Hồng Kông : Liên Hiệp Châu Âu tránh đối đầu trực tiếp với Trung Quốc ( Hèn, Hãi hay Hứng lợi ? )

Thứ Năm, 04 Tháng Sáu 202010:00 SA(Xem: 4035)
Hồng Kông : Liên Hiệp Châu Âu tránh đối đầu trực tiếp với Trung Quốc ( Hèn, Hãi hay Hứng lợi ? )
rfi.fr

Hồng Kông : Liên Hiệp Châu Âu tránh đối đầu trực tiếp với Trung Quốc

Thu Hằng

Trong hồ sơ Hồng Kông, sau khi Quốc Hội Trung Quốc thông qua dự luật an ninh cho đặc khu hành chính ngày 28/05/2020, Mỹ chọn đối đầu trực diện với Trung Quốc, bãi bỏ quy chế ưu đãi thương mại dành cho Hồng Kông. Chính quyền Anh tuyên bố sẽ cấp hộ chiếu cho hàng triệu người dân Hồng Kông và khả năng nhập quốc tịch Anh nếu Bắc Kinh vẫn kiên quyết áp đặt luật an ninh. Còn Liên Hiệp Châu Âu vẫn chỉ tạm dừng ở những tuyên bố ngoại giao “quan ngại sâu sắc”.

Trừng phạt chính quyền Bắc Kinh vì đã vi phạm quy chế “một quốc gia, hai chế độ” theo Tuyên bố Anh-Trung Quốc năm 1984 “không phải là giải pháp cho các vấn đề của chúng ta (Liên Hiệp Châu Âu) với Trung Quốc”, theo phát biểu ngày 29/05 của ông Josep Borrel, người đứng đầu ngành ngoại giao của Liên Hiệp Châu Âu, sau buổi họp trực tuyến với các ngoại trưởng các nước thành viên.

Ưu tiên đối thoại để bảo vệ lợi ích kinh tế

Đằng sau ngôn ngữ nặng tính ngoại giao và thiếu cứng rắn, thực ra Liên Hiệp Châu Âu muốn tránh đối đầu trực tiếp với Trung Quốc và bảo vệ lợi ích kinh tế, theo nhận định trên trang Le Journal du Dimanche ngày 30/05 của nhà nghiên cứu Philippe Le Corre, thuộc Trường Harvard Kennedy và Quỹ Nghiên cứu Chiến lược của Pháp (FRS).

Hồng Kông trở thành một chủ đề nhạy cảm trong bối cảnh Liên Hiệp Châu Âu và Trung Quốc chuẩn bị họp thượng đỉnh. Ban đầu, thượng đỉnh được dự trù vào tháng Chín tại Leipzig (Đức), do thủ tướng Angela Merkel chủ trì, nhưng Berlin vừa thông báo hoãn do dịch Covid-19. Phía Đức kỳ vọng sẽ đạt được một thỏa thuận song phương với Trung Quốc về bảo vệ đầu tư, hợp tác chặt chẽ hơn trong lĩnh vực bảo vệ môi trường ở châu Phi và tiếp tục là nhà đối thoại đặc quyền của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Điều này giải thích tại sao Berlin ủng hộ biện pháp đối thoại với Bắc Kinh, hơn là trừng phạt, mà một trong các khả năng được nêu lên là hủy Thượng đỉnh 27+1. Ngược lại, theo ngoại trưởng Đức Heiko Maas hôm 29/05, thượng đỉnh với Trung Quốc là cơ hội để “thảo luận với nhau về những chủ đề gây khó chịu”, hiển nhiên sẽ có dự luật an ninh Hồng Kông.

Châu Âu loay hoay thể hiện độc lập với Mỹ

Thêm một lần nữa, Liên Hiệp Châu Âu rơi vào thế lưỡng nan, giữa một bên là yêu cầu Trung Quốc tôn trọng nhân quyền và bên kia hợp tác quốc tế đồng thời vẫn phải bảo vệ được lợi ích kinh tế, thương mại, đặc biệt trong bối cảnh suy thoái do đại dịch Covid-19 gây nên.

Chỉ dừng lại ở việc lên án dự luật an ninh Hồng Kông, Bruxelles cũng muốn giữ khoảng cách với Washington, theo nhận định của AFP. Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian cho rằng “biện pháp tốt nhất là không để bị cuốn theo cuộc đối đầu này (giữa Mỹ và Trung Quốc) và không để cuộc chiến tranh lạnh thứ hai bắt đầu, đó là cách để Liên Hiệp Châu Âu khẳng định tự chủ”. Cách xử lý của Bruxelles trước những tham vọng thành cường quốc của Trung Quốc cũng là “bài trắc nghiệm tham vọng địa chính trị của Liên Hiệp Châu Âu”, theo lãnh đạo ngành ngoại giao châu Âu Josep Borrel.

Tuy nhiên, thực tế quá khứ đã cho thấy đối thoại với Trung Quốc không phải là biện pháp hiệu quả và Bắc Kinh luôn “nói một đằng làm một nẻo”. Liên Hiệp Châu Âu chưa bao giờ chặn được Bắc Kinh gây bất hòa nội bộ của khối (giữa các nước Đông và Tây Âu hoặc Ý với dự án Con đường tơ lụa mới…), dù Bắc Kinh hứa không chia rẽ Liên Hiệp Châu Âu trong cuộc họp thượng đỉnh ngày 11/04/2019 với 16 nước Đông-Trung Âu tại Dubrovnik (Croatia).

Theo nhà nghiên cứu Philippe Le Corre, biện pháp hữu hiệu duy nhất đối với Liên Hiệp Châu Âu là nên tham gia vào liên minh các nước dân chủ để bảo vệ quy chế của Hồng Kông, cũng như bảo vệ khoảng 80.000 công dân châu Âu sống ở đặc khu và hàng chục nghìn doanh nghiệp hoạt động từ nhiều thập niên qua. Liên Hiệp Châu Âu phải tiếp tục bảo vệ những lý tưởng của khối và buộc tuân thủ luật pháp quốc tế, kể cả đối với Trung Quốc, trong khi nước này ngày càng khẳng định vị trí cường quốc, nhưng lại chà đạp lên các nghĩa vụ.

Ý kiến bạn đọc
Thứ Năm, 04 Tháng Sáu 20206:20 CH
Khách
Day that ra la diem yeu kem cua tay phuong noi chung va nuoc My noi rieng.Chinh vi thai do huong thu va tu do ca nhan ,cong voi lop tre chua he biet den chien tranh va bao ve quoc gia, da tao ra tu tuong : SO CHET ! chet thi ai ma khong so,nhung chet lam sao.ly do gi ? ho khong co tu hy sinh vi dat nuoc-hy sinh vi nguoi dan...
Va day la diem thop ma tau cong-trung dong va cac ke thu cua My nam giu va tuyen truyen lam nhut chi khi nhung nguoi yeu nuoc va tre tuoi ruong cot cua quoc gia.Chi khi nao,ke thu da chia sung va ban ha nhu TRAN CHAU CANG,thi dan My moi mo mat va khi do,biet bao nhan mang da phai hy sinh vo ich vi khong ngan chan tu dau...Bai hoc nay van con hien huu o noi day : Nuoc My !
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn