Châu Âu-Trung Quốc: Chuyến du thuyết của Vương Nghị thất bại?

Thứ Năm, 03 Tháng Chín 20206:58 CH(Xem: 3571)
Châu Âu-Trung Quốc: Chuyến du thuyết của Vương Nghị thất bại?

Khẩu trang bắt buộc, bài toán nhức óc của các xí nghiệp và học đường phải sống chung với siêu vi corona; vòng công du châu Âu đầy trắc trở của ngoại trưởng Trung Quốc; Belarus lâm vào bế tắc; Liban trước giờ định đoạt tương lai là những chủ đề chung của báo chí Pháp 01/09/2020.

Chuyến du thuyết của ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị thành công hay thất bại ?

Trong bối cảnh Vương Nghị và Dương Khiết Trì, một người là ngoại trưởng, một người là ủy viên Bộ Chính Trị đặc trách đối ngoại của đảng Cộng Sản Trung Quốc, kẻ trước người sau, đi một vòng châu Âu chuẩn bị cho thượng đỉnh Liên Hiệp Châu Âu-Trung Quốc 14/09/2020 (qua video), Le Figaro phân tích hai thế cờ của Bắc Kinh còn Le Monde tường thuật nhiệm vụ bất khả của sứ giả Hoa Lục.

Chuyên gia và báo chí  Pháp nhận xét khác biệt nhau . Đối với Le Figaro và Le Monde, miệng lưỡi của Bắc Kinh đã « hết linh ».

Trước hết, chuyên gia Marc Julienne, thuộc Viện Quan Hệ Quốc Tế IFRI đánh giá chuyến đi của Vương Nghị là thành công vì tuy chỉ là quan chức « thứ yếu » trong guồng máy « Nhà nước đảng trị » nhưng ngoại trưởng Trung Quốc được cả tổng thống Emmanuel Macron tiếp. Trong khi đó, Le Monde khẳng định ngược lại. Xin nêu một vài trường hợp cụ thể:

Tại Ý, cho dù là thành viên G7 đầu tiên ký kết vào dự án « Con Đường Tơ Lụa » của Trung Quốc vào năm 2019, nhưng thủ tướng Giuseppe Conte từ chối tiếp Vương Nghị cho dù phía Trung Quốc yêu cầu. Tại Đức, ba dân biểu đại diện ba chính đảng ký thư chung kêu gọi ngoại trưởng Đức Heiko Maas đừng để Trung Quốc « lợi dụng làm công cụ ».

Chưa hết, trong lúc ngoại trưởng Trung Quốc đang ở châu Âu thì một phái đoàn hùng hậu của Cộng Hoà Séc, 90 người, do chủ tịch Thượng Viện Milos Vystrcil dẫn đầu, đi thăm Đài Loan 5 ngày.

Chính phủ Pháp, kín đáo hơn, nhưng trong tháng 8 vừa qua, đã cho Đài Loan mở văn phòng đại diện thứ hai tại Pháp, ở tỉnh Aix-en-Provence, nơi không có cơ quan ngoại giao Hoa Lục.

Le Monde còn chỉ ra những luận điểm và số liệu không đúng với sự thật mà ngoại trưởng Vương Nghị đưa ra để biện minh cho chính sách đàn áp tại Tân Cương và Hồng Kông khi bị phóng viên chất vấn. Ông nói có đến 70% dân Hồng Kông ủng hộ « luật an ninh » trong khi một cuộc thăm dò do Viện Nghiên Cứu Ý Kiến Công Luận Hồng Kông, rất có uy tín, xác nhận 66% số người được hỏi chống lại đạo luật an ninh này .

Theo Le Monde, lời khẳng định của ngoại trưởng Trung Quốc « Hồng Kông và Tân Cương là chuyện nội bộ của Trung Quốc » không thuyết phục được công luận châu Âu.

Cũng cùng nhận định, nhật báo thiên hữu  Le Figaro giải thích vì sao Bắc Kinh đánh cược và muốn Donald Trump ngồi thêm bốn năm. Vì sao ban lãnh đạo Trung Quốc chuẩn bị kế hoạch B nếu Joe Biden và phe thiên tả Mỹ, mà Bắc Kinh rất ngại, sẽ chiến thắng. Vòng công du của Vương Nghị và Dương Khiết Trì là nhằm làm giảm căng thẳng với châu Âu để « cùng » đối phó với Mỹ.

Tuy không cáo buộc các tập đoàn viễn thông Trung Quốc làm gián điệp như đồng nhiệm Hoa Kỳ Donald Trump, nhưng tổng thống Pháp không thay đổi lập trường. Đối với Emmanuel Macron, không có chuyện giao hệ thống trang thiết bị tế nhị cho những công ty ngoài châu Âu.

Thâm ý của Bắc Kinh khi ve vuốt châu Âu, thật ra là « mua thời gian » và giảm nhẹ tác động của chiến tranh thương mại đối với nền kinh tế Trung Quốc, theo nhận định của Le Figaro.

Những thách thức nghiêm trọng đối với kinh tế Trung Quốc

Kinh tế Trung Quốc đứng trước những thách thức nghiêm trọng do chính sách kinh tế hai vận tốc ? Giải pháp là phải « lấy của người giàu chia cho người nghèo » ?

Thật ra, theo Les Echos, cụm từ thời thượng trong Bộ Chính Trị đảng Cộng Sản Trung Quốc là « chiến lược song hành » mà chủ tịch Tập Cận Bình rất thích chí : « Tập trung kích cầu trong nước nhưng không quay lưng lại với xuất khẩu và đầu tư của nước ngoài ». Vấn đề là với đại dịch Covid-19, cả xuất khẩu lẫn tiêu dùng trong nước đều giảm mạnh, không thể dùng mãi lực của người dân để thiết lập quân bình. Mức tiêu thụ của người dân Hoa Lục rất thấp, chỉ độ 40% GDP, trong khi dân Pháp là 55%, dân Mỹ đến 68%.

Với đại dịch làm thất nghiệp hàng loạt và giảm lương, khả năng tiêu thụ trong nước đã thấp nay càng yếu thêm. Trừ những kẻ giàu vẫn phây phây tiếp tục đặt mua xa xỉ phẩm từ nước ngoài, đại đa số dân nghèo có nguy cơ bị tác động của khủng hoảng làm cơ cực thêm.

Theo Les Echos, năm 2020 sẽ là năm tình trạng mất quân bình của kinh tế Trung Quốc nghiêm trọng thêm. Đời sống của 600 triệu dân, như tuyên bố của thủ tướng Lý Khắc Cường, đã rất cơ cực với không tới 1.000 nhân dân tệ mỗi tháng (130 đôla).

Covid-19 có thể làm cho một bộ phận trong số 800 triệu dân rơi trở lại vào vòng nghèo khó mà Trung Quốc hãnh diện thực hiện thành công trong 40 năm qua.

Nếu muốn tái lập quân bình kinh tế, chỉ có biện pháp duy nhất là « san sẻ tài sản cho người dân bình thường và qua đó là quyền lực chính trị », theo phân tích của Machael Pettis, giáo sư kinh tế đại học Bắc Kinh.

Khủng hoảng Covid-19 là khủng hoảng kinh tế lẫn chính trị cho nhiều nước, Les Echos cảnh báo.

Về vụ Tik Tok, Les Echos và Le Figaro gần như cùng một tựa: Bắc Kinh can thiệp ngăn chận việc bán TikTok cho các nhà đầu tư Mỹ.

Trang kinh tế của Les Echos còn tập trung vào hai tin xấu cho Ấn Độ « GDP của cường quốc kinh tế thứ ba châu Á lao dốc 23,9% trong quý 2 của năm 2020 vì Covid-19 ».           

Belarus: Chính quyền đàn áp, dân chúng vẫn biểu tình

Trong lúc tổng thống Nga mời Loukachenko sang Matxcơva, tại Minsk, dân chúng vẫn biểu tình rầm rộ mỗi Chủ Nhật, tựa của Le Monde.

Belarus lâm vào bế tắc, hệ quả kinh tế của cuộc bầu cử gian lận hồi tháng 8. Ngành điện toán, một lãnh vực mũi nhọn của Belarus, rất lo âu cho tương lai. Les Echos cũng cho biết nhiều công ty Belarus tính đến giải pháp di dời ra nước ngoài.

Le Monde với ảnh rừng người trên trang nhất và phóng sự ở hai trang báo dài, trở lại cuộc biểu tình vào mỗi chủ Nhật với tựa: Loukachenko đe dọa, đối lập huy động lực lượng. Như thông lệ từ nhiều tuần qua, Chủ Nhật vừa qua, dân Belarus lại xuống đường. Theo thông tín viên Le Monde từ Minsk, nhiều dấu hiệu cho thấy chính quyền sắp gia tăng đàn áp: nhiều phóng viên quốc tế bị trục xuất, tổng thống Loukachenko được Putin mời sang Matxcơva. Liên Hiệp Châu Âu khuyến cáo Nga không nên can thiệp quân sự. Trong bối cảnh căng thẳng, một giáo sư đại học Minsk vẫn lạc quan: Hãy nhìn xem chúng tôi đông như thế này thì làm sao có thể bóp nghẹt một cuộc động viên như thế.

Mùa khai trường căng thẳng vì Covid-19

Phải nhập học bằng mọi giá, đóng cửa trường, đầu hàng đại dịch còn nguy hiểm hơn đại dịch. Đó là chủ đề chung của báo Pháp hôm nay. Libération giới thiệu kinh nghiệm các lớp ngoài trời ở Bắc Âu và Canada.

La Croix đặt câu hỏi liệu các biện pháp trói buộc có đủ hiệu quả ngăn dịch lây lan ở trường học hay không ? Hai bác sĩ y khoa trả lời: Tăng cường các biện pháp vệ sinh bắt buộc để không phải đóng cửa trường. Bởi vì một thế giới không trường học nguy hiểm hơn con siêu vi corona gấp bội.

Để tránh những tranh luận đeo khẩu trang hay không mà một số tổ chức chính trị cực đoan khai thác, Libération đưa độc giả đến Bắc Âu và Québec, nơi mà lớp học ngoài trời được thí nghiệm từ lâu và có kết quả qua bài phóng sự dài với tựa: Đổ xô tìm không khí trong lành. Tác dụng cho sức khỏe và khả năng tiếp thu của trẻ em .

Một chi tiết được lưu ý: Ở Pháp trời hay mưa. Bắc Âu lạnh nhưng khô ráo, chỉ có gió mạnh là hơi phiền cho lớp học ngoài trời.

Liban và Pháp: Câu chuyện 100 năm

Một chủ đề quốc tế có liên quan đến Pháp là hồ sơ Liban. Le Figaro lưu ý: Năm nay đúng 100 năm ngày Pháp thành lập nước Đại Liban với các cộng đồng tôn giáo, Thiên Chúa đa số, Hồi Giáo thiểu số, sống chung hài hòa.

Nhưng một thế kỷ sau, với dân số tăng nhanh, mối quân bình mong manh này không cón thích hợp.

La Croix, nhân chuyến công du của tổng thống Emmanuel Macron hy vọng Liban sẽ hồi sinh. Con đường thoát ra tình trạng nội chiến là Nhà nước thế tục. Lãnh đạo các chính đảng đều ủng hộ giải pháp này. Tổng giám mục Sako, người Irak cũng khuyến khích. Chỉ có  Hezbollah không đồng ý.

Theo nhật báo Công Giáo, Liban sẽ hồi sinh nếu chọn Nhà nước thế tục và sẽ lấy lại vị thế minh châu của Trung Đông.

Trang diễn đàn, 27 nhân vật có tiếng tăm kêu gọi tổng thống Emmanuel Macron và Liên Hiệp Châu Âu đưa Hezbollah vào danh sách khủng bố. Tổ chức chính trị, tôn giáo võ trang này, theo các tác giả, là kẻ gây rối, phá hoại, tự khoe là một Nhà nước trong một Nhà nước, mạnh hơn cả quân đội Liban. Chính Hezbollah nhận tiền của Iran để giúp Bachar al-Assad phạm tội ác chống nhân loại tại Syria. Khủng bố tại châu Âu và các nơi khác nữa cũng là bàn tay của Hezbollah

27 nhân vật này gồm nhiều triết gia, nhà báo, văn sĩ, luật gia, chính trị gia, cựu tổng biên tập tuần báo trào phúng Charlie Hebdo, Y Sĩ Không Biên Giới…

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn