Nord Stream 2, những cái bẫy trong thỏa thuận Đức - Mỹ

Thứ Sáu, 06 Tháng Tám 202111:50 SA(Xem: 3131)
Nord Stream 2, những cái bẫy trong thỏa thuận Đức - Mỹ
rfi.fr

Nord Stream 2, những cái bẫy trong thỏa thuận Đức - Mỹ

Thanh Hà

Đường ống dẫn khí Nord Stream2 từng là cái gai trong quan hệ Mỹ- Đức, nhưng rồi Washington đã nhượng bộ : bật đèn xanh cho Berlin tiếp tục dự án với Matxcơva và đặt nước Đức trở lại trung tâm bàn cờ năng lượng châu Âu. Đôi bên đã thỏa thuận với nhau những gì ? Ai được hưởng lợi ? 

Làm sao giải thích việc Mỹ thay đổi thái độ trên hồ sơ nhậy cảm này và liệu rằng đây có là một món quà mà Nhà Trắng dành tặng cho Nga, một dấu hiệu báo trước giai đoạn tan băng trong quan hệ Washington – Matxcơva ?

"Hất chân Ukraina" 

Trước hết đôi nét về dự án Nord Stream 2 - Bắc Hải Lưu 2, một đường ống gây sóng gió trong quan hệ giữa Hoa Kỳ với đồng minh thân thiết là Đức :

Nord Stream 2 dài 1.230 cây số, nối liền thành phố cảng Vyborg cua Nga sát với biên giới Phần Lan với Sassnitz trên đảo Rugen của  Đức, nhưng không đi qua Ukraina. Một khi đi vào hoạt động, Nord Stream 2 dự trù cung cấp 55 tỷ mét khối khí đốt một năm cho châu Âu. Lẽ ra dự án phải được hoàn tất từ cuối năm 2019 nhưng vì những hiềm khích chính trị và địa chính trị, cho nên 160 km cuối cùng của đường ống Bắc Hải Lưu này vẫn chưa xây xong.

Đức là quốc gia hưởng lợi trực tiếp từ đường ống dẫn khí đốt này, nhưng đồng thời Nord Stream 2 cung ứng năng lượng cho toàn Liên Âu, vốn phải nhập khẩu gần 90 % khí đốt để bảo đảm nhu cầu của toàn khối và khí đốt chiếm đến một phần tư mức tiêu thụ năng lượng của Liên Âu. Phí tổn của công trình được thẩm định là 10 tỷ đô la, 50 % do Gazprom đài thọ, nửa còn lại do Uniper và Wintershall của Đức, Engie của Pháp, liên doanh Hà Lan-Anh Shell và OMV của Áo tài trợ.

Hiềm khích giữa Washington với Berlin nằm ở chỗ một khi đi vào hoạt động, Đức nói riêng, châu Âu nói chung, sẽ mua khí đốt của Nga và lơ là với các nhà sản xuất của Mỹ. Washington thì muốn bán khí hóa lỏng cho châu Âu. Chính quyền Trump trước đây từng ước tính « thiệt hại đối với Hoa Kỳ ở khoảng 10 tỷ đô la một năm ».

Điểm thứ nhì khiến Washington chống đối Nord Stream 2 là các đồng minh của Mỹ sẽ lệ thuộc nhiều hơn vào năng lượng Nga, đó sẽ là một nhược điểm về mặt chính trị và địa chính trị.

Yếu tố thứ ba là Mỹ muốn bảo vệ quyền lợi cho Ukraina nơi trung chuyển 40% lượng khí đốt của Nga bán cho châu Âu. Với Nord Stream 2, Nga bán khí đốt cho châu Âu mà không phải đi qua ngả Ukraina, gây thiệt hại về tài chính không nhỏ cho Kiev như chuyên gia về năng lượng Thierry Bros, trường Khoa Học Chính Trị Paris giải thích:

« Nga quyết tâm giảm thiểu các khoản tiền thuê đường ống của Ukraina để đưa khí đốt sang châu Âu. Cần biết rằng trong năm 2021 chẳng hạn chi phí phải trả cho Kiev lên tới 1,3 tỷ đô la. Đối với một nền kinh tế đang kiệt quê như Ukraina thì đây là một món tiền rất lớn. Điểm thứ nhì là đối với Đức : nhờ có Nord Stream 2, Đức sẽ trở thành một đối tác quan trọng trên bàn cờ năng lượng của châu Âu. Khí đốt của Nga muốn đến được châu Âu phải đi qua lãnh thổ của Đức và như vậy thay vì Nga phải trả tiền thuê đường ống dẫn khí đốt cho Ukraina thì số tiền đó sẽ được thanh toán cho một hãng của Đức sở hữu Nord Stream 2 ».

Chính quyền Trump trước đây đã đòi trừng phạt Đức bắt tay với Nga trong dự án Bắc Hải Lưu 2. Theo giới quan sát, có một sự tiếp nối của chính quyền Biden trên nhiều hồ sơ đối ngoại và thương mại so với chính quyền Trump. Nhưng dường như Nord Stream 2 là một ngoại lệ.

Thỏa thuận không mang tính ràng buộc

Ngày 21/07/2021 Berlin và Washington cùng thông báo đạt được một thỏa thuận, đoạn chót của đường ống dẫn khí Bắc Hải Lưu 2 -Nord Stream 2 nhanh chóng được hoàn thành. Khí đốt của Nga sẽ sớm được chuyển tới châu Âu xuyên qua lòng biển Baltic. Thỏa thuận đó bao gồm những gì ?

Theo các thông cáo chính thức của Đức và Mỹ, về mặt kinh tế Berlin cam kết bồi thường cho Ukraina từ nay đến năm 2024 một số tiền tương đương với khoản thất thu 1,3 tỷ đô la hàng năm mà Kiev sẽ không còn nhận được từ phía Nga.

Cũng chính phủ Đức hứa viện trợ 170 triệu đô la một năm giúp Kiev phát triển năng lượng tái tạo thay thế cho khối lượng khí đốt vẫn được Nga cung cấp. Điểm quan trọng thứ ba là chính quyền Biden và thủ tướng Merkel cùng bảo đảm là khí đốt của Nga vẫn sẽ tiếp tục được trung chuyển qua ngả Ukraina sau thời hạn 2024, bởi lẽ Bắc Hải Lưu 2 chỉ liên quan đến « một phần » khí đốt của Nga cung cấp cho thị trường châu Âu.

Về những lo ngại trong lĩnh vực an ninh, Đức và Mỹ bảo đảm « đã dự trù những biện pháp trừng phạt Nga trong trường hợp Matxcơva dùng lá bài năng lượng để bắt chẹt Ukraina ».  Lập luận này không mấy thuyết phục được Kiev :Tổng thống Zelensky trên Twitter viết ông nóng lòng chờ đợi hội kiến nguyên thủ Mỹ Joe Biden ngày 30/08/2021 để « trao đổi thẳng thắng về những đe dọa nghiêm trọng mà Nord Stream 2 đang đề nặng lên an ninh của Ukraina ».

Mối đe dọa về an ninh và kinh tế  

Lãnh đạo tập đoàn dầu khí Ukraina Naftogaz Youriy Vitrenko, một người thân cận với tổng thống Volodymyr Zelensky thì cho rằng Bắc Hải Lưu 2 là một « món quà thảm hại » mà Washington đã tặng cho điện Kremlin bởi thỏa thuận Đức – Mỹ « không mang tính ràng buộc » trong trường hợp Nga dùng năng lượng như một vũ khí để tấn công Ukraina. Nữ dân biểu Svitlana Zalishchuk so sánh Nord Stream 2 với thỏa thuận ghi nhớ Budapest năm 1994 : « khi đó Kiev chấp nhận giải trừ kho vũ khí hạt nhân để đổi lại đặt an ninh của mình dưới sự bảo trở của Anh, Mỹ và Nga. Hai mươi năm sau, Nga thôn tính bán đảo Crimée và yểm trợ phe ly khai tại vùng Donbass, miền đông Ukraina ».

Không chỉ có Ukraina mà ngay cả nước Ba Lan sát cạnh cũng cảm thấy an ninh bị đe dọa : khí đốt bảo đảm 50 % năng lượng tiêu thụ tại Ba Lan và Vacxava lệ thuộc nhiều vào nhà cung cấp Nga. Nord Stream 2 không đi qua ngả Ba Lan.

Thông tín viên Sarah Bakaloglou từ Vacxava giải thích :

« Vacxava nhanh chóng lên án Mỹ thay đổi thái độ về dự án đường ống dẫn khí Nord Stream 2. Trong thông cáo chung với Ukaina, ngoại trưởng hai nước cùng chỉ trích một quyết định đe dọa đến chính trị, quân sự và cả năng lượng đối với Ukraina và trung Âu, với quyết định này, khả năng của Nga gây bất ổn cho an ninh của châu Âu sẽ lớn hơn. Ba Lan đánh giá những bảo đảm mà phía Washington và Berlin đưa ra là chưa đủ. Chính quyền Vacxava ban đầu là một trong những tiếng nói chống đối dự án Nord Stream 2 mạnh mẽ nhất. Ba Lan cảnh báo trước nguy cơ châu Âu lệ thuộc hơn vào nước Nga và Vacxava ủng hộ Ukraina bị thiệt thòi vì dự án này.

Cho dù Ba Lan vẫn nhập khẩu khí đốt của Nga nhưng chính quyền nước này cho biết sẽ không triển hạn hợp đồng với tập đoàn Gazprom sau năm 2022 và Ba Lan chuyển sang mua khí đốt của Na Uy. Ngoài ra Vacxava cũng có ý định triển khai Sáng Kiến Ba vùng Biển, kiên kết các nước Đông và Trung Âu. Một trong những mục tiêu của dự án là bảo đảm an ninh về năng lượng cho các bên tham gia. Berlin cho biết sẽ ủng hộ dự án này. Có thể tuyên bố nói trên nhằm trấn an Ba Lan »

Mỹ giảm nhẹ áp lực với châu Âu để tập trung về châu Á

Tại sao chính quyền Biden đổi ý về đường ống Bắc Hải Lưu 2, chuyên gia nghiên cứu tình hình nước Đức thuộc Viện Quan Hệ Quốc Tế, Paul Maurice nêu bật một số giả thuyết như sau : chỉ vài ngày sau khi tiếp thủ tướng Angela Merkel tại Nhà Trắng tổng thống Joe Biden đã dỡ bỏ những rào cản sau cùng về Bắc Hải Lưu 2, rất có thể đôi bên đồng ý « về một hợp đồng để Đức mua khí hóa lỏng của Mỹ ». Bên cạnh đó có một yếu tố quan trọng hơn nữa được nhà nghiên cứu này nêu bật :

« Châu Á Thái Bình Dương hiện tại mới là trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Nhà Trắng, cho nên chính quyền Biden tập trung vào khu vực này và cảm thấy không cần gây thêm căng thẳng với châu Âu »hơn nữa « Mỹ đang rất cần đến đồng minh là Đức trên nhiều hồ sơ ». Một trong những lợi thế của Đức là Berlin có quan hệ khá tốt với Matxcơva.  

Một số nhà phân tích khác không loại trừ khả năng, thỏa thuận Mỹ-Đức về đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 là khúc dạo đầu báo trước giai đoạn tan băng trong quan hệ giữa Hoa Kỳ với Nga.

Chuyên gia Paul Maurice nhắc lại rằng năm 2020, Nga và Mỹ đã ngầm thỏa thuận để giữ giá khí đốt : đôi bên đã giảm mức cung cấp cho châu Âu tránh để năng lượng này bị tuột giá. Nga và Mỹ có thể « kình nhau » nhưng không cấm cản vẫn bắt tay nhau vì quyền lợi thương mại. Với những tính toán thực dụng vốn có cầm chắc, ngay cả chính quyền trong tay đảng Dân Chủ, khi cần, Hoa Kỳ cũng sẵn sàng hy sinh những quyền lợi của Ukraina.  

Sau cùng có thể nói thỏa thuận Mỹ- Đức về đường ống dẫn khí đốt gây lo ngại là một món quà Nhà Trắng dành cho điện Kremlin đó là Berlin cam kết sẽ “trừng phạt Nga” trong trường hợp Matxcơva dùng năng lượng để uy hiếp Ukraina hay sử dụng khí đốt như một lá chủ bài chính trị đe dọa đến an ninh của châu Âu. Nhưng ai cũng biết về những giới hạn của các đòn « trừng phạt Nga » mà Âu, Mỹ liên tục áp dụng từ 2014, khi Matxcơva thôn tính bán đảo Crimée của Ukraina và ủng hộ phe nổi dậy ở miền đông Ukraina.ột câu hỏi khác được một nhà ngoại giao nhóm G7 nêu lên với nhật báo Libération : Âu Mỹ nghĩ gì nếu như Kiev một khi mất điểm tựa kinh tế là Nga sẽ tỏ ra thực tế hơn trong chính sách đối với Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ ?  Đây là bằng chứng rõ rệt nhất cho thấy Nord Stream2 là một dự án mang nặng tính chính trị, địa chính trị và ngoại giao hơn những tính toán được thua về kinh tế.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn