Có phải tranh cãi về vaccine AstraZeneca ở EU là hậu quả của Brexit?

  • Hà Mi

Laboratory scientist / technician handling blood samples from coronavirus vaccine trials inside Oxford University's Jenner Institute on June 25, 2020

Nguồn hình ảnh, Oxford University/John Cairns

Chụp lại hình ảnh,

ĐH Oxford của Anh và công ty Anh-Thụy Điển bào chế ra vaccine AstraZeneca

Sau ly hôn hay đến màn 'khẩu chiến', thậm chí 'trả đũa' nhau và dường như cuộc "ly hôn" giữa Anh Quốc và Liên hiệp châu Âu (EU) cũng không phải là ngoại lệ.

Vụ lùm xùm xung quanh việc 13 quốc gia, đa phần thuộc EU, quyết định ngưng tiêm vaccine Oxford AstraZeneca phải chăng phần nào hé lộ những bất đồng hậu Brexit?

Hôm 18/3 cơ quan phê duyệt thuốc của châu Âu (EMA) đã một lần nữa khẳng định sự an toàn và tính hiệu quả của vaccine này sau khi thực hiện điều tra về một số trường hợp đông máu.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cơ quan phê duyệt dược phẩm của Anh (MHRA), chính phủ và các khoa học gia Anh cùng hãng AstraZeneca đã nói tương tự, và khuyến nghị tiếp tục tiêm chủng.

Thế nhưng sau vụ việc này niềm tin vào AstraZeneca, vaccine rẻ nhất trong số các loại đã được phê duyệt chắc chắn đã bị ảnh hưởng.

Điều này gây bất bình cho không ít người, và tác giả Ambrose Evans-Pritchard viết trên WA Today rằng "Tâm lý né tránh rủi ro bóp nghẹt câu Âu và đang giết chính người dân của họ".

"Nếu các nước châu Âu ngừng tiêm thuốc mỗi khi có bất kỳ trường hợp tử vong nào thì tốt nhất họ nên giao ngay lượng thuốc mà họ đang có cho các quốc gia nghèo hơn tại châu Phi và châu Á."

Quyết định khoa học hay chính trị?

Bản thân tôi thấy thật khó hiểu về quyết định của các chính phủ EU vì số người bị đông máu sau khi tiêm AstraZeneca rất thấp, chỉ tương đương với các vaccine khác và thấp hơn trong dân số nói chung.

Thế nhưng AstraZeneca dường như lại bị đối xử khác biệt.

Nó khiến ta suy nghĩ phải chăng đây là các quyết định có tính chính trị nhiều hơn là khoa học?

Bỉ là trong số một vài nước đi ngược lại quyết định của các nước EU láng giềng.

"Bỉ quyết định tiếp tục chiến dịch tiêm chủng vaccine AstraZeneca. Nó rất quan trọng vì đây là quyết định dựa trên các dữ liệu khoa khọc và chúng tôi muốn duy trì quan điểm một cách khoa học nhất có thể trên các phương tiện truyền thông trong bối cảnh có những rối ren chính trị đang làm rung chuyển châu Âu hiện nay", ông Yves Van Laethem, phát ngôn viên Bộ Y tế Bỉ, được CNN trích dẫn

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, người Đức

Bộ trưởng Y tế Bỉ, ông Vanderbroucke, khi trả lời VRT News thậm chí nói rằng "ngừng tiêm chủng lúc này là vô trách nhiệm" và Bỉ "trông cậy vào tiêm chủng để kiểm soát đại dịch".

Điều trớ trêu là EU dùng chưa tới 1/2 số AstraZeneca đang có và còn dừng tiêm vaccine này thì hôm 17/3 Chủ tịch Uỷ ban châu Âu, bà Ursula von der Leyen, lại cáo buộc AstraZeneca.

Theo bà, công ty giao thuốc không đủ và dọa EU sẵn sàng sử dụng quyền hạn khẩn cấp, điều 122 luật Hiệp ước EU, để cấm xuất khẩu vaccine làm ở EU sang Anh và các nước tiêm chủng cao hơn.

Khi được hỏi về số lượng lớn chưa dùng tới, bà bác bỏ ý kiến nói về 'cuộc chiến vaccine' với Anh để đánh lạc hướng khỏi tình trạng tiêm chủng chậm chạp của EU, theo trang SkyNews ở Anh.

Tại buổi họp báo cùng ngày, sau cảnh báo của bà von der Leyen, giáo sư Jonathan Van-Tam, Phó Giám đốc Y tế England, đã bóng gió nhắc tới lượng AstraZeneca đang còn bỏ xó của EU:

"Vaccine không cứu được mạng sống con người khi để trong tủ lạnh. Nó chỉ cứu mạng sống con người khi được tiêm vào cánh tay."

Đây không phải lần đầu tiên xảy ra "đụng độ" giữa EU với Anh liên quan tới vaccine AstraZeneca.

Hồi tháng Giêng, đã có tranh cãi về hợp đồng giữa AstraZeneca và EU khi AstraZeneca báo sẽ không đáp ứng được lượng thuốc mà họ hy vọng cung cấp cho EU vào cuối tháng Ba.

Điều này khiến EU tức giận trong khi công ty này dường như đang cung cấp vaccine cho Anh.

Tranh chấp tuy là giữa EU và AstraZeneca nhưng lời qua tiếng lại nổ ra giữa Anh và EU sau tranh cãi, thương thuyết kéo dài bốn năm ròng về các điều khoản "ly hôn" Brexit.

Trước đó khi EMA mới phê duyệt AstraZeneca thì có tới 12 quốc gia EU đã tạng ngưng tiêm vaccine này cho người trên 65 tuổi với lý do thiếu số liệu thử nghiệm lâm sàng ở nhóm tuổi này.

Họ đã bất chấp khuyến cáo từ WHO, EMA và MHRA nói vaccine sử dụng được ở mọi lứa tuổi từ 16 trở lên, còn Anh từ đầu đã tiêm cho cả nhóm tuổi này, giúp giảm số tử vong và phải nhập viện rõ rệt.

Brexit và quyền tự quyết

Tôi cho rằng nhờ Brexit, Anh đã có thể ký trực tiếp với bảy hãng để mua 7 loại vaccines khác nhau và đặt mua được từ rất sớm, như đặt ký với AstraZeneca trước EU ba tháng.

Việc phải chờ đợi thống nhất toàn khối, rồi mất thời gian thương thuyết để được giá rẻ hơn...đã khiến EU đặt mua thuốc chậm hơn và hậu quả là triển khai tiêm chủng cũng chậm theo so với Anh Quốc.

Cho tới 18/03 Anh đã tiêm mũi đầu cho 25,7 triệu người và gần 2 triệu người đã tiêm cả hai mũi.

Chính bà Ursula von der Leyen nói với Đức Süddeutsche Zeitung trong tháng 2 đã công nhận rằng "một quốc gia một mình thì có thể nhanh như thuyền cao tốc, còn EU thì như tàu chở dầu hơn".

Cho tới nay đa số các nước EU mới tiêm được trung bình 10% dân số người trưởng thành trong khi Anh đã tiêm được liều đầu cho khoảng 40%.

Từng ủng hộ Anh ở lại EU nhưng những chính sách của Anh gần đây khác hẳn EU như tiêm hai mũi cách nhau 12 tuần để được tối đa dân có kháng thể, khiến tôi nhìn nhận lợi thế của Brexit.

Brexit cho phép Anh giành lại quyền tự quyết và phải không chịu những ràng buộc khi còn là thành viên EU.

Các quyết định nên dựa trên cơ sở khoa học

Trở lại các trường hợp đông máu, theo phóng viên Y tế BBC Nick Tiggle thì có một số trường hợp đông máu dạng hiếm lạ nên khó khẳng định liệu số này là cao hơn so với ở người không tiêm vaccine.

Kể cả nếu có liên hệ giữa vaccine với dạng đông máu hiếm này thì lợi ích của việc tiêm vaccine vẫn vượt trội hơn rất nhiều lần so với nguy cơ đông máu rất nhỏ đó.

Có cả thảy 18 trường hợp đông máu dạng hiếm trong số 20 triệu người đã tiêm vaccines tại châu Âu, tức nguy cơ khoảng một phần triệu.

Trong khi với người trên 75 tuổi nếu nhiễm Covid thì nguy cơ tử vong là 1/9, còn ở độ tuổi 40s thì nguy cơ tử vong là 1/1000. Vì thế lợi ích của việc tiêm AstraZeneca vẫn là hơn hẳn.

Hôm 15/03/2021 có bài trên Forbes có tiêu đề: "Chính trị chứ không phải Khoa học có thể đứng đằng sau việc ngưng dùng AstraZeneca vaccines".

"Nhiều chuyên gia nói rằng hãng dược này đã bị các nước EU đối xử bất công cản trở việc triển khai vaccines này trên toàn cầu vào một thời điểm tối quan trọng."

Tôi là người cảm tình với các khoa học gia Oxford và hãng AstraZeneca vì tinh thần thiện nguyện của họ (thuốc chỉ có giá chi phí), và vì vaccine dễ sử dụng trên khắp thế giới, nhất là các nước nghèo.

Sau các vụ việc vừa qua, tôi hy vọng rằng AstraZeneca sẽ không gặp rắc rối thêm nữa và mọi quyết định trong tương lai của các chính phủ sẽ chỉ dựa trên cơ sở khoa học.

Đây là lúc chúng ta cần làm tất cả để thế giới sớm kiểm soát được dịch bệnh và mọi việc sẽ lại tốt đẹp hơn, thay vì để chính trị hoặc các tranh cãi khác cản trở quá trình tiêm chủng.

Bài thể hiện quan điểm của bà Hà Mi, hiện sống tại London, Anh Quốc.