Philippines bỏ lệnh cấm thăm dò dầu khí Biển Đông để dọn đường cho Trung Quốc?

Thứ Sáu, 16 Tháng Mười 20205:17 SA(Xem: 3427)
Philippines bỏ lệnh cấm thăm dò dầu khí Biển Đông để dọn đường cho Trung Quốc?
rfi.fr

Philippines bỏ lệnh cấm thăm dò dầu khí Biển Đông để dọn đường cho Trung Quốc?

Thanh Phương

Ảnh Minh họa : Philippines  có thể khởi động lại dự án thăm dò dầu khí ở Bãi Cỏ Rong (Reed Bank), thuộc vùng đặc quyền kinh tế Philippines, và được cho là có tiềm năng dầu khí dồi dào.

Ảnh Minh họa : Philippines có thể khởi động lại dự án thăm dò dầu khí ở Bãi Cỏ Rong (Reed Bank), thuộc vùng đặc quyền kinh tế Philippines, và được cho là có tiềm năng dầu khí dồi dào. © (wikipedia)

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte vừa bãi bỏ lệnh cấm thăm dò dầu khí ở Biển Đông, mà Manila gọi là Biển Tây Philippines, mở đường cho việc khởi động lại 3 dự án, kể cả một dự án có thể là liên doanh với Trung Quốc.

Hôm qua, 15/10/2020, bộ trưởng Năng Lượng Philippines Alfonso Cusi thông báo là các công ty dịch vụ dầu khí của Philippines đã được thông báo về việc mở lại các hoạt động liên quan đến năng lượng trong khu vực, đã bị đình chỉ từ nhiều năm qua. Ông Cusi còn cho biết ngoài 3 dự án được phép khởi động lại, 3 dự án thăm dò dầu khí khác ở Biển Đông cũng đang được bộ Năng Lượng Philippines xem xét.

Manila đã ban hành lệnh cấm khai thác dầu khí trên Biển Đông từ năm 2014, tức là dưới thời tổng thống Benigno Aquino III, trong khi chờ Tòa Trọng Tài Thường Trực ra phán quyết trong vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc về chủ quyền Biển Đông. Vào năm 2016, Tòa ra đã phán quyết xem các đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh trên Biển Đông là trái với luật pháp quốc tế, đặc biệt là trái với Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển.

Trung Quốc đã bác bỏ phán quyết của Tòa Trọng Tài, trong khi tổng thống Duterte trước Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc vào tháng 9 đã tuyên bố ủng hộ mạnh mẽ phán quyết đó. Tuy tỏ thái độ kiên quyết như vậy, nhưng nay Manila buộc phải dỡ bỏ lệnh cấm thăm dò dầu khí Biển Đông để có thể tiếp tục đáp ứng nhu cầu về năng lượng của nước này, trong bối cảnh trữ lượng khí đốt của mỏ khí Malampaya, phía tây Philippines, đang cạn dần.

Vào năm ngoái, tổng thống Duterte cho biết Bắc Kinh đã đề nghị cho Manila tham gia vốn với quyền kiểm soát ( 60% ) trong một liên doanh dầu khí với Trung Quốc ở vùng Biển Đông, nếu Philippines chấp nhận để phán quyết Biển Đông sang một bên. Như vậy phải chăng với việc bãi bỏ lệnh cấm thăm dò dầu khí ở Biển Đông, tổng thống Philippines gián tiếp đáp ứng đề nghị nói trên?

Theo lời bộ trưởng Năng Lượng Cusi, quyết định bãi bỏ lệnh cấm không ảnh hưởng gì đến các đàm phán hiện nay giữa Philippines và Trung Quốc, cụ thể là giữa công ty Forum Ltd của Philippines và Tổng Công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) về khả năng phát triển và thăm dò dầu khí chung. Là một đơn vị của tập đoàn Philippines PXP Ernergy, Forum nay có thể khởi động lại dự án thăm dò dầu khí ở Bãi Cỏ Rong (Reed Bank), khu vực tranh chấp giữa Philippines với Trung Quốc. Ông Cusi còn nhấn mạnh việc bãi bỏ lệnh cấm thăm dò dầu khí ở Biển Đông là một hành động “đơn phương” của Philipinnes mà Trung Quốc chắc là sẽ tôn trọng. Ông bày tỏ tin tưởng là các công ty Philippines sẽ không gặp cản trở từ phía Trung Quốc, vì đó là “các quyền kinh tế” của Philippines.

Trước mắt, Bắc Kinh không có phản ứng gì khó chịu về quyết định của Manila, mà trái lại có vẻ hoan nghênh. Trong cuộc họp báo hôm nay, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên vừa tuyên bố là Bắc Kinh “hy vọng sẽ hợp tác với Philippines trong các dự án phát triển năng lượng ở Biển Đông”. Ông Triệu Lập Kiên còn nhấn mạnh “ Trung Quốc và Philippines đã đạt được đồng thuận về phát triển chung các nguồn dầu khí ở vùng biển Hoa Nam (Biển Đông) và đã thiết lập một cơ chế hợp tác cho các cuộc thảo luận”. Như vậy, có vẻ như Bắc Kinh muốn tỏ cho thấy họ đang nắm lợi thế về khả năng liên doanh phát triển dầu khí với Philippines. Nói cách khác, quyết định bãi bỏ lệnh cấm thăm dò dầu khí trên Biển Đông coi như mở đường cho Trung Quốc mở rộng khai thác tại vùng giàu nguồn năng lượng này.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn