Covid-19 đã thay đổi cách tôi online và sống thật

Thứ Hai, 27 Tháng Tư 20203:00 CH(Xem: 3329)
Covid-19 đã thay đổi cách tôi online và sống thật

Covid-19 đang đưa con người trở về khoảng thời gian mới làm quen với Internet và xây dựng các mối quan hệ qua mạng.

Cả nước đang trong thời gian giãn cách xã hội, Internet cũng cần thiết không kém các nhu yếu phẩm như lương thực, thuốc men. Dịch bệnh hoành hành, môi trường làm việc thay đổi khiến cách chúng ta tiếp cận và sử dụng mạng cũng không còn như trước.

Không ngần ngại kết nối

Đại dịch Covid-19 đã thay đổi gần như toàn bộ tương tác của con người với xã hội. Chúng ta ở trong nhà, hạn chế các tiếp xúc cơ thể, không còn bắt tay, ôm hôn, thậm chí phải nói chuyện qua lớp khẩu trang và cách xa nhau 2 mét.

Kết nối và giao tiếp giữa người với người dần chuyển từ offline sang online. Không gặp nhau nơi công sở, chúng ta tranh luận trên cửa sổ ứng dụng họp online. Không hẹn hò nơi phố xá, chúng ta chia sẻ với nhau cuộc sống thường nhật trên mạng xã hội, chat qua Zalo, Messenger.

Ở nước ngoài, cứ mỗi thứ sáu vài tuần trở lại đây, hàng trăm người dùng Instagram lại tham gia một bữa tiệc âm nhạc ảo do DJ D-Nice tổ chức. Sự kiện mang tên Club Quarantine được đông đảo nghệ sĩ và chính trị gia nổi tiếng ủng hộ.

Covid-19 da thay doi cach toi online va song that hinh anh 1 dj_d_nice.jpg

DJ D-Nice với Club Quarantine ngay tại nhà và livestream trên Instagram. Ảnh: Instagram.

Rihana, Justin Timberlake, Alicia Keys cho đến Michelle Obama, Joe Biden, Ellen DeGeneres và Mack Zuckerberg cũng ghé thăm buổi livestream. Trong vài giờ đồng hồ, mọi người chia sẻ khoảnh khắc vui vẻ và hòa mình trong âm nhạc cùng nhau qua mạng xã hội.

Ở Việt Nam, một nhóm các bạn trẻ yêu thích trò chơi boardgame đã tổ chức "hội ma sói online" tại nhà. Mọi người phân vai qua group chat và hẹn giờ cùng chơi trên Zoom hoặc Skype.

Covid-19 da thay doi cach toi online va song that hinh anh 2 ma_soi.jpg

Một nhóm các bạn trẻ Việt Nam đã tổ chức "hội ma sói online" tại nhà. Ảnh: Lý Thành Cơ.

Điều mà tôi đang chứng kiến là cả thế giới "tụ họp" trên cùng một mạng lưới thông tin, không chỉ chia sẻ tin tức tình hình dịch bệnh, mà còn tận hưởng khoảng thời gian giãn cách đặc biệt này cùng nhau theo hướng lạc quan nhất.

Nhìn nhận lại các mối quan hệ trên mạng xã hội

Trước khi đại dịch ập đến, tôi nghĩ chúng ta thường khó có thời gian quan tâm tới những mối quan hệ cũ như bạn thời trung học, thầy cô giáo.

Tôi vẫn giữ chế độ "bạn bè" trên Facebook với nhiều người quen cũ nhưng lại ít khi trò chuyện với họ. Với những người đi học, đi làm xa, để duy trì các mối quan hệ này không phải dễ dàng. Tôi vốn nghĩ chắc chỉ có việc quan trọng thì mới có cơ hội để nói chuyện với nhau.

Covid-19 da thay doi cach toi online va song that hinh anh 3 0704.5.jpg

Facebook giúp kết nối các mối quan hệ nhưng con người lại "quên" duy trì nó. Ảnh: Getty.

Từ ngày lên Hà Nội học đại học, rồi đi làm, áp lực công việc, đồng lương và các mối quan hệ mới khiến tôi dần bỏ quên những người bạn cũ. Tất cả chỉ gói gọn bằng việc "add friend" nhau trên Facebook, thỉnh thoảng "like" ảnh hay bình luận đôi ba câu xã giao. Chúng tôi vẫn là "friend" trên mạng, nhưng tôi không dám chắc cái tên đó còn đúng ở ngoài đời.

Tôi có cô bạn chung lớp cấp ba tên Trà, từ ngày Trà đi du học Mỹ, chúng tôi ít liên lạc hẳn, phần vì lệch múi giờ, phần vì cũng không gặp nhau. Mấy hôm nay xem thời sự thấy tình hình dịch bệnh bên Mỹ căng thẳng, tôi mới chợt nhớ ra nhắn tin hỏi thăm. Bạn tôi không kịp đặt vé về Việt Nam nên giờ vẫn ở lại bên đó. Nếu không tiện hỏi chuyện dịch bệnh, chắc tôi cũng chẳng biết Trà giờ đã thay đổi thế nào.

Tôi nhận ra Covid-19 đặt con người vào hoàn cảnh phải cách ly xã hội, nhưng nhờ vậy chúng ta mới có nhiều thời gian hơn để trò chuyện và quan tâm đến nhau thay vì chỉ đơn thuần duy trì những mối quan hệ "ảo" như trước.

Học hành cũng trở nên thú vị giữa mùa dịch

Internet vốn dĩ là kho “bách khoa toàn thư” phục vụ việc học hỏi của con người. Nhưng khi thông tin ngày một nhiều đến mức khó kiểm soát, chúng ta lại có xu hướng ngại tìm kiếm và chọn lọc thông tin.

Thế rồi nỗi buồn chán vì "quarantine time", "work from home", và phải tự xoay sở cuộc sống trong căn nhà của mình, mọi người lại quay về tìm kiếm những thứ mới mẻ trên Internet.

Bạn tôi, N. Lâm, một chuyên viên ngân hàng đã quyết định đặt mục tiêu dành 15 ngày vừa làm việc ở nhà vừa học tiếng Anh online. Lâm học theo các bài giảng trên Youtube và đầu tư một khóa học trực tuyến để sau dịch có thể đi du lịch nước ngoài.

Các tuần gần đây, tham khảo lời khuyên làm việc online hiệu quả, công thức nấu ăn, bài tập thể thao trong nhà, luyện tập kỹ năng mềm hay học ngoại ngữ là những xu hướng phổ biến trong mùa dịch. Tôi nghĩ đây là thời điểm Internet được quay về với "nhiệm vụ cơ bản và sơ khai" của nó.

Sống "thật" vẫn hơn

Trước đây, khi Photoshop, công nghệ chỉnh sửa AI, các bộ lọc màu và hiệu ứng ảnh, video chưa phổ biến trên mạng xã hội, chúng ta từng có một thế hệ Internet trần trụi và thực tế. Nhiều người trẻ bị than phiền vì check-in sống ảo, khoe khoang trên mạng xã hội thì giờ đã đến lúc cần hưởng ứng xu hướng chân thực và đơn giản.

Tôi nhìn thấy sự chỉn chu và bóng bẩy trên Instagram đang dần bớt thịnh hành. Thay vào đó là những chia sẻ về cuộc sống thường nhật ồn ào, buổi livestream tập yoga trong phòng khách bừa bộn, hay hướng dẫn dạy nấu ăn trong góc bếp thân thuộc của các bạn trẻ.

Không còn hình ảnh đi dự sự kiện hào nhoáng, hàng loạt sao Việt hưởng ứng trào lưu "stay at home" bằng những bức hình mộc mạc chia sẻ cuộc sống đời thường.

"Thời gian này chỉ ở nhà, thấy bạn bè la oai oái rồi. Mình thì vẫn ổn vì bình thường không có việc gì cũng chỉ lăn qua lăn lại, đầu xù tóc rối mặc đồ ở nhà chăm mèo thật điệu, thế nên suốt mấy tuần không bước chân ra khỏi cửa vẫn vui...", ca sĩ Phương Ly chia sẻ trên Instagram cá nhân.

Tất nhiên, cách chúng ta dùng Internet bây giờ không thể giống hệt 20 năm về trước. Sự đổi mới của các trình duyệt, bùng nổ tốc độ băng thông khiến Internet ngày một đa dạng hơn.

Internet phát triển ngày càng nhanh và mạnh, mở ra cơ hội tiếp cận cho nhiều đối tượng hơn cũng như làm tăng khả năng gây tranh luận, bất đồng giữa các nhóm, tầng lớp, cộng đồng.

Leah Lievrouw, Giáo sư nghiên cứu về sự thay đổi của xã hội và Internet đánh giá đây là “ý thức cộng đồng chưa từng có”. Đại dịch không làm thay đổi công nghệ, mà thay đổi mối quan hệ của con người với công nghệ.

Chúng ta đang sử dụng Internet theo đúng nghĩa kết nối với thế giới. Đây cũng là thời điểm phù hợp để mọi người đánh giá lại các mối quan hệ và cộng đồng ảo của mình. “Khi gặp khó khăn, con người sẽ lại tìm đến nhau”, như lời ông Sullivan nói.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn