'Hung thần' bóng đêm khiến cuộc sống ở Kabul như địa ngục

Thứ Hai, 29 Tháng Ba 20219:00 SA(Xem: 2634)
'Hung thần' bóng đêm khiến cuộc sống ở Kabul như địa ngục

Người dân ở thủ đô Kabul, Afghanistan thường phải sống trong nỗi sợ bị giết hại vì cuộc chiến dai dẳng với lực lượng Taliban và các nhóm cực đoan khác.

Khi đêm xuống, họ lại phải vật lộn với cuộc chiến khác cũng tàn khốc không kém, từ băng đảng tội phạm và bầy chó hoang rình rập trên đường phố, theo New York Times.

"Hung thần" bóng đêm

"Những con chó hoang và băng nhóm trộm cắp có vũ khí khiến cuộc sống của người dân ở đây trở thành địa ngục", ông Fahim Sultani cho biết. Người đàn ông lớn tuổi này làm việc tại khu nhà hoang bụi bặm của rạp chiếu phim Aryub ở phía tây bắc thành phố, nơi ông đã chuyển thành một văn phòng tạm thời.

Khi nền kinh tế của Afghanistan bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, tình hình tội phạm ngày càng phức tạp ở Kabul. Chỉ ngay sau đợt cách ly toàn xã hội vào năm 2020, một người bán kem ở phía trước nhà hát đã bị bắn và cướp đồ, ông nói.

Những con chó hoang đi lang thang khắp thành phố. Chúng trở thành hình ảnh đặc trưng kỳ lạ và đáng buồn của Kabul. Chúng hay rình mò, gầm gừ và tấn công những người đi qua, nhất là những người đang vật lộn để mưu sinh. Vào ban ngày, những con vật nghỉ ngơi, giữ sức cho đến khi chạng vạng, rồi cùng những băng nhóm tội phạm lộng hành khắp đường phố.

Cho hoang tan cong,  thu do Kabul,  toi pham gia tang anh 3

Một chú chó ngủ bên ngoài Rạp chiếu phim Aryub. Ảnh: The New York Times

Hầu hết thành phố trên thế giới đều phải đối phó với tội phạm đường phố, và một số nơi còn phải đối phó với lũ chó dữ. Hiếm có thành phố nào như Kabul, vừa phải chống chọi những mối đe dọa đó trong khi cũng phải đối mặt với các cuộc tấn công bằng bom mỗi ngày, những vụ ám sát có chủ đích và cuộc chiến tranh 40 năm không ngừng nghỉ.

Một số khu phố và ngã tư gần như phân định luôn lãnh thổ của băng nhóm trộm cắp và lũ chó hoang khiến mọi người không dám đi qua.

Phần lớn những con chó hoang này lai giữa giống chó chăn cừu với giống Labrador, có dáng vóc nhỏ so với loài chó săn thường được sử dụng để chiến đấu trong nước. Chúng sống giữa những đống rác, ở cuối các con hẻm, gần các nhà hàng, nơi chúng có thể tìm kiếm thức ăn.

Cho hoang tan cong,  thu do Kabul,  toi pham gia tang anh 3

Những con chó hoang bên đống rác trên một con phố ở Kabul. Ảnh: New York Times.

Chính quyền thành phố đã tìm nhiều cách để giết bầy chó hoang. Trong khi đó, xuất hiện một số trạm động vật, những người nuôi thú cưng ở Afghanistan và người nước ngoài muốn nhận nuôi những con chó này.

Ông Sultani cho biết ít nhất 10 người trong khu phố được ghi nhận bị chó cắn vào năm 2020. Nạn nhân hầu hết là những người bán hàng với xe đẩy đồ ăn, thường không thể chạy thoát khi bị cho hoang đuổi theo.

Việc tiêm phòng bệnh dại diễn ra thường xuyên, đặc biệt là ở Kabul, chiếm khoảng một phần ngân sách của Bộ Y tế Công cộng Afghanistan. Masouma Jafari, phát ngôn viên của bộ này, cho biết họ chi khoảng 200.000 USD mỗi năm cho vaccine phòng bệnh dại trên khắp đất nước.

Ông Sultani, 43 tuổi, là người quản lý khu phố chịu trách nhiệm về khoảng 4.000 gia đình, đã chuyển những yêu cầu của họ lên chính quyền thành phố ở vùng tây bắc của Kabul. Ông cũng dành một chỗ nho nhỏ cho những con chó hoang ở trong khu phố và chăm sóc chúng trong bãi đậu xe của rạp hát.

Ông bảo vệ chúng vào ban ngày, thường để cửa rạp chiếu phim mở để chúng có thể tránh khi bị trẻ con ném đá. Ông Sultani cũng ước tính số người bị cướp trong khu vực năm ngoái vào khoảng 20 người. Một trong số họ là anh trai Sayed Ahmad Shah, người đã bị cướp chỉ cách nhà hát khoảng 100 m hồi 2 tháng trước. Những con chó ở bãi đậu xe cũng ở đó để canh chừng.

“Nếu bạn mang theo bất cứ thứ trong người gì sau 19h, chúng sẽ tấn công bạn”, ông Ahmad Shah nói, đề cập đến cả những tên trộm và chó hoang.

Cho hoang tan cong,  thu do Kabul,  toi pham gia tang anh 2

Ông Fahim Sultanim (bên phải) và anh trai Sayed Ahmad Shah (bên trái) tại rạp chiếu phim Aryub ở Kabul. Ảnh: New York Times

"Bên này là những con chó ngăn bạn ra khỏi nhà và bên kia là những tên trộm"

Tỷ lệ tội phạm tăng đột biến, cộng với việc cách ly xã hội 3 tháng vào năm 2020 khiến nhiều người mất việc làm, đẩy một số con phố nghèo của Kabul ngày càng rơi vào cảnh tuyệt vọng khi người dân cho rằng tình hình an ninh không có nhiều hy vọng được cải thiện.

Người dân bị kẹt giữa hai cuộc chiến: Cuộc chiến đường phố và cuộc xung đột chết chóc trên cả nước.

Kể từ năm 2014, tỷ lệ tội phạm ở Kabul gia tăng nhanh chóng. Từ tháng 3/2017 đến tháng 3/2019, có khoảng 8.000 vụ án hình sự được ghi nhận, theo một báo cáo từ Mạng lưới các nhà phân tích Afghanistan.

Bộ Nội vụ Afghanistan từ chối cung cấp dữ liệu tội phạm trong năm qua. Đáng chú ý, vào đầu năm 2020, sự gia tăng các vụ việc đã thúc đẩy quan chức chính phủ cấm sử dụng xe máy - phương thức đi lại chính của nhiều tội phạm. Tuy nhiên, lệnh này hầu như không được thực thi.

Mohammed Ibraheem, 20 tuổi, người có cửa hàng nhỏ bán đồ uống và đồ ăn nhẹ cách rạp chiếu phim Aryub chưa đầy 1,6 km, đã phải chịu đựng tình trạng vô pháp như vậy suốt thời gian dài. Anh phải đóng cửa hàng mỗi ngày sau khi Mặt Trời lặn. Một vài ngọn đèn đường và ánh sáng từ các bảng hiệu nhà hàng gần đó nhanh chóng biến mất trên các con đường dọc theo một ngọn đồi. Trên đỉnh đồi là một cung điện đã mục nát từ thế kỷ 19.

Ibraheem đã bán hàng ở đây ít nhất 7 năm. Giọng nói mệt mỏi của Ibraheem nghe như của người gấp ba lần tuổi anh. Năm 2020, anh đã bị buộc phải cắt giảm giờ bán hàng, đi làm muộn vào ban ngày và về sớm vào buổi tối để cố gắng tránh cả chó hoang và những tên trộm. Ibraheem nói thời gian bán hàng của anh bị thu hẹp quá mức. “Chính phủ và cảnh sát đã ra tay, nhưng họ không xử lý triệ để bầy chó hoang, những kẻ khủng bố và trộm cắp", anh bức xúc.

Với hai cửa hàng đóng cửa, Jawad, 50 tuổi, cho biết hiện giờ ông chỉ kiếm được một nửa so với trước đây vì ông cũng phải giảm bớt giờ mở cửa.

Maryam Sultani, 19 tuổi, một cô gái sống cạnh rạp hát nhưng không quen với ông Sultani cho biết: “Tình trạng này gây tổn hại tinh thần”. Cô từng say mê nghe những câu chuyện từ cha mình về rạp chiếu phim khi còn hoạt động từ nhiều thập kỷ trước. “Còn bây giờ, phía bên này là những con chó ngăn bạn ra khỏi nhà và phía bên kia là những tên trộm”, cô nói.

Bầy chó thì dễ nhận ra, còn các băng nhóm tội phạm thì ẩn mình và khó nhận biết hơn.

Cho hoang tan cong,  thu do Kabul,  toi pham gia tang anh 5

Một cậu bé đang gọi con chó trên ngọn đồi nhìn ra Kabul. Ảnh: New York Times.

Gần khu phố của những người chủ cửa hàng, trên một ngọn đồi vừa là nghĩa địa và là nơi thả diều, một nhóm bạn trẻ đã chọn cách sống hòa bình với bầy chó sống giữa các bia đá.

Các cậu bé trong khu vực này - bao gồm khoảng nửa tá thiếu niên ở độ tuổi từ 9 đến 14 - đã tìm cách huấn luyện những con chó. Đôi khi các cậu bé cho những chú chó ăn, họ chơi với chúng, tất cả chỉ cố gắng cùng nhau tồn tại. Cách này cũng một phần giúp giải quyết vấn đề. Four Eyes, Red, Big Feet và Rex - tên của 4 con chó được huấn luyện - sẽ không tấn công bọn trẻ vào ban đêm.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn