Có gì đằng sau việc Philippines đình chỉ việc huỷ bỏ VFA với Mỹ?

Thứ Bảy, 19 Tháng Sáu 20216:00 SA(Xem: 2245)
Có gì đằng sau việc Philippines đình chỉ việc huỷ bỏ VFA với Mỹ?
rfa.org

Có gì đằng sau việc Philippines đình chỉ việc huỷ bỏ VFA với Mỹ?

Bài phân tích của Nguyễn Chiến Thắng 2021-06-17

Philippines đình chỉ việc huỷ bỏ VFA

Ngày 14/6, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin cho biết nước này một lần nữa đình chỉ quyết định hủy Thỏa thuận các lực lượng thăm viếng (VFA) với Mỹ trong bối cảnh tiếp tục phải đối mặt với sức ép từ Trung Quốc (1). Ngoại trưởng Teodoro Locsin cho biết việc đình chỉ sẽ kéo dài thêm 6 tháng, trong thời gian đó, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte "sẽ cân nhắc và cả hai bên sẽ giải tỏa những quan ngại của ông về các khía cạnh cụ thể của thỏa thuận này”.

Philippines là một đồng minh hiệp ước của Mỹ và một số thỏa thuận quân sự đang phụ thuộc vào VFA, trong đó đề ra các quy định về việc luân chuyển hàng nghìn binh sĩ Mỹ ra vào Philippines để tiến hành các cuộc tập trận. Việc có được khả năng luân chuyển binh sĩ là rất quan trọng, không chỉ để bảo vệ Philippines mà còn có ý nghĩa chiến lược với Mỹ để đối phó với hành vi ngày một hung hăng của Trung Quốc trong khu vực. Phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Kirby nói: Bộ Quốc phòng Mỹ hoan nghênh việc chính phủ Philippines tạm dừng quyết định hủy VFA lần nữa. Chúng tôi đánh giá Philippines là một đối tác có chủ quyền, ngang hàng trong liên minh song phương của chúng tôi. Quan hệ đối tác của chúng tôi không chỉ giúp ích cho an ninh của hai nước mà còn củng cố trật tự dựa trên luật lệ vốn có lợi cho tất cả các quốc gia ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” (2).

000_9826MK.jpg
Hình minh hoạ: Hình chụp hôm 14/4/2021: Tàu của Tuần duyên Philippines ở giữa cùng với tàu của Cơ quan quản lý hải sản đi tuần ở Biển Đông. AFP

Trước các hành động xâm phạm của Trung Quốc tại vùng biển của Philippines, Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana tuyên bố rằng năng lực phản ứng lại những hành động xâm nhập này của Manila là rất khiêm tốn”. Philippines gần như phụ thuộc vào nguồn tài chính và trang thiết bị của Mỹ trong việc củng cố lực lượng vũ trang của mình. Ngân sách chi cho các hoạt động phòng vệ của Philippines luôn tồn tại các lỗ hổng, với thực tế là nguồn tiền chi cho lục quân cao gấp ba lần so với nguồn ngân sách dành cho lực lượng hải quân, nói cách khác là ưu tiên xử lý các xung đột nội bộ chứ không phải để phát triển khả năng phòng vệ tại một quốc gia quần đảo như Philippines.

Các nhà phân tích nhận định rằng cá nhân ông Duterte muốn huỷ bỏ VFA để làm hài lòng Bắc Kinh, nhưng các giới chức khác trong chính quyền Philippines lại luôn muốn duy trì mối quan hệ đồng minh với Mỹ. Hồi tháng 2, Ngoại trưởng Philippines còn phát biểu rằng: “COC sẽ không bao giờ loại một cường quốc phương Tây nào, như Mỹ, khỏi khu vực này. Điều này nằm trong hiệp ước phòng thủ chung giữa Mỹ và Philippines”(3).

Liệu Việt Nam có thay thế Philippines?

Việc Duterte luôn “đỏng đảnh” trong việc đòi xoá bỏ các thoả thuận này cho thấy những rủi ro trong chính sách mà phía Mỹ gặp phải khi có một đồng minh không chắc chắn như vậy. Trước thái độ “ba sôi hai lạnh” của Duterte, phía Mỹ đã cảm thấy lo ngại trước viễn cảnh Mỹ không còn sự hiện diện thường trực ở khu vực biển Đông, đặc biệt trong bối cảnh Trung Quốc đang ngày càng đe doạ các quốc gia ở khu vực biển Đông. Đã có chuyên gia yêu cầu chấm dứt các thoả thuận với Philippines khi quốc gia này không làm tròn nghĩa vụ của mình trong các thoả thuận với phía Mỹ (4).

Tuy nhiên, cũng có thông tin cho biết Lầu Năm Góc đang có ý định thành lập lực lượng Hải quân thường trực tại khu vực Thái Bình Dương để đối trọng với sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc (5).

Như vậy, có khả năng Mỹ đang cần tìm một quốc gia thay thế Philippines để phía Mỹ có thể đặt sự hiện diện thường trực tại khu vực biển Đông để đối trọng lại các sự đe doạ quân sự của Trung Quốc. Hồi năm ngoái, báo chí cho biết, Mỹ đã đề nghị Indonesia cho phía Mỹ được triển khai dịch vụ hậu cần cho loại máy bay săn ngầm P-8 Poseidon, tuy nhiên Indonesia đã từ chối đề xuất này (6).

Một số nhà nghiên cứu cho rằng, Việt Nam sẽ là địa điểm lý tưởng để Mỹ có thể chọn lựa thay thế Philippines trong việc triển khai lực lượng tại khu vực này. Đã có nhiều đồn đoán cho việc Việt Nam sẽ cho Mỹ thuê lại căn cứ quân sự tại Cam Ranh (7). Theo đánh giá của các chuyên gia quốc tế, Cam Ranh là cảng nước sâu tự nhiên tốt nhất tại khu vực Đông Nam Á, có thể đón nhiều loại tàu lớn (gồm cả tàu sân bay). Với địa thế kín đáo không bị gió bão và dễ phòng thủ, cách Trường Sa khoảng 250 hải lý, vịnh Cam Ranh là quân át chủ bài có vị trí chiến lược hiểm yếu đối với bàn cờ Biển Đông. Liên Xô và sau này là Nga là bên đã triển khai lực lượng ở Cam Ranh suốt từ năm 1979 cho đến năm 2002. Năm 2002 Nga đã quyết định rút khỏi Cam Ranh sau khi cho rằng số tiền thuê 300 triệu USD/năm là một số tiền lớn đối với Nga lúc đó. Khi Nga rút khỏi Cam Ranh, báo chí Việt Nam lúc đó cho biết là phía Mỹ đã ngỏ ý thuê lại căn cứ quân sự này, một số chuyên gia giải thích, vì lo ngại sự phản đối từ Trung Quốc nên Việt Nam đã không thể cho Mỹ thuê lại căn cứ này.

Một lý do khác để giải thích việc Việt Nam không muốn cho Mỹ thuê lại căn cứ Cam Ranh, đó là cách tư duy về thế giới của lãnh đạo Việt Nam lúc đó vẫn đặt ra Trung Quốc là nước Chủ nghĩa xã hội, là anh em, còn Mỹ là tư bản, là kẻ thù. Trong một bài trả lời báo chí gần đây (8), Tướng Nguyễn Chí Vịnh - Cựu Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng Việt Nam có cho biết đại ý là cơ quan tình báo đầy quyền lực của Việt Nam mà ông Vịnh là lãnh đạo cao nhất lúc bấy giờ (Tổng cục 2) “nhìn đâu cũng thấy kẻ địch”, điều đó giải thích việc một doanh nhân Hà Lan gốc Việt là Trịnh Vĩnh Bình theo lời kêu gọi của chính phủ Việt Nam đã về nước đầu tư, nhưng đã bị “cướp đoạt” toàn bộ tài sản, và cơ quan an ninh Việt Nam đã cáo buộc ông Bình là “nhân viên CIA”.

2018-03-05T133755Z_1856938465_RC17E9018330_RTRMADP_3_USA-VIETNAM-CARRIER.JPG
Hình minh hoạ: Tàu sân bay USS Carl Vinson của Hải quân Mỹ ở Đà Nẵng hôm 5/3/2018. Reuters

Cho đến năm 2011, khi tàu Trung Quốc cắt cáp tàu thăm dò Bình Minh 02 của Việt Nam, đối tượng tác chiến chính trong học thuyết quốc phòng của Việt Nam vẫn là Mỹ, chứ không phải Trung Quốc. Phải đến sự kiện Giàn khoan HD 981 năm 2014, mới là thời điểm khiến Việt Nam thay đổi thái độ trong hoạt động ngoại giao quốc phòng.

Tướng Vịnh cũng được cho là tác giả chính của chính sách quốc phòng “Ba không” trước đây, nay đổi là “Bốn không, một tuỳ”. Theo đó, Việt Nam chủ trương không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế. Đây có thể được hiểu là câu trả lời của Việt Nam đối với việc cho thuê căn cứ Cam Ranh. Tuy nhiên, Việt Nam cũng đang tích cực sử dụng các căn cứ quân sự như Tiên Sa, thậm chí cả Cam Ranh để thực hiện dịch vụ hậu cần cho tàu chiến của nhiều quốc gia, trong đó có cả tàu chiến Mỹ. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, đây là một cách “lách” của Việt Nam để tránh làm phật lòng với Trung Quốc, nhưng vẫn phát triển được quan hệ quốc phòng với Mỹ để tạo sự đối trọng đối với Trung Quốc.

Cũng có nhiều chuyên gia cho rằng, với các hoạt động hung hăng ngày càng tăng của Trung Quốc trên biển Đông, đã khiến các dịch chuyển chính sách của Việt Nam từ “thân Trung Quốc” sang “thân Mỹ”. Và như vậy, khả năng Việt Nam thay thế Philippines là nơi để Mỹ có thể đồn trú quân đội lâu dài cũng được bàn tới.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn