Khủng hoảng Cuba : Tất cả bắt nguồn từ tình trạng đói kém

Thứ Sáu, 23 Tháng Bảy 20219:00 CH(Xem: 3980)
Khủng hoảng Cuba : Tất cả bắt nguồn từ tình trạng đói kém
rfi.fr

Khủng hoảng Cuba : Tất cả bắt nguồn từ tình trạng đói kém - Tạp chí kinh tế

Thanh Hà

Một chục ngày sau cuộc xuống đường của người dân Cuba đòi « Tự do », « Chấm dứt chế độ độc tài », tình hình tạm thời lắng dịu trở lại. Hiện trạng này liệu sẽ kéo dài bao lâu khi mà Cuba đang đứng trước một cuộc khủng hoảng kép : kinh tế và y tế ? Đổ lỗi cho chính sách cấm vận của Washington trong gần 60 năm qua làm kinh tế Cuba kiệt quệ có còn hiệu quả khi dân tình đói kém ?  

Cách nay một năm rưỡi, không một chuyên gia về châu Mỹ La Tinh nào dám nghĩ đến kịch bản hàng ngàn người dân Cuba xuống đường ở thủ đô La Habana và nhiều thành phố lớn khác trên toàn quốc với những khẩu hiệu đòi giới lãnh đạo phải « ra đi ». Đa số người biểu tình là giới trẻ, giáo sư Janice Argaillot giảng dậy tại đại học Grenoble-Alpes đánh giá : Thông điệp ở đây là người dân đã mệt mỏi khi phải cống hiến cho Cách Mạng mà trong chiều ngược lại thì Cách Mạng không làm gì cho dân chúng. Trên đài RFI Pháp ngữ, nhà chính trị học Janette Habel, Viện nghiên cứu thuộc trường cao đẳng châu Mỹ La Tinh giải thích rõ hơn về phẫn nộ của người dân Cuba xuất phát từ tình trạng kinh tế tồi tệ trong nước : « Bối cảnh thật là khủng khiếp và nhẽ ra làn sóng phẫn nộ này đã phải bùng lên từ sớm hơn bởi vì toàn cảnh tại Cuba thật thê thảm. Cuba thiếu đủ mọi thứ từ lương thực đến thuốc men. Là một quốc gia có dầu hỏa nhưng Cuba lại liên tục trong tình trạng bị mất điện. Tại một xứ nóng, người ta cần có máy điều hòa, cần có tủ lạnh để bảo quản thức ăn, những đợt cúp điện kéo dài quả là tai hại. Cuba lâm vào một cuộc khủng hoảng do thiếu những mặt hàng thiết yếu nhất trong đời sống. Cần nói thêm đợt xuống đường hôm Chủ Nhật 11/07/2021 quy tụ rất nhiều thành phần trong xã hội : những người chống đối chế độ cũng có, những người không chống đối chế độ cũng có hay đơn giản là những người không còn chấp nhận đời sống quá cơ cực và sau cùng có cả một số thành phần ủng hộ Mỹ ».

GDP giảm 11 % : Mức tệ hại nhất trong gần 30 năm qua

Cuba phải nhập khẩu đến 70 % lương thực, thực phẩm để bảo đảm nhu cầu trong nước. Vấn đề đặt ra là công quỹ cạn kiệt. Du lịch và công nghiệp sản xuất đường mía là hai nguồn đem về thu nhập chính cho La Habana. Du lịch hoàn toàn sụp đổ vì đại dịch Covid-19 : trong năm 2020 du lịch Cuba chỉ « sống được » có trong ba tháng đầu năm.  Còn về ngành sản xuất đường thì Cuba đã bị mất mùa, sản xuất chỉ bằng 66 % so với một năm bình thường.  

Tháng 12/2020 bộ trưởng Kinh Tế Cuba Alejandro Gil thông báo trong cả năm GDP giảm 11 %. Đây là mức tệ hại thứ nhì sau cơn ác mộng năm 1993 khi tổng sản phẩm nội địa giảm gần 15 % do Cuba mất điểm tựa là Liên Xô. Giải thích cho sự kém cỏi của nền kinh tế Cuba năm ngoái, Alejandro Gil nhìn nhận tình hình thêm đen tối do đại dịch Covid-19 đồng thời những khó khăn của La Habana xuất phát từ 2019 dưới tác động của các biện pháp trừng phạt chính quyền Donald Trump ban hành. Về điểm này chuyên gia về châu Mỹ La Tinh, Janette Habel tiếc là tổng thống Mỹ Joe Biden không xem Cuba là một ưu tiên : « Ở Mỹ một số đại diện cho những người Cuba nhập cư hiện diện ở Thượng Viện và Hạ Viện và số này từ lâu nay muốn lật đổ chế độ cộng sản ở La Habana. Họ chủ trương áp đặt các biện pháp trừng phạt để bóp ngạt kinh tế Cuba. Trong khi đó hòn đảo này chủ yếu sống nhờ du lịch. Từ gần hai năm nay, dịch Covid-19 khiến hoạt động này rơi xuống gần như là số không. Trước đó nữa chính quyền Trump đã gia tăng các biện pháp cấm vận Cuba. Trái với thời tổng thống Barack Obama, chính quyền Biden đến nay vẫn giữ nguyên 243 biện pháp trừng phạt La Habana của người tiền nhiệm ».

Cuba nhanh chóng đổ tội cho Mỹ

Phát biểu trên đài truyền hình về cuộc xuống đường rầm rộ của người dân Cuba, chủ tịch Miguel Diaz Canel một mặt nhìn nhận « kinh tế đất nước khó khăn » nhưng mặt khác đã vội vàng quy trách nhiệm cho các biện pháp cấm vận La Habana Mỹ liên tục áp dụng từ năm 1962.

Không thấy lãnh đạo nước này nói đến những bất cập của mô hình kinh tế Cuba mà ở đó 85 % mọi sinh hoạt đều trong tay Nhà nước. Giới quan sát nêu bật hai trường hợp đặc biệt: Một là tình trạng đói kém tại Cuba hiện nay bắt nguồn từ chính sách thu mua nông phẩm gần như độc quyền của Nhà nước và hai là biện pháp cải cách chế độ tiền tệ. Hậu quả kèm theo là giá bánh mì trong 6 tháng qua đã đăt lên gấp 20 lần so với trước. Hóa đơn tiền điện của các hộ gia đình cũng đã được nhân lên gấp 4 lần. Nhà nước ấn định lạm phát không được vượt quá ngưỡng 300 %.

Vào lúc chủ tịch Cuba trực tiếp lên án « một nhóm người, phe chống đối cách mạng, những tên tay sai của Mỹ đã gián tiếp tổ chức cuộc xuống đường » vừa qua, chuyên gia Janette Habel, Viện nghiên cứu trường cao đẳng châu Mỹ La Tinh cho rằng chính quyền Cuba đã chọn giải pháp « dễ dãi », phủi tay về trách nhiệm của chính mình :  « Cuba là một hòn đảo nhỏ với 11 triệu dân, với những nguồn thu nhập hạn hẹp. Chủ yếu dùng năng lượng từ các lò nhiệt điện, tức là phải có đủ dầu do Venezuela viện trợ. Nhưng từ khi Venezuela rơi vào khủng hoảng chính trị thì nguồn cung cấp đó bị cắt đứt. Thêm vào đó là chính sách trừng phạt của Mỹ. Dù vậy điểm chính ở đây là người dân Cuba bất mãn vì đời sống đắt đỏ, họ bất mãn vì kinh tế kiệt quệ. Không thể cho rằng Washington giật dây, xúi dục dân Cuba xuống đường ».

Đành rằng Washington đã ban hành lệnh cấm vận Cuba từ năm 1962 để trả đũa chính quyền Fidel Castro chiếm đoạt các doanh nghiệp của Mỹ tại Cuba, hay trừng phạt La Habana thắt chặt quan hệ với Matxcơva… Từ đó tới nay, Washington có lúc đã nới lỏng gọng kềm, nhưng chưa bao giờ dỡ bỏ các biện pháp « phong tỏa » Cuba, ngay cả trong giai đoạn « tan băng » dưới thời tổng thống Barack Obama. Quan hệ giữa La Habana với Washington đã xấu đi thêm dưới thời tổng thống Trump qua quyết định đưa Cuba vào danh sách các quốc gia yểm trợ khủng bố.

Dù vậy, giáo sư Janice Argaillot đại học Grenoble- Alpes cho rằng khai thác tinh thần bài Mỹ của người dân Cuba với hy vọng xoa dịu công luận trong nước là một « sai lầm chiến lược » do thế hệ lãnh đạo hiện nay không có trọng lượng như những người từng trực tiếp tham gia vào cuộc Cách Mạng. Đó cũng là quan điểm của nhà chính trị học Janette Habel và bà Habel giải thích thêm vì sao lá bài « chống Mỹ » La Habana luôn sử dụng từ hàng chục năm qua « hết thiêng » : « Một mặt đúng là có một sự thay đổi về thế hệ lãnh đạo tại Cuba. Thế hệ đã làm nên cuộc Cách Mạng và có đủ tính chính đáng để điều hành đất nước thì ngay cả những người cuối cùng cũng đang lùi vào hậu trường vì tuổi tác. Thế hệ mới được đào tạo trong lò cộng sản Cuba thì không có đủ tính chính đáng, không có đủ uy thế và kinh nghiệm của những người đi trước. Thế hệ lãnh đạo mới đó cũng không có sức thu hút dân chúng như trước nữa. Thành thử họ đang bị mất hướng. Mặt khác, chính quyền hiện tại đang kiến tạo chính sách mới về mặt kinh tế nhưng bước chuyển đổi đó đẩy người dân vào cảnh khó khăn hơn, gây nên một sự bất bình đẳng lớn hơn. Chỉ cần nhìn vào chính sách tiền tệ của Cuba cũng đủ để minh họa cho tình thế bối rối của chính quyền La Habana. Thêm vào đó giờ đây dân Cuba có phương tiện để kết nối với thế giới bên ngoài. Dân chúng được tiếp cận với rất nhiều các nguồn thông tin khác nhau. Thậm chí có nhiều xu hướng chính trị đang được hình thành, và đó là điều làm thay đổi hoàn toàn cục diện chính trị, xã hội, kinh tế tại Cuba ».

Nga, Trung Quốc : những điểm tựa của Cuba

Trong bài diễn văn cuối cùng ở cương vị lãnh đạo đảng Cộng Sản Cuba, tháng 4/2021 ông Raul Castro nêu bật hai vấn đề được coi là cần « giải quyết cấp bách » đó là mục tiêu « bảo đảm lương thực thực phẩm cho toàn dân Cuba » và ngăn chận những khía cạnh tiêu cực từ « các mạng xã hội ».

Một chục ngày sau cuộc biểu bình hôm 11/07/20201 truyền thông quốc tế ghi nhận « tình hình lắng dịu », « Cuba tái lập trật tự » nhờ chặn mạng internet (do tập đoàn Hoa Vi của Trung Quốc cung cấp), nhờ « tịch thu điện thoại di động của những người biểu tình » và qua đó công an Cuba đã « nhận diện được nhiều người đã xuống đường hôm Chủ Nhật tuần trước » như ghi nhận của báo Le Figaro.

Ngoài ra La Habana đã được nhiều nước bạn yểm trợ : từ Trung Quốc đến Iran từ Venezuela, Nga đến Bắc Triều Tiên. Một mặt trong mùa dịch Covid-19, Cuba gần như là điểm nghỉ mát dành riêng cho các du khách Nga. Mặt khác, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Nga Maria Zakharova đã cảnh báo Hoa Kỳ tránh can thiệp vào Cuba và nếu thực sự muốn giúp đỡ La Habana thì theo Matxcơva, giải pháp tốt nhất là Washington nên dỡ bỏ lệnh cấm vận.

Trung Quốc, nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Cuba, cũng đưa ra quan điểm tương tự khi cho rằng « chính các biện pháp trừng phạt của Mỹ đã đẩy Cuba vào cảnh thiếu thuốc men và năng lượng ».

Vào lúc mà chính quyền Biden tảng lờ kêu gọi của Cuba cải thiện quan hệ song phương, thì Trung Quốc xem Cuba là cánh cổng để tiến vào vùng biển Caribê và Trung Mỹ. Ngay sát cạnh cửa ngõ của Hoa Kỳ, từ năm 2017 Trung Quốc đứng đầu trong số các nhà đầu tư tại Cuba kể cả trong lĩnh vực hợp tác quân sự. Theo tiết lộ của báo Le Figaro ngày 19/07/2021, cách bang Florida của Hoa Kỳ chưa đầy 150 cây số, Cuba đã mở cửa cho Trung Quốc đặt radar theo dõi tại căn cứ quân sự Bejucal gần thủ đô La Habana.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn