Ai đã có công đưa Việt Nam gần lại với Mỹ ?

Thứ Sáu, 27 Tháng Tám 20218:31 CH(Xem: 2759)
Ai đã có công đưa Việt Nam gần lại với Mỹ ?

Trần Đình Thu - Ai đã có công đưa Việt Nam gần lại với Mỹ ?

kamala_04
 

Việc Phó tổng thống Mỹ thăm Việt Nam, ký kết một loạt các vấn đề quan trọng nhằm thúc đẩy hơn nữa bang giao của hai nước trong đó có công trình Tòa đại sứ Mỹ tại Hà Nội trị giá 1,2 tỉ USD đã khiến nhiều người Việt Nam vừa ngỡ ngàng vừa phấn khởi.

Đồng thời nhiều người cũng thắc mắc, do đâu mà mối quan hệ bang giao Việt Mỹ phát triển mạnh như hiện nay? Vấn đề này tôi đã có nói nhiều lần nhưng vẫn thấy có một số người chưa rõ, nay tôi xin nói lại.

Tôi vừa xem lại những bài viết cũ của tôi trên trang Facebook thì thấy bài đầu tiên tôi viết về vấn đề Việt Nam đang trên lộ trình xa Trung gần Mỹ là vào tháng 11 năm 2018. Khi đó khoảng 90% số bạn đọc không tin những thông tin tôi đưa ra. Nhiều người nói chắc rằng Việt Nam chỉ có thể thân Trung Quốc mà thôi.

 Về sau tỉ lệ không tin ấy giảm dần và tỉ lệ tin tăng dần lên theo những sự kiện bang giao giữa hai nước. Cho đến hôm nay có lẽ đến 90% đã tin rằng Việt Nam đang thân thiết thực sự với Mỹ, ngược với tỉ lệ 90% không tin hồi 2018.

Và trong các bài viết ấy tôi cũng đã nói rõ rằng ông Nguyễn Phú Trọng là người dẫn dắt tiến trình này của Việt Nam chứ không có ai khác.

Xu thế xa Trung gần Mỹ, theo tôi có lẽ được khởi xướng sau Đại hội 12 hoặc trước kỳ đại hội này không lâu, là lúc mà ông Trọng nắm thực quyền trong tay, mặc dầu ông ấy đã Tổng bí thư từ năm 2011.

Một câu hỏi đặt ra, với một người có hệ tư tưởng cộng sản đặc sệt như ông Trọng, làm sao có thể nghĩ đến việc xa Trung gần Mỹ?

Thật ra, nước Mỹ chỉ tìm cách lật đổ những chính phủ chống họ chứ không tìm cách lật đổ những chính phủ có hệ tư tưởng khác với họ. Một chính phủ dù không phải là cộng sản nhưng gây hại cho họ thì họ cũng tìm cách lật đổ, ngược lại một chính phủ dù là cộng sản nhưng thân thiết với họ, ủng hộ họ, thì vẫn chung sống hòa bình với họ được.

Nắm được đường lối này của Mỹ, nhiều cán bộ cấp cao, tướng lĩnh đương chức hoặc về hưu, nhiều nhân sĩ trí thức Hà Nội và các nơi khác có tư tưởng dân tộc, căm ghét sự ngang ngược của Trung Quốc đã đề xuất lộ trình thoát Trung bằng cách dựa một phần vào Mỹ. Và điều đáng mừng là ông Nguyễn Phú Trọng đã chấp nhận đề xuất này. Từ đó lộ trình bắt đầu.  

Một số người nói rằng họ tin Việt Nam đang trên lộ trình xa Trung gần Mỹ, nhưng hình như ai đó đang dẫn dắt chứ không phải là ông Trọng.

Trời ơi, bước đi tối quan trọng của một quốc gia mà ai có thể ngấm ngầm dẫn dắt ngoài người có quyền lực số 1?

Cho đến nay thì ngoài ông Nguyễn Phú Trọng, những cán bộ cao cấp khác mà đặc biệt là hai ông trong tứ trụ là ông Nguyễn Xuân Phúc và ông Phạm Minh Chính, cũng hết sức ủng hộ bước đi này.

Các vị trí quan trọng khác trong bộ máy hầu hết cũng đều ủng hộ. Trong đó có ông Phan Văn Giang, đương kim Bộ trưởng Quốc phòng, đặc biệt là một người mà tôi rất khó chịu là ông Tô Lâm. Ông ấy đã cho bắt quá nhiều người có tiếng nói phản biện. Tuy vậy ông Tô Lâm lại rất hăng hái ủng hộ bang giao Việt Mỹ.

Xu thế xa Trung gần Mỹ cho đến nay, theo tôi hầu như là xu thế không thể đảo ngược, cho dù bất cứ ai nắm quyền lực về sau. Là bởi vì khi lựa chọn nhân sự kế tục, thì ông Trọng sẽ đặt tiêu chuẩn này lên cao.

Tóm lại mặc dù chúng ta vẫn còn chưa hài lòng với hàng loạt vấn đề của quốc gia, của nền kinh tế, như vấn đề nhân quyền, vấn đề tham nhũng, vấn đề không chịu mở rộng dân chủ ra ngoài đảng…Nhưng chúng ta vui mừng với những gì đạt được hôm nay trong quan hệ bang giao Việt Mỹ mà các lãnh đạo cao cấp Việt Nam đang thực hiện, để Việt Nam có thể bớt phụ thuộc vào con ngáo ộp Bắc Kinh vừa ăn cướp vừa la làng.

Về lâu về dài khi đã chơi với Mỹ thì ít nhiều cũng gì chất dân chủ cũng sẽ lan tỏa dần ra, còn hơn thân thiết với Bắc Kinh chỉ thấy gian manh và dối trá! 

TRẦN ĐÌNH THU 27.08.2021

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn