Covid-19 phơi bày sự khinh rẻ của người Singapore với công nhân ngoại quốc

Thứ Năm, 23 Tháng Tư 20208:15 SA(Xem: 3813)
Covid-19 phơi bày sự khinh rẻ của người Singapore với công nhân ngoại quốc

Trong số tin nhắn được lan truyền trong các nhóm chat trên WhatsApp, tin nhắn sau có vẻ nghiêm trọng nhất: "20.000 công nhân ngoại quốc đang bị cách ly trong một số khu ký túc xá lớn. Nếu chỉ 2% bị nhiễm, họ sẽ lây cho bạn gái mình - là các giúp việc. Chúng ta đang nói tới 400 hộ gia đình sẽ bị nhiễm virus".Phép tính này diễn ra theo cấp số nhân để tiên đoán một thảm họa về sự lây nhiễm Covid-19 tại các trường học, công sở, nhà thờ của Singapore. Tất cả được cho bắt bắt nguồn từ các công nhân ngoại quốc.

Tin nhắn trên được lan truyền giữa họ hàng của Balli Kaur Jaswal - một nhà văn nổi tiếng ở Singapore -một vài tuần trước nhưng không hề dự báo về mối liên hệ giữa điều kiện sống của những người công nhân với tình trạng khủng hoảng lây nhiễm như hiện nay. Tin nhắn tập trung vào các hành vi xã hội hơn là những không gian sống chật chội ở các ký túc xá - nơi 20 người đàn ông ngủ chung một phòng và chuyện giãn cách xã hội là điều không thể. 

Công dân nhập ngoại ở ký túc xá North Coast Lodge ở Singapore vào ngày 17.4. Ảnh: EPA.

Công dân nhập ngoại ở ký túc xá North Coast Lodge ở Singapore vào ngày 17/4. Ảnh: EPA.

Kể từ khi Singapore đóng cửa trường học và các dịch vụ không thiết yếu vào đầu tháng, số liệu hàng ngày cho thấy số ca nhiễm ở các ký túc xá tăng lên, nhiều hơn hẳn so với ở các cộng đồng dân cư rộng lớn khác. Tuy từng được khen ngợi vì phản ứng nhanh với Covid-19, giờ đây chính phủ Singapore bị chỉ trích vì bỏ qua điều kiện sống của 1,3 triệu lao động ngoại quốc.

Singapore có được nền kinh tế thành công như hiện tại nhờ vào lực lượng lao động được trả lương thấp từ những quốc gia như Ấn Độ và Bangladesh - những người xây nên các công trình đẹp đẽ nhưng phải sống ngoài rìa xã hội. Khi đại dịch đưa những công nhân này vào trung tâm của sự chú ý, vấn đề kỳ thị sắc tộc cũng nổi lên rõ ràng.

Một bức thư được đăng tải trên bản tin công cộng bằng tiếng Trung cho rằng điều kiện sống của các công nhân ngoại quốc là nguyên nhân khiến virus lây lan nhanh chóng. Người viết nói trong bức thư: "Nhiều người trong số họ đến từ các quốc gia kém phát triển. Họ thích tụ tập và vệ sinh kém. Không phải là chính các công nhân ngoại quốc này phải chịu trách nhiệm cho điều kiện sống của họ bây giờ sao?". 

Bộ trưởng Nội vụ và Luật pháp K. Shanmugam phản đối nội dung của bức thư, cho rằng nó vô cảm và mang tính chất bài ngoại.

Khi nCoV lần đầu "gõ cửa" Singapore vào cuối tháng 1, "thủ phạm" là người nước ngoài. Một tài xế taxi vui vẻ nói rằng anh ta sẽ không chở các hành khách nói tiếng Trung Quốc đại lục. Thành kiến chuyển ngay sang khách du lịch châu Âu, ngay khi Italy và Tây Ban Nha bắt đầu có người nhiễm. 

Nhiều người bày tỏ sự bất bình và lo lắng khi một sinh viên Singapore gốc Trung Quốc ở London bị đánh đập vì sự kỳ thị... Nhưng trớ trêu thay, thái độ ghê tởm người nước ngoài diễn ra trên chính Singapore. 

Những công nhân ngoại quốc và "bạn gái giúp việc" của họ là nhóm người đầu tiên ở Singapore được nếm trải việc cách ly 2 tuần trước khi chính phủ thực hiện việc "ngắt mạch" trên cả nước để ngăn chặn đợt dịch thứ hai. Là chủ của một bảo mẫu người Indonesia, Balli Kaur Jaswal nhận được một email khuyến cáo từ chính phủ kêu gọi giữ cô ấy lại nhà cả vào ngày nghỉ. Nhiều người nghĩ những người phụ nữ này sẽ phải chịu đựng điều kiện vệ sinh cá nhân kém và lây lan virus ở các buổi tụ tập cuối tuần. Nhưng Balli Kaur Jaswal vẫn tin tưởng vào việc có thể tự do di chuyển và chấp hành các biện pháp cách biệt cộng đồng an toàn. 

Sự phân biệt giữa công nhân ngoại quốc và cư dân luôn tồn tại, nhưng sự chia rẽ sâu sắc trong xã hội mới đáng lo hơn. Gần đây, một vài hàng xóm của Balli Kaur Jaswal chỉ trích bảo mẫu của cô vì để đứa bé tháo khẩu trang trong khi đang đi dạo. Bảo mẫu này đã đáp: "Bảo họ thử bắt một đứa trẻ 2 tuổi đeo khẩu trang xem sao". Bảo mẫu của Balli Kaur Jaswal nổi tiếng vì dám đối mặt mạnh mẽ với những lời bình luận kiểu này. 

Năm ngoái, một người phụ nữ dọa sẽ báo Balli vì tội thiếu trách nhiệm của bảo mẫu khi để con cô chân đất chạy chơi ngoài đường. Người đó nói: "Để xem mẹ nó nói gì?", bảo mẫu của Balli đáp lại: "Cô ấy sẽ bảo cô im mồm đi". 

Nhưng trong khoảng thời gian này, cô bảo mẫu ít ra ngoài hơn và đi đâu cũng nhanh chóng về nhà. Cô ấy nói: "Thời buổi này, tốt hơn hết là không nên cãi nhau".

Huyền Anh (Theo SCMP)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn