Sự thật về đao phủ thời Trung Cổ - Nghề lấy mạng người đầy nỗi khổ tâm

Thứ Tư, 02 Tháng Chín 20201:00 CH(Xem: 3204)
Sự thật về đao phủ thời Trung Cổ - Nghề lấy mạng người đầy nỗi khổ tâm

Thời xa xưa, đao phủ là người thực thi công lý, trừng phạt những kẻ phạm tội, luôn xuất hiện với hình ảnh đáng sợ và bí ẩn.

Vào thời Trung Cổ ở châu Âu, những ai làm nghề đao phủ hầu hết đều có cuộc sống phức tạp. Họ bị nhiều người tẩy chay vì làm công việc của Tử thần, là nỗi ám ảnh đối với dân chúng phạm tội.

Cuộc sống của một người thực thi án tử thời xưa sẽ như thế nào? Dưới đây là những bí mật được tiết lộ về nghề giết người nhân danh công lý.

Một công việc luôn bận rộn và đẫm máu

Đao phủ thường xuất hiện với hình ảnh cởi trần thân trên, đội mũ trùm kín khuôn mặt trừ cặp mắt, tay cầm theo rìu hoặc đao có kích thước lớn. Họ thường được trả mức lương khá cao để thực hiện nhiệm vụ tiễn phạm nhân đi xuống địa ngục.

Đao phủ thường xuất hiện với hình ảnh cởi trần thân trên, đội mũ trùm kín
Đao phủ thường xuất hiện với hình ảnh cởi trần thân trên, đội mũ trùm kín.

Vào ngày thực hiện án tử, sẽ có một hoặc nhiều người bị giết. Có những ngày mà họ phải làm việc liên tục, không có thời gian nghỉ ngơi để “chạy kịp deadline” theo yêu cầu của giới chức trách. Theo ước tính, vào thời vua Henry VIII ở Anh có đến 72.000 vụ hành quyết khiến giới đao phủ phải làm việc chăm chỉ với năng suất cao.

Phải theo nghề vì nối nghiệp gia đình

Trở thành kẻ thi hành án tử đôi khi không phải tự nguyện mà hầu hết là bắt buộc. Họ vào nghề vì được chính quyền ban bố, chỉ định. Một số trường hợp, người bị kết án được đề nghị làm đao phủ thay vì phải chết.

Nhưng đa số các đao phủ thường vào nghề vì nối nghiệp gia đình, theo kiểu cha truyền con nối. Nhiều chàng trai bất đắc dĩ phải chọn nối nghiệp cha ông và từ bỏ ước mơ của bản thân. Vì vậy mà thời kỳ ấy ở châu Âu nổi lên khái niệm “gia tộc hành quyết”.

Bị cộng đồng kỳ thị, xa lánh

Vì tính chất công việc liên quan đến cái chết, xử tử tội phạm trước đám đông nên đao phủ khiến nhiều người sợ hãi, tránh xa. Theo quan niệm của người xưa, đao phủ là sứ giả của địa ngục, thường mang theo âm khí và khi xuất hiện là lúc báo hiệu cái chết đang đến gần.

Thế nên, hội đồ tể của chính quyền thường không được người dân mời đến nhà chơi, không được phép đến nhà thờ, sinh sống ở khu vực hẻo lánh xa khu dân cư, thậm chí một số trường học còn không nhận dạy con cái của đao phủ.

Hội đồ tể của chính quyền thường không được người dân mời đến nhà chơi.
Hội đồ tể của chính quyền thường không được người dân mời đến nhà chơi.

Trong các mối quan hệ xã hội, họ không có nhiều sự lựa chọn nên thường giao lưu, hợp tác với các thành phần thuộc thế giới ngầm như: gái mại dâm, dân giang hồ, người bị bệnh phong. Chính điều đó lại làm gia tăng sự kỳ thị, ghét bỏ của cộng đồng với đao phủ.

Để khuyến khích giới đồ tể của pháp luật duy trì, theo đuổi nghề nghiệp thì chính quyền thời Trung Cổ đã ban hành các chính sách có lợi cho đao phủ. Như trả lương hậu hĩnh, miễn trừ nhiều loại thuế, ban phát đất đai và nhà ở, có quyền lấy thực phẩm miễn phí ở chợ hay hàng quán.

Không được phép phạm sai lầm

Một người đàn ông trước khi trở thành đao phủ phải tập luyện và có trình độ chuyên môn cao. Họ được rèn luyện từ khi bắt đầu vào nghề, thường xuyên tập chém với rìu hoặc đao, học tập các kiến thức về giải phẫu và kinh thánh.

Khi thi hành án tử hình, yêu cầu đao phủ không được phép phạm phải bất cứ sai lầm nào. Họ phải thực hiện trơn tru và thành công chém đầu tội nhân. Ở một số vùng, đao phủ được giới hạn ba lần chém trong một vụ hành quyết. Nếu thất bại sẽ bị coi là là kẻ bất tài tàn ác và chịu hình phạt tàn khốc. Họ sẽ bị chính quyền cầm tù hoặc sa thải, thậm chí là mất mạng, chết thay cho tử tù.

Không chỉ có chém giết

Đao phủ không đơn giản chỉ chặt đầu hay kết liễu phạm nhân, mà còn làm vô số các việc khác như: chăm sóc y tế, làm pháp sư hành lễ hay tham gia vào việc kết án tội nhân.

Các tài liệu ghi chép lịch sử cho thấy rằng tỷ lệ đao phủ biết đọc, biết viết là khá cao. Họ am hiểu, có kiến thức cơ bản về sinh học và cơ thể con người. Một số người còn được mời đến nhà dân để chữa bệnh vì có kiến thức y khoa.

Ngoài ra họ còn thay thế giáo sĩ đọc những lời cầu nguyện hay sám hối cho phạm nhân. Đôi khi họ cũng được chính quyền mời đến tham gia vào các vụ việc kết án vì có hiểu biết về pháp luật, cơ chế hành pháp của triều đại.

Không phải là kẻ vũ phu tuyệt tình máu lạnh

Họ vào nghề thường là bị ép buộc, chủ yếu là theo nghiệp gia đình.
Họ vào nghề thường là bị ép buộc, chủ yếu là theo nghiệp gia đình.

Người đời thường cho rằng đao phủ là những kẻ vô tình, sẵn sàng vung dao giết người khi có yêu cầu. Thực ra thì họ luôn mang nỗi khổ tâm riêng mà không phải ai cũng có thể đồng cảm, thấu hiểu. Họ vào nghề thường là bị ép buộc, chủ yếu là theo nghiệp gia đình. Họ bị ám ảnh về mặt tâm lý, thậm chí lâm vào tình trạng bị trầm cảm.

Kẻ hành quyết và tù nhân đôi khi cũng trở nên thân thiết. Trước khi thực hiện án tử, một số đao phủ đã chăm sóc và chữa bệnh, đảm bảo sức khỏe cho phạm nhân. Bên cạnh đó còn làm theo yêu cầu của kẻ tử tù như cho phép gặp gỡ người nhà để nói lời từ biệt hay cầu nguyện, đọc kinh thánh cầu xin sự tha thứ cho phạm nhân để người này có thể lên thiên đường.

Đao phủ suy cho cùng cũng là con người, cũng có tâm tư, tình cảm. Chẳng qua vì giữ gìn trị an, thực thi pháp luật của quốc gia mà chấp nhận khoác lên mình vẻ ngoài gai góc, đáng sợ với công việc đậm mùi sát khí.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn