Pháp : Covid-19 làm nổi rõ bất bình đẳng xã hội ( Thế giới chỉ có Tầu, VN, Cu Ba, Bắc Hàn là có bình đẳng thôi )

Thứ Bảy, 02 Tháng Năm 20203:00 CH(Xem: 4777)
Pháp : Covid-19 làm nổi rõ bất bình đẳng xã hội ( Thế giới chỉ có Tầu, VN, Cu Ba, Bắc Hàn là có bình đẳng thôi )

Bất kỳ ai, dù giầu nghèo hay mầu da gì, đều có nguy cơ nhiễm virus corona. Thế nhưng, chiến lược phòng chống dịch Covid-19, trong đó có biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội, lại đào sâu thêm tình trạng bất bình đẳng trên toàn thế giới. Pháp không phải là trường hợp ngoại lệ.

Với biện pháp phong tỏa, chỉ có khoảng 44% người lao động Pháp có thể làm việc từ xa (chủ yếu ở các đô thị lớn), theo thống kê của OpinionWay. Những đối tượng này ít bị dịch Covid-19 tác động về mặt kinh tế. Ngược lại, chỉ có 3% công nhân có thể làm việc từ xa, hơn 50% công nhân bị thất nghiệp bán phần và được hưởng 84% lương thực lĩnh trong giai đoạn dịch. Trong khi đó, rất nhiều sinh viên và thanh niên bị mất việc làm thêm.

Gần 1 tỉ euro cho 3 triệu hộ khó khăn

Khoảng 3 triệu hộ gia đình khó khăn nhất sẽ nhận được một khoản trợ cấp, từ 229 đến 320 euro, tùy theo thu nhập, trong khoản ngân sách gần 1 tỉ euro, được tổng thống Pháp Emmanuel Macron thông báo trong bài diễn văn tối 13/04/2020 :

« Đối với những người nghèo khó nhất, những tuần này là thời gian rất khó khăn. Tôi muốn cảm ơn các thị trưởng, các dân biểu địa phương và các hiệp hội đã rất tích cực hành động cùng với chính phủ. Những tôi cũng muốn đề nghị họ đi xa hơn và chuyển ngay cho các gia đình khó khăn có con cái một khoản trợ cấp đặc biệt để họ có thể đáp ứng những nhu cầu thiết yếu.

Những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, đôi khi sống xa gia đình, đặc biệt là đối với những sinh viên đến từ các vùng lãnh thổ hải ngoại, cũng sẽ được hỗ trợ…

Đối với những người bị thiệt thòi nhất, những người sống cô đơn, chúng ta sẽ kết hợp với các hiệp hội lớn, cũng như với các cơ quan địa phương để họ được đảm bảo ăn uống, được bảo vệ và được hưởng những dịch vụ mà chúng ta cần trợ giúp họ ».

Do mất thu nhập hoặc giảm thu nhập, trong khi phải chi nhiều hơn cho lương thực vì cả gia đình ăn ngày ba bữa tại nhà, nên khả năng tài chính của nhiều gia đình trở nên eo hẹp hơn. Ngoài ra, rất nhiều người trong số họ cũng mất khoản thu nhập phụ nhờ « làm chui », như trông trẻ, dọn dẹp… vì không còn nhu cầu. Một số gia đình khác, khó khăn hơn, bị mất nguồn cung cấp từ thiện từ các tổ chức nhân đạo như Resto Du coeur, hoặc các kho lương thực tương ái…, bị đóng cửa theo quyết định phong tỏa chống dịch. 

Tiếp theo, vì trường học đóng cửa, nhiều gia đình có thu nhập thấp đã mất đi khoản trợ cấp căng tin cho con học tiểu học (tùy theo giá quy định của mỗi thành phố), trong khi lại phải chi thêm để mua thực phẩm tại nhà. Ví dụ tại Paris, họ chỉ phải trả 0,13 euro hoặc 0,85 euro hoặc 1,62 euro/bữa ăn căng tin.

Vì vậy, trước khi chính phủ thông báo khoản ngân sách đặc biệt gần 1 tỉ euro, thành phố Paris, cũng nhiều đô thị lớn khác, đã quyết định chuyển thẳng khoản tiền trợ cấp căng tin đến các gia đình được hưởng. Paris giành 3,5 triệu euro cho 28.579 gia đình thuộc diện trên, mỗi gia đình nhận được từ 50 đến 150 euro.

Hơn 15.700 gia đình ở Marseille, thuộc diện trên, cũng nhận được số tiền trợ cấp tương đương. Tuy nhiên, nhiều lời kêu gọi tương ái đã được đăng trên các trang mạng chuyên quyên góp để giúp đỡ những gia đình khó khăn nhất ở Marseille, theo giải thích với RFI của bà Virginie Aklioouat, thuộc nghiệp đoàn giáo viên SNUipp :

« Tình hình rất đáng lo lắng. Thời gian phong tỏa càng kéo dài thì tình hình tài chính của các gia đình này càng thêm nghiêm trọng. Rất nhiều lời kêu gọi quyên góp xuất hiện trên các trang chuyên quyên góp trên mạng, hoặc một số nơi tổ chức điểm quyên góp lương thực. Theo tôi biết đã có 10 điểm như vậy ».

Cuộc sống bấp bênh của nhiều sinh viên

Một bộ phận sinh viên là đối tượng tiếp theo bị ảnh hưởng nặng nề vì dịch Covid-19. Mất thu nhập làm thêm vì các hàng quán « không cần thiết » bị đóng cửa, lại không có trợ cấp thất nghiệp vì hợp đồng thời vụ nên cuộc sống của họ bấp bênh hơn, không đủ khả năng trả tiền thuê nhà, sinh hoạt phí… Một số sinh viên, được đài truyền hình France 24 phỏng vấn (15/04), cho biết sống nhờ vào những phiếu mua hàng tại các siêu thị mà nhân viên xã hội gửi cho họ.

Các trường đại học Pháp đóng cửa đến tháng 9. Tuy nhiên vẫn có rất nhiều sinh viên ở lại ký túc xá, thường là những người khó khăn nhất, vì gia đình ở xa hoặc là sinh viên nước ngoài. Hầu hết các trường và các hiệp hội sinh viên cố gắng hỗ trợ phần nào cho cuộc sống của những sinh viên này. Ví dụ đại học Grenoble Alpes cho sinh viên mượn máy tính hoặc máy tính bảng, tặng thẻ internet 4G, giúp đỡ tài chính, tâm lý và thực phẩm.

Bà Véronique Pueyo, giám đốc Crous Grenoble Alpes, giải thích với đài phát thanh France Bleu Isère (20/04/2020) :

« Lương thực được Crous phân phối một tuần một lần vào thứ Năm và một lần khác do hội sinh viên Grenoble Agoraé tổ chức. Lương thực của Crous chủ yếu là sản phẩm từ mạng lưới France Frais, từ kho của ngân hàng thực phẩm và kho dự trữ của Crous vì các nhà ăn sinh viên bị đóng cửa nên chúng tôi có nhiều mặt hàng sẽ hết hạn vào cuối năm học và vì thế chúng tôi cung cấp cho sinh viên.

Nhân viên của Crous đóng từng túi thực phẩm cá nhân, sau đó được phân phát ở một nhà ăn ở Grenoble hoặc được hội sinh viên chuyển đến tận những khu ký túc xá nằm cách xa nhà ăn nói trên ».

Vào cuối tháng 03/2020, bộ Đại Học Pháp đã giải ngân 10 triệu euro để « trợ giúp khẩn cấp đặc biệt » cho những sinh viên khó khăn. Đây là khoản đầu tư « cần thiết, nhưng chưa đủ », theo Liên hiệp Sinh viên Pháp (Unef) vì chỉ có thêm 20.000 sinh viên được hưởng khoản trợ cấp này.

160.000 người vô gia cư

Cuối cùng, phải kể đến những người không có chỗ ở cố định. Cùng lúc, họ phải đối mặt với hai khó khăn : virus corona và thiếu ăn. Rất nhiều trung tâm phân phát lương thực, thực phẩm phải đóng cửa. Các nhà hàng hào phóng giúp đỡ lương thực và thức ăn cũng không hoạt động. Nhiều người cũng không thể xin tiền người qua đường vì mọi người đều ở nhà do lệnh phong tỏa. Để giúp đỡ những người có cuộc sống bấp bênh và người nhập cư không được hưởng chăm sóc y tế, tổ chức Y sĩ Không biên giới đã mở một khu khám bệnh miễn phí ở quận 19 Paris, giáp ranh với tỉnh Seine-Saint-Denis.

Tuy nhiên, tình hình phong tỏa cũng khiến một số tổ chức từ thiện, như Emmaüs, nổi tiếng với những cửa hàng nội thất từ đồ thu lượm, đang bị khủng hoảng tài chính. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến 20.000 người được phong trào hỗ trợ. Luôn tự hào về khả năng tự chủ tài chính, lần đầu tiên kể từ 70 năm nay, Emmaüs France đã phải kêu gọi quyên góp và cần đến 5 triệu euro.

Trả lời đài RFI, ông Jean-François Maruszyczak, tổng giám đốc của Emmaüs France giải thích :

« Sự tồn tại của phong trào bị đe dọa trước một nguy cơ lớn : Khả năng tự chủ tài chính của chúng tôi đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì sắc lệnh ngừng mọi hoạt động kinh doanh.

Hiện có 200 trên tổng số 290 cơ sở Emmaüs phải ngừng hoạt động. Như vậy có 20.000 người phải ngừng làm việc tại các trung tâm thu nhặt, quyên góp và bán lại các đồ vật trong các cửa hàng liên đới, vẫn được người dân Pháp biết rõ. Đó là những người có cuộc sống bấp bênh, họ vừa là những người đồng hành, vừa là nhân viên theo diện hòa nhập, tất cả được Emmaüs đón nhận. Đó là những người từng bị tổng thương và gặp khó khăn trong cuộc sống. Chúng tôi muốn giúp họ tái hòa nhập, tự tin vào bản thân. Thế nhưng, công việc này lại đang gặp nguy hiểm.

Hiện nay, chúng tôi không còn tài chính để tiếp tục chương trình vì các cửa hàng Emmaüs đều ngừng hoạt động. Vì thế, chúng tôi kêu gọi quyên góp hỗ trợ trong giai đoạn này, vô cùng phức tạp và mang tính sống còn cho phong trào Emmaüs và cho phép những người đó được tiếp tục công việc trong tương lai. Nếu không, chúng tôi sẽ không còn khả năng giúp đỡ họ và họ sẽ lại phải ra đường ».

Giai đoạn hậu phong tỏa là một chặng mới rất tế nhị đối với chính phủ, vì vừa phải tìm được một lối thoát cho cuộc khủng hoảng dịch tễ, vừa phải nghiên cứu biện pháp để hạn chế khủng hoảng nặng nề về kinh tế. Theo các chuyên gia Quỹ Jean Jaurès, thất bại trong giai đoạn này có thể sẽ dẫn đến một cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng.

RFI

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn