Nghi vấn Trung Quốc thử nghiệm vũ khí nguyên tử từ không gian

Thứ Năm, 21 Tháng Mười 20215:00 SA(Xem: 2660)
Nghi vấn Trung Quốc thử nghiệm vũ khí nguyên tử từ không gian
rfi.fr

Tiết lộ về hai nhân vật chủ chốt của lực lượng Wagner đánh thuê cho Nga

Thụy My

Dimitri Outkine, cựu nhân viên tình báo quân đội, người thành lập Wagner từng được vinh danh trong lễ đón tiếp những « người hùng » từ Syria tại điện Kremlin. Doanh nhân Evgueni Prigojine, bị ngồi tù 9 năm thời Liên Xô cũ vì tội « ăn cắp », giờ đây trở thành tỉ phú nhờ nhiều hợp đồng công béo bở, là nhà tài trợ cho lực lượng đánh thuê này.

Nghi vấn Trung Quốc thử nghiệm vũ khí nguyên tử từ không gian

Về châu Á, Financial Times hôm 16/10 dẫn năm nguồn tin thân cận với hồ sơ khẳng định Bắc Kinh hồi tháng Tám có thể đã thứ nghiệm gắn đầu đạn nguyên tử lên một thiết bị bay siêu thanh, phóng lên không gian và di chuyển trên quỹ đạo thấp.

Sau khi bay quanh Trái Đất, thiết bị này đi vào khí quyển và hỏa tiễn đã rơi xuống đất cách mục tiêu khoảng 30 kilomet. Cũng theo FT, sự kiện đã gây bất ngờ cho tình báo quân đội Mỹ, vì như vậy Trung Quốc tiến bộ rất nhanh về siêu thanh (cao hơn Mach 5). Hôm thứ Hai 18/10, bộ Ngoại Giao Trung Quốc phủ nhận, nói rằng đó chỉ là « thử nghiệm bình thường » nhằm « kiểm tra công nghệ không gian tái sử dụng ». Nhưng Hồ Tích Tiến (Hu Xijin) của Global Times ca ngợi việc này « cải thiện năng lực răn đe về nguyên tử », cho thấy giả thiết thử nghiệm quân sự là có lý.

Joshua Pollack, Trung tâm James Martin ở Washington giải thích, vụ bắn thử này chừng như là một hệ thống FOBS (hệ thống oanh tạc phân đoạn từ quỹ đạo). Tuy ít được biết đến so với hỏa tiễn đạn đạo liên lục địa (ICBM), nhưng FOBS có cùng vai trò là bắn đi vũ khí nguyên tử xuyên lục địa. Chuyên gia cho biết Liên Xô đã từng triển khai hệ thống tương tự trong thập niên 70, một công nghệ cũ được cải tiến.

Đánh lừa được radar Mỹ nhờ linh hoạt

Ưu điểm của FOBS là có thể đánh lừa radar Mỹ, nhất là ở Nam Cực vốn ít bị vệ tinh quan sát, nhờ tính linh hoạt của nó. Hệ thống này ở lại trên quỹ đạo, nhưng lại quay về Trái Đất sau khi bay vòng quanh trong 90 phút. Theo nhà vật lý Laura Grego của MIT, thay vì dùng ICBM chỉ mất 20 đến 40 phút là chạm đến mục tiêu, đường đi của FOBS là bất định, né được hệ thống chống hỏa tiễn. Joshua Pollack nhận định nhờ đó quân đội Trung Quốc có thể dẫn đầu trong cuộc đua đa dạng hóa và cải thiện hệ thống phòng không. Ngoài ra Bắc Kinh còn thử nghiệm một loại vũ khí đa dụng như Sarmat của Nga, mang được nhiều đầu đạn hạt nhân.

Các chuyên gia về nguyên tử tỏ ra quan ngại nhưng còn thiếu thông tin. Họ cho rằng FOBS không phải là « game changer », vì Hoa Kỳ hiện đã dễ tổn thương trước 100 ICBM Trung Quốc. Hệ thống phòng không Mỹ được thiết lập để chống các mối đe dọa mức độ thấp hơn, hoặc từ các « Nhà nước côn đồ » như Bắc Triều Tiên hay Iran, chứ không phải cả một hệ thống đủ loại hỏa tiễn của Trung Quốc. Xavier Pasco nhắc nhở, tuy hiệp ước không gian 1967 cấm các loại vũ khí trên quỹ đạo, nhưng trên thực tế tốt nhất là dùng ICBM để răn đe đối thủ. Một số coi thử nghiệm vừa rồi là « thời khắc Sputnik » nhưng theo Jeffrey Lewis của Trung tâm James Martin, không việc gì phải hoang mang.

Bắc Triều Tiên muốn biến thử hỏa tiễn thành việc bình thường

Cũng về vũ khí, La Croix đặt câu hỏi « Bắc Triều Tiên muốn gì qua các vụ bắn hỏa tiễn ? ». Hôm qua 19/10 Bình Nhưỡng đã phóng đi một hỏa tiễn đạn đạo, được cho là từ tàu ngầm. Với vụ bắn thử thứ 7 kể từ đầu năm, chế độ Bắc Triều Tiên muốn « bình thường hóa » việc này.

Theo phân tích của Hàn Quốc, đó là một hỏa tiễn đạn đạo địa-hải tầm ngắn (SLBM), bắn ra từ tàu ngầm hoặc một bệ phóng dưới biển, hướng về vùng biển phía đông bán đảo Triều Tiên. Loại tên lửa này đã được Bình Nhưỡng phát triển từ 5 năm qua. Nếu thực sự được bắn đi từ tàu ngầm, Bắc Triều Tiên đã bước được một bước dài vì tàu ngầm có thể đi xa hơn, và tấn công đợt hai vào các căn cứ quân sự.

Nhà Triều Tiên học Juliette Morillot khẳng định Bắc Triều Tiên sẽ không bao giờ ra tay tấn công trước các láng giềng hay Hoa Kỳ. Tuy nhiên Nhật Bản cảm thấy bị đe dọa, vì từ nhiều năm qua tất cả các hỏa tiễn Bắc Triều Tiên đều bay ngang qua lãnh thổ hoặc rơi xuống biển Nhật Bản. Về phía Washington, nếu các hỏa tiễn này không đe dọa lập tức nhân viên và lãnh thổ Mỹ cũng như các đồng minh thì Nhà Trắng không hành động gì.

Chad O’Carroll, giám đốc trung tâm nghiên cứu Korea Risk Group ở Seoul phân tích, sau hai năm thu mình lại vì đại dịch, Bắc Triều Tiên tái thúc đẩy ngoại giao quân sự, sau hỏa tiễn sẽ đến ngoại giao. Chuyên gia Jeongmin Kim của NKNews tổng kết : « Bình Nhưỡng muốn bình thường hóa các vụ thử nghiệm, cho đến khi chúng không còn là trở ngại cho việc tái lập đối thoại với Hoa Kỳ ».

Lực lượng lính đánh thuê Wagner phục vụ cho Kremlin

Vẫn trên lãnh vực quân sự, hồ sơ của La Croix dành cho « Wagner, lính đánh thuê phục vụ cho Kremlin ». Sau khi tiếp tay cho phe nổi dậy ở miền đông Ukraina năm 2014, lực lượng không chính thức này liên tục làm thay quân đội Nga những công việc nguy hiểm ở nhiều nơi trên thế giới, tuy không hề được điện Kremlin nhắc tên. Ông Vladimir Putin chỉ gọi là « một tổ chức tư nhân ».

Chuyên gia Ruslan Leviev của nhóm điều tra Conflict Intelligence Team cho biết Wagner rất linh hoạt : những đội quân đông đảo bên cạnh quân ly khai thân Nga ở đông Ukraina, hàng ngàn lính đánh thuê ở Syria của Bachar Al Assad, hay những nhóm đặc nhiệm nhỏ ở Libya và Trung Phi. Matxcơva tránh bình luận về các hoạt động của Wagner, và cũng không có lời nào về Dimitri Outkine, cựu nhân viên tình báo quân đội, người đã thành lập lực lượng này. Tháng 12/2016, ông ta từng được vinh danh trong lễ đón tiếp những « người hùng » từ Syria tại điện Kremlin, và có mặt trong một tấm hình chụp với Putin.

Outkine thường có mặt ở thực địa để điều phối, và tổ chức tuyển mộ. Khoảng 5.000 lính đánh thuê đã được tuyển kể từ 2014 : các cựu binh Afghanistan, Tchetchenya, quân ly khai Ukraina, quân nhân về hưu hoặc tình nguyện viên Nga. Với lương tháng ít nhất 150.000 rúp (1.800 euro, gấp 10 lương tối thiểu ở Nga), cộng thêm nhiều loại tiền thưởng, Wagner tìm cách mở rộng đội ngũ, và huấn luyện tại căn cứ quân sự Molkino ở Krasnodar, thuộc miền nam.

Nga phá rối thông qua tổ chức của Outkine và Prigojine

Kremlin đặc biệt im lặng về khuôn mặt quan trọng khác của Wagner : doanh nhân Evgueni Prigojine, người thân cận của Putin. Trong thập niên 90 ở Saint Petersbourg, khi Putin là phó thị trưởng, ông ta lãnh đạo các nhà hàng sang trọng và nay là người cung cấp các bữa ăn cho Kremlin. Từng bị ngồi tù 9 năm thời Liên Xô cũ vì tội « ăn cắp », giờ đây Evgueni Prigojine trở thành tỉ phú nhờ nhiều hợp đồng công béo bở ; hiện đang bị Hoa Kỳ trừng phạt vì can thiệp bầu cử và Liên Hiệp Châu Âu phạt vì gây bất ổn ở Libya.

Denis Korotkov - nhà báo điều tra về Wagner, làm việc tại Novaia Gazeta, tờ báo mà tổng biên tập vừa được giải Nobel hòa bình – thổ lộ có rất nhiều bằng chứng về vai trò của Evgueni Prigojine nhưng không thể công bố vì nguy hiểm cho nguồn tin. Bản thân ông cũng bị đe dọa. Năm 2018, khi Wagner bắt đầu hoạt động tại Trung Phi, ba nhà báo Nga điều tra đã bị ám sát. Nguy hiểm càng tăng thêm khi tổ chức lính đánh thuê này đã trở thành cơ sở làm ăn, cần bảo vệ lợi ích thương mại. Tại Syria, Wagner bảo vệ các giếng dầu và nhận được một phần tiền bán dầu, ở Trung Phi, việc bảo kê hầm mỏ mang lại lợi nhuận lớn.

Evgueni Prigojine chịu mọi chi phí của Wagner, kể cả bồi thường cho thân nhân lính đánh thuê chết trận. Chẳng hạn tháng 2/2018 Wagner bị thiệt hại nặng nề tại Syria do Mỹ oanh kích, tất nhiên do không phải là quân nhân chính thức, vợ con những người tử thương không được trợ cấp gì. Một trong những quỹ của Evgueni Prigojine đã chi ra 3 đến 5 triệu rúp (35.000 đến 60.000 euro). Tháng 12/2020, ông ta trả gần 400.000 euro cho hai người Nga được thả khỏi nhà tù Libya. Andrei Kortounov, giám đốc Russian Council nhận định, tuy Wagner tương đối tự do có những sáng kiến, nhưng trong trường hợp thất bại, Matxcơva sẽ phủi tay.

Trong bài xã luận về một « quân đội không hiện hữu », La Croix nhận định về mặt quân sự, vài ngàn lính không thể thay đổi thế trận trong cuộc chiến ở châu Phi hay Trung Đông. Nhưng tháng trước Reuters tiết lộ về một thỏa thuận đang được chuẩn bị giữa Wagner và chính quyền Bamako nắm quyền từ vụ đảo chính tháng 8/2020, cho thấy khả năng quấy rối của Nga thông qua kiểu tổ chức này. Wagner giúp Vladimir Putin can thiệp vào các cuộc xung đột mà không bị rủi ro chính trị.

Trung Quốc hô hào giúp Afghanistan nhưng mở hầu bao lấy lệ

Quay lại với châu Á, tại Afghanistan, phe Taliban ngỡ rằng việc khó khăn nhất đã xong xuôi : thương lượng Mỹ rút quân và quét sạch chế độ cũ. Nay họ nhận ra rằng không vì vậy mà cộng đồng quốc tế tạo điều kiện cho họ gia nhập. Từ khi Kabul sụp đổ hôm 15/08, không có quốc gia nào công nhận chính quyền Taliban, quỹ của Ngân hàng Trung ương Afghanistan bị Hoa Kỳ và châu Âu phong tỏa.

Để thoát khỏi cô lập ngoại giao và kinh tế, họ quyết định đầu tư vào đối ngoại, dựa vào các « bạn bè ». Điểm nhấn chính là hội nghị tổ chức tại Matxcơva hôm nay 20/10, mà theo chính quyền Nga là nhằm cải thiện quan hệ giữa Afghanistan với các nước và nhìn nhận chính phủ mới. Tuy nhiên hiện nay ngay cả Nga lẫn Pakistan và các nước Hồi giáo vẫn chưa công nhận, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Pakistan, Iran, Ấn Độ được mời, nhưng Washington từ chối.

Taliban loan báo gởi một đoàn đại biểu « cấp cao » đến dự hội nghị quốc tế đầu tiên này, do phó thủ tướng thứ nhì dẫn đầu và nhiều bộ trưởng trong đó có ngoại trưởng Amir Khan Muttaqi. Ông Muttaqi trước khi lên đường đã liên kết vấn đề công nhận chính phủ Taliban với việc đấu tranh chống tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo (IS, Daech), nói rằng nếu chính quyền hiện nay yếu đi thì IS sẽ có lợi. Nhưng ngoài Pakistan và Thổ Nhĩ Kỳ, chỉ có Trung Quốc kêu gọi ít nhất là giúp dân chúng Afghanistan đang bị hạn hán nặng nề.

Tuy hô hào lớn tiếng nhưng Trung Quốc chỉ hứa giúp 19 triệu đô la, còn Liên Hiệp Châu Âu sẽ viện trợ khẩn cấp đến 1 tỉ euro. Ấn Độ đòi hỏi không nước nào dùng Afghanistan để « phục vụ cho lợi ích của họ một cách ích kỷ ». Các nước Trung Á thì bắt đầu thảo luận trực tiếp về thương mại, nhân đạo và cơ sở hạ tầng. Riêng Qatar có quan hệ đặc biệt với Taliban, là nước duy nhất có thể đưa ra khỏi Kabul những người Afghanistan có giấy tờ của chính phủ các nước cấp. Với nguyên tắc « xơi thịt con voi phải từng mảnh nhỏ », thứ trưởng ngoại giao Qatar cho rằng cần phải thực tế : « Nếu để dân Afghanistan chết đói thì nói về nhân quyền chẳng có nghĩa lý gì ».

Phương Tây lo thiếu hàng trong dịp lễ cuối năm

Giá xăng tăng tại Pháp, vấn đề giáo dục, ngân sách châu Âu, đội quân lính đánh thuê của Putin, nguy cơ thiếu hàng trong dịp Noel là tựa chính các báo Pháp hôm nay.Libération chạy tựa trang nhất « Liệu Noel này có đồ chơi hay không ? » với bức hình một cậu bé đang mếu máo. Xe đạp, đồ gỗ, điện thoại thông minh…tại Pháp cũng như khắp châu Âu hay Hoa Kỳ, hàng hóa đang khan hiếm tại nhà máy cũng như cửa hàng. Sự hồi phục sau đại dịch không phải là nguyên nhân duy nhất.

Các tàu biển phải chờ chực ở cảng để bốc dỡ hàng, cảng Los Angeles đã phải hoạt động 24/24. Tại châu Á, container thiếu thốn và nhà máy tại Trung Quốc hoạt động thất thường vì bị cúp điện. Nguyên vật liệu được tranh giành dẫn đến hệ quả dây chuyền, chẳng hạn thiếu gỗ nên sản xuất palette bị chậm lại làm ảnh hưởng cả chuỗi hậu cần. Bên cạnh đó là kiểm soát y tế nghiêm ngăt, vụ một tàu chở container làm lưu thông bị kẹt cứng trên kênh đào Suez, thiếu tài xế xe tải nặng…Các siêu thị Mỹ xoay sở để không thiếu hàng vào kỳ lễ tết cuối năm, như Walmart tự thuê tàu.

Trung Quốc đang thống trị vì sản xuất hầu hết các container trên thế giới. Giá vận chuyển một container 40 feet từ Trung Quốc sang Mỹ từ 2.000 đô la năm 2019 đã vọt lên 15.000 đô la, sang Hà Lan tăng 659%. Những công ty hàng hải không hành động gì để kéo giá xuống. Với chủ trương zero Covid, Trung Quốc luôn duy trì tình trạng khẩn cấp trước biến thể Delta. Cảng Ninh Ba-Chu Sơn (Ningbo-Zhoushan) thứ ba thế giới về hàng xuất, bị tê liệt một phần chỉ vì một nhân viên bị dương tính với Covid, thế là một cầu cảng công suất 10 triệu container bị đóng, tất cả nhân viên phải xét nghiệm. Cảng Diêm Điền (Yantian), chiếm 10% hàng xuất khẩu Trung Quốc hồi tháng Năm cũng tương tự.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn