Aukus đừng để Pháp 'thấy bị ra rìa' còn TT Macron nên chấp nhận sự thật

Thứ Hai, 20 Tháng Chín 20213:13 CH(Xem: 2199)
Aukus đừng để Pháp 'thấy bị ra rìa' còn TT Macron nên chấp nhận sự thật
bbc.com

Giận Aukus nhưng Pháp có làm được gì riêng? - BBC News Tiếng Việt


Aukus đừng để Pháp 'thấy bị ra rìa' còn TT Macron nên chấp nhận sự thật

Joe Biden and Boris Johnson at Aukus announcement

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Người Pháp ngờ rằng Anh, Mỹ đã bàn với Úc từ nhiều tháng về hiệp định Aukus mà không nói với Pháp, quốc gia đồng minh trong Nato

Sáng thứ Hai 20/09/2021, Thủ tướng Úc, Scott Morrison bay sang Hoa Kỳ để hội đàm với Tổng thống Joe Biden cùng các lãnh đạo Ấn Độ, Nhật Bản trong Bộ Tứ.

Hội nghị an ninh của Bộ Tứ càng làm rõ bối cảnh mà Úc bỏ hợp đồng tàu ngầm diesel với Pháp để ký kết Hiệp ước an ninh Aukus với Hoa Kỳ và Anh.

Hiệp ước này sẽ cho phép Úc có tám tàu ngầm chạy động cơ nguyên tử, lần đầu trong lịch sử quốc gia này, theo trang The Australian.

Cùng lúc, các nước nói tiếng Anh này đều tìm cách xoa dịu Pháp, với phát biểu của chính giới Úc, và Đại sứ Pháp tại Úc khẳng định đàm phán thương mại Canberra-Paris sẽ tiếp tục, theo Euronews.

Theo Reuters, Tổng thống Biden sẽ nói chuyện với Tổng thống Macron vì Pháp tìm kiếm "lời giải thích" từ Hoa Kỳ, quốc gia cùng liên minh quân sự Nato, về Aukus.

Thủ tướng Anh, Boris Johnson đã nói London luôn tôn trọng Paris và các thỏa thuận an ninh song phương ký năm 2010.

Vị thế thực của Pháp nay ra sao?

Dù có nhiều lời giận dữ, thậm chí tủi nhục - một biên tập viên tờ Le Figaro ở Pháp nói cách Hoa Kỳ đối xử với người Pháp "như đối xử với chó", các giải pháp chiến lược sắp tới của Tổng thống Emmanuel Macron xem ra không có nhiều.

FS Provence

Nguồn hình ảnh, Combined Maritime Forces

Chụp lại hình ảnh,

Chiến hạm FS Provence của Pháp tuần tra vùng biển Đông Phi chống hải tặc

Phóng viên BBC News Hugh Schofield viết từ Paris hôm Chủ Nhật rằng, "không có con đường nào cho Pháp thỏa mãn tham vọng toàn cầu".

Theo ông, bài học của vụ (mất hợp đồng đóng 12 tàu ngầm cho Úc) là "Pháp quá nhỏ để tạo ra ảnh hưởng trong các vấn đề quốc tế chiến lược".

"Cứ bốn năm, Trung Quốc hạ thủy thêm số tàu chiến nhiều bằng toàn bộ hạm đội của Pháp. Và khi cần quyết định thì Úc muốn thành đồng minh của siêu cường, chứ không phải 'tiểu cường' (minipower). Cách thoát ra khỏi thế kẹt này là Pháp nhấn mạnh vai trò của mình trong an ninh châu Âu.

"EU - với số dân đông đảo, tiềm năng rất lớn, có thể là cầu bật cho sứ mệnh toàn cầu của Pháp.

"Nhưng 30 năm qua, Pháp và EU chẳng làm được gì [về quân sự] ngoài vài trung đoàn bộ binh liên quốc gia, một chút đơn đặt hàng quân khí, và một đơn vị bé tẹo gồm lính Estonia và Czech có mặt tại Mali."

Biên tập viên của Le Figaro, Renaud Girard, gọi ý tưởng coi EU là 'thế lực quân sự' chỉ như lời nói đùa.

Theo ông Hugh Schofield trong bài 'Aukus pact delivers France some hard truths', cách tốt nhất là Pháp "chấp nhận sự thực phũ phàng và cố gắng tham gia một liên minh tạm thời ở Ấn Độ -Thái Bình Dương".

EU sẽ 'hợp tác' chứ không 'đối đầu với Trung Quốc'

Còn về EU, đài Deutsche Welle của Đức nhắc lại sự kiện EU công bố Chiến lược chính trị và quân sự về Ấn Độ - Thái Bình Dương một ngày sau khi Aukus ra mắt công chúng.

Chỉ riêng việc người đứng đầu ngoại giao EU, Josep Borrell thừa nhận ông không biết gì về hiệp ước Aukus cho thấy vị thế của EU trong con mắt Hoa Kỳ nay thấp thế nào.

Chủ tịch Hội đồng EU, Charles Michel viết trên Twitter rằng Aukus cho thấy nhu cầu để EU có cách tiếp cận riêng trong lĩnh vực quyền lợi chiến lược.

Nhưng ở EU, nguyên tắc đồng thuận đòi hỏi nhiều thảo luận và theo ông Michel thì kế hoạch Ấn Độ - TBD của EU sẽ được "bàn thảo tiếp trong hội nghị các nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ các nước thành viên trong tháng 10".

Còn ông Borrell đã khẳng định ngay rằng các kế hoạch của EU nhắm tới "hợp tác với Trung Quốc chứ không đối đầu".

Có thể đây chính là vấn đề mấu chốt khiến Anh, Mỹ và Úc đi riêng.

Một tờ báo Anh đặt câu hỏi, giả sử được mời dự hiệp ước an ninh chống Trung Quốc thì liệu Pháp và Đức có dám tham gia hay không?

Với các đánh giá an ninh châu Âu (ứng phó với Nga), và toàn cầu (thách thức từ Trung Quốc) rất khác nhau trong EU, việc có một chiến lược liền lạc thật không dễ.

Các nước Đông Âu và Baltic có xu hướng lo sợ Nga hơn Đức và Pháp.

Còn về Trung Quốc, nước giàu có nhất EU là Đức cũng muốn tiếp tục làm ăn ở thị trưởng béo bở, có dân số trên 1,3 tỷ, hơn là đối đầu.

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Tình hữu nghị Đức - Pháp: Thủ tướng Đức sắp từ nhiệm Angela Merkel và Tổng thống Pháp trẻ tuổi Emmanuel Macron nắm tay nhau trong một buổi lễ hồi 2020. Các báo châu Âu viết họ "giây phút thắm thiết" (tender moment) cùng nhau

Văn bản Chiến lược của EU công bố tuần qua né tránh vấn đề Đài Loan, Hong Kong và không phê phán các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông.

EU cũng không có đề xuất gì về vấn đề Bắc Hàn, quốc gia vừa lên án Hiệp ước Aukus là "nguy hiểm, có nguy cơ thúc đẩy chạy đua nguyên tử".

Phát biểu của Bình Nhưỡng hơi giống lời của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao TQ, ông Triệu Lập Kiên, gọi Aukus là "nguy hiểm cho hoà bình an ninh khu vực".

Jakub Mielnik viết trên trang Wprost của Ba Lan, chê cười Pháp "lu loa" khi bị thiệt hại vụ mất hợp đồng tàu ngầm với Úc mà quên rằng, "trong làm ăn thì không có tình cảm gì hết", và việc Úc chọn tàu ngầm thế hệ khác là quyết định chiến lược của nước họ.

Nhà báo này đặt câu hỏi Pháp vốn có "cái tôi dễ tổn thương" đã đề xuất gì cụ thể cho Úc khi Úc đang tìm sự bảo vệ trước Trung Quốc?

Còn nhà phân tích Phillip Orchard viết trên trang Geopolitical Futures (20/09/2021) rằng trên thực tế, Úc đã bỏ dự án đóng tàu ngầm diesel cùng Nhật Bản mà chọn Pháp để không làm phật lòng Trung Quốc.

Nhưng dù đã nhún nhường, Úc vẫn liên tiếp bị Bắc Kinh trừng phạt kinh tế nên đã ngả hẳn về phía Mỹ, ghi danh vào "chiến lược an ninh của Hoa Kỳ".

Nay, tàu ngầm nguyên tử cho phép Úc không chỉ phòng thủ mà có thể tiến sâu vào Biển Đông hoặc các vị trí bao vây Trung Quốc ở chuỗi đảo Tây Thái Bình Dương nếu cần.

Aukus như vậy đã làm thay đổi toàn bộ cục diện an ninh châu Á.

Đánh giá về khả năng EU có tự làm được gì, GS đã nghỉ hưu từ ĐH King's College London, Lawrence Freedman, viết trên trang The Sunday Times (19/09/2021) rằng:

"Dù vụ nước Pháp bực bội làm sống lại thảo luận để châu Âu (EU) có 'chiến lược tự chủ quân sự' tách khỏi Hoa Kỳ, người ta hoàn toàn có thể yên tâm hoài nghi việc đó."

Theo ông Freedman, ngoài nước Pháp thì ở châu Âu, không còn nước nào "muốn kéo dài căng thẳng với Mỹ, Anh, và nhất là không nước nào muốn tăng chi tiêu quốc phòng".

Tuy thế, ông cảnh báo rằng Phương Tây "cần không để Pháp cảm thấy bị loại trừ, nhằm tránh tình trạng chia rẽ về cách đối phó với Trung Quốc".

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn