Trí và tình – hai thứ quên mang khi lên đường chống dịch!

Thứ Sáu, 30 Tháng Bảy 202111:00 CH(Xem: 2703)
Trí và tình – hai thứ quên mang khi lên đường chống dịch!
voatiengviet.com

Trí và tình – hai thứ quên mang khi lên đường chống dịch!

Thiên Hạ Luận

Trân Văn


Thông tin, hình ảnh cả trên mạng xã hội lẫn hệ thống truyền thông chính thức về hoạt động phòng, chống đại dịch COVID-19 của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền ở Việt Nam khiến người ta nẫu lòng...

Bánh mì (1), gạo (2), rau (3), sữa, đồ uống (4),… rồi tiền (5), tủ lạnh, sạc điện thoại (6), tã, băng vệ sinh (7),… bị chặn, người vận chuyển bị truy đuổi, bị phạt vì… không phải là thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, kèm với chuyện càng ngày càng nhiều người đói (8) đối lập với tình trạng càng ngày càng nhiều người giàu lòng từ tâm, xả thân giúp đồng bào, đồng loại nản lòng, bởi bị theo dõi, cản trở (9),…

Đại dịch không phải là lý do chính khiến thiên hạ bức bối. Thiên hạ phẫn nộ bởi dường như, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền ở Việt Nam lên đường chống dịch nhưng quên mang theo cả “trí” lẫn “tình”…

***

Tuấn Khanh – một nhạc sĩ – vừa viết “Nếu nhìn nhau như đồng loại”. Tâm sự này là tâm sự chung của rất nhiều người, thuộc nhiều giới và “Nếu nhìn nhau như đồng loại” chính là sự tập hợp những tâm sự rời rạc đang tràn lan trên mạng xã hội (10)…

Những ngày phong tỏa Sài Gòn trở nên căng thẳng nhất, có cả sự tham gia của quân đội, đã diễn ra không ít những điều quái gở. Sự sợ hãi con virus vô hình trong mắt, đã khiến cho toàn bộ hệ thống chính trị “chống dịch như chống giặc” được tự do lựa chọn những gì họ nhìn thấy được, là thứ cần phải chận lại, bao gồm cả miếng ăn và nhu yếu phẩm đời thường của con người.

Trong vài ngày, sự trớ trêu diễn ra ở khắp mọi nơi.

Những chiếc xe chở sữa, thức uống hoặc tã, hoặc băng vệ sinh của phụ nữ đi giao hàng cũng bị bắt quay đầu vì lý do là hàng không thiết yếu. Sự hoang mang của người dân tràn trên các mạng xã hội, không phải vì COVID-19, mà vì một xã hội bất an do ngôn ngữ và suy nghĩ con người không thể giao tiếp được với nhau.

Nhất định những mặt hàng như sữa hay băng vệ sinh, chắc chắn phải gợi nhớ cho những “chiến sĩ” đang trực chốt kiểm tra, nhớ về mẹ, chị hay con cái của họ. Và cũng không có ai kiểm chứng được là với các “chiến sĩ” ấy, những mặt hàng như vậy không thể nào chui lọt vào nhà của họ.

Trên Tiktok, hay YouTube, xuất hiện câu chuyện một người chở rau muống đi giao hàng cho công ty đến các quận trong thành phố. Anh bị chốt kiểm tra chận lại. Hai thanh niên trẻ, trắng trẻo mặc quân phục là người kiểm tra, đã loay hoay không thể xác định được rau muống có là mặt hàng thiết yếu hay không.

Người giao hàng điềm tĩnh nói nếu anh không được giao mặt hàng này, xin hãy ghi vào đơn hàng của anh, lý do rõ ràng, không cho đi vì là không thiết yếu. Trong video, một thượng sĩ và một đại úy cứ bối rối không quyết định được rau có thiết yếu hay không. Thậm chí sau đó, họ phải gọi điện thoại để xin ý kiến cấp trên.

Video đó, chỉ là một câu chuyện nhỏ được ghi lại ở Sài Gòn, mà một ngày có vô số câu chuyện như vậy xảy ra trong phong tỏa. Nó có thể gây cười cho một số người và quên đi. Nhưng với nhiều người khác, ắt phải có câu hỏi được đọng lại: Thật sự những con người đó không đủ khả năng để nhận biết rau có thiết yếu hay không trong đời sống con người? Dĩ nhiên là mọi người trực chốt kiểm tra đều biết. Vì chính trẻ con cũng nhận biết ngay đó là thứ ăn được. Những thứ giúp người ta không bị đói. Chẳng phải trong lịch sử, nhà cầm quyền sau năm 1975, từng ca ngợi rau muống như là một loại lương thực bổ dưỡng như thịt bò và khẳng định rau muống sẽ giúp cho con người vượt qua được tất cả mọi cảnh đói kém trong thời gian đó hay sao?

Chỉ có một cách giải thích duy nhất về chuyện rau – hay bất kỳ loại thực phẩm nào đang bị dán nhãn là không thiết yếu – bị đối xử lạnh nhạt trên đường đi đến với con người: Đó là sự tuân lệnh mù quáng dẫn đến sự ngu hóa, thậm chí quên luôn cả bản năng làm người của mình.

Với những người trực chốt kiểm tra từng từ chối bánh mì, rau hay bất kỳ loại nhu yếu phẩm nào, hoàn toàn không có nghĩa là trong đời sống của họ hoàn toàn vắng bóng những thứ đó. Họ cũng có thể đang thụ hưởng những thứ như vậy, nhưng mệnh lệnh cùng quyền lực tạm thời được giao phó, khiến họ trở nên chai lì, hủy hoại cả những cảm xúc nhận biết mang tính người bình thường.

Sài Gòn đang đứng trước một màn trình diễn khổng lồ đầy ức chế như vậy: Quyết ý của chính quyền nhưng lại không đồng hành cùng lòng dân. Đặc biệt khi người dân phải tự gồng gánh, tự lo miếng ăn, cuộc sống của mình nhưng cứ bị từ chối là “không thiết yếu”.

Trên mạng facebook, có tin kể rằng anh shipper mang giao cục sạc điện thoại, và bị cảnh sát giao thông từ chối vì đó là hàng không thiết yếu. Phía dưới bản tin ấy có lời bình luận của một phụ nữ: “Gặp mình thì cũng không biết phải trình bày như thế nào. Vì mình đang bị cách ly nhưng củ sạc điện thoại bị hư, may mà mình mượn được của người phòng bên cạnh. Nếu không, chẳng thể nào liên lạc được với nhân viên trực cách ly, cũng như với người nhà”.

À, hóa ra trong muôn vạn điều “thiết yếu” của cuộc đời, quả có rất nhiều góc cạnh của nó. Sẽ chẳng có danh sách nào đơn giản lập ra để cho và từ chối, trong tình huống đại dịch quá mới mẻ với từng gia đình và cả với một chính quyền như hôm nay. Có làm gì đi nữa thì cũng mọi thứ cũng phải nằm trong sự nhận biết, và thấu hiểu của con người.

Nhà báo Võ Văn Tạo kể rằng ông chở vợ đi mua thuốc uống định kỳ. Khi bị anh thanh niên xung kích chận lại, ông chỉ mớ thuốc vừa mua và giải thích. Người mang sắc phục xung kích ấy chỉ tay, nói: “Cứ cầm cái vỏ hộp thuốc như thế này là đi lung tung được hả?”. Ông Tạo giải thích và nói rằng mình già rồi, chẳng muốn nói dối để ra đường lúc này làm gì, thì tay xung kích trẻ ấy, quát “Muốn lập biên bản hả?”.

Đối diện với mệnh lệnh chính trị trở thành độc đoán do quyền lực được phân cấp, mọi giá trị thiết yếu của người dân chỉ là cá nằm trên thớt. Vợ của ông Tạo muốn cho qua chuyện, bèn nói xuôi với tay xung kích ấy vài câu để đi về cho nhanh. Chứ không khéo lại nộp oan tiền triệu. Ông Võ Văn Tạo là một nhà báo có hơn 30 năm kinh nghiệm và là trí thức làm việc trong ngành kinh tế. Nhưng tất cả những vốn liếng quý báu ấy của ông, dễ dàng trở thành vô nghĩa trước một tình trạng ngu hóa và vô tâm vì mệnh lệnh như vậy.

Đại dịch là một thảm họa. Không có chính quyền hay người dân nào đủ kinh nghiệm để đối phó trong đời mình. Chắc chắn trong cách chỉ huy việc đối đầu với đại dịch, mọi quốc gia đều cần những mệnh lệnh tập quyền, Nhưng trong sâu thẳm mọi quyết định, vẫn là yếu tố con người đối xử với con người.

Chỉ cần có như vậy thôi, thì sẽ không bao giờ có những chốt chặn bối rối về những mặt hàng nào là thiết yếu. Và cũng sẽ không có bất kỳ một nhân viên nào của nhà nước phải vào vai bất nhân trong việc từ chối nhu cầu của người khác. Đơn giản thôi, vì ngoài mệnh lệnh khô cứng, mọi thứ chỉ cần được suy xét từ góc nhìn của một con người với chính đồng loại của mình.

***

Ở một góc khác trên mạng xã hội, giữa hoang mang và bất bình trong đánh giá, nhận định về “thiết yếu hay không” của hệ thống thực thi chính sách phòng, chống dịch, Trần Nhật Bình góp thêm:

Cần gì văn bản hay qui định nào, trước khi phạt ai hay bắt xe chở hàng quay đầu, mấy anh chị chỉ cần vài giây suy nghĩ xem những thứ đó trong gia đình mình, cha mẹ mình, vợ chồng mình, con cái, anh chị em mình… có cần hàng ngày, đến mức khó có thể thiếu không (?), rồi hãy ra quyết định, nếu không có ngày nghiệp quật!

Ra đường chống dịch mà về nhà con bé đái đầy ra nhà vì không có tã, con lớn không thể học online do máy hết pin, do cục sạc hư, bếp thì không có gì ăn vì shipper không thể giao hàng… Sài Gòn đâu phải mới giãn cách vài ngày, thực hiện cả Chỉ thị 15 và Chỉ thị 16 đã gần hai tháng - dự đoán còn kéo dài vài tuần nữa, dù ai đó có cẩn thận đến bao nhiêu đi chăng nữa thì cũng không thể dự trữ nhiều hàng hoá thiết yếu đến mức đủ cho nhiều ngày như thế này. Chưa kể chính quyền thì liên tục khuyên dân không nên dự trữ. Trong đại dịch, ra đường làm nhiệm vụ không chỉ là trách nhiệm, là nghĩa vụ mà còn cần mang theo suy nghĩ và lương tâm (11).

Công chúng đã thấy, đã đề cập đến tình trạng rất nhiều cá nhân đang thực thi các biện pháp phòng, chống dịch lên đường mà để quên cả “trí” lẫn “tình”. Còn những cá nhân đang giữ vai trò chỉ đạo, điều hành thì sao? Họ cũng quên hay đã để mất cả hai thứ?

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Thứ Sáu, 05 Tháng Mười 20185:00 SA