Ai phản đối nữ quyền Anh 100 năm trước?

Thứ Năm, 15 Tháng Hai 20189:00 SA(Xem: 5869)
Ai phản đối nữ quyền Anh 100 năm trước?
bbc.com
nữ quyền Bản quyền hình ảnh PROF JUNE PURVIS

Cách đây một thế kỷ, sau nhiều năm vận động, một số phụ nữ trên 30 tuổi đủ điều kiện được quyền bỏ phiếu tại Anh.

Nhưng đối với hàng ngàn phụ nữ khác, đó không phải là thời điểm để ăn mừng.

Những phụ nữ này đã tham gia phong trào phản đối những phụ nữ đấu tranh đòi quyền bầu cử.


Họ tin rằng phụ nữ không có khả năng hiểu được chính trị, và miêu tả những phụ nữ đấu tranh đòi quyền bầu cử như một nhóm phụ nữ "xấu xí" và "quá lứa lỡ thì".

nữ quyền Bản quyền hình ảnh THE WOMEN'S LIBRARY AT LSE

Liên đoàn Phản đối quyền bầu cử thành lập năm 1908 bởi Mary Humphrey Ward, với sự hỗ trợ của hai người khác, ông Lord Curzon và William Cremer.

Một năm sau đó, đã có thông báo rằng hơn 250.000 người, cả nam lẫn nữ, đã ký một bản kiến nghị phản đối việc trao quyền bỏ phiếu cho phụ nữ.

Trên tờ The Queen năm 1908, "phe đối lập", như được mô tả trong bài báo, cho biết họ xem cuộc vận động cho quyền bỏ phiếu của phụ nữ như "bước mở đầu cho một cuộc cách mạng xã hội" và điều này khiến xã hội thụt lùi.

"Chúng tôi tin rằng việc phân chia phận sự là chìa khóa của nền văn minh."

"Điều này giống như là những con vật trong nông trại cứ nằng nặc đòi thay đổi vị trí. Những con bò đòi kéo xe ngựa trong khi những con ngựa thì cố gắng trong vô vọng để nhai lại thức ăn."

Bản quyền hình ảnh PROF JUNE PURVIS

Nhà sử học Kathy Atherton nói ngày nay mọi người có thể thấy "ngạc nhiên" rằng phụ nữ tham gia vào phong trào chống lại quyền bỏ phiếu, nhưng điều quan trọng là cần "xỏ chân vào đôi giày của họ".

"Có thể có một sự thừa nhận chung rằng phụ nữ kém hơn về mặt trí tuệ và bị cảm xúc chi phối - cả phụ nữ và nam giới đều tin vậy - vì vậy họ không có khả năng nhận thức chính trị", bà nói.

"Đó là một xã hội phân cấp thứ bậc và nam giới là người đứng đầu.

"Có một nỗi sợ hãi rằng bạn đang làm xáo trộn trật tự tự nhiên của sự vật, thậm chí đi quá xa khi nghĩ rằng các thuộc địa sẽ bị ảnh hưởng nếu người ta cảm thấy Anh quốc bị phụ nữ cai trị".

Bản quyền hình ảnh THE WOMEN'S LIBRARY AT LSE

"Một trong những lập luận được những nhà vận động chống lại quyền bầu cử cho phụ nữ đưa ra là nếu chúng ta trao quyền bỏ phiếu cho phụ nữ Anh - và họ đặc biệt sử dụng ví dụ của Ấn Độ - nam giới và phụ nữ Ấn Độ sẽ không thích điều này", TS Mukherjee từ Đại học Bristol cho hay.

Vào thời đó, Ấn Độ bị Anh quốc cai trị do đó quyền lực thuộc về chính phủ ở London và, mặc nhiên là, những người đã bỏ phiếu cho họ.

Tiến sĩ Mukherjee nói: "Họ (những người theo phong trào phản đối phụ nữ bỏ phiếu) đã sử dụng mặc định rằng bản thân những người ở thuộc địa cũng rất tôn trọng thứ bậc và họ sẽ không thích việc phụ nữ đi bỏ phiếu ở Anh.

"Các lập luận đối lập thì cho rằng nước Anh đã có một nữ hoàng, Victoria, và hầu hết những người không thấy phiền gì về việc có một nữ hoàng thì sao lại thấy phiền khi phụ nữ Anh có quyền bỏ phiếu? "

Bản quyền hình ảnh THE WOMEN'S LIBRARY AT LSE

Cũng có những lập luận thiên về vấn đề gia đình.

Nhà viết sử Elizabeth Crawford nói rằng có một mối lo ngại thực sự vào thời điểm đó rằng trao quyền bỏ phiếu cho phụ nữ bỏ sẽ "phá hoại gia đình".

"Họ nghĩ rằng nó sẽ gây bất hòa trong gia đình nếu ông chồng muốn bỏ phiếu cho đảng bảo thủ trong khi bà vợ bỏ phiếu cho đảng tự do", bà nói.

Các tác giả của tạp chí The Queen cho rằng những phụ nữ ủng hộ nữ giới tham gia bầu cử là 'vô trách nhiệm' trong việc ép các bà vợ hay bà mẹ bỏ phiếu.

"Đó là một sự thay đổi lớn lao của các thể chế và thói quen xã hội, nó làm ảnh hưởng tới sự bình an và phúc lợi của các gia đình và có hại cho giáo dục trẻ em", bài viết khẳng định.

Một tờ rơi từ năm 1909 được lưu tại tại Thư viện Phụ nữ đưa ra lập luận rằng phụ nữ "không có năng lực hay thời gian rảnh" để bỏ phiếu.

"Phụ nữ dễ bị tình cảm tác động, ít suy luận, ít hợp lý, nhạy bén hơn trong trực giác, nhạy cảm hơn nam giới", tác giả khẳng định.

"Những phẩm chất vượt trội này của phụ nữ là những phẩm chất ít được đòi hỏi nhất trong chính trị. Những điểm mạnh của phụ nữ bị lãng phí hoặc tổn hại trong lĩnh vực này."

Bản quyền hình ảnh THE WOMEN'S LIBRARY AT LSE

Cả hai phía của chiến dịch vận động đều tung ra các tác phẩm nghệ thuật và khẩu hiệu để quảng bá quan điểm của họ.

Bà Atherton nói: "Họ [những người phản đối phụ nữ bỏ phiếu] mô tả chân dung của những người ủng hộ chiến dịch như những bà già hợm hĩnh, những bà nội trợ nô lệ, những bà mẹ tồi tệ, rằng họ xấu xí, trông giống như đàn ông, rằng họ là những người đồng tính nữ.

"Nó rất giống với các chiến dịch trên Twitter mà bạn thấy vào lúc này, bất cứ khi nào một phụ nữ có địa vị phát biểu điều gì đó về bản chất nữ quyền."

Giáo sư June Purvis của Đại học Portsmouth đã thu thập được nhiều bưu thiếp có in các thông điệp và hình ảnh phản đối nữ giới bầu cử.

"Tôi đã rất thích thú bởi những tấm bưu thiếp này vì không có nhiều người nghiên cứu chúng, và tôi nghĩ các tấm bưu thiếp này kể một thông điệp về việc phụ nữ thời đó đã khó khăn thế nào để được nhìn nhận một cách nghiêm túc", bà nói.

Trên mặt sau một số bưu thiếp trong bộ sưu tập của bà vẫn còn các dòng viết tay, trong số đó nhiều thông điệp không liên quan đến hình ảnh ở mặt trước.

Giáo sư Purvis cho biết: "Vào đầu thế kỷ 20, bưu thiếp là một ngành kinh doanh lớn.

"Tôi nghĩ rằng những người mua chúng đã gửi một thông điệp thông thường (ví dụ như sắp xếp một cuộc gặp), giống như cách chúng ta sử dụng email."

Bản quyền hình ảnh PROF JUNE PURVIS

Đối với giáo sư Purvis, một trong những bưu thiếp đáng chú ý cho thấy một nhóm phụ nữ được cho là trong Hạ viện. Điều này cho thấy tương lai của phụ nữ trong Quốc hội sẽ như thế nào.

Trong hình ảnh, một phụ nữ đang nhìn chằm chằm vào một chiếc gương cầm tay, trong khi một người khác đọc một cuốn sách ở một góc và một người khác mang theo con nhỏ.

"Bưu thiếp đó thực sự miêu tả nỗi sợ hãi về văn hoá vào thời điểm đó, rằng nếu phụ nữ được bỏ phiếu, họ có thể đòi hỏi để có chân trong Quốc hội và điều này sẽ làm ảnh hưởng đến trật tự giới tính toàn cầu".

Vào tháng 12/1918, phụ nữ ở Anh giành được quyền bầu cử.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn