Lục đục trong quan hệ Nga - Trung ( 2 thằng Cộng này đối với nhau bằng 4 chữ " bất cộng đái thiên " )

Thứ Sáu, 31 Tháng Bảy 202011:12 SA(Xem: 3149)
Lục đục trong quan hệ Nga - Trung ( 2 thằng Cộng này đối với nhau bằng 4 chữ " bất cộng đái thiên " )
rfi.fr

Lục đục trong quan hệ Nga - Trung

Thanh Hà

Quan hệ giữa Nga và Trung Quốc có dấu hiệu rạn nứt vì xung đột biên giới Ấn - Trung và những tiết lộ Trung Quốc dọ thám, đánh cắp công nghệ quốc phòng của Nga. Theo trang mạng Asia Times ngày 29/07/2020, đó mới là những lý do thực sự khiến Matxcơva tạm hoãn giao tên lửa S-400 cho Bắc Kinh.

Tuần trước, Matxcơva thông báo hoãn giao tên lửa cho đối tác Trung Quốc và hoạt động này đã bị đình chỉ từ tháng 2/2020. Bắc Kinh giải thích đại dịch Covid-19 là nguyên nhân dẫn tới quyết định nói trên, cho dù trước đó từng khẳng định khủng hoảng y tế, cũng như những  « âm mưu » chia rẽ của phương Tây, « không ảnh hưởng » đến quan hệ mua bán vũ khí song phương.

Tuy nhiên, Asia Times đặt câu hỏi phải chăng việc hoãn giao vũ khí cho Trung Quốc là một « dấu hiệu rạn nứt trong quan hệ giữa Matxcơva và Bắc Kinh, khi biết rằng S-400 có tầm bắn 400 cây số, có thể nhắm trúng 36 mục tiêu cùng lúc (...) Quyết định của Nga được đưa ra vào lúc Trung Quốc đang tăng cường áp lực quân sự trong vùng biển Đài Loan ».

Asia Times nêu lên hai lý do : Thứ nhất là xung đột biên giới Ấn - Trung hồi tháng 6/2020 mà Ấn Độ lại là khách hàng nặng ký của ngành công nghiệp vũ khí Nga. Hơn một nửa trang thiết bị quân sự của New Delhi là do Matxcơva cung cấp. Vào lúc căng thẳng ở biên giới Ấn - Trung dâng cao, đầu tháng 7/2020 New Delhi đã đặt mua thêm 2,4 tỷ đô la chiến đấu cơ của Nga, tăng cường khả năng phòng thủ. Do vậy, một số nhà quan sát cho rằng việc Matxcơva thông báo chậm trễ trong việc giao hàng cho Trung Quốc từ tháng 2/2020 cho thấy « Covid-19 chỉ là cái cớ » che đậy rạn nứt trong liên minh Nga - Trung.

Hơn nữa, cũng có thể trục Matxcơva - Bắc Kinh đang bị suy yếu thêm một chút sau những tiết lộ Trung Quốc dọ thám Nga, đánh cắp công nghệ quốc phòng của « nước bạn » để giảm mức độ lệ thuộc vào vũ khí của Nga.

Theo hãng thông tấn ANI của Ấn Độ, một quan chức Nga, Valery Mitko, giám đốc viện khoa học xã hội tại Saint Petersbourg, vừa bị kết tội « phản quốc », do đã cung cấp cho Bắc Kinh những thông tin nhạy cảm về công nghệ phát hiện sóng âm (sonar) và tàu ngầm trong thời gian làm việc ở đại học Đại Liên - Trung Quốc hồi năm 2016.

Tờ Minh Báo của Hồng Kông trích dẫn nhiều nguồn tin từ Hoa Lục cho biết sứ quán Trung Quốc tại Matxcơva « có hẳn một văn phòng chuyên hướng dẫn sinh viên, các nhà nghiên cứu Trung Quốc thu thập thông tin mật của Nga trong các lĩnh vực quân sự, không gian và nguyên tử ».

Với những tiết lộ như trên, dù cố gắng giữ thể diện cho tình hữu nghị Nga -Trung, thành lập một liên minh để cưỡng lại áp lực của Mỹ trên các hồ sơ lớn của thế giới, không chắc tổng thống Vladimir Putin hài lòng về mối bang giao với chủ tịch Tập Cận Bình.

Chuyên gia về châu Á, Valérie Niquet, thuộc Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược Pháp, cho rằng diễn biến chung quanh vụ giao tên lửa tối tân S-400 cho Trung Quốc làm mọi người nhớ lại giai đoạn « Khroutchev từng từ chối chia sẻ công nghệ hạt nhân với Mao ».

Bên cạnh hai yếu tố là Ấn Độ và gián điệp có thể khiến Nga và Trung Quốc « cơm không lành, canh không ngọt », cần chú ý đến yếu tố khác, đó là tham vọng không đáy của Trung Quốc cả trên bộ lẫn trên biển.

Như phân tích trên đài RFI Việt ngữ của chuyên gia về Biển Đông, giáo sư Ngô Vĩnh Long, « không quốc gia nào đe dọa Nga hơn là Trung Quốc » và Matxcơva « cần bảo vệ các quyền lợi của Nga ở châu Á - Thái Bình Dương ».

Đó là chưa kể Bắc Kinh liên tục gặm nhấm ảnh hưởng của Matxcơva tại khu vực Trung Á và cả vùng Siberi, như hai chuyên gia Pháp Emmanuel Véron và Emmanuel Lincot ghi nhận trong một bài tham luận trên báo Úc The Conversation (07/06/2020).

Sau cùng, nhà báo Alain Barluet của báo Le Figaro nhắc lại Nga và Trung Quốc từng đối đầu nhau vì tranh chấp lãnh thổ ở biên giới, trong cuộc xung đột vũ trang tranh giành đảo Damansky, mà Trung Quốc gọi là Trân Bảo, trên sông Ussuri, hồi năm 1969.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn