Có thêm châu Âu tham gia… ‘khiêu khích’ Trung Quốc

Thứ Năm, 20 Tháng Năm 20214:00 SA(Xem: 2280)
Có thêm châu Âu tham gia… ‘khiêu khích’ Trung Quốc

Blog VOA

Trân Văn

19-5-2021

Binh sĩ Nhật, Mỹ và Pháp vẫn đang tiếp tục luyện tập – nâng cao khả năng phối hợp tác chiến trong cuộc tập trận được định danh là ARC21. Đây là cuộc tập trận đầu tiên trên lãnh thổ Nhật có sự tham gia của quân đội một quốc gia châu Âu và quân đội Úc.

ARC21 bắt đầu vào thứ ba vừa qua (18/5/2021) và sẽ kéo dài cho đến hết tuần này với ba đợt riêng biệt ở các khu vực khác nhau trên lãnh thổ Nhật. Trong hai đợt đầu tiên, Thủy quân lục chiến của Lực lượng Phòng vệ Nhật cùng với Thủy quân chiến của Pháp và Mỹ luyện tập phối hợp tác chiến trong khu vực đô thị tại Nagasaki (1), cũng như phối hợp đổ bộ từ đường biển vào và đổ bộ từ trên không bằng trực thăng với mục tiêu giả định là ngăn chặn đối phương tấn công chiếm đảo tại Miyazaki.

Đợt cuối cùng (diễn ra vào cuối tuần này), thủy quân lục chiến và hải quân Nhật, Pháp, Mỹ sẽ phối hợp với Úc tập trận ở biển Hoa Đông. Có 11 chiến hạm thuộc bốn quốc gia (Nhật, Pháp, Mỹ, Úc) tham gia đợt tập trận thứ ba của ARC21 (2).

***

Ông Nobuo Kishi, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật tỏ ra rất hào hứng khi Pháp, quốc gia duy nhất ở châu Âu điều động quân đội thường trú ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương. Ông Kishi bảo đó là bằng chứng cho thấy Pháp đồng tình và chia sẻ với Nhật quan niệm cần giữ cho khu vực này thông thoáng và tự do. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật hi vọng trong tương lai, quan hệ giữa Nhật và Pháp sẽ khắng khít hơn. Pháp đã hơn một lần khẳng định có lợi ích chiến lược tại Ấn Độ – Thái Bình Dương và sẽ bảo vệ lợi ích này.

Người được Nhật giao trách nhiệm giám sát ARC21, ông Yasuhide Nakayama, Thứ trưởng Quốc phòng, cũng phấn chấn y hệt như thế. Ông Nakayama xem ARC21 là cơ hội quý để Lực lượng Phòng vệ Nhật duy trì và củng cố khả năng cần thiết nhằm bảo vệ các hòn đảo xa xôi của Nhật. Ông Nakayama nói thêm với báo chí: Khi tham gia ARC21, chúng tôi có dịp chứng tỏ với phần còn lại của thế giới nỗ lực bảo vệ lãnh thổ, lãnh hải và không phận của Nhật.

Những sĩ quan chỉ huy các đơn vị của Pháp và Mỹ nhận định ngắn gọn hơn. Trung tá Henri Marcaillou, đại diện quân đội Pháp, bảo rằng: Pháp xem ARC21 là quan trọng vì thấy rằng cần sát cánh với những bên chia sẻ quan điểm, lợi ích của mình trên thế giới. Còn Trung tá Jerrmy Nelson, đại diện quân đội Mỹ thì tin rằng: Khi Nhật, Mỹ, Pháp có thể cùng luyện tập, cả ba quốc gia chứng tỏ có thể cùng nhau hành động vì một mục tiêu chung hoặc sự nghiệp chung.

***

Thời gian vừa qua, Trung Quốc thường xuyên chỉ trích Mỹ và Nhật hành xử theo tư duy thời còn Chiến tranh Lạnh và liên tục… “khiêu khích” Trung Quốc, song yêu sách vô lối của Trung Quốc về chủ quyền ở biển Đông, biển Hoa Đông (đảo Senkaku – Điếu Ngư) và lối hành xử hung hăng của Trung Quốc cả trên biển lẫn trong vấn đề Đài Loan đã khiến số quốc gia tham gia… “khiêu khích” Trung Quốc với mức độ… “khiêu khích” mỗi ngày một cao hơn.

Sau khi đầu hàng đồng minh lúc chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, Nhật đã giải tán quân đội, chỉ tổ chức Lực lượng phòng vệ. Chính các yêu sách vô lối về chủ quyền và cách hành xử càn rỡ của Trung Quốc đã khiến Nhật tái lập lực lượng Thủy quân lục chiến vào năm 2018 để bảo vệ các đảo và nâng cao khả năng tấn công, tái chiếm những lãnh thổ xa bờ. Từ đó đến nay, Thủy quân lục chiến Nhật thường xuyên tập luyện với Thủy quân lục chiến Mỹ và giờ có thêm Thủy quân lục chiến Pháp cùng tham gia.

“Khiêu khích” Trung Quốc không những chỉ có Mỹ, Nhật. Lo ngại về tham vọng chi phối toàn bộ khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương của Trung Quốc, Úc rồi Ấn đã tuyên bố liên kết với Mỹ để kiềm chế Trung Quốc. Riêng châu Âu, tuy Pháp là quốc gia đầu tiên gửi bộ binh tham gia tập trận tại Nhật nhưng Anh đã tuyên bố sẽ điều động Hàng không mẫu hạm Queen Elizabeth và hải đội hộ tống đến tuần tra tại biển Đông vào cuối năm nay. Đức cũng đã loan báo sẽ điều động một khu trục hạm thực hiện nhiệm vụ tương tự.

Chú thích

(1) https://www.marinecorpstimes.com/news/your-marine-corps/2021/05/11/japan-us-france-hold-1st-joint-drills-on-japanese-land/

(2) https://www.marinecorpstimes.com/news/your-marine-corps/2021/05/16/japan-us-france-hold-military-drill-eyeing-china-presence/

(3) https://www.marinecorpstimes.com/news/your-marine-corps/2018/04/10/first-japanese-amphibious-combat-unit-activated-since-wwii-welcomed-by-us-marines/

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn