• Mỹ Hằng
  • BBC News Tiếng Việt

Phuket, Vietnamese community

Chụp lại hình ảnh,

Vợ chồng anh Phạm Văn Bé đều sinh ra ở Thái Lan. Gia đình làm ăn phát đạt nhờ buôn bán, mở khách sạn. Nhưng gần 2 năm nay họ phải đóng cửa khách sạn do dịch bệnh

Khi tới Phuket tìm hiểu về dự án Sandbox của chính phủ Thái Lan, chúng tôi gặp cộng đồng người Việt đang 'mắc kẹt' tại đây.

Trên hòn đảo du lịch nổi tiếng này, có một cộng đồng người gốc Việt đã sinh sống nhiều đời, chủ yếu tập trung ở Patong và thị trấn trung tâm.

Bên cạnh đó, còn có tới hàng ngàn người Việt mới sang làm ăn, phần đông phục vụ trong khách sạn, nhà hàng, hoặc giúp việc nhà.

'Ở Phuket ra ngõ gặp người Việt' là vì thế. Tiền từ du khách đổ vào Phuket đã nuôi sống dân trên đảo. Hơn thế, giúp họ trở nên giàu có.

Nhiều người Việt tại Phuket trở thành đại gia. Họ mua đất, xây nhà, tậu xe, mở thêm nhà hàng, khách sạn. Những lao động mới sang thì có tiền gửi về quê nhà. Cuộc sống có vẻ dễ dàng.

Nhưng đó là thời điểm trước dịch Covid-19.

Nay, khi chúng tôi đến vào tháng 7/2021 - khi chính phủ Thái Lan bắt đầu khởi động dự án Sandbox - đưa khách du lịch đã tiêm vaccine trở lại Phuket sau hai năm đóng cửa - thời thế đã đổi khác.

'Nợ chồng chất'

Nhiều người gốc Việt sống trong những căn nhà khang trang đầy đủ tiện nghi, có xe hơi, xe máy đắt tiền, nhưng kỳ thực đang nợ chồng chất.

Ông Đỗ Công Thái, cựu Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Phuket, đưa chúng tôi tới nhà con trai cả - một căn nhà lớn nằm trong một khu toàn biệt thự. Ông nói:

Chụp lại hình ảnh,

Ông Đỗ Công Thái, 67 tuổi, sinh ra ở Thái Lan, không nguôi nỗi nhớ Việt Nam

"Hiện cuộc sống rất chật vật. Vì dân ở đây chuyên kiếm ăn với người nước ngoài nhưng giờ không có khách nước ngoài. Cả năm nay chỉ ở nhà ăn với ngủ. Ở đây khi kiếm được tiền người ta hay ganh đua nhau vay tiền xây nhà to, mua xe. Đến khi dịch bùng, không buôn bán được nữa thì lâm vào cảnh nợ nần."

Ngôi nhà của con trai ông Thái được mua bằng tiền vay ngân hàng và hiện đang 'lãi mẹ để lãi con' không trả được.

Gia đình con trai cả đã đóng cửa hàng quần áo do ế ẩm. Hai cửa hiệu xăm của hai con trai thứ mới mở gần bãi biển Phuket nay không bóng khách.

Trong số hơn 500 hộ gia đình người Thái gốc Việt sống ở Phuket, khoảng 100 hộ khấm khá do mở nhà hàng, khách sạn. Số còn lại mưu sinh bằng các nghề buôn bán nhỏ. Từ khi đại dịch xảy ra, người giàu hay nghèo đều lâm cảnh nợ nần.

Bán phở mưu sinh

Chụp lại hình ảnh,

Cô Nguyễn Thị Oanh, 69 tuổi, vẫn nói rành tiếng Việt dù sinh ra ở Thái Lan

Rời nhà ông Thái, chúng tôi tới thăm nhà cô Nguyễn Thị Oanh, 69 tuổi, bán phở tại Phuket.

Cô Oanh vẫn giữ thói quen mặc đẹp và trang điểm đẹp dù phải đứng bếp nấu phở giữa thời tiết nắng nóng rất vất vả.

Trước đây, cô Oanh có nhà hàng ven biển bán đồ ăn Việt cho khách nước ngoài, mỗi tối 'thu cả vạn baht', theo lời cô. Nhưng khi có dịch, nhà hàng phải đóng cửa do không có khách. Cô lui về mở quán phở tại nhà. Có ngày chỉ bán được vài ba bát phở.

"Bây giờ người ta không buôn bán được, nên cũng không có tiền ăn phở," cô Oanh giải thích.

Ngôi nhà bốn tầng hiện nay cô Oanh sống cùng chồng con, là tài sản từ thời làm ăn phát đạt. Cô còn mua được thêm một mảnh đất nữa cùng xe cộ, định bụng sẽ là nguồn tài sản để 'an tâm dưỡng già'.

"Đang chuẩn bị sướng rồi thì ai ngờ xảy ra dịch. Giờ tiền bán phở mỗi ngày chỉ đủ mua thức ăn sống qua ngày chứ không đủ trả nợ nhà băng. Nếu cứ tiếp tục thế này thì không biết cô sẽ cầm cự được đến bao giờ. Nhiều đêm nghĩ thương con, mất ngủ," cô Oanh tâm sự.

Cô Oanh cho tôi xem những bức ảnh của cô thời 'vàng son' - mới hai năm trước - khi cô diện áo dài Việt Nam, hay trang phục truyền thống của Thái, tóc uốn và gương mặt trang điểm cẩn thận, đi du lịch và vui chơi với bạn bè. Trông cô đẹp và nhàn nhã.

Nay một mình cô nấu phở, nấu xôi, muối thêm dưa để có thêm chút thu nhập. Chân tập tễnh vì đau do cú ngã gần đây mà cũng không dám nghỉ bán hàng.

Đối diện nhà cô Oanh là một gia đình người gốc Việt khác làm nghề bán quần áo xỉ. Hai ông bà bắc ghế nằm trước cửa trông hàng từ sáng đến tối trong tiết trời nóng hầm hập mà không có một bóng khách nào ghé.

Tha hương

Bên cạnh cộng đồng người Thái gốc Việt, Phuket còn từng là nơi 'đổi đời' của nhiều người Việt tha hương, trong đó có nhiều người là lao động phổ thông từ các vùng quê nghèo của Việt Nam.

Cô Nguyễn Thị Thảo, 60 tuổi, đã ở Thái Lan từ năm 2005. Công việc trước đây của cô là dọn dẹp khách sạn. Nay khách sạn đóng cửa, cô chuyển sang phụ giúp bán hàng tạp hóa cho chủ.

Cửa hàng tạp hóa vắng khách. Công việc chẳng có gì nhiều. Cô Thảo nói buồn lắm, muốn về Việt Nam, nhưng không có tiền.

Trước đây tiền kiếm được bao nhiêu cô đều gửi về nuôi con. Nay định về Việt Nam ở hẳn để dưỡng già thì dịch xảy ra. Chủ nhà vẫn giữ lại nhưng chỉ trả được chị tiền ăn. Không có tiền để dành hay gửi về.

Thời gian rảnh rỗi, cô Thảo hay gặp gỡ các chị em khác mắc kẹt tại đây. 'Than thở với nhau 'chán nhỉ' rồi lại ai về nhà nấy'.

Ở Việt Nam, cô Thảo có một con trai ruột và một con gái nuôi - là người bị bỏ rơi ở bệnh viện khi mới lọt lòng và được cô nhận về. Cả hai nay đã trưởng thành, lập gia đình.

Nay ở Thái Lan, cô cũng bầu bạn với một chú chó tên Coca mà cô nhặt trong thùng rác về chăm sóc cách đây 10 năm.

'Người Thái rất tốt. Chủ nhà cũng rất tốt, lại vướng Coca khiến cô bịn rịn. Trước đây cứ nửa muốn về nửa muốn ở lại là vì thế. Nay thì không có tiền để về," cô Thảo vừa nói vừa lau nước mắt.

Cùng cảnh ngộ với cô Thảo còn có chị Bùi Thị Hương, sang Thái từ năm 2014.

Khi mới sang, chị Hương dọn dẹp khách sạn và nấu bếp tại một nhà hàng Italy. Mất việc do dịch, chị xin làm việc nhà.

Công việc chỉ có giặt và là quần áo, nên mỗi ngày chủ chị thuê chị 2 tiếng. Hết việc là ngồi chơi không.

Để đỡ buồn, chị Hương đi lang thang chơi khắp Phuket. Chiều tối thì ra biển mò ốc, hến để cải thiện bữa ăn. "Người ta nhìn vào cứ tưởng sướng lắm. Nhưng thật ra là rất buồn," chị Hương nói.

Thời gian đầu, Hội người Việt có quyên góp tiền mua gạo, trứng ủng hộ anh chị em bị mắc kẹt tại đây. Nhưng đến đợt dịch thứ 3 thì mọi người đều kiệt sức, cạn tiền.

Trong câu chuyện đầy nỗi niềm thương nhớ quê nhà, các chị đều nói coi Thái Lan như quê hương thứ hai của mình. Nơi mà chủ nhà và cộng đồng người Thái luôn đùm bọc, giúp đỡ họ. Và mong có chính phủ Việt Nam có chuyến bay nhân đạo đưa họ hồi hương.

Lạc quan

Thông qua Hội người Việt ở Phuket, ban đầu chúng tôi ngỏ ý muốn tìm một số gương mặt trẻ tuổi, nhưng câu trả lời là 'không còn ai'.

Lớp trẻ từ Việt Nam sang Thái được cho là đã về nước hết do mất việc. Lớp trẻ sinh ra ở Thái giờ 'đã thành người Thái', không nói được chữ tiếng Việt nào.

Nhưng đêm cuối trước khi rời Phuket, chúng tôi tình cờ gặp Mai Thi, 20 tuổi, làm nghề bán hoa hồng dạo.

Mai Thi chưa từng đến trường, không biết đọc, không biết viết, nhưng sử dụng thành thạo smart phone và nói rành tiếng Việt, tiếng Thái, có thể giao tiếp bằng tiếng Anh. Cô sang Thái bán hoa hồng dạo với mẹ từ năm 8 tuổi.

Thi cho biết cô sinh ra trong một gia đình nghèo ở Trà Vinh. Ban đầu hai mẹ con bán ở Bangkok. Sau này mẹ về Việt Nam, Thi một mình chuyển đến Phuket sống và tiếp tục bán hoa dạo.

Thi ít bạn, không tham gia hội nhóm nào nên Hộii người Việt ở Phuket không biết đến cô.

"Em chỉ đi làm và về nhà. Bạn bè em cũng chỉ chơi có chọn lọc. Em sống tiết kiệm nên hai năm nay dù khó khăn nhưng em vẫn đủ tiền sống. Em không muốn vay mượn ai vì như vậy sẽ thành thói quen, người ta sẽ coi thường mình," cô gái trẻ nói rành rọt, chắc nịch.

Thi chia sẻ sau nhiều năm lang thang bán bông, cô đã dành dụm mua được 1 mảnh đất nhỏ ở nhà.

"Bây giờ chính phủ Thái cho mở cửa lại, dù khách có ít nhưng em tin là mình vẫn xoay xở được. Có ít thì mình tiêu kiểu ít. Thế nào đến năm 30 tuổi em cũng cất được nhà cho mẹ," Thi nói.

Cô gái trẻ dự định trong hai năm tới sẽ bỏ tiền học nghề DJ. Ban đầu sẽ chơi 'miễn phí' cho các quán bar để vừa học hỏi, vừa trau dồi. Sau hai năm tiếp có thể kiếm được tiền. Khi đó Phuket 'trở lại bình thường là vừa'.

Sau hàng loạt những cuộc phỏng vấn với lớp người đi trước đầy trăn trở về nợ nần, cơm áo gạo tiền, sự lạc quan, tự tin của Thi dường như khiến không khí bớt ảm đạm, khi tôi bước qua các dãy phố dày đặc khách sạn, nhà hàng nay bỏ không như sa mạc.

Du khách cũng đã lác đác trở lại Phuket rồi.