US President Joe Biden, French President of France Emmanuel Macron and European Commission head Ursula von der Leyen, 11 June

Nguồn hình ảnh, PA Media

Chụp lại hình ảnh,

Tổng thống Biden gặp các lãnh đạo thế giới ở Cornwall, Anh Quốc

Các lãnh đạo G7 tìm cách cạnh tranh với Trung Quốc đã thông qua một kế hoạch hỗ trợ các nước thu nhập thấp hơn và trung bình trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng tốt hơn.

Tổng thống Joe Biden cho biết ông muốn kế hoạch Tái thiết Thế giới Tốt hơn (Build Back Better World - B3W) do Mỹ hậu thuẫn sẽ là giải pháp thay thế chất lượng cao hơn cho một chương trình tương tự của Trung Quốc.

Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc đã hỗ trợ tài chính cho việc xây dựng đường tàu hỏa, đường bộ và hải cảng ở nhiều quốc gia.

Nhưng nó đã bị chỉ trích vì gài nợ một số quốc gia.

Trong tuyên bố tại hội nghị thượng đỉnh ở hạt Cornwall của Anh, các nhà lãnh đạo G7 cho biết họ sẽ đề xuất một chương trình đối tác "hướng vào giá trị, tiêu chuẩn cao và minh bạch".

Tuy nhiên, vẫn chưa rõ G7 sẽ cung cấp tài chính như thế nào cho kế hoạch. Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết nhóm vẫn chưa tiến tới giai đoạn cung cấp tài chính cho sáng kiến trên.

Mỹ đã chỉ trích mạnh mẽ cái mà họ gọi là "ngoại giao nợ" của Trung Quốc.

G7, bảy nền dân chủ giàu có nhất thế giới, cũng đã cam kết thực hiện một kế hoạch mới để ngăn chặn các đại dịch trong tương lai.

Các biện pháp được đề xuất bao gồm cắt giảm thời gian cần thiết để phát triển và cấp phép cho vaccine cũng như phương pháp điều trị cho Covid-19 xuống dưới 100 ngày. Kế hoạch sẽ chính thức được công bố vào Chủ nhật, cùng với thông cáo cuối cùng của hội nghị thượng đỉnh.

Thủ tướng Anh Boris Johnson đang chủ trì cuộc họp kéo dài ba ngày tại khu nghỉ mát bên bờ biển Carbis Bay.

2px presentational grey line

Một kế hoạch Mỹ để đối trọng với Trung Quốc

Phân tích của Jon Sopel

Biên tập viên Bắc Mỹ

Người Mỹ coi buổi họp hôm thứ Bảy tại G7 là dịp để thách thức ảnh hưởng ngày một lớn của Trung Quốc trên thế giới. Sáng kiến Vành đai Con đường của Bắc Kinh, với hàng tỷ đô la đổ vào các nước đang phát triển, cần phải được các nền dân chủ phương Tây đối trọng.

Các quan chức cao cấp của chính quyền Biden muốn chứng tỏ rằng giá trị phương Tây có thể thắng thế. Họ cho rằng đầu tư của Trung Quốc có với giá đắt; và tình trạng cưỡng bức lao động với người thiểu số Uyghur ở Tân Cương là quá đáng về mặt đạo đức, và không chấp nhận được về mặt kinh tế vì nó ngăn cản cạnh tranh công bằng.

Ông Joe Biden khăng khăng rằng các chuỗi cung ứng toàn cầu, phải không có tình trạng lao động cưỡng ép kiểu này. Các quan chức Mỹ nói đây không chỉ là đối đầu với Trung Quốc mà còn là đưa ra các cách làm thay thế khác cho thế giới.

Nhưng chính quyền Biden vẫn còn mơ hồ về việc phương Tây sẽ đóng góp tới mức nào cho kế hoạch cơ sở hạ tầng toàn cầu này và trong khoảng thời gian bao lâu. Điều đã rõ ở đây là có quyết tâm mới giữa các cường quốc phương Tây rằng họ cần phải hành động tức thì để chống lại một nước Trung Quốc đang trỗi dậy và ngày càng mạnh hơn.

Các cường quốc phương Tây đã chống Trung Quốc thế nào cho tới nay?

Hồi đầu năm nay, Mỹ, EU, Anh và Canada phối hợp đưa ra các biện pháp trừng phạt đối với Trung Quốc.

Các lệnh trừng phạt, trong đó có lệnh cấm đi lại và đóng băng tài sản, nhắm vào các quan chức cao cấp ở Tân Cương, những người bị cáo buộc có vi phạm nhân quyền nghiêm trọng đối với người Hồi giáo Uyghur.

Ước tính có hơn một triệu người Uyghur và các nhóm thiểu số khác bị giam giữ trong các trại ở tỉnh Tân Cương, Tây Bắc Trung Quốc.

Chính phủ Trung Quốc bị cáo buộc đã thực hiện triệt sản cưỡng ép đối với phụ nữ Uyghur và chia cách trẻ em khỏi gia đình.

Nguồn hình ảnh, Reuters

Chụp lại hình ảnh,

Trung Quốc lập hệ thống trại giam cho người thiểu số ở vùng Tân Cương

Một điều tra của BBC được phát hồi tháng Hai bao gồm những lời kể trực tiếp của các nạn nhân về nạn hãm hiếp, lạm dụng tình dục và tra tấn người bị giam một cách có hệ thống.

Trung Quốc đáp lại bằng các lệnh trừng phạt đối với các quan chức châu Âu.

Kế hoạch Covid của G7 là gì?

Các lãnh đạo G7 sẽ đưa ra Tuyên bố Vịnh Carbis hôm thứ Bảy. Mục tiêu của tuyên bố là ngăn ngừa không cho đại dịch Covid lặp lại sự tàn phá về con người và kinh tế.

Tới nay, trên phạm vi toàn cầu đã có hơn 175 triệu người nhiễm Covid và trên 3,7 triệu người chết liên quan đến Covid-19, theo số liệu của Đại học Johns Hopkins của Mỹ.

Tuyên bố G7 sẽ nếu một loạt các bước đi cụ thể, trong đó có:

-Giảm thời gian phát triển và cấp phép vaccine, các liệu pháp chữa bệnh và chuẩn đoán cho các dịch bệnh trong tương lai xuống dưới 100 ngày.

-Củng cố lại hệ thống giám sát và khả năng giải mã bộ gien toàn cầu.

-Ủng hộ cải tổ và củng cố Tổ chức Y tế Thế giới (WHO)

Tuyên bố này được trông đợi sẽ có cả khuyến nghị từ một báo cáo của nhóm các chuyên gia môi trường từ các ngành công nghiệp, chính phủ và các tổ chức khoa học.

Tổng Thư ký LHQ António Guterres và giám đốc WHO TS Tedros Ghebreyesus cũng sẽ tham gia buổi họp thứ Bảy. TS Tedros nhấn mạnh rằng "thế giới cần một hệ thống giám sát toàn cầu hiệu quả hơn để phát hiện các nguy cơ dịch và đại dịch."