Công lý tại Thái: tiền, quyền và tự do

Thứ Ba, 18 Tháng Tám 20204:00 SA(Xem: 4583)
Công lý tại Thái: tiền, quyền và tự do
voatiengviet.com

Công lý tại Thái: tiền, quyền và tự do

Phạm Phú Khải

Nếu vụ án Hồ Duy Hải phơi bày được sự thất bại hoàn toàn của nền công lý tại Việt Nam trong một thể chế độc đảng, thì vụ án Vorayuth Yoovidhya đang thách thức nền tư pháp và hành pháp tại Thái Lan. Dư luận Thái đang phẫn nộ về cách giải quyết của các cơ quan công quyền cũng như nền tư pháp hiện nay.

Vorayuth Yoovidhya là cháu nội của tỷ phú Thái Chaleo Yoovidhya, người được xem là giầu đứng thứ ba tại Thái Lan, chủ nhân nước uống Red Bull. Vào năm 2012, Yoovidhya lái xe tông chết một cảnh sát, bỏ chạy khỏi hiện trường, và sau đó trốn ra khỏi nước. Sau 8 năm điều tra, tháng Bảy vừa qua, công tố viên của Thái quyết định không truy tố Yoovidhya mà cảnh sát Thái cũng không phản đối. Dư luận vì thế mà vô cùng phẫn nộ.

Tai nạn giao thông gây thương vong xảy ra quá thường xuyên tại Thái Lan. Mỗi năm số nạn nhân chết trên đường lên đến 24 ngàn người, đứng thứ nhì thế giới chỉ sau Libya [1].

Nhưng tông chết một cảnh sát, rồi còn bỏ chạy và trốn khỏi nước, trong khi trong cơ thể xét nghiệm sau đó có xác định dùng ma tuý, mà Yoovidhya lại không hề hấn gì. Quả là hệ thống công lý tại Thái Lan đang có lắm vấn đề.

Câu chuyện của Yoovidhya có thể được tóm tắt như sau [2]. Sáng ngày 3 tháng 9 năm 2012, một chiếc xe Ferrari màu đen đâm vào một cảnh sát đang lái xe gắn máy; giết chết viên cảnh sát và kéo thi thể trên đường Sukhumvit, rồi sau đó chạy trốn. Cảnh sát bắt đầu điều tra ngay lập tức và tìm ra chỗ ở của nghi phạm ngay sáng hôm đó. Cảnh sát buộc tội Yoovidhya đã lái xe bất cẩn gây án mạng, không dừng lại để giúp đỡ nạn nhân, và cũng không gọi để thông báo với cảnh sát. Cuộc điều tra thử máu, các nhân chứng và vật chứng liên hệ, đã diễn ra sớm trong quá trình điều tra ban đầu. Năm ngày sau, một nhân chứng chính của vụ án, ông Jaruchart Maadthong, cho cảnh sát biết ông nghe tiếng đụng xe lớn lúc đang lái xe vận tải nhưng không quay lưng lại nhìn. Kết quả thử máu cho biết có nhiều chất lạ trong người Yoovidhya, bao gồm rượu và ma tuý. Theo hình quay của CCTV thì chiếc xe Ferrari chạy ở vận tốc 177km/giờ, trong khi cảnh sát điều tra khám nghiệm hai chiếc xe bị đụng thì cho rằng tốc độ chỉ từ 70 đến 80km/giờ khi đụng nhau. Bác sĩ trưởng nhiệm của bệnh viện Ramathibodi và nha sĩ riêng của Yoovidhya thì cho rằng các chất lạ trong người của anh ta có thể do các thuốc mà Yoovidhya uống để chữa bệnh!

Bằng chứng tóm lược là thế. Vấn đề gây tranh cãi từ nhiều năm qua là, chất lạ trong người của Yoovidhya và anh ta đã chạy ở vận tốc 80km/giờ hay 177km/giờ. Theo ý kiến của một số chuyên gia thì chất lạ trong người Yoovidhya là được hình thành từ chất ma tuý cocaine được hòa chung với chất cồn/rượu [3]. Ngoài ra, hành động Yoovidhya đã đụng chết viên cảnh sát, kéo lê lết trên đường, và không gọi báo cảnh sát, thì không ai chối cãi.

Kể từ khi vụ án xảy ra, cuộc truy tố Yoovidhya chẳng đi đến đâu trong nhiều năm qua [4]. Sau khi bị cảnh sát đến nhà bắt giam, Yoovidhya đã trả tiền thuế chân 15 ngàn đô Mỹ và được về nhà cùng ngày. Công tố viên đã đưa lệnh hầu tòa nhiều lần về tội vượt vận tốc, đụng và bỏ chạy, và lái xe bất cẩn gây thương vong, nhưng Yoovidhya vẫn không đến trình diện tòa đến bảy lần. Bình thường, khi một người không đến dự phiên tòa, cảnh sát và công tố viên phối hợp nhau để yêu cầu tòa cho lệnh bắt giam. Nhưng điều này lại không xảy ra đối với Yoovidhya. Cảnh sát và công tố viên vẫn chứng tỏ họ cố gắng thi hành công vụ, nhưng luật sư của Yoovidhya thì cứ nộp đơn than phiền rằng Yoovidhya bị đối xử bất công, và anh ta không đến được vì bị bệnh hoặc đang ở ngoài nước làm việc. Trên thực tế, kể từ khi Yoovidhya bị truy tố cho đến nay, Yoovidhya đi chu du thiên hạ khắp thế giới. Hình trên Facebook của Yoovidhya cho thấy anh đã đi ít nhất 9 nước trong vòng 5 năm kể từ khi vụ án xảy ra, trong đó có Nhật, Monaco, Lào và Anh, cư ngụ tại những nơi sang trọng nhất. Có lúc Yoovidhya rõ ràng đang ở Bangkok, và các cơ quan công quyền Thái thừa biết chuyện đó, nhưng dường như không ai muốn hay làm gì cả. Vậy mà cảnh sát hoàng gia Thái vẫn xác định không biết Yoovidhya hiện giờ đang ở đâu [5]. Mãi cho đến ngày 27 tháng Tư năm 2017 thì công tố viên mới chính thức kết tội Yoovidhya, nhưng anh ta đã bay rời khỏi Thái hai ngày trước đó.

Trường hợp đụng xe gây thương vong và sau đó được miễn tội như Yoovidhya không phải là hy hữu tại Thái. Năm 2016, con trai của một doanh nhân giàu có đụng vào một xe khác giết chết hai sinh viên mới tốt nghiệp. Vụ án này vẫn còn đang được tòa xét xử. Một vụ khác năm 2010, một thiếu nữ 16 tuổi chưa có bằng lái, con một quân nhân nhà giàu, đụng vào xe van làm 9 người chết. Bản án là hai năm tù treo, mà cô không hoàn tất yêu cầu phục vụ cộng đồng cho đến năm 2016.

Trong khi đó, đại đa số các trường hợp đụng xe gây án mạng tại Thái đều bị bắt giữ, truy tố và giam tù.

Rõ ràng có một số thế lực đang nằm trên pháp luật tại Thái. Tiền bạc, quyền lực và chính trị đan chéo nhau làm lũng đoạn nền pháp quyền tại đây. Vorayuth là một gia đình đầy quyền thế. Ông nội là tỷ phú Chaleo Yoovidhy, sở hữu nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là sở quyền loại nước uống Red Bull, mà năm 2016 tiêu thụ đến 6 tỷ lon trên 170 quốc gia; năm 2019 bán 7.5 tỷ lon trên 171 quốc gia. Bố là Chalerm Yoovidhya, người anh cả trong gia đình 11 con, có tài sản 9.7 tỷ đô Mỹ. Họ đã sẵn sàng bỏ ra 100 ngàn đô để đền bù cho gia đình viên cảnh sát Wichean Glanprasert, người đã bị Yoovidhya tông chết ngày 3 tháng 9 năm 2012, để gia đình hủy đơn kiện ra tòa.

Cho nên người dân Thái phẫn nộ khi giới truyền thông Thái phanh phui vụ án Yoovidhya. Tờ báo lớn Bangkok Post tại Thái, nhận định rằng, thật là dễ hiểu khi những người có tiền và ảnh hưởng nghĩ rằng họ có thể tránh việc đối mặt với những hậu quả pháp lý khi gây ra tàn sát trên đường phố, và lịch sử cho thấy họ có thể làm thế [6].

Một sự kiện khác liên quan đến vụ án Yoovidhya là thông cáo của cảnh sát quốc tế. Vì Yoovidhya không hiện diện tại tòa án khi nhận trát tòa, và sau khi được tin Yoovidhya trốn khỏi Thái năm 2017, cảnh sát Thái đã liên lạc văn phòng Interpol yêu cầu họ đưa ra thông cáo. Trong trường hợp Yoovidhya, cảnh sát quốc tế Interpol đã cho ra thông cáo (red notice) vào cuối tháng 8 năm 2016, nhưng không hiểu vì lý do gì mà thông cáo này không còn hiện hữu trên trang của Interpol nữa vào đầu năm 2018, mặc dầu cảnh sát Thái cho rằng họ không hề yêu cầu Interpol rút tên Yoovidhya ra khỏi danh sách truy lùng [7]. Thông thường Interpol chỉ rút lại thông cáo này khi cảnh sát quốc gia nước sở tại yêu cầu lấy tên ra khỏi danh sách.

Ngày 23 tháng Bảy, gần 8 năm sau vụ án, cảnh sát hoàng gia Thái cho biết Văn phòng Tổng Trưởng Lý (Office of Attorney General/OAG) quyết định hủy bỏ mọi bản án dành cho Yoovidhya [8]. Cảnh sát cho biết họ đã làm đúng theo các thủ tục trong trường hợp này, và Yoovidhya có thể về lại Thái nếu muốn. Cảnh sát và Công tố viên quyết định không truy tố Yoovidhya về tội uống rượu lái xe vì cho rằng, kết quả thử nghiệm máu của Yoovidhya có nồng lượng rượu quá cao, như thế, Yoovidhya vốn không thể lái xe được! Còn tội đâm xe gây án mạng thì họ chưa bỏ hẳn, nhưng lững lờ cho đến khi dân chúng phẫn nộ.

Điều này cho thấy cơ quan công quyền đứng về phía Yoovidhya, không phải nạn nhân.

Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau đó, khi truyền thông phanh phui và người dân bày tỏ phẫn nộ, ngày 28 tháng Bảy, văn phòng OAG cho biết họ sẽ rà xét lại trường hợp này trong vòng 7 ngày [9].

30 tháng Bảy, hai ngày sau khi OAG ra thông báo tái xét xử vụ án, nhân chứng chính của vụ án này là ông Jaruchart Maadthong đã bị tông chết trong một vụ đụng xe khác, và người đụng xe Jaruchart ban đầu khai báo không biết ông, nhưng sau đó đổi lại lời khai rằng hai người đã gặp nhau tại một tiệm ăn đêm đó [10]. Cái chết của nhân chứng Jaruchart gây thêm sự nghi ngờ về nỗ lực phi tang bằng chứng và sự cấu kết của các cơ quan công quyền bên trong vụ án.

Công lý kiểu gì mà khôi hài đến thế!

Tình trạng bất nhất của các cơ quan công quyền và ngành tư pháp của Thái Lan trong vụ này cho thấy những người đứng đầu đang bị một áp lực chính trị nặng nề phía sau.

Vì sự bất mãn và phẫn nộ của công chúng mà văn phòng OAG đã quyết định tái điều tra vụ án [11]. Đứng trước các áp lực của công chúng, Thủ tướng Thái ông Prayut Chan-o-cha mới khẳng định ông không hài lòng về cách giải quyết trường hợp Yoovidhya và nhiều khía cạnh của vụ án này không được rõ ràng [12].

Trường hợp của Yoovidhya một lần nữa củng cố niềm tin của người dân Thái rằng hệ thống công quyền Thái và hệ thống công lý đang có nhiều lỗ hỏng, và luật pháp tại đây không phục vụ công lý mà là quyền lực và giàu có mới là thế lực chi phối đằng sau. Phó giáo sư chính trị học Thitinan Pongsudhirak nhận định, “Khi sự bất công đang ngự trị một cách trắng trợn như vậy, không thể có hòa bình trên vùng đất này.” [13]

Tóm lại, nền dân chủ trẻ tại Thái Lan đang bị những người có tiền, có quyền, và các thế lực khác, khuynh loát và buôn bán công lý hiện nay.

Đây là một trong những nguyên do làm cho hàng chục ngàn người, do phong trào giới trẻ Thái đứng đầu, tại Thái xuống đường biểu tình vào Chủ Nhật 16 tháng 8 hôm qua. Người biểu tình kêu gọi tu chính hiến pháp, cải tổ chế độ quân quyền để củng cố dân chủ trong nền quân chủ lập hiến, yêu cầu một cuộc bầu cử và một quốc hội mới, và yêu cầu Thủ tướng Prayut từ nhiệm [14]. Họ cũng yêu cầu chính phủ ngưng các hành động sách nhiễu đối với những nhà hoạt động đối lập.

Hàng chục ngàn người hô to vang dội tại Tượng đài Dân chủ: “Đả đảo độc tài, Dân chủ muôn năm” (Down with dictatorship, long live democracy.)

Họ cũng hô vang: “"Đả đảo chế độ phong kiến, nhân dân muôn năm", và "Chúng tôi sẽ không còn là cát bụi cho bất cứ ai." [15]

Người Thái, nhất là giới trẻ, đang đấu tranh quyết liệt như thế thì họ xứng đáng để có được tự do dân chủ thật sự vào một ngày không xa.

Tài liệu tham khảo:

1. Jonathan Head, “Life and death on Thailand's lethal roads”, BBC News, 19 January 2017.

2. The Nation, “Police timeline for ‘Boss’ case”, The Nation Thailand, 14 August 2020. n

3. Post Reporters, “Vorayuth 'had drugs in blood'”, Bangkok Post, 28 July 2020.

4. AP, “Red Bull heir enjoys jet-set life 4 years after hit-and-run”, CNBC, 27 March 2017.

5. Post Reporters, “Policeman U-turns in Boss case”, Bangkok Post, 8 August 2020.

6. Editorial, “A crash course in systematic injustice”, Bangkok Post, 20 March 2016.

7. Wassayos Ngamkham, “Red Bull scion notice disappears from Interpol website”, Bangkok Post, 15 March 2018.

8. Richard C. Paddock and Muktita Suhartono, “Thailand Drops All Charges Against Red Bull Heir in Deadly Crash”, The New York Times, 24 July 2020. Online Reporters, “Cocaine, reckless driving charges for Red Bull scion”, Bangkok Post, 4 August 2020.

9. Kocha Olarn and Nectar Gan, “The Red Bull heir, a crashed car and the scandal that angered Thailand”, CNN Business, 12 Asugust 2020.

10. Wassana Nanuam And Wassayos Ngamkham, “Witness body to be seized”, Bangkok Post, 3 August 2020.

11. King-Oua Laohong, “Red Bull case revision decision in 7 days”, Bangkok Post, 28 July 2020.

12. Online Reporters, “Prayut 'not OK' with past handling of 'Boss' case”, Bangkok Post, 6 August 2020.

13. Thitinan Pongsudhirak, “Thai justice system overhaul overdue”, Bangkok Post, 31 July 2020; Harrison George, “How to fall a guy, whip a boy, or scape a goat”, Prachatai, 8 September 2012.

14. “Thai protests: Thousands gather in Bangkok to demand reforms”, BBC News, 16 August 2020; Dumrongkiat Mala, Wassayos Ngamkham And Wassana Nanuam, “Anti-government protesters flock to Democracy Monument”, Reuters, 16 August 2020.

15. Panu Wongcha-um, Matthew Tostevin, “Biggest Thai protest in years puts pressure on government”, Reuters, 16 August 2020.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn