Donald Trump và một mùa xuân tang thương

Chủ Nhật, 28 Tháng Sáu 20206:00 CH(Xem: 3425)
Donald Trump và một mùa xuân tang thương
rfi.fr

Donald Trump và một mùa xuân tang thương

Minh Anh

Nước Mỹ dậy sóng chống bạo lực cảnh sát ngay giữa mùa dịch bệnh Covid-19 ; Bắc Triều Tiên bất ngờ cho nổ sập văn phòng liên lạc liên Triều và Đụng độ đẫm máu giữa quân đội Trung Quốc và Ấn Độ trên dãy Himalaya. Mục Tạp chí Thế Giới Đó Đây tuần này xin điểm lại các sự kiện đáng chú ý trong tháng 6/2020.

« Black Lives Matter » và Covid-19: Khủng hoảng kép cho Donald Trump

« George Floyd » là lời hô vang của những người biểu tình trước cửa Nhà Trắng trong những ngày tuần đầu tháng 6/2020. Cảnh tượng Nhà Trắng bị phong tỏa và mịt mù khói hơi cay, điều chưa từng thấy ở nước Mỹ đã được lan truyền khắp thế giới.

Mọi sự bắt đầu từ Minneapolis, cách nay một tháng, ngày 25/05/2020. Trên khắp các mạng xã hội, cảnh viên cảnh sát da trắng Derik Chauvin đè kẹp cổ George Floyd – một người Mỹ gốc châu Phi – đến chết ngạt, bất chấp lời kêu van « Tôi không thở được » đã làm dấy lên một làn sóng phẫn nộ trên khắp nước Mỹ.

Hàng trăm ngàn người tại 150 thành phố ở Mỹ, không phân biệt mầu da, sắc tộc đã ùn ùn xuống đường biểu tình phản đối bạo hành cảnh sát và nạn kỳ thị chủng tộc. Bạo động và cướp bóc nổ ra ở nhiều nơi buộc chính quyền nhiều bang phải huy động đến Cảnh vệ Quốc gia. Tổng thống Mỹ, Donald Trump còn đe dọa điều động quân đội để « dẹp loạn ».

Nhà nghiên cứu chính trị học, Nicole Bacharan trên kênh truyền hình quốc tế Pháp France24, nhận định tuy không phải là cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc đầu tiên, nhưng sự kiện lần này diễn ra trong một thời điểm mang tính lịch sử : Nước Mỹ đang vật vã đối phó với cuộc khủng hoảng dịch tễ lớn chưa từng có. Dịch Covid-19 đã làm cho hơn 120 ngàn người Mỹ qua đời và lệnh phong tỏa do chính quyền nhiều bang áp dụng để ngăn chận dịch bệnh khiến nền kinh tế đất nước kiệt quệ làm hơn 40 triệu người bị thất nghiệp.

« Cuộc khủng hoảng này tuyệt nhiên là mang tính xã hội. Người Mỹ da đen bị virus tác động nhiều hơn so với những cộng đồng khác. Tại sao ư ? Bởi vì, nhiều người trong số họ thuộc những tầng lớp nghèo. Khoảng 2/3 hay 3/4 người Mỹ da đen là tầng lớp trung lưu. Nhưng những người khác là những người nghèo thật sự, những người lao động nghèo.

Trong số những người Mỹ da đen nghèo đó, những người thường xuyên có vấn đề về sức khỏe là bị ảnh hưởng nhiều nhất, những người mắc bệnh tiểu đường, tim mạch, béo phì. Những người không được hưởng chế độ chăm sóc sức khỏe đều đặn, được theo dõi và nhất là những người bị mất bảo hiểm y tế.

Bởi vì, khi một người bị mất việc làm ở Mỹ, hiện đang có đến 40 triệu người thất nghiệp, thường họ cũng bị mất luôn cả bảo hiểm y tế. Thế nên, có một cuộc khủng hoảng xã hội rất lớn. »

Sự việc xảy ra buộc chính quyền Donald Trump phải nhanh chóng đưa ra một số biện pháp cải tổ ngành cảnh sát. Chỉ có điều, phong trào phản đối « Black Lives Matter » - Mạng sống người da đen cũng quan trọng - không chỉ dừng ở Mỹ mà còn lan sang nhiều nước khác. Vì sao phong trào này lại được hưởng ứng ở nhiều nơi trên thế giới ?

Giáo sư sử học, Marie-Anne Matard Bonucci, trường Đại học Paris VIII trả lời RFI nhận định :

« Bởi vì có toàn cầu hóa thông tin. Hình ảnh video được truyền tải quả thật quá đau lòng và người dân, có thể là do lệnh phong tỏa, có nhiều thời gian hơn để xem. Đương nhiên là các mạng xã hội đóng một vai trò quan trọng rồi, dù rằng hiện tượng kỳ thị chủng tộc vẫn còn khá phổ biến, kể cả trong một bộ phận thế hệ trẻ.

Nhưng cũng có những thế hệ mới rất nhạy cảm với những vấn đề này tại nhiều nước trên thế giới. Và cuộc đấu tranh chống kỳ thị chủng tộc này có thể tiếp nối cho những cuộc đấu tranh chính trị khác, từng tồn tại và diễn ra trong những năm 1960 – 1970 và giờ đây không còn là điểm kết tinh nữa mà bởi vì những hệ tư tưởng lớn ngày nay đang lâm vào khủng hoảng. Người ta không còn mong muốn có cuộc cách mạng nữa, mà chỉ mong ước một sự bình đẳng về các quyền. »

Cái chết của George Floyd còn làm dấy lên một cuộc tranh luận khác. Làn sóng biểu tình tấn công vào các biểu tượng của chủ nghĩa thực dân ở những nơi công cộng. Từ Bỉ cho đến Anh Quốc, những người đấu tranh chống kỳ thị chủng tộc đã cho dỡ tượng những gương mặt tiêu biểu của chủ nghĩa thực dân. Giới sử gia Pháp cảnh báo : « Nếu chúng ta xóa bỏ vết tích của Lịch Sử, một số người sẽ cho rằng điều đó chưa bao giờ tồn tại ! »

Bắc Triều Tiên : Mối đe dọa hạt nhân trở lại ?

Phải chăng mối đe dọa hạt nhân đang quay trở lại trên bán đảo Triều Tiên ? Ngày 16/6/2020, Bắc Triều Tiên đã cho đánh sập tòa nhà được dùng làm Văn phòng Liên lạc Liên Triều. Trước đó một tuần, ngày 09/06, lấy cớ trả đũa Hàn Quốc để cho những người tỵ nạn Bắc Triều Tiên thả truyền đơn, Bình Nhưỡng đột ngột cắt đường dây liên lạc.

Hình ảnh Văn phòng Liên lạc bị đánh sập một lần nữa đã gây sửng sốt trên thế giới. Vì sao Bắc Triều Tiên cho nổ sập tòa nhà này ? Nhà báo Dorian Malovic, phụ trách mục châu Á, nhật báo Công giáo La Croix, trên đài Arte giải thích :

« Bắc Triều Tiên không làm điều gì một cách ngẫu hứng cả, từ việc chọn ngày cho đến các mục tiêu. Ở đây, văn phòng liên lạc này đã được khánh thành cách nay hai năm, năm 2018 và được xem như là biểu tượng của một hình thức ngoại giao giữa hai miền Triều Tiên, một kiểu tòa đại sứ ảo nằm trên lãnh thổ Bắc Triều Tiên, và tượng trưng cho sự hâm nóng quan hệ giữa hai nước (…)

Sự việc mang tính biểu tượng bởi vì điều này gây được tiếng vang lớn, thu hút sự chú ý. Hơn nữa chẳng có ai chết, sự việc chỉ xảy ra trên lãnh thổ Bắc Triều Tiên, không ai có thể phản ứng được. Hàn Quốc không bị tấn công, Hoa Kỳ cũng không bị hổ mặt.

Đó là một biểu tượng nhưng cũng là đối tượng đầu tiên trước khi có những mục tiêu khác tiếp theo trong những ngày và những tuần sắp tới. Thời kỳ hâm nóng quan hệ đang dần bị khép lại. »

Còn theo ông Benjamin Hautecouverture, chuyên gia về các vấn đề hạt nhân và tên lửa đạn đạo, sự việc cho thấy rõ chế độ Bình Nhưỡng đang phải đối mặt với những khó khăn về kinh tế do áp lực của các lệnh trừng phạt quốc tế và cuộc khủng hoảng dịch Covid-19 gây ra. Ông cảnh báo, do không tháo gỡ được bế tắc đàm phán hạt nhân nhằm có được việc dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận, Bắc Triều Tiên có nguy cơ tái diễn các vụ thử tên lửa và hạt nhân.

« Những gì chúng ta đang thấy và đây là cách diễn giải của tôi về những gì đã xảy ra trong những ngày qua và có thể sẽ trở nên kịch phát hơn trong những ngày sắp tới, chính là trên thực tế, các lệnh trừng phạt đang làm suy yếu chế độ. Bình Nhưỡng tuyệt đối muốn rằng Donald Trump dỡ các lệnh trừng phạt trước khi nối lại đàm phán về giải trừ hạt nhân. Nhưng vì tổng thống Trump kiên quyết từ chối, Bắc Triều Tiên tìm cách tạo cớ để nối lại các vụ thử hạt nhân, bằng cách chôn vùi những gì đã được quyết định tại Singapore ».

Ấn – Trung và một mùa xuân nóng bỏng trên dãy Himalaya

Một ngày trước khi Bình Nhưỡng cho nổ sập Văn phòng Liên lạc Liên Triều, trên cao 4.300 mét của dãy núi Himalaya, binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc ngày 15/06/2020 đụng độ nhau dữ dội tại vùng Ladakh, mà hai bên có tranh chấp biên giới.

New Dehli cho biết có 20 binh sĩ thiệt mạng. Phía Trung Quốc chỉ thông báo thiệt hại 5 người, nhưng nhiều nguồn tin không chính thức cho rằng có ít nhất 43 người chết. Ấn Độ và Trung Quốc đổ lỗi cho nhau đã xâm phạm trước tiên đường kiểm soát thực tế (LAC). Cây bút bình luận cho đài France Inter, ông Pierre Haski trước tiên giải thích vì sao sự cố này là đáng lo ngại.

« Trước hết là do quy mô của cả hai nước đông dân nhất hành tinh này : Chỉ riêng hai nước này, đã có tới hai tỷ rưỡi dân. Đó còn là hai cường quốc hạt nhân được trang bị nhiều vũ khí nhất, và còn là hai nước được lãnh đạo bởi những người mang tư tưởng dân tộc chủ nghĩa, lo lắng làm sao không để bị mất mặt.

Đáng lo là vì những sự cố đó không xảy ra lúc trời quang mây tạnh. Bởi vì từ nhiều tuần nay, những điểm căng thẳng đã được báo động dọc theo 3.440 km đường biên giới, và các nỗ lực hạ nhiệt căng thẳng đã không thể nào cản được việc đổ máu.

Tại nhiều khu vực, đường biên giới rất dài này đang có nhiều tranh chấp. Cả hai nước đã từng có một cuộc đối đầu ngắn năm 1962, cuộc chiến tranh duy nhất giữa hai ông khổng lồ châu Á, lợi thế nhanh chóng nghiêng về phía Trung Quốc. Kể từ đó, đường biên giới này được xác định bằng một lằn ranh mà cả hai bên không tài nào có được một sự đồng tình. »

Vẫn theo ông Pierre Haski, nếu chỉ giới hạn cuộc xung đột này ở một cuộc tranh chấp biên giới đơn giản thì đó là một sai lầm. Trung Quốc và Ấn Độ là hai nền văn minh lâu đời nhất, xưa kia từng có những giao tiếp với nhau. Chính từ Ấn Độ, Phật giáo du nhập vào Trung Quốc cách đây gần hai ngàn năm. Rồi hai bên có một thời gian dài chống đối nhau trước khi tìm cách nối lại liên hệ thông qua các trao đổi mậu dịch. Nhưng bối cảnh địa chính trị đã ngăn cản một sự bình thường hóa thật sự.

« Quan hệ Mỹ - Trung xuống cấp có những tác động nặng, bởi vì vào lúc ông Trump tiến hành một chiến lược cô lập Trung Quốc thật sự, ông đã ve vãn Ấn Độ. Nguyên thủ Mỹ có chuyến thăm chính thức tại New Dehli vào tháng 2/2020, ngay trước khi dịch bệnh bùng phát, ca tụng thủ tướng Narendra Modi một cách thái quá. Ông tận dụng chuyến đi này để ký một hợp đồng lớn bán vũ khí Mỹ cho Ấn Độ.

Gần đây nhất, Trump còn đề xuất mời Ấn Độ, cùng với Hàn Quốc và Úc đến dự thượng đỉnh G7 mở rộng có dáng dấp một liên minh chống Bắc Kinh. Một chiến lược « kềm hãm » thật sự như người ta thường nói vào thời kỳ chiến tranh lạnh, hiện đang quay trở lại mạnh mẽ. »

Trung Quốc có cảm giác bị ngăn chận bởi các nước đồng minh của Mỹ, vốn dĩ nghi ngờ Trung Quốc bá quyền ở châu Á. Từ đó để thấy rằng những vụ đụng độ hôm thứ Hai, 15/6 còn là lời cảnh báo cho Ấn Độ, không dễ dàng bước thêm một bước nữa. Đó chính là những gì làm cho các vụ đối đầu trên còn thêm nặng tính đe dọa.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn