bốn gia đình lên Tòa thượng thẩm.

Vì ở cương vị bộ trưởng (dân sự) phụ trách quốc phòng, ông phải chịu trách nhiệm cá nhân về an toàn cho mọi quân nhân trong doanh trại thời bình.

Cha mẹ các binh sĩ chết thảm không cô độc.

Ngoài báo chí, dư luận, các luật sư, một tổ chức thiện nguyện mang tên Trung tâm vì Công lý trong quân ngũ (Centre for Military Justice, xem đường dẫn) đã hỗ trợ họ về pháp luật để nhân quyền.

Quan trọng hơn, nhân quyền đã được áp dụng trong các vụ việc đau đớn này - Ân xá Quốc tế cũng vào cuộc - và để lại lời cảnh báo cho các sĩ quan, hạ sĩ quan Anh về quyền con người của quân nhân.

Dù không ai bị quy trách nhiệm hình sự, vụ Deepcut để lại một di sản lớn về pháp lý cho nước Anh, và thậm chí cả về văn hóa.

Các vụ chết tại trại Deepcut đã được dựng thành ít nhất ba vở kịch ở Anh.

Vở Deep Cut (2008) của Philip Ralph đã xuất hiện tại Liên hoan kịch Edinburgh Festival, va hai vở khác được trình diễn tại London, Newcastle-upon-Tyne.

Vì người Anh quan niệm "Nếu bạn không tôn trọng sự sống người khác, không ai tôn trọng sự tồn tại của bạn".

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn