CHINESE FOREIGN MINISTRY SPOKESWOMAN HUA CHUNYING

Chụp lại hình ảnh,

Nữ thứ trưởng Hoa Xuân Oánh phê phán bình luận của cựu thủ tướng Nhật Bản- ảnh chụp bà Hoa khi còn làm phát ngôn viên Bộ Ngoại giao TQ

Nữ thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc đã phê phán bình luận của cựu thủ tướng Nhật Bản sau khi ông Shinzo Abe nói 'nếu xâm lăng Đài Loan, Trung Quốc sẽ tự sát về kinh tế'.

Bà Hoa Xuân Oánh, người từng làm phát ngôn viên Bộ Ngoại giao, này giữ chức Thứ trưởng, đã nói với Đại sứ Nhật Bản bị triệu đến gặp giới chức Trung Quốc vì phát biểu của ông Abe.

Hôm thứ Tư 01/12, bà Hoa đã nói với đại sứ Hideo Tarumi tại Bắc Kinh rằng "ông Abe can thiệp thô bạo vào tình hình nội bộ Trung Quốc" bằng phát biểu về Đài Loan.

Theo Bộ Ngoại giao TQ, ông Shinzo Abe đã "ủng hộ Đài Loan độc lập", điều trái với "các nguyên tắc cơ bản của ngoại giao quốc tế".

Trước đó, phát biểu của đường video với cử tọa ở Đài Loan, cựu thủ tướng Shinzo Abe cảnh báo Trung Quốc rằng "cuộc xâm lăng Đài Loan sẽ là hành động tự sát về kinh tế", theo các báo Japan Times, và thông tấn quốc tế.

Đây là phát biểu quan trọng nhất của một nhân vật cao cấp trong chính trường Nhật Bản về Đài Loan và nguy cơ hòn đảo bị tấn công, theo Bloomberg hôm 02/12.

Ông Shinzo Abe từ chức năm ngoái nhưng vẫn có vị trí quan trọng trong chính trị Nhật Bản.

Ông cũng gọi cuộc xâm lăng của Trung Quốc, nếu xảy ra, "là phiêu lưu quân sự".

Quan hệ Nhật Bản - Trung Quốc đi đến căng thẳng?

Các lãnh đạo ngành ngoại giao Trung Quốc cũng phê phán "phát biểu vô trách nhiệm từ Nhật Bản", quốc gia mà theo một số phương án khủng hoảng, sẽ có thể ủng hộ Đài Loan bằng quân sự nếu đảo quốc bị Trung Quốc tấn công.

Ngoài ra, ông Abe còn cho rằng "một cuộc xâm lăng quân sự vào Đài Loan sẽ là đe dọa nghiêm trọng cho Nhật Bản".

"Khủng hoảng Đài Loan sẽ là khủng hoảng của Nhật Bản", ông Abe nói.

Theo ông, Chủ tịch Tập Cận Bình "không nên nhầm hiểu về tình hình".

Thủ tướng đương nhiệm của Nhật, Fumio Kishida nói căng thẳng ở Eo biển Đài Loan sẽ có thể trở thành vấn đề ngoại giao nghiêm trọng mà nước ông phải đối mặt.

Ông Kishida nói Nhật Bản cần tìm cách hợp tác với Đài Loan và các quốc gia cùng chia sẻ các giá trị tự do, dân chủ và pháp quyền, theo Bloomberg.

Năm 1972, Nhật Bản cắt quan hệ với Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan), và ra Thông cáo chung với CHND Trung Hoa, đặt nền tảng cho quan hệ ngoại giao song phương.

Tuyên bố chung này có điều khoản nói về Đài Loan, lãnh thổ từng bị Đế quốc Nhật chiếm đóng.

Năm 1992, Nhật Hoàng Akihito thăm Trung Quốc, đánh dấu chuyển biến tích cựu sau nỗ lực của hai nước qua nhiều thập niên nhằm thúc đẩy quan hệ.

Năm 1998, hai nước ra Tuyên bố chung Trung - Nhật về quan hệ song phương.

Nhưng gần đây, việc xoay trục an ninh của Hoa Kỳ sang Đông Á nhằm ngăn sự vươn ra của Trung Quốc tới các vùng biển xa ở Thái Bình Dương, và chuyển biến trong cách nhìn của ông Tập Cận Bình về tương lai Đài Loan có tác động lớn tới định hướng của Nhật Bản.

Trong sáu kịch bản mà một chuyên đề của Reuters công bố gần đây, thì các kịch bản xấu nhất khi Trung Quốc "khóa hàng rào hải quan" xung quanh Đài Loan, hoặc trực tiếp tấn công Đài Loan, đều khiến Nhật Bản vào cuộc.

Ví dụ, kịch bản 3 dự kiến "Hoa Kỳ đẩy mạnh việc giao nhận vũ khí tối tân cho Đài Loan còn Nhật Bản sau khi công khai xác nhận hỗ trợ Hoa Kỳ trong việc trợ giúp Đài Loan, đã đưa các đơn vị bộ binh và hải quân tới các hòn đảo phía nam của Nhật để tập luyện việc đổ bộ từ biển vào, ứng cứu Đài Loan".

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Nguy cơ xung đột quanh Đài Loan đang thu hút sự chú ý của các nước trong vùng

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Tổng thống Thái Anh Văn phát biểu khi xảy ra 'chiến tranh dứa' với Trung Quốc

Trong kịch bản 4, "Bắc Kinh tấn công vào các căn cứ của Mỹ đặt tại Nhật Bản".

Tất cả các kịch bản này chỉ mang tính giả định, nhưng cũng phản ánh phần nào cách suy nghĩ của chính giới Nhật hiện nay về căng thẳng có thể xảy ra khi Trung Quốc "động binh" nhắm vào Đài Loan, đối tác kinh tế quan trọng của Nhật.