Lãnh hải

Chủ Nhật, 05 Tháng Chín 20216:00 SA(Xem: 3159)
Lãnh hải

tau_01

 

Trong khi Việt Nam phải ứng phó với dịch Covid, Trung Quốc yêu cầu tàu nước ngoài phải khai báo khi đi vào vùng biển họ tự nhận là "lãnh hải".

"Lãnh hải" mà nước này tuyên bố "tàu thuyền nước ngoài phải báo cáo và tuân thủ luật lệ của chúng tôi" gồm có Biển Đông và các đảo, bất chấp quy định của luật pháp quốc tế và phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực quốc tế đã bác bỏ yêu sách "đường chín đoạn" mà Trung Quốc đơn phương vẽ ra trong khu vực.

Chủ quyền lãnh hải trở lại trong tâm trí tôi những ngày này. Trung Quốc đã có những hoạt động phi pháp như tổ chức tập trận trên Biển Đông, làm nóng tình hình. Quốc gia này mới đây còn thông qua luật hải cảnh mới, cho phép lực lượng của họ nổ súng vào tàu thuyền nước ngoài để "ngăn chặn mối đe dọa" trên "lãnh hải" mà họ đơn phương tuyên bố chủ quyền.

Trong dòng thông tin lũ lượt về dịch bệnh, tôi thấy nổi lên nhắn nhủ của giáo sư Trần Văn Thọ: "Khó khăn bên trong vẫn phải cảnh giác bên ngoài". Có lẽ không nhiều người nhớ, năm nay đánh dấu tròn năm năm ngày ra đời của Phán quyết La Haye bác bỏ đường lưỡi bò phi lý của Trung Quốc.

Giáo sư cho rằng, Việt Nam ta ở vị trí địa chính trị đặc biệt. Hiện đang phải tập trung chống dịch nhưng không thể xao nhãng việc cảnh giác với bên ngoài để khỏi mất an ninh kinh tế và an ninh quốc gia. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn dễ trở thành đối tượng mua bán sáp nhập từ doanh nghiệp bên ngoài.

Lời nhắc không thừa.

Nhớ lại năm 2011, tôi có cơ hội tham gia nhiều hoạt động bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam khi quay lại đại học Harvard lần thứ hai theo chương trình tiến sĩ.

Nhóm du học sinh chúng tôi có những buổi thảo luận tại thành phố Boston bàn về việc thành lập mạng lưới du học sinh Việt Nam và giờ đây có tên chính thức là Hội Thanh niên - Sinh viên Việt Nam tại Mỹ.

Tình hình Biển Đông nóng lên rất nhiều sau khi Trung Quốc gửi Công hàm lên Tổng thư ký Liên hiệp quốc với những yêu cầu phi lý về "đường lưỡi bò" vào tháng 5/2009. Việt Nam và nhiều nước đã đồng loạt phản đối. Các du học sinh quả quyết rằng, bảo vệ lãnh thổ và chủ quyền quốc gia là trách nhiệm của tất cả người Việt.

Chúng tôi đã có nhiều hoạt động, đặc biệt là tổ chức các hội thảo, sự kiện cho thấy sự ngang ngược của đường lưỡi bò và vận động sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế.

Năm 2014, khi Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981 vào Biển Đông, Hội Thanh niên sinh viên Việt Nam tại Hoa Kỳ đã gửi thỉnh nguyện thư cho Tổng thống Mỹ Barack Obama và các chính trị gia có nhiều ảnh hưởng như cố thượng nghị sĩ John McCain. Lá thư đã góp phần tác động để Tổng thống Mỹ và các chính trị gia đưa ra những thông cáo, phát biểu công khai bày tỏ quan điểm ủng hộ Việt Nam về vấn đề này.

Với nhiều hoạt động khác, chúng tôi cũng nhận được ủng hộ của những người có uy tín như giáo sư Jerome Cohen tại Đại học New York; tiến sỹ Harry Kazianis tại National Interest và Giám đốc sáng kiến minh bạch hàng hải Gregory B. Poling của viện CSIS. Họ đã lên tiếng trên các diễn đàn quốc tế ủng hộ Việt Nam với góc nhìn khách quan, đề nghị giải quyết vấn đề Biển Đông dựa trên thông lệ và luật pháp quốc tế.

Các trí thức người Việt tại Mỹ, giáo sư Ngô Như Bình, giáo sư Trần Hữu Dũng, giáo sư Ngô Vĩnh Long, tiến sĩ Tạ Văn Tài, tiến sĩ Vũ Quang Việt sau khi chúng tôi tìm đến đã như những người thân thiết, luôn sẵn sàng tham gia các hoạt động về chủ quyền của Việt Nam theo nhiều cách khác nhau. Họ ít nhiều đã góp phần thay đổi quan điểm của nhiều trí thức quốc tế về câu chuyện trên Biển Đông.

Tuy nhiên, cuộc đấu tranh vì chủ quyền biển đảo còn rất gian nan.

Tôi nghiệm ra rằng, với mỗi công dân, doanh nghiệp, lên tiếng vì quyền lợi chính đáng trên Biển Đông cho ngư dân và con cháu mình sẽ luôn tạo hiệu ứng, dù ít dù nhiều. Những việc làm của du học sinh nói trên chỉ là một phần rất nhỏ bé trong nỗ lực chung để tập hợp sự ủng hộ giới trí thức năm châu cho vấn đề Việt Nam phải đối mặt. Ta cần thêm nhiều tiếng nói của mọi người Việt ở mọi nơi.

Với nhà nước, chúng ta ủng hộ việc kêu gọi các nước có quyền lợi liên quan trên Biển Đông cùng lên tiếng chống lại luận điệu phi lý, gửi đơn kiện ra tòa quốc tế với các hành động phủ nhận không gian chung trong khu vực. Bên cạnh đó, Việt Nam nỗ lực củng cố mạnh mẽ an ninh quốc phòng, tận dụng tối đa sự ủng hộ của nhiều bên trong quan hệ quốc tế, nhưng "chơi mà không dựa".

Có thể ai đó sẽ nói, nguy cơ dịch bệnh và nhu cầu bảo tồn sinh mạng cộng đồng đang căng thẳng, từ từ hãy nghĩ việc xa xôi. Những khuynh hướng hay quan điểm có thể khác nhau về các vấn đề, nhưng toàn vẹn lãnh thổ luôn là lợi ích cốt lõi và đồng nhất với tất cả người Việt ở năm châu.

Yêu nước không phải sáo ngữ, nó còn là một động từ.

HUỲNH THẾ DU

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn