Cắt Internet Trở Thành Công Cụ Ưa Dùng Của Nhiều Chế Độ

Thứ Ba, 16 Tháng Hai 20214:00 SA(Xem: 3451)
Cắt Internet Trở Thành Công Cụ Ưa Dùng Của Nhiều Chế Độ
internet-1

Một hàng internet ở Yangon, Myanmar (ảnh tư liệu, tháng 12/2018)

Khi các viên tướng quân đội ở Myanmar tổ chức cuộc đảo chính hồi tuần trước, họ đã nhanh chóng cắt internet và việc này dường như là một nỗ lực nhằm ngăn chặn các cuộc biểu tình. Ở Uganda, người dân không thể sử dụng Facebook, Twitter và các mạng xã hội khác trong nhiều tuần sau cuộc bầu cử gần đây. Và ở khu vực Tigray ở miền bắc Ethiopia, internet đã ngừng hoạt động trong nhiều tháng giữa lúc diễn ra cuộc xung đột trên diện rộng hơn.

Trên khắp thế giới, việc cắt internet đã trở thành một chiến thuật ngày càng phổ biến của các chế độ đàn áp và độc tài cũng như ở một số nền dân chủ song lại không có tự do. Các nhóm hoạt động vì quyền kỹ thuật số nói rằng các chính phủ sử dụng biện pháp này để ngăn chặn sự bất đồng chính kiến, bịt miệng các tiếng nói đối lập hoặc che đậy các hành vi vi phạm nhân quyền, gây lo ngại về việc hạn chế quyền tự do ngôn luận.

Các nhà nghiên cứu nói rằng các chế độ thường cắt mạng để ứng phó với các cuộc biểu tình hoặc bất ổn dân sự, đặc biệt là xung quanh các cuộc bầu cử, vì họ cố gắng giữ quyền lực bằng cách hạn chế luồng thông tin. Đây là phương thức trong thời buổi kỹ thuật số không khác gì việc giành quyền kiểm soát đài truyền hình và đài phát thanh địa phương, vốn là một phần trong phương châm hành động thời tiền internet của bọn chuyên chế và phiến loạn.

Alp Toker, người sáng lập tổ chức theo dõi internet Netblocks, nói: “Tình trạng ngắt internet trên diện rộng đã không được báo cáo đầy đủ hoặc báo cáo đúng trong những năm qua. Thế giới đang “bắt đầu nhận ra có chuyện đang xảy ra” khi ngày càng có nhiều người giống như ông đang nỗ lực ghi lại các sự việc, ông Toker nói.

Theo báo cáo của Top10VPN, một nhóm nghiên cứu về quyền riêng tư và bảo mật kỹ thuật số có trụ sở ở Anh, năm ngoái, đã có 93 vụ cắt internet lớn ở 21 nước. Danh sách này không bao gồm những nơi như Trung Quốc và Triều Tiên, ở đó, chính phủ kiểm soát chặt chẽ hoặc hạn chế internet. Báo cáo cho biết, việc cắt mạng có thể bao gồm các dạng từ cắt toàn bộ cho đến chặn các mạng xã hội hoặc làm giảm tốc độ internet nghiêm trọng.

Các chuyên gia cảnh báo rằng việc cắt internet gây ra tổn hại về chính trị, kinh tế và nhân đạo. Các tác động trở nên trầm trọng hơn do nhiều nơi bị phong tỏa vì đại dịch COVID-19, buộc nhiều người phải dựa nhiều hơn vào mạng, chẳng hạn như phải học hành trực tuyến.

Việc cắt mạng càng làm nổi bật cuộc chiến ở cấp độ lớn hơn về quyền kiểm soát internet. Ở phương Tây, những nỗ lực cầm cương các mạng xã hội đã làm dấy lên những lo ngại đối chọi nhau. Phe thứ nhất lo lắng về việc hạn chế tự do ngôn luận, còn phe thứ hai muốn hạn chế thông tin có hại. Những người thuộc phe thứ hai đôi khi được các chế độ chuyên chế lấy ra để biện minh cho các cuộc trấn áp trên mạng.

Nhiều nước chặn mạng xã hội với lý do "ngăn ngừa tin thất thiệt và vì sử ổn định của quốc gia"
Nhiều nước chặn mạng xã hội với lý do “ngăn ngừa tin thất thiệt và vì sử ổn định của quốc gia”

Myanmar, internet bị cắt trong khoảng 24 giờ hồi cuối tuần trước, rõ ràng đó là một nỗ lực nhằm chống lại các cuộc biểu tình phản đối việc quân đội tiếm quyền và giam giữ nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi cũng như các đồng minh của bà. Đến chiều Chủ nhật của tuần lễ đó, người dùng internet cho biết việc vào mạng từ điện thoạt di động bất ngờ được khôi phục lại.

Hãng Telenor ASA của Na Uy điều hành một trong những nhà mạng di động lớn ở Myanmar. Hãng này cho biết Bộ truyền thông Myanmar đã viện dẫn lý do là “có sự lan truyền tin thất thiệt, vì sự ổn định của quốc gia và lợi ích của công chúng” khi họ ra lệnh cho các nhà mạng tạm thời tắt mạng.

Hãng Telenor nói họ phải tuân thủ luật pháp của nước sở tại. Họ nói thêm: “Chúng tôi vô cùng lấy làm tiếc về tác động của việc ngắt mạng đối với người dân Myanmar”.

Đó là một việc làm quen thuộc của chính phủ Myanmar, họ từng thực hiện một trong những cuộc cắt internet lâu nhất thế giới ở các bang Rakhine Chin nhằm mục đích làm gián đoạn hoạt động của một nhóm dân tộc thiểu số có vũ trang. Vụ này bắt đầu vào tháng 6/2019 và chỉ mới được bãi bỏ hôm 3/2/2021.

Một vụ cắt internet kéo dài khác là ở vùng Tigray của Ethiopia, ở đó, mạng đã bị gián đoạn kể từ khi giao tranh bắt đầu nổ ra hồi đầu tháng 11/2020 – đó là vụ cắt mạng gần đây nhất trong một loạt các vụ cắt mạng mà không có dấu hiệu nào cho thấy sẽ sớm được phục hồi trở lại. Một số người cảnh báo rằng điều này khiến cho rất khó để biết thông tin về con số bao nhiêu dân thường thiệt mạng, chiến sự vẫn tiếp diễn ở mức độ nào hoặc liệu người dân có bắt đầu chết vì đói hay không.

Uganda, các hạn chế đối với các mạng xã hội bao gồm Twitter, Facebook và YouTube đã có hiệu lực trước cuộc bầu cử tổng thống ngày 14/1, cùng với đó là tình trạng cắt toàn bộ internet trước cuộc bỏ phiếu. Nhà chức trách nói việc này là để ngăn những người ủng hộ phe đối lập tổ chức các cuộc biểu tình đường phố với nguy hiểm tiềm tàng.

Các giới hạn đối với mạng xã hội đã được dỡ bỏ hôm thứ Tư 10/2, ngoại trừ mạng Facebook.

Chính quyền Belarus làm nghẽn mạng để chống biểu tình, 2020.
Chính quyền Belarus làm nghẽn mạng để chống biểu tình, 2020.

Belarus, internet ngừng hoạt động trong 61 giờ sau cuộc bầu cử tổng thống hôm 9/8/2020, đánh dấu sự cố mất internet đầu tiên của châu Âu. Mạng đã bị cắt sau khi kết quả bầu cử trao chiến thắng cho Tổng thống chuyên chế Alexander Lukashenko nhưng cuộc bỏ phiếu bị nhiều người coi là gian lận và gây ra các cuộc biểu tình lớn. Việc truy cập vào mạng vẫn không ổn định trong nhiều tháng, đặc biệt là gần thời điểm diễn ra các cuộc biểu tình vào cuối tuần, khi đó, dịch vụ internet trên điện thoại di động liên tục gặp sự cố.

Ông Toker nói có nguy cơ là việc cắt mạng thường xuyên sẽ trở thành chuyện bình thường.

Ông nói: “Ta thấy có một kiểu phản ứng chấp nhận, đó là khi cả công chúng trong nước và cộng đồng quốc tế rộng lớn hơn sẽ trở nên không còn xúc động với việc cắt internet kiểu như vậy” và ông gọi đó là “nguy cơ lớn nhất đối với quyền tự do chung của chúng ta trong thời đại kỹ thuật số”.

Việc cắt internet cũng diễn ra phổ biến ở nước Ấn Độ có nền dân chủ, ở đó, chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi ngày càng áp dụng biện pháp này nhiều hơn để nhắm vào phe đối lập chính trị của ông. Theo một trang web theo dõi, chính phủ theo chủ nghĩa dân tộc Hindu của ông đã ra lệnh cắt internet ở hàng trăm khu vực.

Hầu hết đều ở vùng Kashmir có tranh chấp, nơi này đã trải qua 18 tháng bị chặn dịch vụ di động tốc độ cao, chỉ mới kết thúc vào tuần trước. Nhưng biện pháp này cũng đã được triển khai ở những nơi khác để đối phó với các biểu tình chống chính phủ, bao gồm cả các cuộc biểu tình lớn của nông dân đã làm xáo trộn chính quyền của ông Modi.

Darrell West, tân chủ tịch về các nghiên cứu quản trị tại Viện Brookings, người đã nghiên cứu về tình trạng cắt internet, nói: “Thường là những chính phủ độc tài làm điều này, nhưng chúng tôi đang thấy cách làm này cũng đang trở nên phổ biến hơn ở các nền dân chủ như Ấn Độ”.

“Có nguy cơ là một khi một nền dân chủ làm điều đó, những nước khác sẽ bị cám dỗ làm điều tương tự. Nó có thể bắt đầu ở cấp địa phương để đối phó với tình trạng bất ổn, nhưng sau đó sẽ lan rộng hơn”, ông West nói.

Theo AP trên VOA tiếng Việt ngày 11/2/2021

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn