Không để Campuchia bán đứng COC!

Thứ Năm, 16 Tháng Chín 20219:00 CH(Xem: 2932)
Không để Campuchia bán đứng COC!
rfa.org

Không để Campuchia bán đứng COC!

Bài phân tích của Trương Bá Vi 2021-09-15

Mưu đồ của Trung Quốc

Ngay sau khi rời Việt Nam, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã đến Campuchia trong chuyến công du 2 ngày, kết thúc ngày 13/9. Tại quốc gia thân cận nhất với Bắc Kinh trong khối ASEAN, từng sẵn sàng bênh vực lập trường Biển Đông của Trung Quốc bất chấp tổn hại cho toàn khối Đông Nam Á, Vương Nghị cho biết Trung Quốc hy vọng” đúc kết được đàm phán với ASEAN về Bộ quy tắc ứng xử giữa các bên tại Biển Đông (COC) vào năm 2022, đúng vào lúc Campuchia làm Chủ tịch luân phiên khối ASEAN.

Báo chí trong nước cho biết, Ngoại trưởng Trung Quốc đã đề cập đến hy vọng trên của Bắc Kinh trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Campuchia Hun Sen ngày 12/9 tại Phnom Penh. Sau một thời gian dài bị đình hoãn vì COVID-19, đàm phán ASEAN-Trung Quốc về COC đang được khởi động trở lại, với việc Bắc Kinh đã nhiều lần cho thấy ý muốn đẩy nhanh tốc độ thương thuyết.

Quan hệ "nồng ấm” Trung Quốc - CPC

Nhân chuyến công du Campuchia, Ngoại trưởng Trung Quốc đã loan báo những khoản viện trợ cho Phnom Penh, từ cam kết viện trợ 270 triệu USD và thêm ba triệu liều vắc-xin ngừa COVID-19, cho đến việc bàn giao cho đồng minh thân cận một sân vận động quốc gia mới, được xây dựng ở vùng ngoại ô Phnom Penh bằng tiền của Trung Quốc mà theo Bộ trưởng Du lịch Campuchia lên đến 160 triệu USD. Cho đến nay, hơn 90% số vắc-xin mà Campuchia sử dụng là của Trung Quốc.

Kể từ những năm 1990, Trung Quốc đã trở thành đối tác quan trọng nhất của Campuchia về an ninh, và hợp tác quốc phòng song phương đã được thắt chặt đáng kể. Trung Quốc đã nâng cấp hợp tác quân sự với Lực lượng vũ trang Hoàng gia Campuchia (RCAF) với việc cung cấp các khoản vay và trang bị quân sự, bao gồm máy bay, xe tải và máy bay trực thăng; sản xuất trang thiết bị huấn luyện quân sự và y tế; cũng như quyên góp đồng phục cho RCAF. Ngoài ra, theo thỏa thuận quốc phòng trị giá 17 triệu USD được ký kết vào năm 2012, hàng trăm quân nhân Campuchia đã được cử đi huấn luyện tại Trung Quốc, và Campuchia đã nhận được rất nhiều sự trợ giúp của Trung Quốc như trang thiết bị quân sự, huấn luyện viên và giảng viên tiếng Trung. Tháng 5/2014, kế hoạch của Trung Quốc trong việc nâng cao năng lực quân sự của Campuchia đã được mở rộng; nhờ đó, các sĩ quan quân đội Campuchia đã được cấp hơn 400 học bổng đào tạo tại Trung Quốc. Ngoài ra, Trung Quốc đã cung cấp chín tàu tuần tra cho Campuchia, và căn cứ hải quân Ream cũng đã được hiện đại hóa. Campuchia có được những tàu tuần tra như vậy là nhờ khoản trợ cấp từ Chính phủ Trung Quốc trị giá 60 triệu USD.

Trong một bài phát biểu gần đây, Thủ tướng Campuchia Hun Sen thằng thừng bộc bạch: Câu hỏi được đặt ra là liệu Campuchia có quá phụ thuộc vào Trung Quốc hay không. Nếu tôi không dựa vào Trung Quốc, thì dựa vào ai bây giờ? Nếu không có Trung Quốc tài trợ và bán vắc-xin, thì chúng tôi đã không thể tiêm phòng được cho người dân Campuchia ”.

2021-09-12T141714Z_1941209406_RC2AOP9I9QNK_RTRMADP_3_CAMBODIA-CHINA.JPG
Ngoại trưởng TQ Vương Nghị và Thủ tướng Campuchia Hun Sen dự lễ bàn giao sân vận động Quốc gia Morodok Techo do Trung Quốc xây ở Phnom Penh để sử dụng cho SEA Games 2023. Hình chụp hôm 12/9/2021. Reuters

Campuchia - “Con ngựa thành Troy” ở ASEAN

Các nước Đông Nam Á đều biết rõ cách "hiểu lịch sử" của Bắc Kinh khi khăng khăng tuyên bố quyền sở hữu đối với 80% diện tích Biển Đông. Mặc dù Campuchia không phải là một bên hữu quan trong tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, nhưng nước này nhiều lần khiến dư luận nghĩ rằng Phnom Penh đứng về phía Trung Quốc trong cuộc xung đột biển đảo.

Với việc Campuchia lên làm Chủ tịch luân phiên ASEAN, Bắc Kinh được cho là sẽ có thể thông qua Phnom Penh tác động lên vấn đề Biển Đông, như đã từng thành công trước đây. Năm 2012, khi làm Chủ tịch luân phiên của Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Phnom Penh đã kiên quyết phản đối việc đưa vào tuyên bố tổng kết của hiệp hội ý kiến lên án hành động của Bắc Kinh trong cuộc xung đột với Philippines tại Bãi Scarborough. Do vậy, lần đầu tiên trong lịch sử ASEAN, Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN đã không ra được Thông cáo chung chỉ vì Campuchia kiên quyết không chấp nhận đưa vào văn kiện những lời lẽ cứng rắn đối với Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông.

Năm 2016, Campuchia một lần nữa ủng hộ Trung Quốc, phản bác đề xuất đưa vào văn kiện tổng kết Hội nghị cấp cao ASEAN những câu từ nhắc đến phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế rằng tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh đối với hầu hết Biển Đông là vô căn cứ. Do thiếu sự thống nhất quan điểm cần thiết giữa toàn thể các thành viên ASEAN nên đoạn đề cập tới phán quyết của Toà Trọng tài cuối cùng đã không được ghi vào tài liệu tổng kết.

Giữa năm 2019, Campuchia là quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á đưa ra một tuyên bố chính thức về cuộc khủng hoảng chính trị ở Hong Kong, thể hiện sự ủng hộ không thể phá vỡ đối với Chính sách một Trung Quốc” theo hướng ủng hộ Bắc Kinh.

Việt Nam và ASEAN cần kiên quyết đấu tranh

Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, trong cuộc họp với Vương Nghị, Thủ tướng Hun Sen đã cam kết Phnom Penh sẽ cùng với Bắc Kinh ngăn chặn, không cho các thế lực bên ngoài làm gián đoạn công việc nội bộ của khu vực” và Campuchia sẽ tiếp tục kiên định ủng hộ lập trường chính đáng của Trung Quốc” trên những vấn đề liên quan đến lợi ích cốt lõi của Trung Quốc.

Chính điều này đã dẫn tới khả năng các nước ASEAN tại khu vực biển Đông sẽ bị thiệt hại nặng nề, trong đó có Việt Nam, nếu như nhượng bộ trước Trung Quốc và Campuchia.

Cựu Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario cho rằng sở dĩ Bắc Kinh muốn gấp rút đúc kết COC là vì họ xem bộ quy tắc này là “một cách để phá hoại phán quyết năm 2016” của Tòa Trọng tài, vốn đã bác bỏ các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh đối với vùng biển này.

Theo giới phân tích, trong số các trở ngại làm trì hoãn cuộc đàm phán, có những đòi hỏi của Trung Quốc muốn đưa vào COC những quy định cấm các nước ngoài khu vực can dự vào Biển Đông, điều không được các nước bị Bắc Kinh chèn ép trên Biển Đông như Việt Nam hay Philippines đồng ý.

Điều cốt yếu là Việt Nam và ASEAN phải đấu tranh để COC phải là một văn bản ràng buộc về pháp lý. Nếu không có các cơ chế, quy định cụ thể, rõ ràng để giám sát, bảo đảm tuân thủ pháp luật (ví dụ quy định các hành vi không được phép) và giải quyết các vụ vi phạm…, thì COC không khác bao nhiêu so với DOC, sẽ chỉ là “một tuyên bố chính trị” đơn thuần.

Để COC thực sự là văn bản ràng buộc pháp lý thì phải có các cơ chế (công cụ) giải quyết tranh chấp khi một trong các bên vi phạm. Khi cần thiết, tranh chấp đó có thể được giải quyết theo quy định tại Điều 33 Hiến chương LHQ, bao gồm cả biện pháp mang tranh chấp ra các Toà án quốc tế giải quyết.

Bắc Kinh đã nhiều lần bác bỏ những vấn đề “cứng” nói trên. Chẳng hạn phán quyết của Tòa Trọng tài năm 2016. Càng cụ thể thì đàm phán càng gay go. Nhưng chỉ có định lượng cụ thể, ràng buộc pháp lý, thì COC mới thực sự hiệu quả.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn