Đông Nam Á dùng thần chú “Tin giả” của ông Trump để kiểm soát truyền thông

Thứ Tư, 31 Tháng Giêng 20189:00 CH(Xem: 5190)
Đông Nam Á dùng thần chú “Tin giả” của ông Trump để kiểm soát truyền thông

Các chính phủ tại Đông Nam Á vốn có lịch sử sử dụng luật pháp và tư pháp để hạn chế quyền tự do báo chí, hiện nay họ lại tìm được cái “nạng tiện dụng” để dựa vào khi tăng cường kiềm chế truyền thông: thần chú “Tin giả” của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump

Tổng thống Trump thường gọi CNN là Fake News

Theo Reuters, lo lắng của các nhà hoạt động dân chủ vì quyền tự do báo chí, truyền thông là nhiều quốc gia đang xúc tiến luật mới hoặc mở rộng các luật định hiện hành để khép việc đưa tin giả là tội phạm hình sự. Nỗi sợ hãi của họ là các chính quyền thay vì tập trung vào việc hạn chế các câu chuyện giả mạo trên truyền thông xã hội, họ sẽ sử dụng luật mới để nhắm vào các hãng tin tức hợp pháp có tiếng nói đối lập, chỉ trích chính quyền.

Ông Shawn Crispin, đại diện của Ủy ban Bảo vệ Nhà báo tại khu vực Đông Nam Á, nói với Reuters rằng: “Khi lãnh đạo Hoa Kỳ liên tục nhắm đến báo cáo truyền thông hợp pháp là giả mạo, nó mở đường cho các nhà lãnh đạo thế giới cùng làm như vậy. Đó là một xu hướng nguy hiểm cho phép các chế độ cả dân chủ và độc tài biện minh cho chủ trương đóng cửa các hãng truyền thông mà họ không thích”.

Nhà báo Philip Bowring, cựu biên tập viên của tạp chí Đánh giá Kinh tế Viễn đông, đóng cửa vào năm 2009, cho biết “tin giả” là “một cụm từ thuận lợi” cho các chính phủ mà trong bất kỳ trường hợp nào cũng tìm cách để bẻ cong tự do báo chí. Ông thấy thần chú này “chỉ là một mánh lới thu hút sự chú ý mới” cho phép các chính phủ biện minh cho hành vi đàn áp dân chủ của họ.

Thuật ngữ “tin giả” thậm chí đã được sử dụng trong văn kiện của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Một tuyên bố của ASEAN vào cuối một hội nghị thượng đỉnh hồi tháng 11/2017 đã nhắc đến cụm từ “tin giả” khi đề cập tới việc khối này biểu dương các chính phủ thành viên đã làm tốt công tác chống tin tức truyền thông sai trái.

Chính phủ các nước như Philippines, Campuchia, Singapore, Malaysia, Thái Lan, Myanmar…gần đây đều ít nhiều lấy cớ “tin giả” để trấn áp truyền thông đối lập.

Rappler bị đóng cửa vì đưa tin chống lại Tổng thống Duterte

Người dân Philippines biểu tình phản đối chính quyền đóng cửa tờ Rappler 

Rappler của Phillippines là hãng tin tức thường xuyên đưa các thông tin soi xét kỹ lưỡng chiến dịch chống ma túy đẫm máu của chính quyền Tổng thống Rodrigo Duterte. Tuần trước, hãng tin này đã bị cơ quan chức năng thu hồi giấy phép hoạt động.

Bộ Tư pháp Philippines đang xem xét điều tra Rappler về trách nhiệm hình sự và Cục điều tra Quốc gia cũng triệu tập Giám đốc điều hành hãng tin này để yêu cầu trả lời các khiếu nại liên quan tới tội phạm mạng.

Sau khi Rappler bị thu giấy phép, ông Duterte đã nói với báo giới rằng đó là “hãng tin giả” đưa toàn các tin “rác rưởi, bẩn thỉu”. Tổng thống Duterte phủ nhận việc đã gây ảnh hưởng tới quyết định của các nhà quản lý nhà nước về truyền thông.

Ông John Nery, Phó Tổng biên tập của tờ Philippine Daily Inquirer, tờ báo cũng đang bị chính quyền gây áp lực, đã nói rằng cụm từ  “tin giả” bây giờ được sử dụng khéo léo bởi những người không thích điều họ nghe.

Không may mắn cho chúng tôi, những thành phần đó có bao gồm chính quyền Philippines. Do đó, họ đã sử dụng [cớ đó] để hăm dọa [truyền thông]”, Reuters dẫn lời ông John Nery.

Reuters cho biết giới chức Philippines đang xem xết việc ban hành luật mới chống tin giả, với các điều khoản phạt và bỏ tù lên tới 20 năm cho hành vi phát tán tin tức giả mạo.

Phát ngôn viên của tổng thống Philippines Harry Roque cho rằng luật mới này đang được xúc tiến bởi hai thượng nghị sĩ không thuộc chính quyền Duterte.

Khi được hỏi liệu chính quyền có cảm thấy cần thiết phải điều chỉnh tin giả, ông Roque nói: “Chúng tôi tin vào quyền tự do đưa ra các ý kiến”.

Giới chức Campuchia gọi “Tin giả” giống như “thuốc độc hoặc súng”

Hun-Sen

Thủ tướng Campuchia Hun Sen thường xuyên đổ lỗi cho truyền thông lan truyền “tin giả”.

Trong một phát ngôn gần nhất hôm thứ Bảy (20/1), ông Hun Sen đã ủng hộ Tổng thống Trump công bố giải thưởng “Tin giả”, nói rằng:  “Tôi nghĩ Tổng thống Donald Trump chính xác khi tạo ra một giải thưởng ông vừa công bố mấy ngày gần đây – Giải thưởng Tin giả. Và tại Campuchia cũng có nhiều kênh truyền thông loại này”.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Campuchia Huy Vannak trao đổi với Rueters rằng: “Mọi người, kể cả dân thường, phải đấu tranh với tin giả vì tin giả giống như thuốc độc hoặc súng và nó có thể giết chết xã hội tươi đẹp của chúng ta”.

Thủ tướng Malaysia cáo buộc phe đối lập sử dụng truyền thông “tin giả” để giảm ủy tín của ông

Thủ tướng Malaysia Najib Razak gần đây đã cáo buộc phe đối lập sử dụng truyền thông phát tán tin giả về vụ bê bối liên quan đến quỹ tài chính nhà nước 1Malaysia Development Berhad (1MDB) – một công ty phát triển chiến lược do chính phủ Malaysia lập ra.

Reuters cho biết 1MDB đang bị điều tra tại ít nhất sáu quốc gia vì liên quan tới hoạt động rửa tiền và sử dụng sai quỹ, bao gồm cả việc chuyển 681 triệu USD vào tài khoản cá nhân của Thủ thướng Najib Razak.  Bộ Tư pháp Mỹ vào năm ngoái đã thụ lý nhiều đơn kiện để thu hồi hơn 1,7 tỷ USD tài sản được cho là đã bị đánh cắp từ 1MDB.

Thủ tướng Malaysia đã bác bỏ mọi sai phạm liên quan tới 1MDB.

Chính phủ của ông Najib đã đình chỉ các phương tiện truyền thông và chặn các trang website đưa tin về ông ta liên quan tới 1MDB. Với chiến dịch chạy đua bầu cử đang trong giai đoạn bùng nổ,  gần đây Thủ tướng Najib đã tung ra một trang web nhằm chống lại “tin giả”.

Chính phủ Singapore cho rằng “tin giả” đe dọa tới an ninh quốc gia

Chính phủ Singapore đang lên kế hoạch xây dựng luật để giải quyết những thông tin giả mạo trên mạng mà họ cho rằng có thể đe dọa đến an ninh quốc gia.

Nhật báo Straits Times của Singapore tuần này đã dẫn ra 7 trường hợp “tin giả” được đem ra thảo luận tại phiên họp quốc hội, trong đó có tin về ba quốc gia khác và một là về hình ảnh thịt lợn (món kiêng của người Hồi giáo) được cho là đã bán tại các siêu thị và lan truyền rộng rãi trên mạng hồi năm 2007.

Bộ trưởng Luật pháp và các Vấn đề Nội địa Kasiviswanathan Shanmugam nói với các nhà lập pháp rằng chống lại các hành động giả dối không trái với việc thực hiện quyền tự do ngôn luận, mà nó còn “khiến cho quyền tự do ngôn luận được thực hiện có ý nghĩa”.

Việc truyền bá những lời giả dối có chủ ý … tấn công thẳng vào trái tim của nền dân chủ và nếu không được kiểm soát, có thể phá hoại niềm tin vào đất nước và các thể chế quốc gia”, Reuters dẫn lời ông Shanmugam.

Chính quyền quân sự Thái Lan đe dọa tăng cường trấn áp “Tin giả”

Thái Lan đã có luật an ninh mạng, trong đó việc đưa thông tin sai lệch bị phạt đến 7 năm tù, và chính quyền quân sự thực thi nghiêm minh các đạo luật chống gian lận để bảo vệ gia đình hoàng gia khỏi bị lăng mạ.

Tuy vậy, nhà lãnh đạo cầm quyền Prayuth Chan-ocha vẫn cảnh báo rằng sẽ có hành động cứng rắn để thi hành các luật chống lại “tin giả và phát ngôn thù hận

Chính quyền Myanmar đàn áp truyền thông đưa tin về cuộc khủng hoảng nhân đạo tại Rakhine

Nhà cầm quyền Myanmar đã công kích mạnh mẽ các cơ quan thông tấn nước ngoài vì đưa “tin giả” về cuộc đàn áp quân sự tại bang Rakhine, gây ra cuộc di dân của hơn 650.000 người thiểu số Hồi giáo Rohingya sang Bangladesh.

Reuters cho biết giới chức Myanmar đã bắt giam ít nhất 29 nhà báo kể từ khi người từng đoạt giải Nobel Hòa Bình Aung San Suu Kyi lên nắm quyền năm 2016. Trong số đó có hai phóng viên của Reuters, những người thực hiện các phóng sự điều tra về cuộc khủng hoảng ở Rakhine và đang bị cáo buộc vi phạm Đạo luật Bí mật Chính thức mà Myanmar áp dụng từ thời còn là một bang của Ấn Độ, thuộc địa của Anh Quốc.

Hùng Cường (T/h)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn