Dịch bệnh và lệnh trừng phạt của Mỹ, « bản án kép » cho Cuba

Thứ Ba, 12 Tháng Năm 20202:01 SA(Xem: 3709)
Dịch bệnh và lệnh trừng phạt của Mỹ, « bản án kép » cho Cuba
rfi.fr

Dịch bệnh và lệnh trừng phạt của Mỹ, « bản án kép » cho Cuba

Minh Anh

Thiếu du khách vì dịch Covid-19 và lệnh trừng phạt của Mỹ, người dân Cuba khổ chồng khổ ; Tổng thống Mỹ Donald Trump nổi đóa vì một đoạn clip video chỉ trích ; Bác sĩ Nga lập « danh sách đen » những y bác sĩ ngã xuống khi chống dịch Covid-19 và Tổng thống Philippines đóng cửa một hãng truyền thông nổi tiếng chỉ trích chính phủ. Trên đây là những nội dung chính của tạp chí Thế Giới Đó Đây tuần này.

Cuba: Hạn trùng hạn

Với 11,2 triệu dân, Cuba có 1.729 người bị nhiễm virus corona và 73 ca tử vong (tính đến ngày 08/5/2020). Nếu như đảo quốc nhỏ này gần như khống chế được dịch bệnh thì nền kinh tế đất nước, vốn dĩ đã khó khăn vì các lệnh trừng phạt của Mỹ nay thêm bội phần khốn khó.

Phải mất sáu giờ để mua một con gà, một giờ cho hai lít dầu, trước các cửa hàng là những hàng người dài hàng chục mét. Chờ đến phiên và mua theo khẩu phần, người dân Cuba từ lâu đã quen với tình cảnh này, nhưng với dịch bệnh, tình hình khan hiếm lương thực – thực phẩm nay đã đạt đến mức chưa từng thấy ngay cả trong những năm khốn khó nhất 1990, sau khi Liên Xô rút đi.

Thiếu gạo, thiếu trứng, thiếu cả những sản phẩm vệ sinh và thậm chí cả nước do mưa ngày càng ít. Thêm vào đó là tình trạng thiếu nhiên liệu, làm dấy lên nỗi lo thiếu cả điện. Chính phủ và giới truyền thông kêu gọi người dân tiết kiệm năng lượng. Bởi vì, mức tiêu thụ điện đã tăng vọt trong những tuần bị phong tỏa nhằm kiểm soát đà lây lan của virus corona và do một đợt nóng bất ngờ.

Nguyên nhân vì đâu ? Thông tín viên Dimitille Piron tại La Habana, giải thích :

« Trước hết, Cuba đang trải qua một cuộc khủng hoảng tài chính từ bao lâu nay do hệ thống kinh tế nhà nước và những khó khăn mà đồng minh chính là Venezuela đang đối mặt. Một trong những động cơ kinh tế chủ lực là ngành du lịch (năm 2018 mang về cho đất nước 3,3 tỷ đô la) hoàn toàn bị ngưng từ một tháng nay. Sự đình trệ này đã ảnh hưởng nặng nề đến lĩnh vực tư nhân (thu hút đến 13,8% lực lượng lao động), vốn không nhận được một sự trợ giúp nào từ chính phủ.

Bảng tổng kết kinh tế còn thêm u ám với việc Hoa Kỳ không buông áp lực khi cấm Western Union thực hiện các dịch vụ chuyển tiền từ tất cả các nước khác, ngoại trừ Hoa Kỳ, hay như thông qua các hình thức trừng phạt những doanh nghiệp nào có làm ăn với Cuba. Chính vì điều này mà các trang thiết bị y tế Trung Quốc gởi tặng và các máy trợ thở đến từ Thụy Sỹ gần đây đã bị chận lại. »

Trước tình hình này, chính quyền Cuba thông báo một kế hoạch kinh tế mới, trong đó sản xuất nông nghiệp là ưu tiên hàng đầu. Đảo quốc này nhập khẩu đến 80% lương thực (trị giá khoảng 2 tỷ đô la) và hiện đang rơi vào tình cảnh cực kỳ khó khăn. Thế nên lương thực dường như đang trở thành một vấn đề cấp bách.

Chính quyền La Habana nhấn mạnh đến hiện tượng biển thủ, gian lận và đánh cắp phổ biến, những tệ nạn này sẽ bị dò xét và trừng phạt nghiêm khắc.

Hoa Kỳ : Donald Trump nổi cơn thịnh nộ vì một clip video

Một đoạn băng hình có tiêu đề « Nước Mỹ tang thương » đã làm cho chủ nhân Nhà Trắng nổi đóa. Đoạn video này do một nhóm nghị sĩ Cộng Hòa, có thái độ thù nghịch với tổng thống thực hiện. Mục tiêu là nhằm làm cho chiến dịch vận động tái tranh cử của ông bị thất bại.

Từ Washington, thông tín viên đài RFI, Anne Corpet tường thuật :

« Một nhóm tự xưng là người của đảng Cộng Hòa, những kẻ thua cuộc, những tên điên rồ, những người mất trí… » những từ ngữ mô tả mà tổng thống Mỹ dùng đến cho thấy rõ cơn tức tối của ông đến mức mà Donald Trump đã tuôn xả dòng tweet vào lúc một giờ sáng.

Đoạn video châm ngòi cơn thịnh nộ của nguyên thủ Mỹ đưa ra hình ảnh những tòa nhà đổ nát, những con phố hoang vắng, người dân Mỹ khẩu trang che mặt nối đuôi xếp hàng, chỉ có một người đàn ông duy nhất là ngồi bệt xuống đất trong hành lang một bệnh viện.

Video liệt kê số người chết, số người thất nghiệp trước khi tuôn ra những lời chỉ trích : "Dưới sự điều hành của Donald Trump, đất nước chúng ta nghèo hơn, suy yếu hơn, bệnh nhiều hơn… Nếu chúng ta vẫn còn bốn năm như thế nữa, liệu có sẽ còn một nước Mỹ nữa hay không ?"

Tiêu đề của đoạn video gợi nhắc lại một khẩu hiệu của Ronald Reagan, mà hầu hết các thành viên đảng Cộng Hòa đều tranh giành thừa kế, và nhóm dựng đoạn video này tự đặt tên là dự án Lincoln.

Ông Donald Trump, trong một cuộc trả lời phỏng vấn hôm Chủ Nhật 03/5 dưới chân tượng đài hùng vĩ vị tổng thống nổi tiếng cho đó là một "sự ô danh". Những thành viên đảng Cộng Hòa trong dự án Lincoln là những cựu cố vấn chính trị của đảng. Người sáng lập nhóm không ai khác chính là chồng của Kellyane Conway, nữ cố vấn của tổng thống. Ông Donald Trump bình phẩm : "Tôi chẳng biết Kellyane đã làm gì với người chồng rối trí, ngớ ngẩn của mình, nhưng chắc chắn đó là điều không phải dễ chút nào…" ».

Covid-19 và danh sách « tử thần » của các bác sĩ Nga

Tại Nga, một tập thể các y bác sĩ đã quyết định lập một danh sách nhằm tưởng nhớ đến những người đã « ngã » xuống khi trên tuyến đầu chống dịch virus corona.

Theo tường thuật của thông tín viên Daniel Vallot từ Matxcơva, danh sách đen về số bác sĩ Nga « ngã gục » vì Covid-19 mỗi ngày thêm dài. Vào ngày 25/4, số bác sĩ thiệt mạng là 70 người thì tính đến những ngày gần đây, con số này đã là hơn 100. Số nạn nhân này lại không được gộp vào trong số thống kê chính thức.

Việc một tập thể các y bác sĩ quyết định thành lập « danh sách tưởng niệm » này còn nhằm mục đích tỏ lòng biết ơn những bác sĩ, y tá hay điều dưỡng đã nằm xuống trong cuộc chiến chống Covid-19, nhưng đồng thời còn để phản đối tình trạng thiếu trang thiết bị bảo hộ, khẩu trang, quần áo bảo hộ. Những rủi ro có nguy cơ kéo theo đà lây nhiễm. Nhiều bệnh viện của Nga đã trở thành những ổ dịch nguy hiểm và buộc phải bị cô lập.

Không chỉ đối mặt với tình trạng thiếu thốn trang thiết bị, những vị bác sĩ đó còn phải chịu nhiều áp lực từ các cấp điều hành. Báo chí Nga những ngày gần đây nói đến nhiều ca tự tử hay có mưu toan tự tử trong nội bộ y bác sĩ. Ít nhất đã có ba người nhảy cửa sổ tự vẫn.

Một yếu tố khác có thể làm gia tăng áp lực đang đè nặng lên các bác sĩ tại Nga: Nguy cơ bị truy tố. Ngay từ đầu mùa dịch, một đạo luật cho phép trừng phạt bất kỳ ai bị cáo buộc là lan truyền tin giả về dịch bệnh. Và những bác sĩ nào công khai làm chứng về những khó khăn của họ trong việc chống đỡ dịch bệnh cũng như là dám nghi ngờ các số liệu thống kê chính thức có thể bị truy tố trước pháp luật.

Philippines : Bị chỉ trích, Duterte đóng cửa một hãng truyền thông

Còn tại Philippines, Nhiều tổ chức bảo vệ nhân quyền gióng chuông báo động sau việc hãng truyền thông chính của Philippines, ABS-CBN bị buộc đóng cửa. Các chương trình phát sóng của hãng truyền thông lớn này đột ngột bị ngưng lại ngày 05/05/2020. Nguyên nhân là vì giấy phép hoạt động của hãng đã không được cấp mới sau 25 năm hoạt động yên ổn.

Hãng tin ABS-CBN tại Philippines nổi tiếng với chương trình chỉ trích tổng thống. Trả lời câu hỏi của RFI, bà Rachel Chloa-Howard, nhà phân tích của Tổ chức Ân xá Thế giới (Amnesty International), văn phòng tại châu Á cho rằng việc đóng cửa kênh truyền thông này cho thấy đây là một bước mới đi đến sự chuyên chế của ông Rodrigo Duterte.

« Chính phủ đang ngụy biện cho quyết định này khi cố làm cho chúng tôi tin rằng đây là một hồ sơ bình thường, chẳng liên quan gì đến chính trị, và ABS-CBN đi đến nông nỗi này là vì họ đã không tuân thủ luật đầu tư nước ngoài.

Nhưng nếu chúng ta nhìn kỹ vào lịch trình, việc nộp hồ sơ đúng hạn cho chính quyền để xin mới giấy phép, cũng như là việc nhiều cơ quan chính thức trước đó đã bật đèn xanh cho việc tái cấp giấy phép trái với ý kiến của chính phủ, thì lời giải thích trên chẳng khớp chút nào.

Có một điều rất rõ là, cú đánh này nhắm vào ABS-CBN là những đòn chính trị. Điều này thật đáng lo bởi vì chúng đưa chúng ta trở về với thời kỳ độc tài của tướng Marcos, người đã áp đặt thiết quân luật để kiểm soát các hãng truyền thông tại Philippines. »

Xung đột với Duterte từ năm 2016

Tổng thống Rodrigo Duterte thường hay tấn công những báo đài nào thường xuyên chỉ trích chính sách của ông, khiến các nhà hoạt động bảo vệ tự do ngôn luận quan ngại. Theo AFP, xung khắc giữa ABS-CBN và lãnh đạo Philippines có từ năm 2016. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, hãng tin này đã bị nguyên thủ Philippines chỉ trích là đã không phát sóng các chương trình vận động tranh cử của ông, và đã không hoàn trả số tiền được cấp để phát những chương trình này.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn