bbc.com

'Cả Mỹ và Trung Quốc đều không muốn chúng tôi' - BBC News Tiếng Việt

Zhaoyin FengBBC Chinese Service, Washington

American and Chinese flags painted on cracked wall background

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Mối quan hệ Mỹ-Trung hiện đang ở một trong những điểm thấp nhất trong nhiều thập niên

Bị kẹt ở nước ngoài vì đại dịch virus corona và áp lực bởi căng thẳng chính trị, sinh viên Trung Quốc tại Hoa Kỳ đang nghĩ lại về nước chủ nhà và quê hương.

Tám năm trước, Shizheng Tie, lúc đó 13 tuổi, chuyển từ Trung Quốc đến vùng nông thôn Ohio với một mục đích duy nhất: giáo dục. Shizheng Tie từng có một giấc mơ Mỹ, nhưng bây giờ nói rằng cô đang phải đối mặt với sự thù địch ở đất nước này.

"Là một người Trung Quốc sống ở Mỹ, tôi rất sợ," cô nói. Tie, hiện là sinh viên năm cuối tại Đại học Johns Hopkins, mô tả Mỹ là một nơi "chống Trung Quốc" và "hỗn loạn".

Khoảng 360.000 sinh viên Trung Quốc hiện đang theo học tại các trường học ở Mỹ. Trong những tháng qua, họ trải qua hai sự kiện lịch sử - đại dịch toàn cầu và căng thẳng chưa từng thấy giữa Mỹ và Trung Quốc, những điều định hình lại quan điểm của họ về hai quốc gia.

'Chính trị hóa' và 'lo lắng'

Phần lớn sinh viên Trung Quốc tại Mỹ tự tài trợ và hy vọng nền giáo dục phương Tây của họ sẽ cho họ một sự nghiệp tốt.

Trong khi đó, Washington cảnh báo rằng không phải tất cả sinh viên từ Trung Quốc đều "bình thường", cho rằng một số người là ủy viên của Bắc Kinh, đến Mỹ để làm gián điệp kinh tế, cổ súy quan điểm thân Trung Quốc và giám sát các sinh viên Trung Quốc khác trong các cơ sở của Mỹ.

Chính quyền Trump gần đây đã hủy Visa cho 3.000 sinh viên mà họ tin rằng có quan hệ với quân đội Trung Quốc. Một thượng nghị sĩ Hoa Kỳ thậm chí còn đề nghị công dân Trung Quốc nên bị cấm học toán và khoa học ở Mỹ.

Giữa những tuyên bố gay gắt, nhiều sinh viên Trung Quốc sợ rằng họ đang bị biến thành mục tiêu chính trị cho Washington.

The flag of China flies outside the Chinese Consulate office on Montrose Blvd. in Houston, Texas

Nguồn hình ảnh, EPA

Chụp lại hình ảnh,

Vào tháng Bảy, Hoa Kỳ ra lệnh cho Trung Quốc đóng cửa lãnh sự quán ở Houston, Texas

Tie, đang theo ngành khoa học môi trường, nói rằng cô bi quan về tương lai học của mình ở Mỹ, vì sự kiểm soát ngày càng tăng đối với sinh viên và học giả Trung Quốc trong các ngành khoa học và công nghệ.

"Tôi từng nghĩ mình sẽ lấy bằng tiến sĩ ở Mỹ và có lẽ định cư ở đây, nhưng giờ tôi thấy mình sẽ trở về Trung Quốc sau khi lấy bằng thạc sĩ", Tie nói.

Yingyi Ma, phó giáo sư xã hội học tại Đại học Syracuse, nói rằng sinh viên Trung Quốc ở Mỹ hiện đang "bị chính trị hóa và bị gạt ra ở mức độ chưa từng thấy", vì Washington đang gửi "những tín hiệu rất không thân thiện".

Các mối quan hệ song phương căng thẳng đã làm chao đảo dư luận, khi một cuộc khảo sát gần đây cho thấy 73% người Mỹ trưởng thành có quan điểm bất lợi về Trung Quốc - cao nhất trong lịch sử.

Giáo sư Ma xuất bản một cuốn sách có tên Ambitious and Anxious vào tháng Giêng năm nay, tập trung vào kinh nghiệm của sinh viên Trung Quốc tại Mỹ.

"Nếu tôi viết cuốn sách này bây giờ, tôi sẽ chỉ giữ 'lo lắng' trong tựa đề," bà nói.

Quê nhà cũng 'không đón nhận'

Khi virus corona tiếp tục lây lan ở Mỹ, Tie muốn quay trở lại Trung Quốc, nơi dịch bệnh dường như phần lớn được kiểm soát.

Nhưng Bắc Kinh đã ra lệnh cắt giảm mạnh các chuyến bay quốc tế để ngăn chặn ca nhiễm từ ngoại quốc, khiến nhiều sinh viên Trung Quốc ở nước ngoài bị mắc kẹt trong hoàn cảnh phải xa gia đình hàng ngàn dặm.

Trên phương tiện truyền thông xã hội Trung Quốc, một số ý kiến miêu tả những sinh viên này là những đứa trẻ được cưng chiều, đã trốn khỏi hệ thống giáo dục cạnh tranh khốc liệt của đất nước và bây giờ có thể làm ngành giáo dục mất thành công vì chứa virus.

"Mỹ muốn đuổi chúng tôi ra, trong khi Trung Quốc không cho phép chúng tôi quay trở lại", Tie nói.

Nhiều sinh viên Trung Quốc tại Mỹ chia sẻ cảm nhận này.

Iris Li, một sinh viên năm thứ hai, 20 tuổi đến từ Trung Quốc, học tại Đại học Emory ở Atlanta, mô tả hoàn cảnh của họ là "bị đá như một quả bóng" giữa hai nước.

"Chúng tôi đang là nạn nhân của cả hai bên," Li nói.

Kỳ thị 'tăng' hỗ trợ cho Bắc Kinh

Sau khi lo lắng cho đại dịch bùng phát ở quê nhà từ xa, những thanh niên Trung Quốc này hiện đang chứng kiến cuộc khủng hoảng virus corona ở Mỹ.

Họ bối rối vì sự khác biệt văn hóa liên quan đến việc đeo khẩu trang. Họ thấy bất an với việc sử dụng cụm từ "cúm Kung" và "virus Trung Quốc" của tổng thống Trump. Một số thậm chí đã trực tiếp trải qua sự kỳ thị chủng tộc.

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Phân biệt chủng tộc trong đại dịch đã làm "vỡ bong bóng của họ", Giáo sư Ma nói.

Một bài báo viết rằng chủ nghĩa phân biệt chủng tộc chống Trung Quốc tăng hỗ trợ cho sự cai trị độc đoán của Bắc Kinh trong số các sinh viên Trung Quốc tại Hoa Kỳ.

Jennifer Pan, đồng tác giả của bài báo và giáo sư phụ môn truyền thông tại Đại học Stanford, nói rằng có một niềm tin chung rằng sinh viên Trung Quốc ở nước ngoài được truyền giáo để hết lòng ủng hộ Đảng Cộng sản Trung Quốc.

"Sự thật không phải như vậy," Giáo sư Pan nói, "Điều làm thay đổi quan điểm chính trị của họ là phân biệt chủng tộc."

Nghiên cứu cho thấy sinh viên năm thứ nhất đại học từ Trung Quốc đọc những bình luận xúc phạm người Trung Quốc, có nhiều khả năng ủng hộ Bắc Kinh, trong khi chỉ trích chung chống lại việc xử lý virus corona của Bắc Kinh không tạo ra tác dụng tương tự.

Giáo sư Pan nói rằng kết quả nghiên cứu cho thấy sinh viên Trung Quốc ở Mỹ, tham dự câu trả lời khảo sát, khá "trưởng thành, tinh tế và chu đáo cho tuổi của họ", và có thể xử lý một cách hợp lý sự chỉ trích Trung Quốc.

Suy nghĩ lại về Trung Quốc và Mỹ

Mặc dù thất vọng về sự hạn chế đi lại của Trung Quốc, Tie nói rằng cô đã trở nên yêu nước hơn kể từ khi sống ở nước ngoài.

"Tôi từng tin rằng nước Mỹ là một xứ sở thần tiên của những giấc mơ, sự bình đẳng và khoan dung cho tất cả mọi người. Tôi chắc chắn không tin điều đó nữa", cô viết trên tờ báo của trường vào tháng Sáu, chỉ trích tinh thần "chống Trung Quốc" của Mỹ.

Vào tháng Hai, Tie viết một bản kiến nghị trực tuyến, phản đối trường đại học của cô tổ chức một hội thảo với các nhà hoạt động dân chủ Hong Kong.

Nhưng Tie nói rằng cô không bị "nhuốm hồng", một thuật ngữ hơi miệt thị đối với thanh niên quốc gia Trung Quốc hoạt động trên internet.

"Tôi yêu nước một cách hợp lý, không phải là kết quả của việc tẩy não", Tie nói và thêm rằng cô chỉ trích cả Washington lẫn Bắc Kinh, trích dẫn việc thiếu tự do ngôn luận ở Trung Quốc.

"Cả hai quốc gia đã làm tôi thất vọng nhiều lần", Tie nói, "nhưng Trung Quốc là quê hương tôi, vì vậy tôi sẵn sàng chịu đựng sự thất vọng đó".

Tương tự như Tie, Li dự định trở về Trung Quốc sau khi học xong, với những hiểu biết đã được thay đổi về quê hương và nước sở tại.

Đầu tháng Bảy, Washington tuyên bố chính sách cấm sinh viên nước ngoài ở lại Hoa Kỳ, nhưng quyết định này đã bị hủy bỏ sau khi nhận được làn sóng chỉ trích.

"Nó làm tôi cảm thấy hy vọng về Mỹ", Li nói, "Điều này sẽ không xảy ra ở Trung Quốc."

Các sinh viên xã hội học và nghiên cứu tôn giáo nghĩ rằng đại dịch đã cho thấy những lợi thế và điểm yếu của cả hai hệ thống chính trị. Trong khi chính phủ Trung Quốc dường như hành động hiệu quả hơn, Mỹ cho phép bất đồng chính kiến, và đôi khi, họ có thể sửa chữa sai lầm của chính mình.

Giáo dục Mỹ đã khiến cô "chống Trung Quốc nhiều hơn", Li vừa nói vừa cười.

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Đại học Harvard và MIT đã kiện về quyết định tước Visa của sinh viên quốc tế nếu tất cả các khóa học của họ là trực tuyến

Cô nhớ lại cảm giác "rất khó chịu" khi lần đầu tiên đến Mỹ sáu năm trước và thấy các sinh viên cùng trường vẫy cờ Đài Loan, được xem ở Trung Quốc đại lục là biểu tượng cho nền độc lập của Đài Loan.

Nhưng sau khi làm quen với các sinh viên Đài Loan, cô nhận ra rằng mặc dù quan điểm của họ có thể hoàn toàn khác nhau, họ có thể thảo luận các vấn đề trong tinh thần tôn trọng nhau, điều được khuyến khích trong các lớp học ở Mỹ.

"Học tập tại Mỹ là một trải nghiệm quan trọng trong cuộc đời tôi", một điều mà Li nói rằng không cô bao giờ hối tiếc. "Nhưng tôi rất muốn giúp thay đổi Trung Quốc, nơi công việc của tôi có thể có ý nghĩa hơn."