Mười điều rút ra từ sự ra đời của Liên minh AUKUS

Thứ Hai, 20 Tháng Chín 20216:00 SA(Xem: 5425)
Mười điều rút ra từ sự ra đời của Liên minh AUKUS

Nghiên cứu Quốc tế

Hoàng Anh Tuấn

19-9-2021

Hiệp định Đối tác tăng cường an ninh ba bên giữa Mỹ, Anh và Australia (AUKUS) có phiên âm khá thú vị (ô kis) – “Hôn nhau cái nào” – đến mức Tổng thống Biden cũng cảm thấy thích thú khi phát âm tên liên minh mới trong bài diễn văn đánh dấu sự ra đời của AUKUS.

Tuy nhiên, việc thành lập AUKUS thì hoàn toàn nghiêm túc, chẳng “lãng mạn” chút nào, và là kết quả của những nỗ lực thương lượng không ngừng nghỉ trong nhiều tháng trước đó của quan chức cấp cao 3 nước, trước khi AUKUS chính thức ra đời ngày 15/9/2021 vừa qua.

Tạm thời có thể rút ra 10 nhận xét nhanh từ sự ra đời của AUKUS như sau:

Một, liên minh, liên minh và liên minh. Đây là điểm nhấn và cũng là cách làm khác biệt của chính quyền Biden so với chính quyền của người tiền nhiệm Donald Trump. Từ sau khi lên cầm quyền, Biden đã lật ngược khá nhiều chính sách của người tiền nhiệm, tuy nhiên các thành tố của Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở thì hầu như được Chính quyền Biden giữ nguyên, chỉ có khác nhau về cách tiếp cận và cách thức thực hiện.

Nếu như Trump tìm cách đơn phương đối đầu trực diện với Trung Quốc trên hầu hết các lĩnh vực, đồng thời tạo sức ép liên tục đối với các đồng minh thân cận như Nhật Bản và Hàn Quốc, thì Biden lại khéo léo xây dựng liên minh mới, củng cố liên minh cũ, thiết lập “cách chơi” là trật tự dựa trên luật lệ và luật pháp quốc tế, để “trói” không chỉ địch thủ, mà cả đồng minh lẫn đối tác, trong khi Mỹ đóng vai người “cầm cương”, lãnh đạo.

Sự ra đời của AUKUS nằm trong bối cảnh Mỹ tiếp tục nhấn mạnh đến ưu tiên chiến lược an ninh, đối ngoại số một của mình là Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, trong đó có việc củng cố các trụ cột của chiến lược là QUAD (Nhóm bộ tứ gồm Mỹ, Australia, Ấn Độ và Nhật Bản), quan hệ của Mỹ với 5 đồng minh trong khu vực (Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Philippines và Australia), quan hệ của Mỹ với ASEAN và các đối tác quan trọng như Indonesia, Việt Nam và Singapore…

Hai, Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tiếp tục là ưu tiên an ninh, chiến lược và đối ngoại số một của Mỹ, vượt trên cả khu vực Trung Đông. Điều này được thể hiện rất rõ trong nội dung bài phát biểu của Tổng thống Biden, cũng như trong Tuyên bố chung của 3 nước đánh dấu sự ra đời của Hiệp định.

Và sự ra đời của AUKUS chính là nhằm thực hiện các mục tiêu chính sách được đề ra trong Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ. Tổng thống Biden nhấn mạnh: 3 nước phải có đủ khả năng thích ứng với môi trường chiến lược khu vực hiện nay, cũng như các thay đổi trong tương lai. Và tương lai của 3 nước, cũng như tương lai của thế giới, phụ thuộc vào sự trường tồn và thịnh vượng của khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở trong những thập niên sắp tới.

Ba, lần đầu tiên chính quyền Biden đề cập chính thức và ở cấp cao các thứ bậc ưu tiên trong quan hệ với các đồng minh, đối tác trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Trong chiến lược này, các liên minh hay quan hệ trong khuôn khổ đa phương được xếp ở hàng đầu, trong đó AUKUS vừa ra đời nhưng được xếp ngay vị trí đầu tiên, tiếp đó là ASEAN, rồi đến QUAD. Trong quan hệ song phương, quan hệ với 5 đồng minh quân sự lâu đời (Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Philippines và Australia) được xếp ở vị trí đầu tiên, tiếp đó là các đối tác ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, rồi mới đến quan hệ của Mỹ với các đồng minh và đối tác ở châu Âu và các khu vực khác trên thế giới, nhưng có lợi ích trong việc duy trì hòa bình an ninh ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Bốn, có thể nói không quá lời, AUKUS chính là liên minh quân sự chính thức và đa phương đầu tiên được hình thành ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương trong thế kỷ 21. Các liên minh quân sự ra đời trước đó ở khu vực là Hiệp định quân sự Ngũ cường (Five Powers Defense Agreement), gồm Anh, Australia, Brunei, Malaysia và Singapore, ra đời năm 1971, tức cách đây 50 năm. Và lần đầu tiên sau 67 năm kể từ khi tổ chức hiệp ước Đông Nam Á (SEATO) ra đời năm 1954, Mỹ mới khởi xướng và tham gia một liên minh quân sự đa phương mới ở khu vực.

Đây là bước đi đầu tiên, và có thể khởi đầu cho sự ra đời tiếp theo, của các liên minh an ninh – quân sự bán chính thức, hoặc chính thức, ở khu vực trong tương lai. Tháng 8/2021, tức chỉ một tháng trước khi AUKUS ra đời, các quan chức cấp cao của Nhóm Bộ tứ đã lần đầu tiên họp và thảo luận về hợp tác an ninh biển. Điều này là chỉ dấu cho thấy hợp tác trong Bộ tứ đang có sự chuyển hướng, nhấn mạnh nhiều hơn đến các khía cạnh an ninh, đặc biệt là an ninh biển, trong hợp tác của mình.

Năm, an ninh biển là điểm nhấn, là ưu tiên quan trọng trong hợp tác giữa Mỹ và các nước khu vực, dù là trong khuôn khổ quan hệ song phương, hay trong khuôn khổ đa phương, như Bộ tứ, AUKUS trong chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ.

Cả 3 thành viên AUKUS đều là các cường quốc biển, có lợi ích gắn bó với việc giao thương và đi lại tự do trên biển. Việc tăng cường hợp tác hải quân, một thành tố quan trọng của hợp tác an ninh biển, sẽ giúp cả ba nước tăng cường sức mạnh tập thể, để đối phó hiệu quả hơn với các thách thức đến từ biển.

Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với Australia, một đất nước rộng lớn, có chiều dài gần 36.000 km bờ biển, tiếp giáp với hai đại dương rộng lớn là Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, có gần 80% dân số sống ở khu vực ven biển, trong khi Australia lại là quốc gia có tiềm lực hải quân yếu nhất và dễ bị tổn thương nhất trong ba thành viên AUKUS.

Sáu, theo Hiệp định Đối tác tăng cường an ninh ba bên, Mỹ và Anh sẽ giúp Australia phát triển hạm đội tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.

Vì tính chất nhạy cảm của công nghệ tàu ngầm hạt nhân, nên trên thế giới Mỹ mới chỉ chia sẻ công nghệ này cho Anh (điều diễn ra cách đây 63 năm vào năm 1958, sau sự kiện Sputnik năm 1957), và giờ đây là Australia. Trước Anh và Australia, Mỹ chưa từng chia sẻ công nghệ tàu ngầm hạt nhân cho bất kỳ quốc gia nào khác, kể cả các đồng minh thân thiết trong khối liên minh Bắc Đại Tây Dương NATO. Còn trên thế giới, các quốc gia muốn sở hữu công nghệ này thì phải tự mình phải mày mò nghiên cứu và phát triển.

Nếu việc chuyển giao công nghệ thành công, Australia sẽ là quốc gia thứ 7 trên thế giới (sau Mỹ, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Anh và Pháp) sở hữu hạm đội tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. Điều này sẽ giúp hải quân Australia vươn tầm hoạt động và tác chiến ra toàn bộ khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Việc chuyển giao công nghệ nhạy cảm này cũng thể hiện tính chất đặc biệt trong quan hệ liên minh Mỹ – Australia, cũng như trong liên minh ba bên AUKUS vừa mới ra đời.

Một vấn đề khác mà ba nước Mỹ, Anh và Australia cũng phải đối mặt, là làm sao việc chuyển giao công nghệ tàu ngầm hạt nhân này không vi phạm các nguyên tắc không phổ biến vũ khí hạt nhân của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), vốn không khuyến khích các quốc gia khác, như Iran chẳng hạn, phát triển vũ khí hạt nhân. Chính vì vậy Tuyên bố chung của AUKUS đã nêu rõ Australia sẽ không trang bị vũ khí hạt nhân cho các tàu ngầm mới này. Tuy nhiên, hãy còn quá sớm để đưa ra câu trả lời vào lúc này, rằng việc chuyển giao công nghệ này có vi phạm các quy định của IAEA, hay thúc đẩy các nước khác chạy đua tìm kiếm công nghệ hạt nhân trên phạm vi toàn cầu hay không.

Bảy, sự ra đời của AUKUS, nhìn từ góc độ thương mại, còn là một thương vụ làm ăn lớn trị giá 66 tỷ đô la Mỹ (tương đương 90 tỷ đô la Úc). Đây là số tiền dự kiến Mỹ và Anh sẽ thu được để đổi lấy việc bán công nghệ và hạm đội tàu ngầm chạy bằng năng lượng nguyên tử cho Australia.

Hẳn nhiều người còn nhớ, cách đây 5 năm, Australia và Pháp đã ký một thương vụ lịch sử, theo đó Pháp sẽ đóng mới cho Australia 12 tàu ngầm động cơ Diesel trị giá 56 tỷ euro (tương đương 90 tỷ đô la Úc). Mọi công việc chuẩn bị đóng những chiếc tàu ngầm đầu tiên với Tập đoàn Hải quân (Naval Group) của Pháp gần như hoàn tất. Tuy nhiên, chính giới Pháp và Naval Group đều “sững sờ” khi nghe tin AUKUS ra đời, còn Mỹ và Anh đã “nẫng” tay trên hợp đồng đóng tàu ngầm “béo bở” nói trên.

Ngay sau đó, Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Jean-Yves Le Drian gọi hành động của Australia là “sự bội tín”, và là “nhát dao đâm sau lưng nước Pháp”. Tuy nhiên, Thủ tướng Australia cho rằng, việc hủy hợp đồng với Pháp chẳng qua chỉ là sự thay đổi nhu cầu, do Australia mong muốn sở hữu tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, điều mà Pháp không thể đáp ứng, còn Mỹ thì sẵn sàng chuyển giao công nghệ đó cho Australia.

Như vậy, việc phát triển hạm đội tàu ngầm hiện đại cho Australia không chỉ là câu chuyện tin cậy giữa 2 đồng minh thân tín lâu đời Mỹ và Australia, mà còn là sự cạnh tranh giữa Mỹ với một đồng minh thân cận khác là Pháp, để phục vụ lợi ích quốc gia của Mỹ.

Dường như đã lường trước phản ứng của Pháp, nên trong diễn văn của mình, Tổng thống Biden đã tìm cách xoa dịu phía Pháp. Biden nhấn mạnh rằng, Pháp là quốc gia có sự hiện diện sâu rộng ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, và là một đồng minh chủ chốt của Mỹ trong việc thúc đẩy thịnh vượng và an ninh khu vực. Biden hy vọng sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Pháp trong tương lai.

Tuy nhiên, chừng đó là quá ít và quá muộn để xoa dịu đồng minh Pháp. Ngay trong ngày 17/9, Bộ Ngoại  giao Pháp quyết định triệu hồi ngay lập tức Đại sứ của mình tại Canberra và Washington về nước. Le Monde, tờ nhật báo hàng đầu của Pháp, như tiếp tục đổ thêm dầu vào lửa khi viết rằng: “Đối với bất kỳ ai còn nghi ngờ, Chính quyền Biden không khác gì Chính quyền Trump về điểm này: “Nước Mỹ trên hết”, dù là trong lĩnh vực chiến lược, kinh tế, tài chính hay y tế. ‘Nước Mỹ trên hết’ là đường lối dẫn dắt chính sách đối ngoại của Nhà Trắng”.

Điều này gợi nhớ lại quan hệ căng thẳng giữa Pháp và Mỹ trong giai đoạn 1966-1967, khi nước Pháp của chính quyền Tổng thống De Gaulle “bực tức” về sự “lộng hành” của Mỹ trong NATO, nên đã quyết định trục xuất Tổng hành dinh và các đơn vị của NATO ra khỏi đất Pháp.

Tám, bộ ba Mỹ, Anh và Australia cũng kỳ vọng rằng, sự ra đời của AUKUS sẽ giúp 3 nước thành viên đối phó tốt hơn với các thách thức an ninh mới, cũng như đem lại hòa bình, an ninh, ổn định và thịnh vượng lâu dài cho khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, trái với kỳ vọng của họ, sự ra đời của AUKUS có thể tạo ra các bất ổn mới trong khu vực. Chắc chắn, Trung Quốc sẽ theo dõi kỹ các hoạt động của AUKUS, cũng như Nhóm Bộ tứ để có các phản ứng thích hợp. Việc Trung Quốc là tâm điểm của Bộ tứ, AUKUS, hay Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, nhưng lại không được các nước liên quan nêu đích danh, là việc làm có chủ ý.

Một là, Mỹ và các nước liên quan không muốn “khiêu khích”, kích động chủ nghĩa dân tộc của người Trung Quốc. Hai là, tuy quan hệ với Trung Quốc đang được đẩy nhiều hơn về phía cạnh tranh chiến lược, nhưng Mỹ và phương Tây vẫn rất cần thị trường Trung Quốc, cần sự hợp tác của Trung Quốc trong một loạt các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, chống khủng bố, ngăn chặn việc không phổ biến vũ khí hạt nhân và giết người hàng loạt, kiểm soát đại dịch Covid-19, khôi phục kinh tế thế giới sau đại dịch…

Tuy nhiên, sự ra đời của AUKUS, và cùng với đó là sự cạnh tranh chiến lược mới giữa các nước lớn, có thể đưa đến một số hậu quả tiêu cực đối với khu vực, cụ thể là:

Thứ nhất, thúc đẩy cuộc chạy đua vũ trang mới, đầy tốn kém trong khu vực, đặc biệt là việc các nước trong khu vực tìm cách nâng cấp lực lượng hải quân, và “săn lùng” việc sở hữu các thế hệ tàu ngầm mới, hiện đại của Mỹ và các nước phương Tây.

Thứ hai, các xung đột tiềm tàng và tranh chấp lãnh thổ ở khu vực có thể được “khơi mào” và đẩy lên mức độ mới, cao hơn, nguy hiểm hơn so với trước, như tranh chấp ở khu vực biên giới Trung Quốc và Ấn Độ, tranh chấp ở Eo biển Đài Loan, ở Biển Đông, rồi căng thẳng trở lại trên Bán đảo Triều Tiên…

Thứ ba, cạnh tranh Trung – Mỹ có thể tạo ra sự bất ổn cho toàn khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, cũng như sự phân cực về chính trị ngoại giao trong khu vực, khi một số nước ủng hộ, thân Trung Quốc, còn nhóm nước kia thì ủng hộ Mỹ. Điều này gợi nhớ đến sự phân cực ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương những năm 1960-1980, trong giai đoạn cao điểm cạnh tranh Mỹ – Xô thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Chín, sự ra đời của AUKUS cho thấy, hợp tác giữa Mỹ với các nước trong khu vực đang được đẩy rất mạnh theo hướng thể chế hóa, còn nội dung hợp tác thì thực chất hơn.

Về tính chất thể chế hóa, khác với các tổ chức khu vực khác ra đời trong thời gian gần đây, ngày ra đời của AUKUS đánh dấu bằng sự hiện diện của nguyên thủ quốc gia ba nước Mỹ, Anh và Australia, cùng với bản Tuyên bố chung về sự ra đời của Hiệp định đối tác ba bên.

Ngay trong bài phát biểu của mình, Tổng thống Biden đã đích thân chỉ đạo Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đứng đầu nhóm liên ngành của Mỹ, gồm Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao và Bộ Năng lượng, phối hợp cùng với các đối tác Anh và Australia trong một chương trình kéo dài 18 tháng để đánh giá toàn bộ các vấn đề liên quan: Từ đóng mới tàu chiến, chuyển giao công nghệ chế tạo tàu ngầm hạt nhân, đào tạo nhân lực, vận hành hệ thống chỉ huy, tác chiến, đến việc xử lý các vấn đề pháp lý liên quan đến IAEA, với mục tiêu giúp Australia sở hữu được hạm đội tàu ngầm tiên tiến một cách tối ưu nhất.

Điều này có nghĩa là trong vòng 18 tháng tới sẽ có rất nhiều cuộc họp cấp Bộ trưởng Quốc phòng, Ngoại giao, Năng lượng, cũng như các cuộc họp của các quan chức cấp cao giữa ba nước thành viên AUKUS để xử lý các vấn đề liên quan. Đó là chưa kể việc lãnh đạo cấp cao của AUKUS sẽ tận dụng mọi cơ hội để họp cấp cao trực tiếp, bên lề các hội nghị đa phương quan trọng có sự tham gia của ba nước này.

Nội dung hợp tác trong AUKUS không dàn trải, mà chỉ tập trung vào một số lĩnh vực hợp tác họ cần thúc đẩy và có thể đem lại được kết quả trong thời gian ngắn, đó là hợp tác trong lĩnh vực an ninh biển, với trọng tâm là giúp Australia xây dựng được một đội tàu ngầm hạt nhân trong thời gian ngắn.

Ngược về thời gian, trước khi AUKUS ra đời thì hợp tác trong Nhóm bộ tứ cũng được thúc đẩy theo chiều hướng đó. Về mức độ thể chế hóa, trong 13 năm sau khi ra đời, kể từ thời điểm 2007, hợp tác trong Bộ tứ tiến triển rất chậm. Nhưng chỉ trong vòng 9 tháng qua, kể từ khi Biden lên cầm quyền, Bộ tứ đã có được cuộc họp cấp cao đầu tiên (dù dưới hình thức trực tuyến) vào ngày 12/3/2021, và chuẩn bị có cuộc họp cấp cao trực tiếp đầu tiên tại Washington ĐƯỢC, vào ngày 24/9 tới. Và cũng như AUKUS, lần đầu tiên các quan chức cấp cao của Bộ tứ đã họp để bàn về hợp tác trong lĩnh vực an ninh biển lần đầu tiên vào tháng 8/2021 vừa qua.

Đây là những điểm đáng chú ý, cho thấy sự chuyển mình trong cách thức Chính quyền Biden theo đuổi việc thực hiện chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương trong thời gian tới, cũng như cách thức các nước trong khu vực điều chỉnh chính sách cho phù hợp với môi trường chiến lược bên ngoài đang thay đổi nhanh chóng.

Mười, là trung tâm của khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, ASEAN không chỉ chịu ảnh hưởng trực tiếp từ sự ra đời của AUKUS, sự tăng cường hợp tác của Bộ tứ, mà còn đóng vai trò quan trọng trong mức độ thành, bại của các chiến lược này.

Nhìn trên bản đồ khu vực, ASEAN nằm ở vị trí địa-chiến lược quan trọng, ở tâm điểm của AUKUS, Bộ tứ, cũng như chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Do đó, không ngạc nhiên khi ASEAN được nêu đậm nét trong cả 3 cấu trúc an ninh khu vực mới, đặc biệt là Bộ tứ và Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Có ba lý do chính để ASEAN thu hút được sự quan tâm như vậy:

Thứ nhất, về mặt chiến lược, Đông Nam Á và các nước ASEAN án ngữ khu vực địa lý quan trọng, là cầu nối giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, là giao cắt của các con đường biển quan trọng (nơi có hơn 40% tổng thương mại thế giới đi qua) nên an ninh, hòa bình và ổn định ở khu vực Đông Nam Á là điều có ý nghĩa tối quan trọng đối với khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Trong thời kỳ Chiến tranh thế giới lần thứ hai, Nhật Bản tấn công chiếm Hoàng Sa và Trường Sa trước, lấy hai quần đảo này làm bàn đạp, từ đó kiểm soát toàn bộ tuyến đường biển khu vực, và đánh chiếm toàn bộ khu vực Đông Nam Á. Chuyện này cho thấy tầm quan trọng của Biển Đông đối với khu vực Đông Nam Á và Đông Á ra sao.

Thứ hai, Biển Đông là khu vực đang có những tranh chấp lãnh thổ phức tạp, và là điểm nóng gây bất ổn tiềm tàng. Khu vực này không chỉ liên quan đến lợi ích an ninh sát sườn của các nước tiếp giáp với Biển Đông, mà còn liên quan đến lợi ích của các cường quốc biển lớn trên thế giới, trong việc đảm bảo tự do lưu thông và tự do hàng hải, trật tự khu vực dựa trên luật pháp quốc tế.

Thứ ba, ASEAN còn là một thế lực kinh tế và chính trị trong khu vực mà không một cường quốc nào có thể bỏ qua. Với 670 triệu dân, ASEAN hiện là nền kinh tế có tổng GDP đứng thứ 5 thế giới (trên 3.200 tỷ đô la Mỹ), là khu vực năng động có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới với một dân số trẻ (một nửa dân số dưới 35 tuổi).

Về chính trị, ASEAN đóng vai trò trung tâm trong nhiều cơ chế, diễn đàn khu vực có sự tham gia của tất cả các nước lớn, các trung tâm quyền lực quan trọng trên thế giới như, Diễn đàn khu vực ASEAN, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng, Hội nghị cấp cao Đông Á…

Tất nhiên, không phải bây giờ Đông Nam Á mới có vị trí và vai trò quan trọng như vậy. Trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, Đông Nam Á là tâm điểm cạnh tranh chiến lược giữa Liên Xô và Mỹ, và sự cạnh tranh này đã dẫn tới cuộc chiến tranh nóng trên bán đảo Đông Dương kéo dài từ 1954 đến 1975.

ASEAN hiện nay rõ ràng đã khác trước. ASEAN đã lớn mạnh, trưởng thành hơn, và tích lũy khá nhiều kinh nghiệm trong việc xử lý các khác biệt giữa các nước lớn.

Bối cảnh hiện nay cũng có nhiều điểm khác trước, và tính chất cạnh tranh Trung – Mỹ cũng khác xa so với cạnh tranh Xô – Mỹ trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Những điểm ASEAN cần và nên làm để “quản lý rủi ro” tốt nhất trong giai đoạn hiện nay là:

Một, tích cực can dự nhiều hơn với các nước lớn liên quan, và yêu cầu họ minh bạch hóa càng nhiều càng tốt các ý đồ chiến lược đối với nhau, với khu vực và với ASEAN.

Hai, tăng cường nội lực của mình về mọi mặt, đặc biệt là việc xây dựng lập trường chung đối với các vấn đề an ninh quan trọng và nhạy cảm đối với khu vực.

Ba, tuyệt đối tránh chia rẽ, không để bên ngoài lợi dụng làm suy yếu ASEAN. Muốn vậy, trong nhiều trường hợp, các nước thành viên cần phải đặt lợi ích của cả khối lên cao hơn lợi ích quốc gia của từng nước thành viên./.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn