Phụ nữ Việt Nam vẫy cờ Việt Nam và Ấn Độ trong chuyến đi thăm Ấn Độ của cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng năm 2007

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Phụ nữ Việt Nam vẫy cờ Việt Nam và Ấn Độ trong chuyến đi thăm Ấn Độ của cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng năm 2007

Việt Nam và Ấn Độ tiếp tục thắt chặt quan hệ song phương với nhiều cuộc họp cấp cao gần đây, trong bối cảnh hai nước cùng có quan ngại về các động thái của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Mới nhất, hôm 25/8, một phiên họp trực tuyến của Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam - Ấn Độ về Hợp tác Kinh tế, Thương mại, Khoa học và Công nghệ đã diễn ra dưới sự chủ trì của bộ trưởng ngoại giao hai nước.

Trong số nhiều nội dung được bàn thảo tại cuộc họp, hoạt động của Trung Quốc tại Biển Đông và trên Đường kiểm soát Thực tế giữa Ấn Độ và Trung Quốc (LAC) được nhắc tới, và hai bên cùng tóm tắt những diễn tiến mới nhất cho nhau, tờ HindusTimes đưa tin.

Trang tin Chính phủ Việt Nam nói hai bên "khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không, giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông dựa trên luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, và kêu gọi các bên tôn trọng phán quyết của các cơ chế giải quyết tranh chấp của UNCLOS."

Trước đó ít ngày, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu gặp Bộ trưởng Ngoại giao Harsh Shringla và cập nhật cho vị bộ trưởng những căng thẳng mới nhất ở Biển Đông, sau khi Trung Quốc điều máy bay ném bom H-6J tới Đảo Phú Lâm, thuộc Quần đảo Hoàng Sa.

Hôm 4/8, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Pranay Verma gặp Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng, người 'đánh giá cao lập trường của chính phủ Ấn Độ về vấn đề Biển Đông'.

Ấn Độ có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam, và Tập đoàn dầu khí ONGC Videsh của Ấn Độ đang tham gia khai thác thăm dò dầu khí ở Biển Đông.

Việt Nam mong muốn Ấn Độ tiếp tục có sự hiện diện trong khai thác dầu khí ở Việt Nam, và Ấn Độ đã nhiều lần khẳng định các công ty nước này sẽ tiếp tục các hoạt động với Việt Nam trên các vùng biển của Việt Nam.

Trong bối cảnh có các thách thức chiến lược trong khu vực Indo - Pacific, chủ yếu do Trung Quốc gây ra, Ấn Độ và Việt Nam tích cực ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn đa phương, trong đó có Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, nơi cả hai nước đều là ủy viên không thường trực.

Việt Nam và thiết bị quốc phòng Ấn Độ

Hợp tác về quốc phòng, an ninh được coi là một trong những lĩnh vực "trụ cột và hiệu quả" của quan hệ song phương Việt - Ấn.

Ấn Độ đã cung cấp cho Việt Nam một gói tín dụng trị giá 100 triệu USD để mua 12 tàu tuần tra cao tốc.

5 tàu sẽ được đóng tại xưởng Kattupalli, thuộc tập đoàn Larsen & Toubro của Ấn Độ, và 7 tàu đóng tại nhà máy đóng tàu Hồng Hà ở Việt Nam. Dự kiến các tàu sẽ được hoàn tất vào giữa năm 2021.

Hệ thống tên lửa Akash

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Hệ thống tên lửa Akash trong Lễ Diễu hành Ngày Cộng hòa Ấn Độ hôm 26/1/2020 ở thủ đô New Delhi

Ấn Độ cũng cho Việt Nam một gói tín dụng khác trị giá 500 triệu USD để mua các thiết bị quốc phòng của nước này.

Hiện chưa rõ Việt Nam sẽ mua thiết bị nào, nhưng các nguồn tin cho biết Hà Nội quan tâm đến hệ thống tên lửa đất đối không Akash và trực thăng nhẹ Dhruv của Ấn Độ, theo trang The Diplomat.

Bàn thảo về khả năng Ấn Độ bán hệ thống tên lửa Brahmos cũng đã diễn ra nhiều năm qua. Các chuyên gia quốc phòng cho rằng sau cuộc xung đột ở thung lũng Galwan, Ấn Độ nên triển khai cả hai hệ thống Brahmos và Akash và không nên e ngại về phản ứng của Trung Quốc.

Ấn Độ trong thời gian qua cũng hỗ trợ đào tạo và chia sẻ kinh nghiệm huấn luyện lực lượng gìn giữ hòa bình cho Việt Nam.

Indian Government issued an order on 29th June to ban 59 China-linked mobile phone applications on grounds of national security

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Chính phủ Ấn Độ ra lệnh cấm 59 ứng dụng điện thoại di động có liên quan đến Trung Quốc với lý do an ninh quốc gia

Căng thẳng Trung - Ấn

Quan hệ Trung - Ấn hết sức căng thẳng hồi giữa tháng Sáu khi một cuộc xung đột ở thung lũng Galwan đã khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng.

Thung lũng Galwan được coi là khu vực có tầm quan trọng chiến lược với cả New Delhi và Bắc Kinh. Nó là điểm nóng trong cuộc chiến giữa hai nước vào năm 1962. Tình hình ở đó khá bình yên cho tới 15/6 khi xung đột chết người nổ ra.

Phía Trung Quốc sau đó cáo buộc tội binh sĩ Ấn Độ đã châm ngòi bạo lực trước bằng cách băng qua đường kiểm soát thực tế, và tuyên bố có chủ quyền đối với Thung lũng Galwan.

Cuối tháng Sáu, chính phủ Ấn Độ ra lệnh cấm 59 ứng dụng điện thoại di động có liên quan đến Trung Quốc với lý do an ninh quốc gia.