Làn sóng tẩy chay có khiến Facebook sụp đổ? ( Truyền thông, lớn hay nhỏ, sống bằng quảng cáo. khổ nhục đều như nhau ! )

Thứ Ba, 30 Tháng Sáu 20202:00 CH(Xem: 4509)
Làn sóng tẩy chay có khiến Facebook sụp đổ? ( Truyền thông, lớn hay nhỏ, sống bằng quảng cáo. khổ nhục đều như nhau ! )
bbc.com

Làn sóng tẩy chay có khiến Facebook sụp đổ?


Giám đốc điều hành Facebook Mark Zuckerberg. Bản quyền hình ảnh Getty Images
Image caption Giám đốc điều hành Facebook Mark Zuckerberg đang quản lý bốn ứng dụng được tải xuống nhiều nhất trong thập kỷ.

Tẩy chay có thể là hành động cực kỳ hiệu quả đối với các trường hợp như Facebook.

Vào cuối thế kỷ 18, phong trào bãi bỏ nô lệ đã khuyến khích người dân Anh tránh xa hàng hóa do nô lệ sản xuất. Điều này đã có tác dụng. Khoảng 300.000 người ngừng mua đường - gia tăng sức ép phải xóa bỏ chế độ nô lệ.

Chiến dịch Stop Hate for Profit (Chặn đứng sự trục lợi dựa trên thù hận) là phong trào mới nhất dùng biện pháp tẩy chay làm công cụ chính trị. Những người thực hiện chiến dịch này tố cáo rằng Facebook đã không nghiêm túc trong việc xóa nội dung phân biệt chủng tộc và thù hận khỏi nền tảng của mình.

Chiến dịch này đã thuyết phục một loạt công ty lớn rút quảng cáo khỏi Facebook và một số công ty truyền thông xã hội khác.

Ford, Adidas và HP là những gã khổng lồ mới nhất gia nhập làn sóng tẩy chay. Trước đó đã có những tên tuổi như Coca-Cola, Unilever và Starbucks hưởng ứng.

Trang tin tức Axios còn cho biết Microsoft cũng đã ngưng quảng cáo trên Facebook và Instagram vào tháng Năm vì lo ngại về "nội dung không phù hợp" - một vụ việc mà BBC đã xác minh.

Trong khi đó, các nền tảng trực tuyến khác, gồm Reddit và Twitch, đã gây thêm áp lực bằng cách thực hiện các bước chống hành động thù ghét trên các nền tảng của họ.

Facebook phản ứng thế nào?

Việc tẩy chay quảng cáo đang ngày một tăng đã gây áp lực khiến Facebook phải giải quyết vấn đề tin tức sai lệch và phát ngôn thù ghét trên nền tảng của mình. Giữa bối cảnh đó, Facebook đang tiến hành chiến dịch giúp người dùng nhận diện tin tức giả.

Steve Hatch, phó chủ tịch Facebook phụ trách khu vực Bắc Âu, cho biết chiến dịch thông hiểu thông tin trên nền tảng xã hội với công cụ kiểm tra FullFact là bằng chứng cho thấy công ty đang "lắng nghe và điều chỉnh".

Nhưng một số chuyên gia và giới chỉ trích cho rằng nỗ lực của Facebook trên khắp Vương quốc Anh, châu Âu, châu Phi và Trung Đông là "quá ít, quá muộn".

Theo cách làm mới, người dùng sẽ được điều hướng đến trang web StampOutFalseNews.com nơi có những câu hỏi quan trọng về những gì họ thấy: "Thông tin này đến từ đâu?" "Cái gì còn thiếu?" và "Bạn cảm thấy thế nào?"

Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với BBC, ông Hatch nói rằng "những cân nhắc tài chính" không được đưa ra đối với các quảng cáo mới.


Trong những ngày gần đây, hơn 150 công ty - gồm Coca-Cola, Starbucks và Unilever - đã tuyên bố tạm dừng mua quảng cáo trên Facebook, hưởng ứng chiến dịch #StopHateForProfit.

Thông tin sai lệch hoặc "tin tức giả" lan truyền đã trở thành một vấn đề dai dẳng trong nhiều năm trên mạng xã hội và nó bùng phát mạnh mẽ sau khi dịch Covid-19 xuất hiện.

Ông Hatch cho biết nhân viên của Facebook đã làm việc "cả ngày lẫn đêm" để giải quyết các khiếu nại sai trong đại dịch.

"Nếu người dùng chia sẻ thông tin có thể gây tổn hại thực sự, chúng tôi sẽ gỡ bỏ nó. Chúng tôi đã thực hiện hàng trăm ngàn trường hợp như vậy", ông nói.

Nhưng nỗ lực trên là "quá ít, quá muộn", Chloe Colliver, người đứng đầu đơn vị nghiên cứu kỹ thuật số tại Viện Đối thoại chiến lược, một nhóm chuyên gia chống chủ nghĩa cực đoan, nói.

Hứng chịu áp lực

Facebook và các công ty truyền thông xã hội khác cũng đã chịu áp lực về những thông tin và bình luận sai lệch có thể kích động bạo lực, đặc biệt là các bài đăng của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Khi biểu tình nổ ra sau cái chết của George Floyd, Tổng thống cảnh báo: "Chúng ta sẽ giữ quyền kiểm soát dù bất kỳ khó khăn nào, nhưng khi tệ cướp bóc diễn ra thì súng sẽ nổ".

Bài đăng đã bị Twitter cho ẩn đi vì "cổ xúy bạo lực", nhưng trên Facebook vẫn còn hiển thị.


Ông Hatch nói rằng các bài đăng của tổng thống Mỹ được các lãnh đạo Facebook "xem xét kỹ lưỡng".

"Cho dù bạn là một nhân vật chính trị hay bất kỳ ai trên nền tảng này", ông Hatch nói, bạn sẽ bị khiển trách khi chia sẻ các bài đăng có thể gây tổn hại thực sự.

Mất lòng tin

Việc tẩy chay đó có thể phương hại đến Facebook? Câu trả lời ngắn gọn là có - phần lớn doanh thu của Facebook đến từ quảng cáo.

David Cumming từ Aviva Investors nói với chương trình Today của BBC rằng sự mất lòng tin và sự thiếu vắng nhận thức về một quy tắc đạo đức có thể "phá hủy doanh nghiệp".

Hôm thứ Sáu, giá cổ phiếu của Facebook đã giảm 8% - khiến tài sản của giám đốc điều hành Mark Zuckerberg, về lý thuyết, giảm 6 tỷ bảng Anh.

Nhưng liệu tổn thất này có thể lớn hơn nữa - trở thành mối đe dọa hiện hữu đối với tương lai lâu dài của Facebook - thì vẫn chưa rõ ràng.


Trước hết, đây không phải là lần tẩy chay đầu tiên đối với một công ty mạng xã hội.

Năm 2017, nhiều thương hiệu lớn tiếp bước nhau tuyên bố ngừng quảng cáo trên YouTube - sau khi xảy ra tình trạng xuất hiện quảng cáo bên cạnh các video phân biệt chủng tộc và kỳ thị.

Cuộc tẩy chay đó bây giờ gần như bị lãng quên hoàn toàn. YouTube đã điều chỉnh chính sách quảng cáo và ba năm trôi qua, công ty mẹ Google đang hoạt động rất tốt.

Và có nhiều lý do để tin rằng cuộc tẩy chay này không gây hại cho Facebook như bạn nghĩ.

Dựa vào nhà quảng cáo nhỏ lẻ

Thứ nhất, nhiều công ty chỉ cam kết tẩy chay trong một tháng vào tháng Bảy.

Thứ hai, và có lẽ quan trọng hơn, phần lớn doanh thu quảng cáo của Facebook đến từ hàng ngàn hàng vạn doanh nghiệp vừa và nhỏ.

CNN cho biết 100 thương hiệu chi tiêu cao nhất đã chi 4,2 tỷ đôla quảng cáo trên Facebook năm ngoái - tương đương khoảng 6% doanh thu quảng cáo của nền tảng này.

Tính đến nay, phần lớn các công ty cỡ vừa chưa tham gia tẩy chay.

Giám đốc điều hành Facebook Mark Zuckerberg. Bản quyền hình ảnh Getty Images
Image caption Giám đốc điều hành Facebook Mark Zuckerberg đang quản lý bốn ứng dụng được tải xuống nhiều nhất trong thập kỷ.

Mat Morrison, trưởng bộ phận chiến lược của công ty quảng cáo Digital Whiskey, nói với tôi rằng có một số lượng lớn các doanh nghiệp nhỏ "không thể không chạy quảng cáo".

Ông nói rằng đối với các doanh nghiệp nhỏ - vốn không kham nổi quảng cáo trên truyền hình - quảng cáo rẻ hơn và tập trung hơn trên các nền tảng như Facebook là rất cần thiết.

"Cách duy nhất để doanh nghiệp chúng tôi hoạt động hiệu quả là có thể tiếp cận những đối tượng công chúng mục tiêu này, đó không phải là khán giả truyền thông đại chúng, vì vậy chúng tôi sẽ tiếp tục quảng cáo", ông Morrison nói.

Trên một số phương diện, Facebook là một mô hình công ty có thể vận động hành lang. Cấu trúc của Facebook mang lại cho Mark Zuckerberg một quyền lực khổng lồ để ảnh hưởng đến sự thay đổi. Nếu ông ta muốn một cái gì đó, ông ta sẽ đạt được.

Bạn chỉ cần thay đổi suy nghĩ của một người thôi là sẽ tạo ra được thay đổi.

Nhưng điều ngược lại cũng đúng. Các cổ đông không thể gây áp lực lên Zuckerberg giống như các công ty khác. Nếu ông ta không muốn hành động, ông ta sẽ không.

Cho đến nay, đã có dấu hiệu cho thấy ông ta sẽ hành động. Vào thứ Sáu, Facebook tuyên bố sẽ bắt đầu gắn thẻ nội dung thù hận - và có thể ra thêm các thông báo tiếp theo trong tuần này.

Những thay đổi này sẽ không thỏa mãn chiến dịch Stop Hate for Profit.

Và ở nơi khác, đang có thêm những công ty khác hành động.

Hôm thứ Hai tuần này, Reddit đã cấm diễn đàn The_Donald như một phần trong cuộc truy quét rộng hơn nhằm vào các nhóm với các thành viên có hành vi quấy rối và đe dọa. Cộng đồng này không liên quan chính thức với Tổng thống, nhưng đã giúp phát tán các biểu tượng châm biếm (meme) ủng hộ ông, trước khi Reddit thực hiện các bước trước đó để hạn chế độ tiếp cận của bài viết.

Thêm vào đó, Twitch đã tạm thời cấm một tài khoản do ban tranh cử của ông Trump điều hành.

Trang web phát video trực thuộc sở hữu của Amazon cho biết hai video về các cuộc tuần hành ủng hộ ông Trump được chiếu trên nền tảng này vi phạm quy tắc về hành vi thù hận.

Twitch logo Bản quyền hình ảnh Getty Images
Image caption Hành động của Twitch có thể gây căng thẳng hiện tại giữa Tổng thống Trump và Giám đốc điều hành của Amazon, Jeff Bezos

Một video được quay từ năm 2015, trước khi ông Trump đắc cử, lúc đó ông đã nói rằng Mexico đang tuồn lũ hiếp dâm vào Mỹ. Video còn lại được quay hồi đầu tháng này, trong đó Tổng thống đã mô tả nhân vật hư cấu là "một gã đực cứng cựa" đột nhập vào nhà một phụ nữ Mỹ.

"Không có ngoại lệ cho nội dung chính trị hoặc tin tức," thông cáo của Twitch nêu rõ.

Năm nay sẽ là một năm đầy chông gai cho tất cả các công ty truyền thông xã hội.

Facebook cũng không ngoại lệ. Nhưng các báo cáo tài chính luôn là kim chỉ nam của các công ty.

Nếu cuộc tẩy chay kéo dài sang đến mùa thu - và nếu ngày càng nhiều công ty tham gia - đây có thể là một năm xác định vận mệnh cho mạng xã hội.

---

Bài này tổng hợp từ bài viết của James Clayton, Phóng viên công nghệ Bắc Mỹ và Marianna Spring, Chuyên gia về thông tin sai lệch và phóng viên phương tiện truyền thông xã hội.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn