Tư cách mõ, lương tâm lái súng và danh dự của một chuẩn siêu cường

Thứ Ba, 09 Tháng Sáu 20208:00 CH(Xem: 4488)
Tư cách mõ, lương tâm lái súng và danh dự của một chuẩn siêu cường
Không phải vô cớ mà tôi sắp xếp ba điều tưởng là chẳng hề ăn nhập gì với nhau liền kề bên nhau: tư cách của nghề mõ, lương tâm của bọn lái súng và danh dự của một quốc gia đang nuôi mộng đại cường.
qjSQ12HBnCieM0OqLOGKyBr7aSYOzJhVhOoKRf-jTZFotsIw2Ba-_TEB2_cWon5HCzxgP-cER9QiSm9TxHOHF2uWPz47-U3QH1RNRVDHcZq2DlfI8uvVa7nwqQuYTtLh_3ElhYwY5oaFIY44NA


Thuận Văn - Tư cách mõ, lương tâm lái súng và danh dự của một chuẩn siêu cường


Mõ bị xem là thứ hạng tầm thường hạ tiện nhất trong xã hội hương thôn thời trước. Tuồng chèo Quan Âm Thị Kính có cảnh pha trò với cái thân phận thấp hèn ấy khi anh mõ cất lời rao, gọi cả làng tập hợp để giải quyết vụ Thị Mầu chửa hoang: “Mõ này lớn tiếng lại dài hơi. Mõ chưa ra là làng chửa được ngồi”. Giọng điệu xem ra rất là ngạo mạn này đã khiến những bậc quyền lực làng đùng đùng nổi giận, tức thời triệu đến để hạch tội dám đòi ăn trên ngồi trước nhưng rồi anh ta, bằng chính thân phận cùng đinh của mình, đã mang lại cho cả làng một trận cười: Nếu mõ chưa ra thì biết lấy ai … trải chiếu để làng có chỗ mà ngồi? [1]

Anh mõ đội cả làng trên đầu này có thể làm chúng ta phì cười khi tự trào với thân phận thấp hèn của mình nhưng anh mõ “Lộ”, nhân vật chính trong truyện ngắn “Tư cách mõ” của Nam Cao, lại làm chúng ta xót khi tự hạ thấp nhân cách của mình xuống chỗ không thể thấp hơn. Vốn là người hiền lành và tự trọng nhưng vì bị cả xứ đạo ganh ghét với bổng lộc có được nên toa rập nhau để cô lập và nhục mạ, Lộ đã trả thù bằng cách gột bỏ hết nhân cách của mình để “ỷ vào cái địa vị hèn hạ” của mình mà quấy nhiễu cả xứ đạo. Nam Cao viết: “Người ta càng khinh hắn, càng làm nhục hắn, hắn càng không biết nhục. Hỡi ôi! Thì ra lòng khinh, trọng của chúng ta có ảnh hưởng đến cái nhân cách của người khác nhiều lắm; nhiều người không biết gì là tự trọng, chỉ vì không được ai trọng cả; làm nhục người là một cách rất diệu để khiến người sinh đê tiện…” [2]

Lái súng, hợp pháp hay bất hợp pháp, là giới làm giàu bằng những phương tiện sát nhân. Mạng người hay sự bất an của xã hội không quan trọng bằng lợi nhuận và chúng bảo vệ tới cùng quyền được làm giàu bằng súng. Có thể hình dung lương tâm của bọn này qua phản ứng đã trở thành “kinh điển” những khi đối mặt với mối thảm họa khai sinh từ súng.

Tiểu bang Conecticut ngày 12 tháng 12 năm 2012. Một tên bệnh hoạn về tâm thần tên Adam Lanza, 20 tuổi, lấy trộm súng của mẹ bắn chết mẹ ngay trong nhà của mẹ rồi phóng xe đến một trường tiểu học, xả đạn bừa bãi trong hai lớp học, giết chết 26 mạng người trước khi quay súng tự sát. Vụ thảm sát cực kỳ vô nghĩa với hàng chục học sinh tiểu học này đã làm nước Mỹ bàng hoàng, bao nhiêu người giận dữ đòi hỏi chính phủ phải làm cái gì đó thật dứt khoát để kiểm soát súng và ông Barack Obama, nguyên Tổng thống Mỹ, cũng đã bật khóc, lên tiếng thúc giục cả hai phía của nền chính trị quốc gia phải có một “hành động ý nghĩa”.

Nhưng Wayne LaPierre, Giám đốc tổng quản trị kiêm Phó Chủ tịch điều hành của Hội súng trường Mỹ, National Rifle Association (NRA), như là đại diện của những người yêu súng và cả kỹ nghệ sản xuất súng, lại im thin thít như một tên đào ngũ. Sau khi câm miệng như thế suốt mười ngày trời hắn mới chịu ló mặt ra với giọng điệu của một kẻ có lương tri hơn cả, vượt lên trên đám đông tầm thường. Hắn tung ra một thông cáo báo chí mà, đại khái, chúng ta có thể diễn nôm rằng mười ngày im lặng qua là mười ngày tôn trọng những nạn nhân bé bỏng, là mười ngày không dây dưa với cái bọn mồm thì to mà lương tri thì bé, cái bọn “dám lợi dụng cái chết của những em nhỏ ngây thơ để thủ lợi về chính trị”!

Nghe thật là cao đạo và, từ đó, kết quả của mười ngày vắt óc suy nghĩ này đã trở thành luận cứ kinh điển của giới lái súng Mỹ khi đối mặt với công luận. Bất cứ khi nào nước Mỹ để tang cho những người Mỹ chết vì súng Mỹ, và chết vì xạ thủ Mỹ, luận cứ này lại được lôi ra hâm lại dưới những biến tấu khác nhau.

Thậm chí, nó này suýt trở thành một thứ sản phẩm trí tuệ để xuất cảng sang Úc.

Tháng 9 năm 2018 hai yếu nhân của đảng cực hữu One Nation, Steve Dickson và James Ashby, bị một tổ chức chống NRA lừa đến Mỹ để xin tiền NRA. Những kỹ nghệ nuôi nấng NRA thì, hẳn nhiên, luôn muốn mở rộng thị trường tiêu thụ súng. NRA cũng rất cần những đồng minh yêu súng. Còn đảng của hai chính trị gia gà mờ kia thì cần phiếu của cử tri. Có tiền để mua phiếu là có thể kiểm soát cân bằng quyền lực tại quốc hội, có thể gây sức ép để nới rộng quyền sử dụng súng tại Úc. Bánh ít trao đi, bánh quy trao lại: One Nation cần tiều để mua phiếu và NRA cần người mua súng, cần đồng minh trong trò chơi súng và như thế NRA phải biết chỗ nên chi tiền. Tuy nhiên, không kể đến chuyện bị lừa, chuyến đi của hai chính trị gia gà mờ này là một chuyến đi thất bại, chẳng xin được một cắc bạc nào ngoài mánh lới đối phó với truyền thông qua bài giảng bỏ túi của hai nhân viên ăn lương NRA khi phải đối mặt với sự giận dữ của cộng đồng do những hậu quả đẫm máu từ súng. “Làm sao mà quý vị dám đứng trên nấm mồ của các em bé này để thúc đẩy nghị trình chính trị của mình. Đáng xấu hổ thay!”, cái bài giảng như một biến tấu từ cái công thức mà LaPierre vắt óc nghĩ ra sau mười ngày ẩn thân trong phòng kín! [3]

Dẫu là đạo đức giả, dẫu là trò đào ngũ, là chiến thuật tránh né sự thật nấp danh đạo đức và lương tâm, những tên lái súng hợp pháp ấy vẫn cố chứng tỏ rằng họ là người tự trọng bởi, qua đó, bọn chúng vẫn bám víu vào một tiêu chí đạo đức đơn giản là, trên đời, trong cách xử sự, trong cách “ăn ở” với nhau, luôn luôn có những thời điểm nhạy cảm mà chúng ta cần phải nể, né, cần phải cẩn thận và ý tứ trong từng cử chỉ, từng lời ăn tiếng nói!

Nhưng với Trung Quốc thì khác, hoàn toàn. Không có bất cứ một thời điểm nhạy cảm nào để nó e dè, kiêng kỵ hay cẩn thận và ý tứ, dù là thật, dù là vờ. Ngay giữa thời điểm mà cả thế giới cuống cuồng với Covid-19, thứ dịch bệnh bùng phát từ Trung Quốc, thì cũng chính Trung Quốc lại tung quân ra càn quét Biển Đông một cách hung hăng, tàn ác. [4]

Như một quốc gia đang nôn nao với giấc mộng đại cường, Trung Quốc đang dồn thế giới vào thế phải đối phó với một quốc gia đã đánh mất hết danh dự khi, giữa cái thời điểm nhạy cảm và nhức nhối như thế này, lại “ỷ” vào cái vị thế không cần biết đến lề luật quốc tế để tiếp tục quấy nhiễu cộng đồng quốc tế!

Anh mõ Lộ trả thù xứ đạo kia bằng cách vứt bỏ hết những gánh nặng của nhân cách. Còn Trung Quốc thì đang loi nhoi nhảy lên lên vị trí của một đại cường quốc bằng cách vứt bỏ những gánh nặng của lương tri và lòng tự trọng.

Adolf Hitler nuôi mộng biết nước Đức thành một đại cường bằng cách làm cả thế giới sợ. Và y đã thất bại. Những chính quyền Mỹ nối tiếp nhau thì biến nước Mỹ thành một đại cường bằng cách làm cho thế giới nể sợ, khiến những đối thủ của mình phải sợ trong khi những đồng minh của mình vừa nể, vừa phải e dè. Nhưng Trung Quốc thì, xem ra, đang cố ngoi lên giành gật cái vị trí đại cường của Mỹ bằng làm cho cả thế giới khinh mình.

Không khinh, không ghê tởm sao được khi nó chà đạp lên chính danh dự quốc gia của nó, không thể hiện một gắng gượng tối thiểu để cho cộng đồng thế giới thấy rằng, ít ra, Trung Quốc cũng biết tôn trọng chính Trung Quốc!


Tác giả chính là Peter Charley, ký giả Úc đảm nhận vai trò giám đốc sản xuất của Đơn vị điều tra của Al Jazeera, văn phòng đặt tại Mỹ.

Năm 2015, chứng kiến thái độ trơ tráo của NRA sau một vụ xả súng, Charley quyết định điều tra sâu vào bộ máy truyền thông của NRA.

Vì NRA rất thù ghét luật kiểm soát súng tại Úc, Charley tìm cách chui sâu vào NRA từ góc độ những người ủng hộ súng tại Úc: thành lập tổ chức giả mang tên “Gun Rights Australia” (GRA), chủ tịch sáng lập là Rodger Muller. GRA có trang web với tiểu sử của chủ tịch Muller đầy súng, tung lên hàng loạt những video clip về các cuộc tranh luận giả trong đó ông Muller hùng hồn phản bác luật kiểm soát súng của Úc trong nhiều năm qua.

Bằng cách này “chủ tịch GRA” Muller đã thuyết phục được các giới chức của NRA và trong suốt hai năm trời đã bí mật quay phim và ghi âm các cuộc trao đổi với các quản trị viên NRA, qua đó thu thập được những “bí quyết” mà NRA đã áp dụng để lèo lái truyền thông, để gây áp lực với các nhà lập pháp, cách để giảm nhẹ tác động từ con số nạn nhân trong các vụ xả súng v.v…

Sau đó đảng One Nation bị mắc bẩy. Năm 2018 Muller tiếp xúc với James Ashby, chánh văn phòng của lãnh tụ đảng Pauline Hanson. Ashby liền vớ lấy cơ hội này, yêu cầu ông Muller sắp xếp để gặp ở các giới chức NRA, có Steve Dickson, từng là Bộ trưởng Thể thao và cá cược Queensland, người đóng vai trò chủ chốt trong việc soạn thảo “chính sách về súng” gồm 21 điểm của One Nation, trong đó có đòi hỏi phải nới lỏng luật kiểm soát súng hiện hành.

Trong một cuộc trao đổi, Ashby và Dickson thảo luận về chiến lược đối phó với truyền thông sau mỗi thảm hoạ xả súng. Nhân viên liên lạc báo chí của NRA là Lars và Dalseide đã mách nước bằng câu trả lời “rất đạo đức”: “Làm sao mà quý vị dám đứng trên nấm mồ của các em bé này để thúc đẩy nghị trình chính trị của mình. Thật là đáng xấu hổ cho toàn bộ ý tưởng này.” Nghe thế, ông Dickson gật gù: “Tôi thích cái này”!

https://vietluan.com.au/
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn