Tôi mất… học!

Thứ Ba, 07 Tháng Mười Một 20179:00 SA(Xem: 9313)
Tôi mất… học!

Đó là một phụ nữ mặc bộ đồ màu đen, đội nón tai bèo, miệng cười rạng rỡ, tay quăng lưới bắt cá rất chuyên nghiệp và nhìn có vẻ rất hạnh phúc. Xung quanh chị là những cậu bé tay cầm rổ, cũng tranh nhau vớt những con cá đi hoang. Đó là một cảnh tượng không xa lạ đối với người Việt Nam, nhất là những người sống ở vùng sông nước. Và nó đang diễn ra hầu như là hàng ngày ở cái hồ… Chí Minh gần đây!

toi-mat-hoc8
Cảnh “đẹp” miền sông nước…. hình từ kenh14.vn

Tôi không hề muốn bắt đầu bài viết của mình bằng bản tin dự báo thời tiết “ngày ướt đêm không khô” như mọi lần vì nó khá nhàm chán. Nhưng đó là khởi nguồn của những câu chuyện tôi sắp kể. Vào một ngày mưa gió, không thể la cà đầu trên xóm dưới chọc lũ chó mập như heo trong xóm, cũng không thể bay lượn khắp Sài Gòn kiếm chuyện về kể cho Trẻ nghe. Tôi quyết định lên mạng săn voucher ghi danh học vài lớp ngoại khóa. Trong đó có một lớp ngoại ngữ giao tiếp với người nước ngoài, điều tôi  rất cần để sử dụng cho mớ lý thuyết mình học miệt mài. Chưa kể sau kỳ đi du lịch vừa rồi tôi càng có quyết tâm học ngoại ngữ để nói chuyện với người… Việt tại các thành phố du lịch (ở Việt Nam). Trường học cách nhà tôi 12 phút chạy xe. Thầy của tôi là Jason. Tôi đã chọn ông khi đọc review trong group “I survived Jason’s English class” (Tôi đã sống sót qua lớp tiếng Anh của Jason):

“Vào ngày thứ nhất, tôi muốn Jason nhảy ra ngoài cửa sổ và chết. Ngày tiếp theo, có vẻ đỡ hơn. Lớp học có vẻ thú vị hơn. Mặc dù tôi đẹp trai hơn Jason nhưng Jason luôn bảo tôi xấu trai. Và luôn bắt chúng tôi phải mang theo quyển từ điển xấu xí rất nặng. Ký tên Nguyễn Minh Quân”

toi-mat-hoc7
Lớp học buổi đầu

Lúc đó tôi nghĩ, những người có cái nhìn lệch lạc về nhan sắc người khác chắc chắn sẽ giỏi về chuyên môn. Ông Trời chắc không thể lấy hết của ai thứ gì (ngoại trừ tôi). Thế là tôi đã làm tập thể các cô ở phòng lễ tân há hốc khi nói tên thầy vì “Thầy Jason khó lắm”. Tôi thấy mình rất anh hùng. Cảm giác đó lan tỏa đến tận lúc “I survived Jason’s English class”, tôi sống sót không phải vì học hết khóa mà là vì tôi học được vài buổi thì thầy có mâu thuẫn ở trường và nghỉ dạy. Chuyện là do quá “khó” thầy bị một học sinh đi trễ ném bịch nước vào mặt và làm tổn thương mắt. Khi kiến nghị đến nhà trường thầy chỉ nhận được câu nói sẽ “ghi nhận” chứ không hề có hình thức kỷ luật hay xin lỗi, bảo vệ giáo viên của mình gì cả. Thế là thầy mất… dạy, tôi mất học. Tôi thở phào nhẹ nhõm vì bản thân cũng đã không ít lần mơ ước thầy nhảy ra cửa sổ và… chết.

toi-mat-hoc5
Và sự việc xảy ra khiến thầy quyết định “mất dạy”

Chuyện gì cũng có lý do cả (tuy đôi khi cả lý do của tôi cũng không được nhiều người xem là lý do). Ngày đầu tiên để đến được lớp sớm hơn tôi đã phải cố gắng dậy sớm, để đẹp hơn trong mắt thầy và bạn bè cùng lớp, tôi đã hy sinh một tháng ăn sáng mua một cây son mới, để có buổi gặp mặt đầu tiên đầy ấn tượng, tôi đã phải ôn lại những thứ mình đã học rất kỹ càng. Thầy bước vào lớp, mặc quần sooc, áo thun. Khắp người đầy những hình xăm, khuôn mặt có vẻ như đang hờn cả thế giới. Thầy giới thiệu mình là Jason, đến từ Canada. Thầy từng dạy và sống tại Trung Quốc 10 năm. Thầy không thích kết hôn vì nghĩ rằng nếu lấy vợ thì sẽ chỉ có một người đàn bà, còn nếu tự do thì có nhiều người đàn bà (hoặc đàn ông). Mấy bạn học xung quanh tôi tỏ ra kỳ thị với những lời giới thiệu trên nhưng tôi khá thích thú. Đây là một người thú vị, chắc chắn sẽ có cách dạy thú vị. Mọi thứ sụp đổ khi thầy hỏi từng người câu đầu tiên: “How are you? Tất cả mọi trạng thái mọi người đều đã dùng, đến phiên tôi đành trả lời: “Tôi bình thường” và thầy tạt luôn gáo nước lạnh: “Một câu trả lời ngu ngốc.” Lúc đó, tôi đã nhìn ra cửa sổ, tấm kính khá dày… Tiếp theo đó, tôi liên tục giật mình thon thót. Trong khi “dạy”, thầy nói rất to, gần như là hét lên. Thỉnh thoảng, bất thình lình thầy “nhảy bổ” đến ngay trước mặt, hỏi bất ngờ một câu gì đó. Cảm giác như tôi đang xem phim kinh dị 8D vậy, thật kinh hoàng!

toi-mat-hoc6
Lớp học sau một tuần

Hết buổi học đầu tiên, tôi đã nhào xuống văn phòng đòi chuyển lớp. Vì tất cả các lớp đã đủ người, chưa có lớp để chuyển, họ thuyết phục tôi chờ hoặc học thử thêm vài buổi trong lúc chờ lớp mới. Thấy mưa gió ở nhà hoài chán quá, tôi cắn răng đi học tiếp. Ấn tượng về thầy dần thay đổi dễ chịu hơn khi nghe thầy giải thích về những hành động kỳ quái của mình (chắc thầy cũng sợ mất dạy). Thầy nói tất cả là nhằm để luyện phản xạ giao tiếp tiếng Anh cho chúng tôi. Phải mở rộng miệng ra, nói to, rõ, chậm cũng được để phát âm cho chuẩn. Và thầy muốn “đóng vai ác” để chúng tôi có động lực và nghiêm chỉnh hơn. Nhưng tôi vẫn không thể chịu được cách dạy ấy. Vì ngoài các hành động trên thầy còn dùng nhiều câu nói tục, hay so sánh học trò Việt Nam và Trung Quốc. Có lần tôi đã cãi thầy rằng nếu thầy yêu Trung Quốc thì không nên tới Việt Nam, mọi so sánh đều không đúng. Nhưng tôi không chắc thầy hiểu hay không, vì trình độ tiếng Anh bì bõm của mình (Tuy nhiên tôi luôn tự hào là mình là người duy nhất có thể cãi lại thầy mỗi khi ông vô lý). Sau mỗi buổi học, trái tim bé nhỏ của tôi cứ phình ra vì tức giận rồi lại xẹp xuống vì cố gắng kìm nén. Thật đáng thương!

toi-mat-hoc4
Học phí “tương đối”, chưa tính các lệ phí khác. Từ Vozforum

Nhiều khi nhìn cái cách thầy thể hiện tôi bỗng thấy “cám cảnh”, nhớ về những người bạn người ngoại quốc làm việc và định cư ở Việt Nam mà tôi cũng có kha khá. Đa phần trong số họ phải học tiếng Việt để giao tiếp cũng như để sống ở Việt Nam. Nhưng ngộ một điều là từ khi họ nói rành tiếng Việt, thì chúng tôi bắt đầu không còn giữ được tình bạn. Không phải tôi ganh tỵ, vì cho dầu học tới đâu thì tiếng Việt của… tôi vẫn giỏi hơn họ rồi. Nhưng trong quá trình học tiếng Việt, họ nhiễm không biết bao nhiêu là thói xấu “đậm đà” của người Việt một cách vô thức. Có những thứ, thuần chủng vẫn tốt hơn, đặc biệt là những thói xấu tôi thấy hàng ngày từ những người xung quanh mình. Chúng đang “được” in lên họ như một thứ trang sức vàng mã, chói mắt và thô thiển. Chúng làm tôi thấy xấu hổ giùm cho dân tộc mình. (Tuy, có lẽ không ai cần tôi xấu hổ.). Ví dụ như họ bỗng dưng thích bóp kèn khi chạy xe giữa đường phố đông đúc, họ không quan trọng chuyện xếp hàng khi ở trong rạp chiếu phim, họ so sánh mọi thứ rất khập khiễng. (Như ông thầy đáng kính của tôi luôn miệng so học trò Việt Nam và học trò Chinese) Họ nói tiếng Đan Mạch (bằng tiếng Việt) chêm mỗi câu “thấu cảm” để nhấn mạnh mọi thứ họ muốn. Họ dùng mọi lý do để bao biện các hành động sai trái của mình. Và đặc biệt, kể từ khi họ biết tặng hoa cho phụ nữ Việt Nam vào những ngày 8/3, 20/10 thì họ dường như không còn tôn trọng phụ nữ vào những ngày còn lại nữa…

toi-mat-hoc3
Nhưng lãnh đạo trường vẫn chối hình chụp từ báo VietNam

Dĩ nhiên không thể “quơ đũa cả nắm”, nhưng thiệt tình, đa số người nước ngoài ở Việt Nam lâu, trộn lẫn “bản sắc” của mình vào đây đều đang dần trở nên đáng sợ như vậy! Vì họ sống ở Việt Nam quá được hoan nghênh và săn đón. Từ các bà các chị đến giới truyền thông, showbiz rồi đến cả từng nhân viên ở các quán cà phê, nhà hàng, khu du lịch tôi đã đi qua. Một bản tin anh Tây bị xe đụng luôn hot hơn anh An Nam bị đụng xe, một câu nhờ vả bằng tiếng Anh luôn có trọng lượng hơn một câu hỏi thăm bằng tiếng Việt, một anh Tây hát nhạc Việt luôn hot hơn anh Việt hát nhạc Tây… (Đó là lý do tôi phải học thiệt giỏi tiếng Anh để đi du lịch… Việt Nam). Và ví dụ rõ ràng nhất, với cách dạy của thầy mà nếu là một giáo viên Việt Nam thì tôi tin là vị giáo viên đó không thể sống nổi với dư luận và có thể bị trường kỷ luật, đuổi ngay lập tức chứ không phải chỉ mô tả hai chữ “khó tính”!

toi-mat-hoc2
Tuy có nhân chứng. từ báo kenh14

Thôi không bất bình nữa vì dẫu sao thì trái tim tôi cũng đã đập bình thường lại rồi. Ngoài thầy ra thì trong lớp tôi vẫn còn những người bạn học đáng yêu nữa. Tuy sĩ số bữa đầu là bảy người, sau một tuần (ba buổi) chỉ còn lại ba người. May là thầy gặp… “sự cố”, nếu không tôi nghĩ lớp sẽ chỉ còn lại mình tôi nếu lớp mới mà tôi ghi danh chưa kịp khai giảng. Những người kia nghỉ vội quá, chúng tôi chưa kịp tìm hiểu nhau. Đến khi còn ba người thì tôi mới bắt đầu tò mò về hai bạn học của mình. Bạn nữ tên là Giàu, làm chuyên viên chăm sóc sắc đẹp ở một spa ở quận 1. Bạn nam là Cường, Cường quy y. Công việc của Giàu thì tôi cũng khá hiểu vì tôi từng có thời gian làm cố vấn thẩm mỹ cho một thẩm mỹ viện lớn. Nên tôi tò mò về Cường hơn. Cường khá hiền và nhút nhát, tuy rất “ớn” nhưng đã lỡ đóng tiền nên không muốn nghỉ. Gia đình ngoài Cường còn có mẹ và anh đều đã quy y hết sau khi ba mất vì tai nạn. Anh trai Cường và Cường đều học Hutech, là trường Đại học Công Nghệ, một trường luôn đứng top dành cho con nhà giàu ở Sài Gòn. Tôi hỏi tiền cao vậy trong đó dạy thế nào? Cường nói học ở đó không lo “đầu ra” vì cứ tốt nghiệp Hutech thì được ưu tiên hơn các trường khác nhưng học phí khá “chát” mà cơ sở hạ tầng hơi “ghê”.

toi-mat-hoc1
Trường “con nhà giàu” nhưng học trong “nhà” vẫn phải hứng nước chảy – chụp từ video facebook Cộng đồng sinh viên Hutech

Lúc đó tôi không có hiểu từ “ghê” của Cường. Đến ngày 17/10/2017 tôi đọc được bản tin về một thanh niên 29 tuổi, có gia đình êm ấm với ba mẹ và 2 em. Vừa đi làm, vừa đi học đại học, vừa có niềm vui thi đậu vào một công ty đa quốc gia của Pháp. Khi đang chờ thang máy ở khuôn viên trường bị miếng bê tông trên tầng 16 của trường rơi xuống đầu chết tại chỗ! Tôi đã rụng rời tay chân khi đọc bản tin đó. Và hôm sau tôi càng tức giận hơn khi coi video phỏng vấn bà mẹ tội nghiệp của chàng trai, bà nói chính các thầy giáo của trường Hutech tàn nhẫn hỏi bà con bà có gì buồn và có ý định tự tử không? Mãi sau mới nhận đó là “tai nạn” trong trường. Ngoài vô trách nhiệm với gia đình nạn nhân thì Hutech còn bắt nạt các học sinh tại trường không được chụp hình đăng fb hay đồn đãi bên ngoài. Cho cả người ngăn chặn và sẵn sàng dùng bạo lực với phóng viên có sự chứng kiến của rất nhiều học sinh tại trường. Cộng Đồng Sinh Viên Hutech cũng đã sôi sục vì điều đó mà “vạch trần” không biết bao nhiêu là “góc khuất” của ngôi trường đằng sau học phí cao ngất ngưởng gần 50 triệu/năm học chưa bao gồm các loại lệ phí khác. Từ cơ sở vật chất đến phẩm chất dạy và học của các thầy cô và học sinh. Lúc đọc tin tôi cũng nghĩ tất cả sinh viên phải nghỉ học và tất cả phụ huynh phải kiện trường này, nhất là cha mẹ nạn nhân! Tuy nhiên, gia đình của nạn nhân lại quyết định không truy cứu, muốn con mình an nghỉ. Tôi tôn trọng quyết định của họ nhưng cứ thấy nhói đau cho thân phận người thấp cổ bé họng ở đất nước mình. Nếu đây là cha mẹ của một cậu ấm cô chiêu thì sự việc không dừng lại như thế, nếu đây không phải thời đại internet chắc hẳn mọi thứ cũng bị ém nhẹm như vụ sập thang máy ở  IUH năm nào. Tôi mang mọi bực bội hỏi Cường, một người còn đang học trong đó. Bạn lắc đầu. Tôi đem chuyện kể cho ông thầy vừa mất việc của mình nghe, có vẻ đồng cảm vì cũng vừa nghỉ việc vì lý do tương tự, ông trả lời bằng… tiếng Việt:

– Một câu chuyện… sì tú bịch!

toi-mat-hoc
Sinh viên Hutech tự chế đồng phục mới có quần áo và nón bảo hiểm – Ảnh từ Facebook Hutech

DU
( Bao Tre )

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn