Đấu tranh bạo động sẽ dẫn đến đâu?

Thứ Năm, 02 Tháng Bảy 20209:00 CH(Xem: 5179)
Đấu tranh bạo động sẽ dẫn đến đâu?
voatiengviet.com

Đấu tranh bạo động sẽ dẫn đến đâu?

Phạm Phú Khải

Hiện nay vẫn có một số người và tổ chức, trong và ngoài nước, cổ võ cho đấu tranh bạo động để thay đổi thể chế chính trị tại Việt Nam.

Tiếp cận với một số bạn trẻ trong nước, tôi nhận định còn rất nhiều bạn mù mờ về đấu tranh bất bạo động, nhưng ảo tưởng về cuộc đấu tranh bạo động.

Có vài tổ chức hải ngoại tuyên truyền rằng họ đang được chính quyền Mỹ ủng hộ, và nay mai sẽ về phục quốc bằng con đường đấu tranh võ trang với sự yểm trợ của Hoa Kỳ. Tuy nghe rất ảo tưởng, vậy mà vẫn có người tin!

Đã đến lúc những ai đang bị mê hoặc bởi niềm tin hoàn toàn thiếu cơ sở nên đoạn tuyệt hẳn với quan niệm này.

Trước hết, để cho cuộc đấu tranh bạo động thành công, nó đòi hỏi các điều kiện nào?

Tôi cho rằng một trong ba điều kiện cần, không phải đủ, sau đây.

Một, quân đội nhân dân Việt Nam hiện nay sẽ đứng về phía nhân dân, phía đối kháng, tức những người đấu tranh. Chúng ta nghĩ họ sẽ đứng về phía nào? Những người đứng đầu phía quân đội là do ai chọn, từ lập trường, quan điểm/tư tưởng đến thành tích và kinh nghiệm? Nếu không có đủ sức mạnh để cân bằng quyền lực và tạo ảnh hưởng thì quân đội sẽ không bao giờ nghiêng về phía người dân. Nếu có đi chăng nữa thì họ tự đảo chánh, lên nắm quyền, và trở thành thể chế quân phiệt, không phải dân chủ. Nhưng nếu thế lực của người dân đủ mạnh thì đó là chuyện khác.

Hai, nếu quân đội nhân dân Việt Nam không đứng về phía đấu tranh, thì phía đấu tranh cần có một lực lượng vũ trang đủ mạnh để chiến đấu, tồn tại và phát triển, về lâu về dài. Lực lượng này từ đâu đến? Những người lính Việt Nam Cộng Hòa, trẻ nhất, thì cũng trên 60 rồi. Trong 45 năm qua có mấy ai trong số này vẫn còn chiến đấu? Chỉ có hậu duệ của họ mới tham gia vào quân đội và đang phục vụ cho các quân binh chủng thiện chiến khắp thế giới. Nhưng những hậu duệ này chỉ phục vụ cho các quốc gia mà họ là công dân thôi. Cuối cùng chúng ta thấy, những ai kêu gọi đấu tranh võ trang mà không có thực lực hay chuẩn bị gì thì cũng vô ích. Không những thế, còn gây ra sự nguy hiểm và có thể đưa nhiều người vào chốn lao tù.

Ba, cứ cho rằng các lực lượng đấu tranh có một phần thực lực nào đó (vài trăm hay vài ngàn cây súng, từ đâu ra thì không biết), được chỉ huy bởi một số người từng giỏi về quân sự, một vài tướng, tá cũ của Việt Nam Cộng Hoà, chẳng hạn. Ngoài ra còn được Hoa Kỳ hay các quốc gia khác yểm trợ quân sự. Ngay cả trong trường hợp này, chúng ta nghĩ ai sẽ thắng cuộc chiến này?

Thật ra những ai hiểu lịch sử Hoa Kỳ và chính sách ngoại giao của họ thì sẽ không ảo tưởng rằng Hoa Kỳ sẽ ủng hộ chủ trương thay đổi thể chế chính trị tại Việt Nam hôm nay bằng quân sự. Cuộc chiến Việt Nam là một trong các bài học lớn nhất cho Hoa Kỳ từ thời lập quốc đến nay. Tất cả các tổng thống Hoa Kỳ từ đó đến nay đều bị ám ảnh ít nhiều bởi bao hệ quả do cuộc chiến này để lại. Thêm vào đó, Hoa Kỳ hiện nay cần một nước Việt Nam có khả năng để tạo thế liên minh hầu cân bằng Trung Quốc tại Biển Đông. Chuyện chính phủ Hoa Kỳ quyết định ủng hộ cho một nhóm nhỏ nào đó về đấu tranh thay đổi Việt Nam không chỉ là ảo tưởng, mà là không tưởng.

Ngay cả khi có được một trong ba yếu tố này, chưa chắc gì cuộc đấu tranh bạo động này sẽ thành công. Sự thành công đòi hỏi rất nhiều yếu tố khác.

Chắc chúng ta cũng không quên rằng sau 30 tháng Tư năm 1975, rất nhiều tổ chức kháng chiến chống Cộng đã hoạt động. Họ có một số lực lượng võ trang nào đó. Nhưng sau cùng đều bị tiêu diệt. Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam, sau này là Việt Tân, là có khả năng nhất trong các tổ chức này, nhưng từ năm 2005 cũng đã chính thức tuyên bố con đường đấu tranh của họ là bất bạo động.

Trên hết, mọi cuộc đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền nào mang tính bạo động thì sẽ không được ủng hộ. Xu hướng chung của thế giới hiện nay là bất bạo động.

Đó là chưa kể mọi hình thức đấu tranh bất bạo động đều có những hệ luỵ vô cùng khốc liệt của nó. Đấu tranh bạo động chỉ đưa những người đấu tranh vào chỗ chết, hoặc bị huỷ diệt, một cách đáng tiếc nhất. Chúng ta cần đặt các câu hỏi sau đây.

Một, giả sử cuộc đấu tranh bạo động thành công, ai sẽ lên nắm quyền lực? Tất nhiên là thành phần nắm quyền lực cứng.

Hai, thành phần này có sẵn sàng chuyển giao quyền lực về phía người dân không, hay họ vịn cớ này hay cớ khác tiếp tục nắm quyền, và tiếp tục độc tài độc đoán? Câu trả lời có lẽ đã quá rõ ràng.

Ba, cho dầu bên nào thắng đi nữa, sẽ tiếp tục có máu đổ xương rơi, sẽ tiếp tục có trả thù giết chóc sau đó. Bên phía chống Cộng chắc cũng vậy. Còn phía độc tài toàn trị hiện nay sẽ tìm mọi cách trả thù tiêu diệt mọi mầm móng mà họ cho là nguy hiểm còn sót lại.

Vì sao vậy? Vì bạo lực gây ra hận thù rất lớn. Và bạo lực nó lan truyền khủng khiếp.

Chúng ta đều biết bạo lực lại duy trì bạo lực. Cái vòng luẩn quẩn của bạo lực sẽ không có lối thoát nếu không nhìn ra được và không ý thức được phương cách giải quyết nó.

Theo nghiên cứu năm 2016, thanh thiếu niên tại Hoa Kỳ có khả năng lên đến 183 phần trăm gây nên bạo lực nếu một trong những người bạn của họ đã phạm tội đó. Bạo lực từ một người có khả năng ảnh hưởng lan rộng đến hai độ xa cách (bạn của bạn) như gây thương tích trầm trọng, ba độ xa cách (bạn của bạn của bạn) như sử dụng vũ khí, và bốn độ xa cách (bạn của bạn của bạn của bạn) như đánh nhau nặng nề.

Kết luận của các nghiên cứu này có thể giải thích các hành động bạo lực mang tính tập thể, từ khủng bố, các cuộc cách mạng chính trị, và những cuộc đấu đá giữa các băng đảng.

Vấn nạn bạo lực tại Việt Nam đã tràn lan quá nhiều rồi. Đã đến lúc chúng ta nên tìm cách đoạn tuyệt với nó. Nó không giúp gì được cho mình gia tăng nội lực, gia tăng chí và khí, gia tăng tri thức và tinh thần của mình, mà còn làm cạn kiệt và tê liệt mọi khả năng lý luận và mọi nỗ lực hàn gắn những đổ vỡ kinh khủng do di sản lịch sử và văn hóa để lại.

Nếu chúng ta muốn thay đổi cho xã hội Việt Nam tốt đẹp hơn, chúng ta cần chọn con đường ít gây đổ vỡ nhất, ít gây tổn thất tan thương nhất, ít gây hận thù nhất. Đừng để việc trả thù chồng chất thêm mà không có lối thoát.

Đó là con đường đấu tranh bất bạo động.

Nói dễ, nhưng làm khó. Vô cùng khó khăn.

Nhưng chúng ta không còn con đường nào tốt hơn. Cũng như dân chủ, một hình thức chính quyền ít tồi tệ nhất, ngoại trừ những gì đã được thử, như Winston Churchill từng nói, thì con đường đấu tranh bất bạo động vẫn đầy thử thách về trí tuệ và tinh thần. Không có cuộc đấu tranh bất bạo động nào dễ dàng cả. Nhưng một khi đại đa số người dân tham gia để làm cuộc cách mạng thay đổi, qua đó học được các hình thức đấu tranh của các nước dân chủ, thì đó là con đường tốt và bền vững nhất cho Việt Nam hôm nay khi thay đổi đến.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn