Covid-19 : Pháp tái phong tỏa, nạn kỳ thị người châu Á lại trỗi dậy

Thứ Bảy, 14 Tháng Mười Một 20209:00 CH(Xem: 4831)
Covid-19 : Pháp tái phong tỏa, nạn kỳ thị người châu Á lại trỗi dậy
rfi.fr

Covid-19 : Pháp tái phong tỏa, nạn kỳ thị người châu Á lại trỗi dậy - Tạp chí xã hội

Thùy Dương

Với sự bùng phát của làn sóng dịch Covid-19 lần thứ hai tại Pháp, cộng đồng người châu Á tại vùng Ile-de-France (Paris và vùng phụ cận) lại một lần nữa bị kỳ thị : không chỉ có những lời thóa mạ, đe dọa và hô hào giết người gốc Á trên các mạng xã hội, mà thực sự đã có những vụ hành hung, tấn công gây thương tích, bởi nhiều người cho rằng chính người châu Á đã làm lây lan virus khiến nước Pháp bị phong tỏa.

Trang Facebook của Hiệp Hội Thanh Niên Người Hoa tại Pháp (AJCF) đã đăng lại ảnh chụp màn hình nhiều tin nhắn Twitter với nội dung vô cùng hằn học, kích động hận thù nhắm vào người châu Á : “Hãy ngưng đọc truyện tranh Nhật Bản manga. Đã đến lúc săn lùng người châu Á mắt một mí, người da vàng ăn thịt chó mà chúng ta không bao giờ tha thứ” ;Hãy đến quận 13 (khu vực tập trung đông dân châu Á ở Paris) để săn lùng bọn Trung Quốc” ; “Tôi kêu gọi mọi người da đen, người Ả Rập ở các vùng 91, 92, 93, 94, 95 (ngoại ô Paris) tấn công bất kể người Tàu nào mà họ gặp ngoài đường” …

Mọi chuyện bùng phát nghiêm trọng đến mức Viện Công Tố Paris đã phải cho mở điều tra về những lời kêu gọi bạo lực, tấn công người châu Á, đặc biệt là người Trung Quốc. Cuộc điều tra về tội danh “công khai kích động hành vi gây thương tích cho người khác do kỳ thị chủng tộc” được giao cho BRDP, đơn vị cảnh sát đặc trách trấn áp tình trạng phạm tội nhắm vào con người. Kết quả cuộc điều tra vẫn chưa được công bố, nhưng theo truyền thông Pháp, rất nhanh sau khi xảy ra chuyện, danh tính của người đăng phần lớn các Tweet thù hận nói trên đã được xác định, tài khoản Twitter của người này đã bị khóa, các phát ngôn hận thù trên Internet đã bị xóa.

Có vẻ ngoài Á Đông đều bị coi là người Trung Quốc

Trả lời phỏng vấn của RFI Việt ngữ ngày 08/11/2020, ông Sun-Lay Tan, phát ngôn viên hiệp hội Sécurité Pour Tous (An Toàn Cho Tất Cả Mọi Người), vốn quy tụ 64 hội đoàn châu Á tại Pháp, và hiện đang tích cực hành động chống sự kỳ thị nhắm vào cộng đồng châu Á, giải thích :

« Trên thực tế, đỉnh điểm gần đây nhất rơi vào thứ Tư (28/10), khi tổng thống Emmanuel Macron thông báo tái phong tỏa đất nước. Tổng thống đưa ra thông báo lúc 8h tối, đến 9h tối thì có nhiều tin nhắn Twitter được đăng trên các mạng xã hội trong đó người ta hô hào mọi người hành hung người châu Á. Tôi xin trích : « Hãy đánh nhừ tử người châu Á, người Trung Quốc, bất kể là ở đâu ». Đó là Tweet đầu tiên. Các Tweet khác thì so sánh và tiếc rẻ « Đáng tiếc là Hitler đã không giết người Trung Quốc như giết người Do Thái ».

Có những Tweet rất nghiêm trọng. Đáng lo ngại nhất là khi những bài viết này lại được chia sẻ tới gần 800 lượt và nhận được hơn 1.500 biểu tượng hình trái tim thể hiện sự đồng tình. Đó là điều khiến chúng tôi thực sự lo ngại. Trên thực tế, những kẻ tấn công sẽ không hỏi xem quý vị là người Trung Quốc, người Việt hay người Cam Bốt … rồi mới ra tay. Tất cả những ai có vẻ bề ngoài Á Đông đều bị coi là người Trung Quốc. Vậy đấy ! Vì thế mà tôi kêu gọi tất cả những người gốc châu Á, không phân biệt quốc tịch, phải hết sức cảnh giác ».

Le Parisien ngày 01/11/2020 thuật lại chuyện một giảng viên - nhà nghiên cứu gốc Việt, 37 tuổi, đã bị hai thanh niên chửi bới, xua đuổi « Hãy cút về Trung Quốc mà ăn thịt chó ». Mặc dù người phụ nữ này đã nói cô không phải là người Hoa, không ăn thịt chó, cô là người Pháp và làm việc tại Pháp, đóng thuế cho nước Pháp, nhưng cô vẫn bị họ đánh túi bụi. Kể từ khi nước Pháp tái phong tỏa, hiệp hội An Toàn Cho Tất cả Mọi Người đã ghi nhận 10 vụ hành hung ở vùng Ile-de-France, có người bị thương nghiêm trọng phải nghỉ làm 20 ngày để dưỡng bệnh. Nhưng có lẽ con số trên thực tế còn cao hơn vì không phải nạn nhân nào cũng trình báo.

Làn sóng kỳ thị thứ hai từ khi có virus corona

Trên thực tế, đây không phải lần đầu tiên cộng đồng châu Á bị kỳ thị. Nhưng có lẽ lần này mức độ đã nghiêm trọng hơn rất nhiều. Đại diện hiệp hội An Toàn Cho Tất Cả Mọi Người cho biết thêm :

« Thực ra thì những lời nói bài người châu Á từ trước tới nay lúc nào cũng có, từ khi người châu Á đến sinh sống tại Pháp. Trong cuộc đời, người châu Á nào cũng có lúc bị xúc phạm. Virus corona xuất hiện hồi tháng Giêng tháng Hai năm nay đã làm bùng nổ sự nghi kỵ, hung hăng nhắm vào người châu Á. Chẳng hạn một nhà hàng Nhật Bản ở Boulogne-Billancourt đã bị sơn vẽ bôi bẩn hồi tháng Ba, nhiều người châu Á bị tấn công, chửi bới, xua đuổi. Người ta không dám ngồi cạnh người châu Á trên xe bus hay trong các phương tiện giao thông công cộng khác.

Có không ít chuyện tương tự như vậy. Khi xảy ra phong tỏa, tất cả đều đóng cửa, không có nhiều lời chửi bới xúc phạm, rồi mùa hè trôi qua và như tôi đã giải thích, chúng lại bùng lên khi có thông báo tái phong tỏa của tổng thống Pháp và trở nên rất nghiêm trọng. Hồi đầu thì chỉ là những lời xúc phạm, sau đó là những cú đấm đá, những vụ tấn công, cướp giật. Còn giờ đây, quả thật đó là những lời kêu gọi kích động hận thù. Căng thẳng đã gia tăng thêm một nấc.

Bây giờ, nhìn lại những gì xảy ra trong những ngày qua, chúng tôi có thể nói rằng đó là kỳ thị chủng tộc. Bởi vì trước đây có nhiều người nói họ bị đánh đập, tấn công, rồi bị cướp ví, cướp túi xách, nhưng bây giờ người ta tấn công người châu Á chỉ để tấn công mà thôi, không phải để cướp của. Nếu như trước đây, người ta chỉ tránh đến nhà hàng Trung Quốc, Việt Nam, nói chung là tránh đến nhà hàng châu Á, tránh người châu Á, hoặc xúc phạm, thì nay thực sự là có những lời kêu gọi tấn công, đánh đập, giết hại người châu Á. Nay mọi chuyện ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn ».

Cẩm nang hướng dẫn

Trước tình hình nghiêm trọng như vậy, các hội đoàn châu Á tích cực đưa ra nhiều lời cảnh báo, lưu ý cộng đồng cẩn trọng, kêu gọi các nạn nhân mạnh dạn trình báo, khiếu kiện và soạn cả cẩm nang hướng dẫn các nạn nhân. Trả lời RFI tiếng Việt, ông Sun - Lay Tan nhấn mạnh :

« Tôi kêu gọi mọi người phải thực sự rất cảnh giác. Tôi cũng kêu gọi quý vị báo lên trang PHAROS của chính phủ Pháp tất cả những Tweet hay bài viết có nội dung kích động hận thù, cho dù không phải là quá nghiêm trọng. Quý vị chỉ cần chụp lại màn hình có dòng Tweet hay bài viết có liên quan và sao chép lại đường dẫn URL, địa chỉ internet của các Tweet hoặc bài viết trên Facebook, rồi đăng lên trang PHAROS để báo động cho nhà chức trách.

Hiệp hội An Toàn Cho Tất Cả Mọi Người (Sécurité Pour Tous) đã cộng tác với Hiệp Hội Thanh Niên Người Hoa tại Pháp (AJCF) để soạn ra một cuốn cẩm nang hướng dẫn người châu Á cách khai báo, khiếu kiện khi bị tấn công. Cẩm nang hiện đã được đăng trên trang Facebook của Hiệp Hội Sécurité Pour Tous Hiệp và Facebook của Hội Thanh Niên Người Hoa tại Pháp. Chúng tôi cũng đã có các buổi họp với đại diện các hội đoàn người Việt Nam. Tới đây, cuốn cẩm nang cũng sẽ được dịch sang tiếng Việt. Như vậy là chúng tôi có một cẩm nang tiếng Hoa, đương nhiên là có phiên bản tiếng Pháp và sẽ có cả bản tiếng Việt.

Theo quan sát của tôi, những người châu Á sống ở các thành phố Aubervilliers, La Courneuve vùng 95 (ngoại ô Paris), hay các thành phố Vitry-sur-Seine, Ivry-sur-Seine ở vùng 94 Val-de-Marne thường có nhiều người mới sang Pháp sinh sống, không nói thạo tiếng Pháp lắm và cũng không thường xuyên nghe tin tức trên các phương tiện truyền thông của Pháp, nên không nắm được chuyện gì đang xảy ra. Hơn nữa, như anh chị biết đấy, họ nhìn nước Pháp như trong tiểu thuyết, nên họ không đề cao cảnh giác. 

Các hiệp hội của chúng tôi cũng đã hẹn làm việc với các cảnh sát trưởng để cải thiện việc tiếp các nạn nhân châu Á ở đồn cảnh sát và để xem họ có thông tin gì gửi đến người gốc Á sinh sống tại Pháp hay không. Có thể nói việc này cũng là để lưu ý họ về sự kỳ thị nhắm vào cộng đồng châu Á ». 

Không chỉ các hiệp hội chống kỳ thị, mà chính quyền nhiều thành phố ở vùng Ile-de-France, chẳng hạn Bussy-Saint-George, cũng lưu ý cư dân gốc Á về nguy cơ bị tấn công và kêu gọi họ vào trang mạng PHAROS báo động cho chính quyền và khởi kiện nếu bị tấn công. Nhiều chính khách cũng công khai bày tỏ sự ủng hộ đối với cộng đồng châu Á, mà họ gọi là « nạn nhân của virus corona, kỳ thị và bạo lực ». Phát ngôn viên Sun - Lay Tan của hiệp hội An Toàn Cho Tất Cả Mọi Người khẳng định :

« Vâng, chính xác là như vậy. Có hơn 100 nghị sĩ đã ký vào một thư kiến nghị trên diễn đàn của báo Libération để ủng hộ cộng đồng người châu Á. Nói chung, tôi nghĩ rằng các phản ứng của chính giới vẫn còn khá rụt rè. Có một số thị trưởng, dân biểu các tỉnh đã ủng hộ ngay lập tức, nhiều người dân cũng ủng hộ cộng đồng châu Á một cách rất tự nhiên. Nhưng chúng tôi vẫn đang chờ có thêm sự ủng hộ của nhiều người khác. Tôi nghĩ rằng số chữ ký thu thập đang tăng nhanh. Tôi rất hài lòng là diễn đàn trên báo Libération thực sự quy tụ được nhiều nghĩ sĩ từ các đảng phái, xu hướng chính trị khác nhau. Mọi chuyện đang tiến triển ».

Nạn kỳ thị người châu Á bị xem nhẹ ?

Báo chí Pháp cho rằng lâu nay sự kỳ thị người châu Á đã bị xem nhẹ. Liệu có phải đó là do người châu Á vốn kín tiếng, rất ít trình báo cảnh sát khi bị hành hung, cướp giật … ? Ông Sun - Lay Tan giải thích :

« Sự kỳ thị nhắm vào người châu Á lâu nay không được nhìn nhận đánh giá đúng mức bởi hai lý do chính. Lý do đầu tiên là quả thực trong cộng đồng châu Á có sự thiếu sự tin tưởng vào tư pháp, bởi họ thường nghe nói là người này hay người kia đã bị cảnh sát bắt rồi lại được thả ra, các án phạt không phải lúc nào cũng nặng. Chính vì thế mà họ thường nói là khiếu kiện cũng vô ích. Đó là lý do đầu tiên, bao gồm cả rào cản về ngôn ngữ. Thường thì việc khai báo ở sở cảnh sát diễn ra trong những điều kiện không được thuận lợi cho các nạn nhân, bởi họ có khó khăn khi giao tiếp với cảnh sát.

Lý do thứ hai thực ra liên quan đến thế hệ. Thế hệ cha mẹ chúng tôi đến Pháp vì họ đã mất tất cả, họ chạy trốn chiến tranh, nạn đói. Họ đã phải xây dựng lại mọi thứ từ đầu. Vì thế mà sự kỳ thị chủng tộc, việc bị gọi bằng những từ như chinetoque, tên các loài chim … không có nghĩa lý gì so với những gì mà họ đã phải phải qua trong chiến tranh. Đối với họ, điều đó không nghiêm trọng. Nhưng chúng tôi, chúng tôi được sinh ra tại Pháp, chúng tôi là người Pháp, là thế hệ sau, chúng tôi có quyền và có nghĩa vụ bảo vệ chính mình, bảo vệ tất cả những người có gốc gác châu Á, có vẻ ngoài và văn hóa Á Đông. Đó là nghĩa vụ của chúng tôi.

Tôi nghĩ rằng từ nay tới vài năm nữa thôi, sự kỳ thị chủng tộc nhắm vào người Á Đông sẽ không còn bị nhìn nhận thấp hơn so với những gì diễn ra trên thực tế và sẽ được lưu ý nhiều hơn. Việc đã có hàng trăm nghị sỹ ký tên trên diễn đàn của báo Libération để ủng hộ cộng đồng châu Á đã cho chúng tôi hy vọng».

Theo phát ngôn viên của hiệp hội An Toàn Cho Tất Cả Mọi Người, để đấu tranh chống sự kỳ thị, chỉ trông chờ vào pháp lý là chưa đủ, cần quảng bá để các cộng đồng khác hiểu hơn về văn hóa Á Đông :

« Tôi cũng muốn nhấn mạnh đến khía cạnh văn hóa vốn dĩ rất quan trọng. Chẳng hạn có một nhiếp ảnh gia tên là Charly Ho đang làm việc để gây quỹ ủng hộ nạn nhân bão lũ ở miền trung Việt Nam. Chúng tôi cũng có các nghệ sĩ, chẳng hạn họa sĩ Nguyen Tay sẽ có nhiều nhiều buổi nói chuyện ở các trường học để quảng bá cho các nền văn hóa châu Á. Cũng có thể sẽ có nhiều bếp trưởng của các nhà hàng giới thiệu các thực đơn, món ăn ở các cantine để quảng bá về văn hóa ẩm thực. Đây là một phần các hoạt động mà chúng tôi muốn làm để đấu tranh chống kỳ thị chủng tộc. »

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn