Châu Âu công khai đứng về phía Mỹ chứ không phải ĐCSTQ

Thứ Sáu, 02 Tháng Mười 20204:00 SA(Xem: 6309)
Châu Âu công khai đứng về phía Mỹ chứ không phải ĐCSTQ
trithucvn.org

Châu Âu công khai đứng về phía Mỹ chứ không phải ĐCSTQ


Tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc trong tuần qua (21-27/9, giờ Mỹ), Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel đã công khai tuyên bố, trong cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc, Liên minh Châu Âu (EU) đứng về phía Mỹ chứ không phải Trung Quốc (ĐCSTQ). Ngoài ra, nhiều nước cũng đã lên án ĐCSTQ, trong số đó có Tổng thống Mỹ Donald Trump yêu cầu ĐCSTQ phải chịu trách nhiệm về đại dịch.

Michelle
Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel (Ảnh: Twitter Charles Michel
@eucopresident)

Đồng thời, Mỹ bắt đầu phản kích ĐCSTQ theo mọi hướng, bao gồm bắt giữ những người cung cấp thông tin cho ĐCSTQ tại Sở Cảnh sát New York, điều tra hai tổ chức cầm quyền lớn của ĐCSTQ và liên tục tiến hành các cuộc tập trận hải quân ở Biển Đông và biển Hoa Đông, điều máy bay quân sự để giám sát chặt chẽ động thái quân sự của ĐCSTQ.

Máy bay trinh sát Mỹ tiếp cận do thám trong phạm vi 90km tính từ đường biển cơ sở của Trung Quốc

Ngày 26/9, “Chương trình Nhận thức Tình hình Chiến lược Biển Đông” của Viện Hải dương học tại Đại học Bắc Kinh đã đăng thông tin trên Twitter cho biết, trong cùng ngày, một máy bay trinh sát điện tử EP-3E và một máy bay tuần tra chống ngầm P-8A của Hải quân Mỹ đã đi vào Biển Đông để do thám. Trong số đó, EP-3E chỉ cách đường cơ sở của lãnh hải Trung Quốc ngoài khơi Phúc Kiến và Quảng Đông khoảng 47,81 hải lý (khoảng 88,5 km).

Ngày 26/9, một máy bay trinh sát EP-3E của Mỹ đã tiếp cận bờ biển Trung Quốc để trinh sát, và khoảng cách gần nhất là dưới 90 km tính từ đường cơ sở của Biển Trung Quốc. Hình ảnh máy bay trinh sát tín hiệu EP-3E Aries II. (Trang web của Lực lượng Không quân Mỹ)

Theo báo cáo, ngày 15/8, một máy bay trinh sát điện tử EP-3E của Mỹ đã xuất hiện trên vùng trời phía Tây Nam của Đài Loan, cách biên giới giữa Quảng Đông và Phúc Kiến thuộc Trung Quốc Đại Lục gần nhất là 50,19 hải lý (khoảng 92,95 km).

Đây là lần tiếp theo máy bay quân sự của Mỹ đến một nơi cách Trung Quốc Đại Lục 100km, gần hơn so với khoảng cách máy bay của quân đội Mỹ đến bờ biển Trung Quốc vào ngày 8/7 năm nay (cách bờ biển Trung Quốc 51,68 dặm, khoảng 95,71 km).

Thời báo Tự do của Đài Loan đưa tin, quân đội Mỹ  đã điều máy bay quân sự đến Biển Hoa Đông và Biển Đông để do thám và áp sát Trung Quốc Đại Lục nhằm nắm bắt động thái của quân đội ĐCSTQ. Tuy nhiên đại đa số là giữ khoảng cách 50 hải lý (khoảng 92,6km) trở lên. Nhưng ngày 26/9, hành động tiếp cận do thám lại là đi vào khoảng cách 50 hải lý, rõ ràng là “gây áp lực cho Giải phóng quân ĐCSTQ.”

Các phương tiện truyền thông tiếng Trung thân Cộng ở nước ngoài nói rằng việc quân đội Mỹ do thám đối với các động thái của của Trung Quốc ở khoảng cách gần có thể được cho là “phá kỷ lục.”

Kể từ khi virus Trung Cộng (virus viêm phổi Vũ Hán, COVID-19) bùng phát trên toàn thế giới, ĐCSTQ đã nhân cơ hội tăng cường các hoạt động quân sự của mình ở Đài Loan, Biển Đông và Biển Hoa Đông. Đặc biệt là kể từ khi Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ đến thăm Đài Loan, máy bay quân sự của ĐCSTQ đã hàng chục lần đi qua đường trung tuyến eo biển và thậm chí còn công khai tuyên bố rằng đường trung tuyến eo biển không tồn tại. Hành động này của ĐCSTQ làm trầm trọng thêm khủng hoảng ở eo biển Đài Loan.

Từ ngày 16/9 đến ngày 24/9, tức là trước và sau chuyến thăm Đài Loan của Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Keith Krach từ ngày 17/9  – 19/9, máy bay quân sự của ĐCSTQ đã xâm phạm vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan 7 lần liên tiếp. Hàng chục máy bay quân sự bay qua đường trung tuyến eo biển khiến tình hình eo biển Đài Loan tiếp tục nóng lên.

Ngày 26/9, quân đội ĐCSTQ thông báo rằng trong những ngày gần đây, một số tàu khu trục hải quân từ Chiến khu Nam Bộ đã thành lập đội hình để đi đến một khu vực nhất định trên Biển Đông để huấn luyện cường độ cao liên tục trong 72 giờ, và tuyên bố rằng họ “ra khơi tức ra trận”.

Cùng ngày, ĐCSTQ cũng thông báo rằng quân đội ĐCSTQ sẽ tiến hành huấn luyện quân sự tại quần đảo Hoàng Sa trên Biển Đông từ 7 giờ sáng đến 3 giờ chiều ngày 28/9, trong thời gian này tàu thuyền bị cấm đi vào.

Trước những hành động khiêu khích liên tục của ĐCSTQ, Mỹ đã có đáp trả mạnh mẽ.

Trong hai ngày 22 – 23/9, Mỹ đã điều nhiều máy bay trinh sát đến Biển Đông và Hoàng Hải để tiến hành trinh sát. Ngày 26/9, một máy bay quân sự khác được cử đi trinh sát lập kỷ lục tiếp cận gần bờ biển Trung Quốc.

Ngày 14 – 25/9, Mỹ tiến hành diễn tập quân sự 2 năm một lần trong 12 ngày trên đảo Guam. 

Từ ngày 23 – 25/9, tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Hamilton đã đi vào Biển Đông qua eo biển Malacca.

Ngày 25/9, hai máy bay B-1B của Mỹ cất cánh từ đảo Guam và bay theo hướng Đài Loan, điểm đến có thể là Biển Hoa Đông hoặc Biển Đông.

Trong bài phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc vào ngày 22, Tổng thống Trump chỉ ra rằng trong 4 năm qua, quân đội Mỹ đã đầu tư 2,5 nghìn tỷ USD. Mỹ có quân đội hùng mạnh nhất thế giới, không ai sánh kịp. Vũ khí của Mỹ đã đạt đến trình độ tiên tiến chưa từng có.

“Nói một cách thẳng thắn, chúng tôi trước đây chưa từng nghĩ sẽ có loại vũ khí này. Chúng tôi chỉ cầu nguyện thần cho chúng tôi không bao giờ dùng đến chúng”, ông Trump nói. 

EU đứng về phía Mỹ trong cuộc cạnh tranh của các nước lớn

Ngày 25/9, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, đã tuyên bố tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc rằng trong các cuộc xung đột giữa các nước lớn của thế kỷ 21, EU đứng về phía Mỹ chứ không phải Trung Quốc (ĐCSTQ).

“Kể từ khi tôi trở thành Chủ tịch Hội đồng Châu Âu, mọi người thường hỏi tôi một vấn đề đơn giản và thẳng thắn”, ông Charles Michel nói trong một bài phát biểu được thu âm trước. “Trong cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc (ĐCSTQ), EU sẽ đứng về phía nào? Câu trả lời của tôi như sau. Chúng tôi có mối liên hệ sâu sắc với Mỹ. Chúng tôi chia sẻ những lý tưởng, giá trị quan và tình cảm chung, điều này đã được củng cố trong thử thách của lịch sử.”

Ông Charles Michel nói, mặc dù đôi khi có “cách làm hoặc lợi ích khác nhau” giữa Brussels (Bỉ) và Washington, “Chúng tôi không đồng ý với các giá trị mà hệ thống chính trị và kinh tế của Trung Quốc dựa trên cơ sở đó. Chúng tôi sẽ không ngừng thúc đẩy tôn trọng quyền nhân quyền, bao gồm cả nhân quyền của các dân tộc thiểu số như người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Hay như ở Hồng Kông, các cam kết quốc tế nhằm đảm bảo pháp quyền và dân chủ đang bị đặt câu hỏi.”

ĐCSTQ bị bao vây tại Liên Hiệp Quốc

Tại phiên họp này của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, ĐCSTQ cũng bị các nguyên thủ quốc gia, bao gồm Tổng thống Mỹ Trump, Tổng thống Pháp Macron, Thủ tướng Úc Morrison và Tổng thống Philippines Duterte, phê bình và chỉ trích.

Tại hội nghị truyền hình trực tiếp tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc hôm 22/9, Tổng thống Trump đã chỉ trích ĐCSTQ ở nhiều phương diện, bao gồm các phương như dịch bệnh virus Trung Cộng (viêm phổi Vũ Hán, COVID-19), ô nhiễm môi trường, v.v.

Ông Trump nói rằng thế giới phải quy trách nhiệm cho ĐCSTQ, vì ĐCSTQ đã thả bệnh dịch cho thế giới và làm hại 188 quốc gia. Vào thời kỳ đầu dịch bệnh, ĐCSTQ và Tổ chức Y tế Thế giới đã có tuyên bố sai lầm rằng không có bằng chứng cho thấy virus sẽ lây truyền từ người sang người, về sau lại tiếp tục sai lầm khi tuyên bố sai rằng những người nhiễm không có triệu chứng sẽ không lây truyền bệnh.

Thời kỳ đầu đại dịch, ĐCSTQ đã chặn việc đi lại trong nước, nhưng cho phép các chuyến bay rời khỏi Trung Quốc và để cho virus lây nhiễm ra toàn thế giới. Ông Trump nói “Trung Quốc (ĐCSTQ) lên án lệnh cấm đi lại của tôi đối với đất nước của họ, mặc dù chính họ đã hủy các chuyến bay nội địa và nhốt công dân của họ ở nhà.”

Về ô nhiễm môi trường, ông Trump cáo buộc Trung Quốc đổ hàng triệu tấn nhựa và rác thải ra biển mỗi năm, đánh bắt quá mức ở vùng biển của các nước khác, phá hủy các rạn san hô lớn; thải ra khí quyển nhiều thủy ngân độc hại hơn bất kỳ nước nào trên thế giới. Lượng khí thải carbon của Trung Quốc gần như gấp đôi của Mỹ và con số này vẫn đang tăng lên nhanh chóng.

Tổng thống Pháp Macron đã có bài phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc vào ngày 22/9, công khai yêu cầu cử phái đoàn điều tra quốc tế đến Tân Cương để tiến hành điều tra, đồng thời nhấn mạnh rằng nhân quyền là giá trị phổ quát, không chỉ là giá trị quan của các nước phương Tây, không thể cứ hễ nhắc đến nhân quyền là lại lôi lý do “can thiệp vào công việc nội bộ” ra để đối kháng. Còn “can thiệp vào công việc nội bộ” là lá chắn được ĐCSTQ thường xuyên sử dụng để đáp lại những lo ngại của ngoại giới về vấn đề quyền tại Trung Quốc.

Tổng thống Philippines Duterte, người vẫn luôn được coi là có lập trường ủng hộ Trung Quốc, cũng tuyên bố trong bài phát biểu video tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc vào ngày 22/9 rằng, phán quyết của Tòa án Công lý Quốc tế về chủ quyền Biển Đông đã trở thành một phần của luật pháp quốc tế và không có chỗ cho thương lượng. Bất cứ thay đổi nào của chính phủ cũng không thể làm suy yếu hoặc bán đứng phán quyết này. Ông Duterte phê bình nhưng không chỉ đích danh ĐCSTQ về việc không công nhận phán quyết của Tòa án Quốc tế năm 2016 về chủ quyền Biển Đông.

Thủ tướng Úc Morrison một lần nữa kêu gọi một cuộc điều tra độc lập về virus Trung Cộng tại hội nghị truyền hình của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc vào ngày 26/9 để xác định nguồn lây từ động vật sang người của virus Trung Cộng và cách nó lây lan sang người.

Trước đó, do Úc đã thúc đẩy một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc của virus Trung Cộng, nên đã phải chịu sự trả đũa từ ĐCSTQ và bị ĐCSTQ áp thuế đối với một số sản phẩm của Úc, nhưng Úc chưa bao giờ lùi bước.

Ngoài các bài phát biểu của các nguyên thủ quốc gia, ĐCSTQ cũng trở thành mục tiêu chỉ trích của công chúng tại cuộc họp của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc. Ngày 22/9, khi Giám đốc điều hành của Nhóm Giám sát Liên Hiệp Quốc là ông Hillel Neuer công khai cáo buộc ĐCSTQ cưỡng chế giam giữ người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, đã bị các đại diện của ĐCSTQ đập bàn để phản đối.

Ngày 25/9, tại Hội đồng Nhân quyền Liên Liên Hiệp Quốc, Liên minh Châu Âu, Vương quốc Anh, Úc và Canada đã nhất trí lên án những hành vi sai trái của ĐCSTQ và liên tiếp biểu đạt mối quan tâm ngày càng tăng của họ về các vấn đề nhân quyền ở Hồng Kông, Tân Cương.

Hãng Thông tấn Trung ương Đài Loan (CNA) chỉ ra, tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc lần này, ĐCSTQ đã gặp phải thách thức lớn nhất trong những năm gần đây.

Mỹ chỉ trích ĐCSTQ che giấu dịch bệnh

Ngoài việc Tổng thống Mỹ Trump lên án ĐCSTQ gây ra đại dịch toàn cầu, Nhà Trắng và Ủy ban Đối ngoại của Hạ viện Mỹ cũng chỉ ra rằng ĐCSTQ là thủ phạm chính của đại dịch lần này.

Trong cuộc họp báo chiều ngày 22/9, người phát ngôn Nhà Trắng Kayleigh McEnany đã chỉ ra, ĐCSTQ đã che giấu thông tin về dịch bệnh ngay từ đầu, và ĐCSTQ cũng đã hợp tác với WHO để che giấu thông tin quan trọng về sự lây lan của dịch bệnh, “Những việc mà Trung Quốc (ĐCSTQ) đã làm là không thể tha thứ.”

“Về COVID, không có kẻ ác bá nào lớn hơn Trung Quốc (ĐCSTQ). Đây là điều hiển nhiên. Hãy nhìn vào những gì đã xảy ra tại Tổ chức Y tế Thế giới”, người phát ngôn Nhà Trắng Kayleigh McEnany nói. 

Ngày 21/9, các thành viên Đảng Cộng hòa trong Ủy ban Đối ngoại của Hạ viện Mỹ đã công bố báo cáo cuối cùng về nguồn gốc của đại dịch virus Trung Cộng và vai trò của ĐCSTQ và WHO trong đại dịch.

Bản báo cáo chỉ ra, không còn nghi ngờ gì nữa, ĐCSTQ đã chủ động che giấu dịch bệnh và đàn áp các bác sĩ và nhà báo Trung Quốc, những người cố gắng cảnh báo cho thế giới. ĐCSTQ đã cố tình phớt lờ các nghĩa vụ được quy định trong Điều lệ Y tế Quốc tế (2005). Điều này bao gồm cả Tổng bí thư ĐCSTQ Tập Cận Bình, người chỉ đưa ra thông báo với công chúng sau khi biết dịch bệnh bùng phát vài tuần.

Theo báo cáo, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom cũng hợp tác với ĐCSTQ để che giấu dịch bệnh, ông ca ngợi ĐCSTQ vì sự “minh bạch” trước những nghi ngờ ngoại giới về việc ĐCSTQ che giấu tình hình dịch bệnh.

Ngày 23/9, Ngoại trưởng Mỹ Pompeo đã tuyên bố tại Thượng viện tiểu bang Wisconsin rằng ĐCSTQ đã cố gắng móc nối việc Mỹ lên án ĐCSTQ xử lý dịch bệnh không hiệu quả với các vấn đề sắc tộc.

Ông nêu ví dụ, bà Ngô Đình (Wu Ting) – vợ của Tổng lãnh sự ĐCSTQ tại Chicago Triệu Kiến (Zhao Jian), đã viết thư cho Chủ tịch Thượng viện bang Wisconsin Roger Roth lần lượt vào tháng 2 và tháng 3, yêu cầu Thượng viện bang Wisconsin khen ngợi các hành động chống dịch của ĐCSTQ và nói ĐCSTQ “giúp toàn cầu giành lấy thời gian quý báu để chống lại dịch bệnh ”.

Sau khi nhận được bức thư, Chủ tịch Thượng viện bang Wisconsin Roger Roth đã rất tức giận và trực tiếp trả lời vợ của đại sứ bằng từ “thiểu năng”, nhưng hành vi của ĐCSTQ vẫn không dừng lại.

Vào tháng 4, Dân biểu Mike Gallagher từ Wisconsin đã cùng với một Nghị sĩ liên bang khác từ Indiana, bày tỏ sự ủng hộ đối với một dự thảo nghị quyết lên án ĐCSTQ phản ứng không hiệu quả đối với dịch bệnh và yêu cầu ĐCSTQ phải chịu trách nhiệm.

Ngô Đình ngay lập tức chuyển lá thư của Tổng lãnh sự cho Viên chức liên lạc khu vực của Gallagher. Nội dung bức thư chứa đầy thông tin tuyên truyền của ĐCSTQ về đại dịch và thay đổi cách kể về virus, đồng thời liên kết nguồn gốc virus với sự kỳ thị chủng tộc người Hoa và tâm lý thù hận người nước ngoài; nói rằng việc nói về nguồn virus là một sự xúc phạm đối với Trung Quốc và người dân Trung Quốc.

Ông Pompeo chỉ ra, ĐCSTQ đang cố gắng móc nối sự tức giận của Mỹ đối với ĐCSTQ với vấn đề kỳ thị chủng tộc.

“Điều quan trọng là ĐCSTQ tin rằng những tiếng la hét phân biệt chủng tộc có thể được sử dụng để át đi những lời kêu gọi của người Mỹ về việc truy trách ĐCSTQ, và muốn kích động kiểu xung đột mà chúng ta đã chứng kiến ​​ở Minneapolis”, ông Pompeo nói.

ĐCSTQ thâm nhập nghiêm trọng vào xã hội Mỹ, cảnh sát New York trở thành gián điệp ĐCSTQ

Thượng nghị sĩ Mỹ Tom Cotton cho biết trong một cuộc phỏng vấn gần đây với phóng viên tiếng Anh của Epoch Times rằng mối quan hệ giữa Mỹ và ĐCSTQ ngày càng trở nên căng thẳng. Nguyên do là Mỹ cuối cùng đã vươn lên để chống lại sự xâm lược trường kỳ của ĐCSTQ trên nhiều mặt. Cho dù đó là hành vi đánh cắp cơ hội việc làm của người Mỹ, hay là cố gắng đe dọa các đồng minh của Mỹ, hoặc cướp đoạt các đối tác ngoại giao của bạn bè bang giao Đài Loan của Mỹ; hoặc tích trữ các thiết bị bảo vệ cá nhân trong giai đoạn đầu của đại dịch.

Ông Tom Cotton chỉ ra, trong một thời gian dài, ĐCSTQ đã “không tuyên mà chiến” chống lại Mỹ và toàn bộ thế giới phương Tây trên nhiều mặt trận. Do đó, Mỹ đã không hề gây ra cục diện căng thẳng mới, mà chỉ là chọn cách chống lại hành vi hung hăng xâm lược của ĐCSTQ. 

Ngày 21/9, cảnh sát gốc Hoa tên là Baimadajie Angwang tại quận Queens, thành phố New York, đã bị bắt vì tình nghi làm gián điệp Trung Quốc. Angwang từng phục vụ trong lực lượng Hải quân lục chiến, và vẫn là một thượng sĩ trong Lực lượng Dự bị Lục quân.

Một sĩ quan của Sở Cảnh sát Thành phố New York, Angwang, người sinh ra ở Tây Tạng, đã bị bắt tại Hoa Kỳ vào ngày 21/9. (Nguồn ảnh: NTDTV)

Angwang gia nhập Sở Cảnh sát Thành phố New York vào năm 2016. Kể từ khoảng năm 2018, Angwang đã duy trì liên hệ với ít nhất hai quan chức ĐCSTQ trong Lãnh sự quán Trung Quốc ở New York. Theo thông tin, quan chức thứ hai được cho là thuộc Hiệp hội Bảo vệ và Phát triển Văn hóa Tây Tạng thuộc Ban Công tác Mặt trận Thống nhất của ĐCSTQ. Cơ quan này chịu trách nhiệm loại bỏ căn nguyên của sự phản đối tiềm tàng đối với các chính sách và quyền uy của Trung Quốc.

Ngày 23/9, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói với tờ New York Post rằng Lãnh sự quán Trung Quốc ở New York là nơi ẩn náu chính của các hoạt động gián điệp của ĐCSTQ ở Mỹ. Mỹ rất có khả năng sẽ bắt giữ thêm các nhà ngoại giao và đặc vụ ĐCSTQ.

Ông Pompeo cũng đề cập rằng Mỹ đã đóng cửa Lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston vì họ tham gia vào các hoạt động gián điệp. “Điều này là bất hợp pháp, vì vậy chúng tôi cần đuổi họ đi.”

Ngày 23/9, ông Pompeo tuyên bố tại Thượng viện bang Wisconsin rằng, các quan chức ĐCSTQ đang tiến hành các hoạt động công khai toàn diện ở cấp bang và thành phố. Đồng thời, ông cũng nói Lãnh sự quán Trung Quốc tại New York “rất sôi nổi và tích cực trong các hoạt động chính trị.”

Ông nói: “Các hoạt động của ĐCSTQ nhắm vào các quan chức cấp bang và lợi ích địa phương đã diễn ra trong nhiều năm, và cường độ ngày càng tăng”.

Ông Pompeo cũng tiết lộ rằng Mỹ đang xem xét hoạt động của hai cơ quan thuộc Ban Công tác Mặt trận Thống nhất do ĐCSTQ tổ chức tại Mỹ. Một là “Hiệp hội hữu nghị đối ngoại” của ĐCSTQ và một là “Hiệp hội xúc tiến thống nhất hòa bình” của ĐCSTQ. Bởi vì các tổ chức này gây ảnh hưởng đến các trường học, phòng thương mại, chính trị gia, tổ chức truyền thông và các nhóm người Hoa tại Mỹ.

Ông cũng nhắc đến cái gọi là kế hoạch thành phố kết nghĩa do ĐCSTQ khởi xướng cũng là một phần của Tổ chức Công tác Mặt trận Thống nhất của ĐCSTQ, cơ quan này thuộc “Hiệp hội Hữu nghị Nước ngoài” của ĐCSTQ.

Tôn Vân / Epoch Times

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn